Chúa Ki-tô Vinh Quang

Chuyện bên hồ

Chương 21 giống như “lời bạt” cuối sách. Tác giả kể chuyện mẻ cá do Chúa đứng trên bờ hồ chỉ bảo, bữa ăn do Chúa dọn, cuộc đối thoại với ông Phê-rô và số phận hai người đã cùng nhau chạy ra mộ. Qua đó tác giả tóm tắt về đời sống của cộng đoàn Giao Ước Mới và hoàn tất chân dung của hai nhân vật Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến.

1. Mẻ cá do Chúa chỉ bảo.

Ông Phê-rô và sáu người môn đệ khác (Tô-ma, Nathanaen, hai người con ông Dê-bê-đê và hai người nữa – không kể tên). Ông Phê-rô khởi xướng đi đánh cá, sáu người kia hưởng ứng đi theo. Nhưng suốt đêm chẳng được gì.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: này các chú, không có gì ăn ư?” Họ trả lời: “Không”.  Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi thì sẽ thấy!” Họ thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi vì lưới đầy cá. Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến liến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simon Phê-rô liền lấy áo quấn ngang thắt lưng, vì ông đang trần truồng, và nhảy xuống biến”. [Tôi thay đổi bản dịch một chút cho sát bản Hy Lạp và làm rõ vài chi tiết].

Các sách Tin Mừng đều cho thấy khi gặp Chúa Phục Sinh thì các môn đệ không nhận ra, thậm chí “tưởng là thấy ma” (x. Lc 24,37). Câu hỏi của Chúa Giê-su như chuẩn bị cho bữa ăn tiếp theo sau. Chúa chỉ chỗ cho họ thả lưới. Lưới đầy cá, kéo lên không nổi. Hai người môn đệ đã cùng nhau chạy ra mộ vẫn ở sát bên nhau, nên “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” nói với ông Phê-rô: “Chúa đấy!” Ông Phê-rô như bị điện giật. Cách phản ứng của ông gợi lại cảnh trong vườn Địa Đàng: sau khi ăn trái cấm, hai ông bà thấy mình trần truồng, lấy lá vả (là thứ lá to nhất trong vườn cây ăn trái, gần giống lá đu đủ) kết ngang lưng làm khố, và khi nghe tiếng bước chân Thiên Chúa thì núp vào giữa cây cối trong vườn (x. St 3,7-8). Ông Phê-rô cũng thấy mình trần truồng khi nghe “Chúa đó!”, thay vì mặc áo vào thì ông lại lấy áo quấn ngang lưng và nhảy xuống biển. Đang ở trên thuyền thi chỉ có cách nhảy xuống biển chứ núp vào đâu bây giờ. Nên nhớ, các Tin Mừng Nhất Lãm kể sau khi ông chối Chúa ba lần và gà gáy thì ông nhớ lại lời Chúa đã nói (riêng Lc thì kể Chúa quay lại nhìn ông, ông mới nhớ lại), và ông chạy ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Gioan thì kể tiếng gà gáy, rồi cắt ngang đó. Đến lúc này Gioan mới kể tiếp, ví ông Phê-rô trên biển với A-đam trong vườn. Sự trần truồng của Phê-rô lại chuẩn bị cho việc Chúa cho ông cơ hội tuyên xưng lòng yêu mến và trao cho ông trách nhiệm chăn dắt chiên của Chúa.

Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đày cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.” May là các ông khác không nhảy theo ông Phê-rô!

2. Bữa ăn bên Hồ.

Chúa Giê-su đã hỏi các ông “không có gì ăn ư”, các ông trả lời “không”. Chúa chỉ chỗ cho thả lưới và Chúa dọn bữa cho các ông trên bờ: “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa”. Bữa ăn Chúa dọn có cá và bánh gợi lại bữa ăn Chúa dọn cho đám đông ở trên núi bên kia Hồ (x. Ga 6,1-15).

Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Simon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách”. Chúa Giê-su muốn cho các ông ăn cá vừa bắt được! Ông Simon Phê-rô vẫn giữ vai chủ thuyền và “thuyền trưởng”. Con số “một trăm năm mươi ba” đã là đề tài suy diễn nhiều kiểu trong lịch sử Hội Thánh. Có thể chỉ là một kỷ niệm không thể nào quên, vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ được mẻ cá nhiều như vậy, ắt phải đếm, và không thể nào quên. Nhưng cái kỷ niệm kèm theo “cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách” có thể gợi nhớ lời Chúa nói “trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” (14,2).

Đức Giê-su nói: “Anh  em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.” Lúc nãy họ trả lời không có gì ăn, cũng như lần trước khi ở trên núi bên kia hồ (6,6-7). Cử chỉ của Chúa Giê-su cũng vậy (6,11). Tất cả gợi lại bữa ăn Chúa đãi dân chúng ở trên núi bên kia hồ. Nhưng hôm nay chỉ có Chúa với bảy môn đệ, cá thì Chúa cung cấp, một phần Chúa đặt sẵn trên than hồng, một phần Chúa chỉ chỗ cho các ông bắt.

Chúa Phục Sinh đứng trên bờ, các môn đệ ở trên thuyền. Chúa lên tiếng chỉ chỗ thả lưới trong khi Chúa dọn bữa cho các ông. Bữa ăn giống như bữa Chúa đãi dân ở trên núi bên kia hồ. Hôm ấy Chúa đãi ăn, rồi hôm sau Chúa giảng ở Caphanaum về bánh bởi trời là chính Chúa, phải ăn bằng đức tin, qua Lời và Máu Thịt của Chúa. Hôm nay, bảy môn đệ do Simon Phê-rô dẫn đầu là tiêu biểu cộng đoàn Giao ước Mới ở trên thuyền giữa Biển Hồ, Chúa đứng trên bờ. Chúa lại dùng lời để chỉ chỗ thả lưới và dọn bánh và cá. Các ông không nhận ra Chúa, nhưng sau mẻ cá lạ lùng thì người môn đệ yêu dấu nhận ra Chúa, và khi ăn các ông không hỏi vì biết là Chúa. Đây là bức họa tuyệt vời biểu trưng đời sống của hội Thánh, cộng đoàn Giao Ước mới được nuôi bằng lời và bánh, lời Chúa và Máu thịt của Chúa Phục Sinh. Ở chương 6, khi một số môn đệ chướng tai về lời Chúa bảo phải ăn thịt và uống máu của Chúa, thì Chúa trả lời bằng câu hỏi: “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” Bây giờ Chúa đã lên nơi Chúa ở trước kia, trong lòng Cha, trên bờ. Chúa Ki-tô Vinh Quang có thể nuôi chúng ta bằng Lời và Máu Thịt của Chúa và không gì ngăn cản được: “Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt chẳng có ích gì.”

3. Câu chuyện sau bữa ăn.

Nãy tới giờ có vẻ họ ăn trong thinh lặng, chỉ có Chúa Giê-su lên tiếng bảo đem cá, rồi gọi tới ăn. Chúa đến, tự tay cầm bánh, cầm cá trao cho các ông. Chúng ta có thể hình dung tình cảnh ông Phê-rô, vừa « thấy mình trần truồng », nhảy xuống biển núp, lại ngồi bên đống than hồng do Chúa đốt, ăn bánh và cá từ tay Chúa. “Than hồng” ắt phải làm ông thêm nhột, vì cái đêm khốc hại trong dinh thượng tế, chuyện cũng xảy ra bên đống than hồng của bọn tôi tớ. Sau bữa ăn, Chúa Giê-su lại phá vỡ sự thinh lặng. Chúa lên tiếng hỏi ông Simon Phê-rô trước mặt anh em : « Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ? » Ông đáp : « Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy ». Cái chữ « hơn » ắt làm ông nhột, vì gợi lại đêm tiệc ly, ông đã dõng dạc cam kết « Sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy ». Hôm nay ông chỉ còn dựa vào Chúa là Đấng biết lòng ông. « Đức Giê-su nói với ông : « Hãy chăm sóc chiên con của Thầy ». Người lại hỏi : « Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy không ? » Ông đáp : « Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy !» Người nói : « Hãy chăm sóc chiên của Thầy ». Người lại hỏi lần thứ ba : Này anh Simon con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ? » Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi đến ba lần : « Anh có yêu mến Thầy không ? » Ông đáp : « Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy. » Đức Giê-su bảo : « Hãy chăm sóc chiên của Thầy ». Lần thứ ba nàythì ông buồn ra mặt, hẳn là ông thấy Chúa như cố tình đổi lại ba lần ông chối Chúa trong đêm ở dinh thượng tế. Ông nại đến sự thông biết vô cùng của Chúa : « Thầy biết rõ mọi sự » (x. Tv 139).

Trong câu chuyện ba lần Chúa hỏi, ba lần Ông Phê-rô thưa, ba lần Chúa trao nhiệm vụ cho ông, có sự thay đổi từ ngữ Chúa dùng, hai động từ khác nhau để nói về yêu mến, hai động từ khác nhau về chăn chiên, hai danh từ khác nhau về con chiên. Chúng ta không biêt có tầm  quan trọng đáng kể hay không. Phía ông Phê-rô thì ba lần dùng cùng một động từ nói về yêu mến như bạn bè, và lần hỏi thứ ba thì Chúa cũng dùng động từ này.

Điều đáng chú ý hơn cả là lần thứ nhất Chúa hỏi thì Chúa so sánh « hơn », hai lần sau thì Chúa bỏ sự so sánh. Khi Chúa hỏi lần thứ ba thì ông Phê-rô buồn và ông nại đến sự thông biết vô cùng  của Chúa. Gioan nhiều lần cho thấy Chúa Giê-su biết rõ ý nghĩ trong lòng người ta ; cuối câu chuyện trong phòng Tiệc Ly, các môn đệ nhìn nhận : « Giờ đây chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến » (16,30). Ông Phê-rô đã thấy mình trần truồng đến tột cùng trước mặt Chúa, thậm chí cả đến tâm tình thầm kín nhất là lòng yêu mến Chúa, có còn hay không thì ông cũng chỉ biết dựa vào sự thông biết vô cùng của Chúa thôi. Chính khi ấy Chúa mới trao cho ông chăn dắt chiên của Chúa, như một người bạn thân tín mà Chúa có thể tin tưởng hoàn toàn.

Viết đến đây tôi không thể nào dằn sự liên tưởng tới Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khi trả lời phỏng vấn : « Jorge Bergoglio là ai ? » – « Tôi là người tội lỗi được Chúa nhìn đến ». Và hình ảnh trong Tin Mừng ngài chọn như biểu tượng của chính mình là cảnh Chúa gọi thánh Matt-thêu, người thu thuế. Bao lâu nay giới truyền thông « nhai những xì-căng-đan » xảy ra trong Hội Thánh như kẹo cao-su, và săn tìm như vật quí báu để lấp đầy, bán chạy. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tuyên bố : chính tôi là người tội lỗi đây, có gì lạ đâu ! Cái lạ là ở chỗ được Chúa nhìn đến, được Chúa xót thương. Và từ đó người ta tìm xem Chúa xót thương ở chỗ nào.

Trong phòng tiệc ly, Chúa Giê-su đã nói : « Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh  em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh  em thực hiện những điều Thầy truyền dạy » (15,12-14). Hôm ấy ông Phê-rô đã đòi thí mạng vì Chúa, nhưng Chúa bảo « hãy đợi đấy ! » Chúa không cần ông thí mạng vì Chúa, bởi vì Chúa phải thí mạng vì bạn hữu trước, để cho bạn hữu biết « yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh  em » là gì, như thế nào, đến mức nào. Hôm nay thì ông Phê-rô đã ba lần tuyên  xưng ông là bạn của Chúa, nên Chúa cho ông được nên giống Chúa, chung phần với Chúa hoàn toàn như mục tử. Chúa trao đoàn chiên của Chúa cho ông. Chúa đã thí mạng vì đoàn chiên, ông Phê-rô cũng sẽ được thí mạng, nhưng không phải vì Chúa mà vì đoàn chiên của Chúa. Bây giờ Chúa mới cần đến cái mạng của ông đây ! « Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn ». Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : « Hãy theo Thầy. » Thế là ông Phê-rô được gọi lần thứ hai sau khi Chúa cho ông biết rõ nhiệm vụ và số phận của ông. Bây giờ thì ông biết rõ theo Chúa nghĩa là gì.

Thế là Chúa chăm lo cho đoàn chiên : Chúa nuôi bằng Lời và Bánh, Chúa lại cho có người bạn thân của Chúa để dẫn dắt như mục tử.

4. « Người môn đệ kia mà Chúa Giê-su thương mến ».

Ông Phê-rô cũng thay mặt cho chúng ta để tò mò lần chót về « người môn đệ kia mà Chúa Giê-su thương mến ». « Thưa Thầy, còn anh này thì sao ? » Đức Giê-su đáp : « Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy ». Câu trả lời của Chúa về người môn đệ yêu dấu đầy bí ẩn và đã gây ngộ nhận ngay cho thế hệ thứ nhất. Ở đây Chúa tỏ ra dứt khoát với ông Phê-rô. Anh cứ biết phần anh, « hãy theo Thầy ».

Ông Phê-rô thì sẽ theo Chúa đến hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, còn « người môn đệ Chúa Giê-su thương mến » vẫn « còn ở lại » như một câu hỏi mà đến nay chưa có câu trả lời. « Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh ? » Nhưng dù ta không biết tên ông, không biết số phận của ông, thì cũng có những điều ta được biết về « người môn đệ Chúa Giê-su thương mến ». Mời độc giả đọc kỹ những lần ông xuất hiện trong Tin Mừng Gioan, từ chương 13 tới chương 21, không phải để xem tại sao ông được Chúa thương mến, nhưng để xem Tình Thương của Chúa đã tác động trên ông như thế nào ? Ông cư xử như thế nào với tư cách người môn đệ yêu dấu của Chúa Giê-su? Ông là khung hình bỏ trống trong địa chỉ email để ta đưa hình của mình vào : mỗi người chúng ta là người môn  đệ Chúa Giê-su yêu dấu, như tôi đã trình bày trong bài về Cuộc Thương Khó. Những nét Tin Mừng Gioan cho biết về ông làm thành chân dung người môn đệ yêu dấu để chúng ta noi theo. Ông Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến là hai khía cạnh không thể tách rời của cộng đòan Giao Ước Mới. Người chăn chiên phải chết vì đoàn chiên. Vì đoàn chiên là của Chúa, Chúa đã chết vì đoàn chiên trước. Cộng đoàn Giao Ước Mới là người yêu của Chúa sẽ còn ở lại cho đến khi Chúa đến.

Như đám con gái hỏi « nàng » trong Diễm Ca (5,9) « Người cô yêu có gì hơn những chàng trai khác… » Chúng ta hãy chờ ngày Chúa đến và hỏi lại Chúa : « Chúa cho con coi ai là người môn đệ Chúa thương mến, mặt mũi người ấy ra sao, người ấy có gì đặc biệt mà được Chúa thương mến… », Chúa sẽ âu yếm nhìn ta, mỉm cười và nói : « Là con đấy, ngốc ạ ! » rồi ôm ta vào lòng mà cất tiếng ca : « Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn  vẹn » (Diễm ca 6,3).

Giê-ru-sa-lem, thứ hai Phục Sinh 2014

L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường

“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *