Chứng biếng ăn tâm thần

Một thanh nữ 21 tuổi đã thú nhận như sau: “Năm lên 14 tuổi, tôi phát giác ra nơi tôi triệu chứng biếng ăn, nhưng ít lâu sau tôi lại ăn uống vô độ: từ 45 ký, tôi tăng lên 75 ký, hoặc mất ký trở lại một cách dễ dàng, và sự lên xuống bất thường này làm thân thể tôi bị tổn thương: da bị tróc vảy, áp huyết cao, bao tử bị lở loét; tôi không hiểu tại sao và do đâu đã phát sinh triệu chứng bất thường như thế?

Biếng ăn tâm thần là một hình thức xáo trộn tâm lý, khước từ thực phẩm bất kỳ thích hay không thích. Tại sao? Trước hết vì lý do thẩm mỹ: bệnh nhân cho rằng mập là nặng nề, không đẹp; còn gầy là nhẹ nhàng, thanh đẹp. Khước từ ăn uống còn là biểu tượng của khước từ tất cả những gì liên quan đến đời sống, là phủ nhận chính bản thân mình. Sự bất mãn với chính mình thường được biểu lộ qua những kiểu nói như: “Tôi là người vô dụng, không có khả năng gì, không đáng giá gì với ai.

Thật ra đó chỉ là lời kêu cứu sự đói khát sâu xa nhất: đói khát tình thương và thường được che đậy dưới hình thức tự hào. Vì không thể tự hào với ai khác, nên đành phải tự hào với chính mình qua việc làm chủ nhu cầu ăn uống. Với triệu chứng biếng ăn, người ấy muốn nói lên thái độ bất cần, nhưng thật ra lại cần đến tình thương và sự chú ý của người khác hơn ai hết; thực phẩm chỉ là một từ đồng nghĩa với tình thương, là lương thực tinh thần để duy trì sự sống.

Sự đồng hóa giữa thực phẩm và tình thương được ăn rễ sâu từ tuổi thơ ấu và được bộc phát qua liên hệ giữa đứa trẻ và người mẹ hoặc người vú nuôi. Nếu được ăn no, đứa trẻ sẽ phát triển và có cảm tình tốt với người cho ăn, nhưng nếu bị bỏ đói hoặc không đủ ăn, đứa trẻ sẽ cảm thấy bất an. Suốt đời, mỗi người sẽ bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực về những kinh nghiệm từ thời măng sữa này. Lý do của căn bệnh biếng ăn từ thủa ấu thơ thường là vì người mẹ quá bảo vệ con mình, không để nó được tự do phát triển, người mẹ muốn kiểm soát từng bước đi, từng cử chỉ của con, thêm vào đó là ảnh hưởng bởi cách đối xử của các anh chị em khác làm đứa trẻ dần dần lớn lên với mặc cảm tự ti, cảm thấy mình vô dụng không có khả năng làm được gì. Đến tuổi dậy thì, mặc cảm tự ti đó trở nên như gánh nặng đè lên tâm trí, vì thế phản ứng tự nhiên là bỏ ăn để chứng tỏ với bản thân là ít ra mình cũng có thể làm được điều gì đó. Bệnh biếng ăn thường xảy ra cho trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam, vì trẻ nam thường được tự do hơn trẻ nữ và do đó ít khi phải nại đến chứng biếng ăn để trả thù những dồn nén tinh thần. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh biếng ăn là một cách gián tiếp diễn tả sự bất mãn với chính bản thân nơi trẻ nữ và khát vọng thầm kín được trở nên như trẻ nam.

Triệu chứng đối nghịch với biếng ăn là ăn uống quá độ, nhưng lý do vẫn là một tức là phủ nhận nữ tính của mình, là khát vọng được yêu thương, được cảm thông. Ăn uống quá độ là một hình thức bù trừ vào sự thiếu hụt và đói khát tình thương, đồng thời là phương cách gián tiếp hủy bỏ chức năng làm vợ, làm mẹ của mình. Mặc dù biết rằng ăn uống quá độ sẽ làm tổn thương đến sức khỏe và thân hình, nhưng đó cũng là một hình thức tự vệ tâm lý khỏi những bất an tâm thần và sự phủ nhận chính mình.

Cũng có nhiều khi những người mắc phải triệu chứng biếng ăn, sau một thời gian là trở sang bệnh ăn uống quá độ. Điều đó cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa hai triệu chứng đối nghịch vì phát sinh từ một gốc rễ chung là sự từ chối ăn uống hoặc vì đã bị từ chối tình thương, hoặc để bù trừ sự thiếu vắng tình thương mà họ luôn khao khát được lấp đầy hầu lấy lại sự quân bình bên trong.

Để chữa trị hai triệu chứng đối nghịch trên, cần phải can đảm và thành thực nhìn vào thực trạng bản thân, ôn lại những kỷ niệm của tuổi thơ còn in đậm nét trong tâm trí để khám phá ra những lý do thúc đẩy những phản ứng tự nhiên đang làm chủ giây phút hiện tại, và để nhận ra đâu là những tình cảm, những khát vọng đang bị dồn nén hoặc chưa được giải tỏa xong. Nếu bạn vô tình mắc phải những triệu chứng đó, thì viên thuốc cần đến là ý chí cương quyết muốn thoát khỏi chứng bệnh đó, là chấp nhận thi hành những lời chỉ dạy của những người khôn ngoan, là cởi bỏ dần những mặc cảm tự tử. Người Ý có câu: “Cổ họng giết người hơn dao nhọn”. Thật vậy, ăn uống quá độ làm tổn thương đến sức khỏe thể xác và tinh thần; ham mê ăn uống là một trong bảy thói hư tật xấu; một người ăn uống thiếu điều độ là người thiếu tự chủ, thiếu khôn ngoan, thiếu bản lãnh.

Nếu bạn chọn bỏ ăn uống hoặc ăn uống quá độ để bù trừ những thiếu hụt tình thương của tuổi thơ, tức là bạn đang thoái lui thay vì trưởng thành về tâm lý song song với sự phát triển về thể xác; nói khác đi, bạn đang vạch ra cho mình hai hướng đi ngược chiều: không tiến về mặt phát triển thể xác, nhưng lại thoái lui về mặt tâm lý. Chính hai hướng đi ngược chiều này là lý do gây nên những giằng co, căng thẳng và khủng hoảng trong đời sống của bạn.

Bạn cũng đừng quên rằng bạn không có trách nhiệm gì về những thiếu hụt của tuổi thơ ấu, đó là những hạn hẹp không thể tránh khỏi. Mỗi người bước vào đời sống với số vốn tinh thần mà cha mẹ, môi trường gia đình và xã hội có thể ban tặng. Trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về nén bạc, người thì nhận được năm nén, người khác hai nén, người khác nữa một nén. Điều quan trọng không phải là nhận được bao nhiêu, nhưng là biết tận dụng những gì đã lãnh nhận và làm lợi theo khả năng. Chúa Giêsu khen tặng người nhận năm nén làm lợi thêm năm nén, cũng như người nhận hai nén làm lợi thêm hai nén, nhưng Ngài khiển trách người đầy tớ tự ti mặc cảm vì thấy mình chỉ nhận được một nén, rồi đem chôn nén bạc không sinh lợi thêm được gì.

Người thành công trên đời không phải là người lúc nào cũng đạt được như lòng ước nguyện, nếu vậy thì còn đâu là cơ hội để rèn luyện ý chí. Trái lại, người thành công hơn cả là người tuy có ít, nhưng biết làm lợi nhiều, biết tận dụng vốn liếng tinh thần để ích lợi cho bản thân và cho người khác. Bạn cảm thấy thiếu tình thương ư ? Hãy bắt đầu yêu thương đi. Bạn bị hiểu lầm ư? Hãy từ đó mà học thông cảm với người khác, bởi vì như thánh Phanxicô Assisiô đã nói: Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Bạn hãy tập cho đi và bạn sẽ nhận được tràn đầy.

Pasquale Ionata

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …