Chứng nhận làm người

 

Một vị linh mục đã kể cho tôi nghe một câu chuyện mà ngài vô tình đọc được trên một trang báo điện tử như sau:

Người đàn ông với chiếc nạng bên hông ngỏ lời năn nỉ người nhân viên soát vé xe vì ông đã làm rơi mất tấm vé mới mua:
– “Anh làm ơn cho tôi đi chuyến xe này. Tôi đã dùng hết số tiền mình có để mua tấm vé lúc nãy rồi. Mớ tiền lẻ còn trong túi không đủ để mua lại tấm vé khác. Anh thông cảm cho kẻ tàn tật này!”.

Nhân viên soát vé nhìn người đàn ông, anh ta tỏ vẻ khinh bỉ lớn tiếng:

– “Vậy cho tôi xem giấy xác nhận tàn tật rồi tôi cho ông lên xe.”

Người đàn ông chưng hửng vì lần đầu nghe tới giấy xác nhận tàn tật, ông vội nói:

– “Anh nhìn nè! Tôi tàn tật thiệt mà!”, vừa nói ông vừa quơ chiếc nạng bên chân bị tật trước mặt nhân viên soát vé. Anh ta không nhìn mà chỉ nói:

– “Ở đây không xét người, chỉ xét giấy. Nếu có tiền mua vé khác hoặc có giấy xác nhận tàn tật thì đi. Không thì về!”.

Một người khách đứng gần đó khó chịu với thái độ của nhân viên soát vé từ nãy giờ, vội chạy lại nói với anh:

– “Này anh kia! Anh có phải là con người không?”.

Anh nhân viên lúng túng trả lời người khách kia:

– “Tôi… tôi… là người mà!”.

Vị khách hỏi thêm:

– “Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận làm người của anh đi!”.

Nhân viên soát vé càng lúng túng hơn:

– “Làm gì có giấy chứng nhận làm người!”.

Vị hành khách trả lời với nét mặt lạnh lùng:

“Xin lỗi anh! Tôi chỉ xét giấy chứ không xét người. Anh không có giấy chứng nhận làm người thì nghĩa là anh không phải là người.”

___________________________________________________________

Trước hết tôi muốn xin lỗi vì không thể tìm lại nguồn câu chuyện trên trang báo điện tử để trích nguyên văn mà chỉ thuật lại theo lời kể của vị linh mục. Sau đến tôi muốn cám ơn trang báo và cám ơn lời kể của vị linh mục đã cho tôi một bài học đầy ý nghĩa về tương quan con người.

Ở đâu xã hội càng phát triển và nhiều đóng góp mới mẻ hiện đại, thì hẳn ở đó cần đến tương quan con người nhiều hơn hết. Dám nghĩ như thế bởi quan sát thực tế cho thấy những khủng hoảng về mọi mặt đời sống con người ngày nay khởi đi từ nguyên nhân chính là đổ vỡ tương quan. Hẳn đã có ai đó cho rằng công nghệ hiện đại có thể thay thế cho những tương quan ấy. Ví dụ thay vì gặp gỡ trực tiếp, thì người ta có thể trò chuyện qua điện thoại, Zalo, Zoom, Gmail… Thay vì đích thân gửi tặng những món quà trực tiếp đến tay người nhận, người gửi có thể nhờ vận chuyển quà hay thậm chí tặng những tấm thiệp trực tuyến mà không phải tốn kém chút phí nào. Thay vì cứ phải làm việc với con người, thì một chiếc máy tính bàn, laptop, điện thoại di động cũng đảm bảo cho một người hoàn tất công việc… Nhiều điều khác nữa có thể kể đến.

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không thể suy xét kết quả để đánh giá toàn bộ vấn đề. Nếu chỉ đánh giá chất lượng cộng việc qua kết quả ghi nhận trên hệ thống máy tính thì quả quá vô tình, vì người quản lý đâu biết những khó khăn, thách đố mà người nhân viên phải cố gắng để hoàn tất công việc ấy như thế nào. Nếu chỉ đánh giá tương quan con người trên phương tiện giao tiếp với tần suất bao nhiêu lần, nói những chuyện gì, chất lượng cuộc giao tiếp ra sao thì thực điều ấy quá nông cạn. Bởi tương quan con người còn là sự quan tâm, giúp đỡ cùng giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống. Một cuộc gọi điện trực tuyến làm sao biết chắc người bên kia màn hình hoàn toàn khỏe mạnh và gia đình họ vẫn bình an. Để một khi chuyện đã rồi thì người bên này màn hình chỉ biết nói: “Vậy sao? Tội nghiệp quá!”. Tương quan con người chỉ vậy thôi sao?

Hẳn quan điểm của người viết không phủ nhận vai trò của công nghệ hiện đại, cũng không đánh giá thấp những sáng tạo của con người. Nhưng vẫn luôn nhớ rằng công nghệ và sáng tạo là sản phẩm của con người, chứ chúng không phải là ông chủ của con người. Hẳn con người đã sáng tạo ra chúng thì một ngày nào đó cũng có thể hủy hoại chúng. Vì thế, thái độ tựa nương thái quá vào những vật chất như thế là điều lệch lạc khiến vật chất thành mục đích và con người thành phương tiện. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu chuyện mở đầu mà tôi đã phần nào cảm nếm được. Làm sao biết được tấm giấy xác thực người tàn tật là chính xác trong khi người tàn tật thực sự đang đứng trước mắt lại không được công nhận. Chính vì xem trọng tờ giấy xác nhận cho thấy tờ giấy quan trọng hơn con người, người nhân viên quên rằng tờ giấy ấy, nếu có, cũng chỉ là công cụ xác thực cho sự tàn tật của người đàn ông ấy mà thôi. Còn đàng này, người nhân viên đánh giá vấn đề theo chiều kích ngược lại.

Con người chất chứa nơi mình nhu cầu tương quan dù bất cứ thời đại nào. Có thể phân tích ra rất nhiều tương quan đan quyện nơi một người. Cụ thể như các tương quan trong: gia đình, công việc, xã hội… Nơi mỗi môi trường họ đảm nhận một vai trò khác nhau và nối kết với người khác để giúp nhau gìn giữ và thăng tiến môi trường sống của họ. Điều quan trọng là họ không xem những phương tiện vật chất làm nền tảng, mà chính yếu là việc thăng tiến nhân cách và đời sống bản thân và mọi người. Một tương quan cũng được xây dựng trên tinh thần tôn trọng phẩm giá con người. Cái nhìn phổ quát và đại đồng về nhân phẩm con người giúp ta có cái nhìn bao dung và dễ đón nhận nhau hơn. Chính vì thế, trong bất cứ môi trường nào mà phẩm giá con người được tôn trọng xứng đáng thì đảm bảo rằng tương quan con người trong môi trường ấy cũng được phát triển cách bền vững.

Qua câu chuyện, tôi nhận ra đây cũng là một lời mời thực tế mà tôi cần suy xét trong Mùa Chay này. Tôi đã có những tương quan nào? Tôi đối xử với những tương quan ấy ra sao? Đâu là điều tôi cần nỗ lực thực hiện hay khắc phục trong những tương quan ấy? Hay tôi tự hỏi mình cách chân thành rằng: Tôi đã xem anh chị em tôi là một con người thật sự hay không?

Khi dám đối diện với thực tại những câu trả lời của mình, tôi vỡ ra nhiều lẽ khiến bản thân bất ngờ. Tựa như thái độ bất ngờ của người nhân viên soát vé xe khi bị người khách đòi cho xem giấy chứng nhận làm người của anh ta vậy. Vậy mà lâu nay…

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *