Chúng ta phải giải quyết sang chấn do biến đổi khí hậu gây ra

 

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường của chúng ta; nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Nội dung chính

  • Những người bị sang chấn do biến đổi khí hậu gây ra có thể mắc chứng ám tưởng[1] và các triệu chứng thể chất khác như buồn nôn hoặc lên cơn hoảng sợ.
  • Đau buồn sinh thái là cảm giác buồn bã và thất vọng cách ý thức hoặc vô thức vì những tổn hại trong thế giới tự nhiên.
  • Có qua có lại là chìa khóa cho mọi mối tương quan, kể cả với thiên nhiên.
  • Mô hình về sự hài hòa môi sinh của Joanna Macy là một mô hình bao gồm sự đồng bộ của chủ nghĩa hành động tích cực, thay đổi cơ cấu (địa phương và toàn cầu) và tự chăm sóc.
Hình ảnh: behance.net

Mối liên hệ giữa tâm lý con người và môi trường

Sang chấn là phản ứng cảm xúc đối với một sự kiện gây tổn hại như thảm kịch, bạo hành, cưỡng hiếp, tai nạn hoặc thiên tai. Đôi khi bị sốc và đôi khi phủ nhận là phản ứng điển hình trong số các phản ứng ban đầu, nhưng những ảnh hưởng lâu dài hơn bao gồm nỗi đau buồn, ám tưởng, khó khăn trong các mối tương quan và đôi khi là các triệu chứng thể chất như buồn nôn, đau đầu, đau bụng và các cơn hoảng loạn. Tác động của biến đổi khí hậu đang tạo ra một loạt các yếu tố gây căng thẳng trên hành tinh của chúng ta, kéo theo sự gia tăng về cường độ và tần suất của các cơn bão, mức độ nghiêm trọng của hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, v.v.

Tâm lý học sinh thái là một ngành học đang phát triển, kết hợp giữa tâm lý học và sinh thái học, giải quyết một thực tế quan trọng là nhu cầu của hành tinh đan xen với nhu cầu của con người và cả hai đều không thể chữa lành một cách độc lập (Delaney, 2020). Các nhà tâm lý học sinh thái cũng thừa nhận: sự tồn tại của căng thẳng môi sinh có thể biểu hiện một cách có ý thức (như tức giận hoặc buồn bã trước tình trạng bị tàn phá của thế giới tự nhiên) hoặc vô thức (như tình trạng lo âu và sợ hãi mà ai đó có thể cảm nhận mà không biết nguyên nhân trực tiếp) (Buzzell & Chalquist, 2010). Căng thẳng môi sinh là hậu quả của việc chứng kiến ​​trái đất và cư dân trên đó đang phải chịu đau khổ, chứng kiến ​​cảnh mất đất và các loài sinh vật, tiêu thụ quá mức cách có hệ thống, đối phó với những người phủ nhận biến đổi khí hậu và sự gia tăng nỗi sợ do sự nóng lên toàn cầu.

Chúng ta có thể trợ giúp bằng cách nào?

Với tư cách là một xã hội học hay một nhà trị liệu, chúng ta cần thừa nhận và sau đó giải quyết những tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Chúng ta có thể trò chuyện trực tiếp với khách hàng về mối liên hệ giữa họ với thế giới tự nhiên, cũng như việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến những lo âu và sợ hãi của họ. Chúng ta cũng cần phải trực tiếp chữa lành chấn thương do biến đổi khí hậu gây ra; hàn gắn mối tương quan giữa bản thân chúng ta và khách hàng với thế giới tự nhiên; giới thiệu khái niệm có qua có lại – thông qua các hành động cùng có lợi, hành tinh chăm sóc chúng ta (thức ăn, nước uống, không khí, vẻ đẹp) và chúng ta có thể chăm sóc hành tinh (bảo tồn, hành động, vận động). Có qua có lại trong tất cả các mối tương quan, bao gồm cả tương quan với thế giới tự nhiên, là cách lành mạnh nhất để duy trì các kết nối mang đến sự mãn nguyện và cùng có lợi.

Với tư cách là cha mẹ và giáo viên, chúng ta có thể giúp thừa nhận và cảm nhận cách chân thực, cũng như dạy cho con trẻ những cách thế lành mạnh trong việc thể hiện và tiếp nhận cảm xúc. Bằng việc minh chứng và mô hình hóa sự có qua có lại trong các mối tương quan, cho phép chúng ta làm gương sáng cho các tương tác lành mạnh. Trò chuyện với trẻ về cảm xúc của chúng, để trẻ khám phá và trải nghiệm thế giới tự nhiên và tạo cơ hội để trẻ trả ơn cho thế giới tự nhiên (giúp đỡ động vật, trồng vườn, dọn dẹp bãi biển, trở thành người vận động người khác làm điều tương tự).

Là những người ủng hộ (ý tưởng trên), chúng ta cần tiếp tục đấu tranh cho hành tinh vốn không có tiếng nói của chúng ta (tuy nhiên, nhiều người cho rằng trái đất vẫn đang bày tỏ nỗi đau của mình bằng nhiều cách không lời: thiên tai, dịch bệnh). Mỗi hành động, dù là nhỏ bé, đều có thể tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống. Tổng cục Đại Dương và Khí Quyển Quốc gia  (The National Oceanic and Atmospheric Administration) cung cấp 10 cách đơn giản để bạn có thể hành động:

  1. Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Cắt giảm những gì bạn vứt bỏ. Làm theo ba chữ “R” (Reduce, Reuse, and Recycle) để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và không gian chôn lấp (rác).
  2. Tình nguyện viên. Tình nguyện dọn dẹp rác trong cộng đồng của bạn.
  3. Giáo dục. Khi bạn nâng cao kiến thức của mình, bạn có thể giúp người khác hiểu được tầm quan trọng và giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  4. Tiết kiệm nước. Bạn càng sử dụng ít nước, thì càng ít lượng nước bị thải đi.
  5. Chọn (lối sống) bền vững.
  6. Mua sắm một cách khôn ngoan. Mua ít đồ nhựa hơn và mang theo túi mua sắm có thể tái sử dụng.
  7. Sử dụng bóng đèn có tuổi thọ cao. Bóng đèn tiết kiệm năng lượng làm giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tắt công tắc đèn khi bạn rời khỏi phòng!
  8. Trồng một cái cây. Cây cối cung cấp thức ăn và oxy. Chúng giúp tiết kiệm năng lượng, làm sạch không khí và giúp chống lại biến đổi khí hậu.
  9. Không thải hóa chất vào đường nước của chúng ta. Chọn hóa chất không độc hại trong gia đình và văn phòng.
  10. Đạp xe nhiều hơn và lái xe (ôtô, xe máy) ít hơn.

Là con người, hãy biết chăm lo cho mình. Có rất nhiều người đang phải chịu đau khổ (vì biến đổi khí hậu). Theo mô hình hài hòa sinh thái của Joanna Macy, cần có một sự đồng bộ giữa việc tích cực hành động, thay đổi cấu trúc (địa phương và toàn cầu) và tự chăm sóc bản thân, để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tình trạng kiệt sức của bạn (Macy & Johnstone, 2012).

Hv. Văn Tài, S.J. (Lược dịch)

Theo Megan Delaney, PhD, LPC /Psychology Today

 

[1] Flashback: Một ký ức đột ngột, rõ ràng về một sự kiện hoặc một khoảng thời điểm trong quá khứ, thường là về một điều xấu. (Theo Cambridge Dictionary)

Kiểm tra tương tự

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *