“Chúng ta sợ hãi sự tự do”: Cuộc trò chuyện giữa ĐGH Phanxicô và các tu sĩ Dòng Tên tại Slovakia

Lúc 5 giờ 30 chiều, Chúa Nhật ngày 12 tháng 9 năm 2021 tại Bratislava, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc cuộc gặp gỡ với các đại diện của Hội Đồng Đại kết các Giáo hội Ki-tô tại tòa Khâm sứ. Ngay sau đó, ngài có cuộc gặp gỡ với 53 tu sĩ Dòng Tên Slovakia. Đức Phanxicô bước vào và ngỏ lời chào: “Xin chào và chúc anh em buổi tối an lành! Cảm ơn anh em về cuộc gặp này. Tôi không biết có nhiều tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia như thế. ‘Bệnh dịch’ lan khắp nơi”. Cả nhóm phá lên cười. Đức Phanxicô muốn mọi người đặt câu hỏi thay vì nghe diễn văn của ngài: “Tôi thực sự cảm thấy không thích đọc một bài diễn văn với anh em Dòng Tên.” Mọi người lại cười ồ lên.

Cha Giám tỉnh Slovakia ngỏ lời chào mừng Đức Giáo Hoàng: “Thưa Đức Thánh Cha, xin hết lòng cám ơn cha vì cuộc viếng thăm này. Đây là một điều bất ngờ và là một sự khích lệ cho cộng đoàn và việc mục vụ của chúng con. Ở Slovakia có nhiều tu sĩ Dòng Tên. Con muốn xác nhận rằng Dòng Tên luôn sẵn sàng phục vụ các nhu cầu của Giáo Hội qua sự hướng dẫn của cha.”

“Cảm ơn cha. Ý tưởng mời anh em Dòng Tên đến gặp tôi trong những chuyến tông du là của cha Spadaro bởi vì nó giúp cha ấy có chất liệu để đăng trên tạp chí La Civiltà Cattolica của mình. Họ luôn đăng những cuộc gặp này trên tạp chí ấy.”

“Nào, tôi chờ câu hỏi của anh em. Hãy sút vào thủ môn đi nào!” ĐGH nói tiếp.

 Một tu sĩ Dòng Tên hỏi, “Cha có khỏe không?”

ĐGH trả lời “Vẫn còn sống, mặc dù một số người đã muốn tôi từ trần. Tôi biết có cả những cuộc họp giữa các giám chức, những người cho rằng tình trạng sức khỏe của tôi nghiêm trọng hơn những thông báo chính thức. Họ đang chuẩn bị cho mật nghị. Hãy kiên nhẫn nào! Ơn Chúa, tôi vẫn ổn. Tôi đã không muốn thực hiện ca phẫu thuật vừa rồi. Một y tá đã thuyết phục tôi. Các y tá đôi khi hiểu tình hình bệnh nhân hơn bác sĩ vì họ là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân”.

Một tu sĩ Dòng Tên đã làm việc gần 15 năm tại Đài phát thanh Vatican hỏi rằng đâu là điều các tu sĩ Dòng Tên nên “ghi lòng tạc dạ” trong công việc mục vụ của họ ở Slovakia.

“Một từ luôn đến trong đầu tôi đó là ‘sự gần gũi’,” ĐGH trả lời.

Trước tiên là gần gũi với Chúa, không được bỏ cầu nguyện. Cầu nguyện thực sự, cầu nguyện bằng con tim, không phải kiểu cầu nguyện hình thức mà chẳng đụng chạm gì đến trái tim. Cầu nguyện là sự vật lộn với Thiên Chúa, là trải nghiệm sa mạc khi anh không cảm nhận được gì cả. Gần với Chúa, Đấng luôn chờ đợi chúng ta. Chúng ta có thể bị cám dỗ khi nói rằng: Tôi không thể cầu nguyện vì tôi bận. Nhưng Chúa cũng bận. Chúa bận ở gần bạn, chờ đợi bạn.

Thứ đến là sự gần gũi giữa anh em với nhau, yêu thương lẫn nhau. Lòng yêu mến anh em Dòng Tên dành cho nhau là rất tốt và và đầy tình bác ái nhưng cũng rất mộc mạc bằng tình người. Tôi cảm thấy đau lòng khi các tu sĩ Dòng Tên hoặc các linh mục khác cư xử tệ với nhau. Đó là chướng ngại vật ngăn cản bước tiến của chúng ta. Nhưng vấn đề này đã xuất hiện ngay từ khi Dòng được thành lập. Chẳng hạn, hãy nghĩ về sự kiên nhẫn mà thành I-nhã đã dành cho Simon Rodriguez. Thật khó để nên một cộng đoàn nhưng sự gần gũi giữa anh em là điều thực sự quan trọng.

Thứ ba là sự gần gũi với giám mục. Đúng là có những giám mục không thích chúng ta. Đó là sự thật. Nhưng không nên có tu sĩ Dòng Tên nào nói xấu một giám mục! Nếu một tu sĩ Dòng Tên nghĩ khác với giám mục thì hãy can đảm để đến gặp giám mục và nói cho ngài biết điều mình nghĩ. Khi tôi gặp giám mục, tôi cũng nói điều tương tự như vậy khi họ gặp giáo hoàng.

Thứ tư là sự gần gũi với dân Chúa. Anh em phải trở nên như những gì mà Đức Phaolô VI đã nhắn nhủ với chúng ta vào ngày 3 tháng 12 năm 1974: nơi nào có các giao lộ, có các ý thức hệ, nơi đó có các tu sĩ Dòng Tên. Hãy đọc kỹ và suy gẫm bài phát biểu đó của Đức Phaolô VI trước Tổng Hội 32. Đó là điều tốt đẹp nhất mà một vị giáo hoàng đã nói với các tu sĩ Dòng Tên. Đúng là khi chúng ta thực sự đi đến các giao lộ và các biên cương, chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề. Nhưng điều sẽ giúp chúng ta khỏi rơi vào những ý thức hệ ngu xuẩn là sự gần gũi với dân Chúa. Sự gần gũi này cho phép chúng ta có thể bước tới với con tim rộng mở. Dĩ nhiên, có thể một số anh em trở nên quá nhiệt thành và sau đó giám tỉnh sẽ đến và dừng anh em lại: “Không, điều này không làm được”. Sau đó, anh em phải sẵn sàng vâng phục. Sự gần gũi với dân Chúa rất quan trọng vì nó “định vị” chúng ta. Đừng bao giờ quên dân Chúa là nơi chúng ta được sinh ra và nơi chúng ta xuất phát. Nếu chúng ta tự tách mình ra và hướng tới một tính phổ quát lan man, thì chúng ta sẽ đánh mất nguồn gốc của mình. Căn cội của chúng ta là trong Giáo Hội, tức là dân Chúa.

Vì vậy, ở đây tôi muốn anh em hãy ôm ấp 4 điều này: gần gũi với Chúa, gần gũi với nhau, gần gũi với các giám mục và giáo hoàng và gần gũi với dân Chúa, đó là điều quan trọng nhất.

Một tu sĩ Dòng Tên chia sẻ rằng có khoảng 20 anh em đang hiện diện ở đây đã được phong chức linh mục một cách bí mật, giống như cha ấy. Cha ấy khẳng định rằng đó là một kinh nghiệm đẹp đối với họ để họ được lớn lên trong thế giới của công việc…

 Làm việc để kiếm cái ăn… công việc chân tay hay trí óc đều lành mạnh, đều là lao động. Và dân của Chúa, nếu không làm việc thì đừng ăn…

Một tu sĩ Dòng Tên khác nói: “Con nhỏ hơn cha hai tuổi” và ĐTC đáp lại hài hước rằng: “… nhưng trông cha không như vậy! Cha đang hóa trang à!” Mọi người cười ồ lên. Vị tu sĩ tiếp tục: “Năm 1968, con gia nhập Dòng Tên với tư cách là một người tị nạn. Con là thành viên của Tỉnh Dòng Thụy Sĩ trong 48 năm và hiện đã ở đây được 5 năm. Con đã sống trong những Giáo hội rất khác nhau. Hôm nay, tôi thấy rằng nhiều người muốn quay trở lại hoặc tìm kiếm những điều chắc chắn trong quá khứ. Dưới thời chủ nghĩa cộng sản, con đã kinh nghiệm sự sáng tạo mang tính mục vụ. Một số người thậm chí còn nói rằng một tu sĩ Dòng Tên không thể được huấn luyện trong chủ nghĩa cộng sản, nhưng những người khác không đồng ý và chúng con đang ở đây. Chúng con có thể theo tầm nhìn nào của Giáo hội?”

Cha đã nói một điều rất quan trọng xác định sự đau khổ của Giáo Hội vào lúc này: sự cám dỗ đi lùi. Ngày nay, chúng ta đang phải gánh chịu lối tư tưởng đi lùi này trong Giáo Hội, một thứ ý thức hệ xâm chiếm tâm trí. Đó là một hình thức thực dân mang tính ý thức hệ. Đây không phải là một vấn đề phổ quát, nhưng là vấn đề biệt loại đối với các giáo hội của một số quốc gia nhất định. Cuộc sống khiến chúng ta sợ hãi. Tôi sẽ lặp lại điều đã nói với nhóm đại kết mà tôi đã gặp ở đây trước anh em: chúng ta sợ hãi tự do. Trong một thế giới quá bị lệ thuộc vào những thói ham mê và những trải nghiệm ảo, chúng ta sợ tự do. Trong cuộc gặp trước, tôi đã lấy tác phẩm The Great Inquisitor của Dostoevsky làm ví dụ. Anh ta tìm gặp Chúa Giêsu và nói với Người: “Tại sao Ngài cho chúng tôi tự do? Nó thật nguy hiểm!” Người Tra vấn trách móc Chúa Giêsu vì đã cho con người tự do: một chút bánh mì đã là đủ rồi và tôi không cần gì hơn.

Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta nhìn lại quá khứ để tìm kiếm sự an toàn. Nó làm chúng ta sợ hãi khi dâng lễ trước dân Chúa, những người nhìn thẳng vào mặt chúng ta và nói cho chúng ta biết sự thật. Nó làm chúng ta sợ hãi khi bước tới những kinh nghiệm mục vụ. Tôi nghĩ về công việc đã thực hiện tại Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, mà cha Spadaro cũng tham dự, để hiểu được rằng các cặp ly dị tái hôn chưa bị kết án xuống địa ngục. Chúng ta sợ hãi khi đồng hành với những người đa dạng về giới tính. Chúng ta sợ những giao lộ và những con đường mà Đức Phaolô VI đã nói đến. Đây là điều tai hại ở thời điểm hiện tại, cụ thể, hai điều sai trái đó là tìm kiếm những cách thế trong sự cứng nhắc và chủ nghĩa giáo quyền.

Ngày nay, tôi tin rằng Thiên Chúa đang mời gọi Dòng Tên được tự do trong sự cầu nguyện và phân định. Thật là một thời điểm hấp dẫn, một khoảnh khắc đẹp, ngay cả khi nó là thập giá. Thật đẹp để mang đến tự do của Tin Mừng. Tự do! Anh em có thể kinh nghiệm khuynh hướng quay ngược lại quá khứ này trong cộng đoàn của anh em, trong tỉnh Dòng của anh em, trong Dòng Tên. Cần phải lưu tâm và thận trọng. Ý của tôi không phải là đề cao sự thiếu thận trọng, nhưng tôi muốn chỉ ra cho anh em thấy rằng đi lùi không phải là con đường đúng đắn. Thay vào đó, chúng ta nên tiến lên trong sự phân định và vâng phục.

Một tu sĩ Dòng Tên hỏi ĐTC thấy Dòng Tên ngày nay như thế nào. Vị ấy nói về một sự thiếu nhiệt thành nào đó, bằng lòng tìm kiếm sự an toàn hơn là đi đến những giao lộ như Đức Phaolô VI đã yêu cầu bởi vì điều đó không dễ dàng.

Không, chắc chắn là không dễ dàng gì rồi. Nhưng khi anh em cảm thấy thiếu nhiệt thành, anh em phải phân định rõ để hiểu lý do tại sao. Anh em phải kể cho anh em khác nghe. Cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra khi nào chúng ta thiếu nhiệt thành. Anh em phải chia sẻ với anh em khác, với bề trên của mình và sau đó, anh em phải phân định xem liệu đó là sầu khổ của riêng mình hay đến từ cộng đoàn. Linh Thao giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn như thế. Tôi tin rằng chúng ta không biết đầy đủ về Linh Thao. Các chú thích và bộ quy tắc nhận định là một kho báu thực sự. Chúng ta cần biết rõ chúng hơn.

Một trong những người có mặt nhắc lại việc Đức Giáo hoàng thường nói về thói thực dân mang tính ý thức hệ ma quỷ. Vị ấy quy điều đó cho vấn đề “giới tính”.

Như anh nói, ý thức hệ luôn có một sự lôi cuốn đầy ma mị bởi vì chúng không thấy được. Vâng, ngay lúc này, chúng ta đang sống trong một nền văn minh của các ý thức hệ. Chúng ta cần phải vạch trần ra nguồn gốc của những ý thức hệ này. Đúng vậy, ý thức hệ về “giới tính” mà bạn nói là nguy hiểm. Theo tôi hiểu, nó nguy hiểm bởi vì nó trừu tượng đối với cuộc sống cụ thể của mỗi người, như thể một người có thể quyết định cách mơ hồ về ý muốn có hay không và khi nào họ sẽ trở thành đàn ông hay phụ nữ. Sự trừu tượng luôn là một vấn đề đối với tôi. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì đến vấn đề đồng tính luyến ái. Nếu có một cặp đồng tính luyến ái, chúng ta có thể làm công việc mục vụ với họ, tiến đến cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô. Khi tôi nói về ý thức hệ, tôi đang nói về ý tưởng, sự trừu tượng mà ở đó mọi thứ đều có thể xảy ra, chứ tôi không nói về cuộc sống cụ thể của con người và hoàn cảnh thực tế của họ.

Một tu sĩ Dòng Tên cảm ơn ĐGH vì những lời của ngài dành cho cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Kitô giáo.

Cuộc đối thoại vẫn cứ tiếp tục. Đây là mệnh lệnh không thể bị gián đoạn. Đối thoại không thể xụp đổ, không thể bị ngắt quãng bởi những hiểu lầm đôi khi vẫn xảy ra.

Một trong những người tham gia buổi gặp gỡ nói với ĐGH về tình hình của Giáo hội Slovakia và những căng thẳng nội bộ. “Một số người thậm chí còn xem cha là người dị giáo trong khi những người khác lại lý tưởng hóa cha. Các tu sĩ Dòng Tên chúng con cố gắng vượt qua sự chia rẽ này”. Vị ấy hỏi: “Làm thế nào để cha đối phó với những người nhìn cha với sự ngờ vực?”

Chẳng hạn, có một kênh truyền hình Công giáo lớn đã không ngần ngại liên tục nói xấu giáo hoàng. Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và xúc phạm bởi vì tôi là một tội nhân, nhưng Giáo Hội thì không đáng bị xúc phạm như vậy. Đó là công việc của ma quỷ. Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ.

Vâng, cũng có những giáo sĩ đưa ra những nhận xét khó chịu về tôi. Tôi đôi khi mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi họ đưa ra phán xét mà không bước vào một cuộc đối thoại thực sự. Tôi không thể làm bất cứ điều gì ở đó. Tuy nhiên, tôi tiếp tục bước tới mà không đi vào thế giới tưởng tượng và những ý nghĩ kỳ quặc của họ. Tôi không muốn bị dấn sâu vào những ý tưởng đó và đó là lý do tại sao tôi thích rao giảng và rao giảng thôi… Một số người cáo buộc tôi không nói về sự thánh thiện. Họ nói rằng tôi luôn nói về các vấn đề xã hội và do đó tôi là một người cộng sản. Tuy nhiên, tôi đã viết nguyên một bộ tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et Exsultate.

Hiện tại, tôi hy vọng rằng với quyết định ngăn chặn chủ nghĩa tự quyết trong việc cử hành nghi lễ truyền thống, chúng ta có thể quay trở lại với ý định thực sự của Đức Benedicto XVI và Đức Gioan Phaolô II. Quyết định của tôi là kết quả của cuộc tham vấn được thực hiện với tất cả các giám mục trên thế giới vào năm ngoái. Kể từ bây giờ những ai muốn cử hành nghi thức cũ (vetus ordo) phải được sự cho phép như đã thực hiện với nghi thức Lưỡng nghi (biritualism). Nhưng có những linh mục trẻ chỉ mới thụ phong một tháng đã đến gặp giám mục để xin. Đây là một hiện tượng cho thấy rằng chúng ta đang đi lùi.

Một vị hồng y nói với tôi rằng có hai linh mục mới được thụ phong đến gặp ngài xin ngài cho phép học tiếng Latinh để có thể cử hành tốt. Ngài trả lời đầy hài hước rằng: “Nhưng có rất nhiều người gốc Tây Ban Nha trong giáo phận! Hãy học tiếng Tây Ban Nha để có thể thuyết giảng. Sau đó, khi bạn đã học tiếng Tây Ban Nha, hãy quay lại với tôi và tôi sẽ cho bạn biết có bao nhiêu người Việt Nam trong giáo phận và tôi sẽ yêu cầu bạn học tiếng Việt. Sau đó, khi bạn đã học được tiếng Việt, tôi sẽ cho phép bạn học tiếng Latinh”. Thế là vị hồng y ấy đã làm cho hai linh mục trẻ “tiếp đất”, ngài ấy làm cho họ trở lại mặt đất. Tôi đi bước trước, không phải vì tôi muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Tôi làm những gì tôi cảm thấy tôi phải làm. Cần rất nhiều kiên nhẫn, cầu nguyện và rất nhiều bác ái.

Một tu sĩ Dòng Tên nói về nỗi sợ hãi lan rộng của những người tị nạn.

Tôi tin rằng chúng ta phải chào đón người di cư, nhưng không chỉ vậy. Chúng ta phải chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập. Tất cả bốn bước là cần thiết để thực sự chào đón họ. Mỗi quốc gia phải biết mình có thể làm được bao nhiêu. Cho phép người nhập cư mà không giúp họ hòa nhập là đang khiến cho họ lâm vào cảnh khốn cùng; nó tương đương với việc không chào đón họ. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hiện tượng và hiểu rõ nguyên nhân của nó, đặc biệt là các vấn đề địa chính trị. Chúng ta cần hiểu những gì đang xảy ra ở Địa Trung Hải và đâu là quyền lợi của chính quyền các quốc gia có biên giới với vùng biển đó về mặt kiểm soát và bảo vệ. Chúng ta phải hiểu lý do di cư và hệ quả của nó.

Đức ông Datonou, người chịu trách nhiệm tổ chức chuyến đi, đến nói với ĐTC rằng đã đến lúc phải đi. Đức Phanxicô nhìn đồng hồ và định đứng dậy chào tạm biệt thì một tu sĩ Dòng Tên nói: “Thưa Đức Thánh Cha, một điều cuối cùng: Thánh Inhaxiô nói rằng người ta phải cảm nhận và nếm trải mọi thứ bên trong. Bữa tối đang chờ ngài. Hãy nếm thử chút gì đó của ẩm thực Slovakia!” ĐGH cười và nói rằng ngài sẽ xem những gì họ đã chuẩn bị cho bữa tối.

Các bức ảnh được chụp ngay sau đó. Nhóm này rất đông và do đó các tu sĩ Dòng Tên được chia theo cộng đoàn và mỗi cộng đoàn chụp ảnh chung với Đức Phanxicô. Buổi họp kết thúc với “Kinh Kính Mừng” và phép lành kết thúc.

***

Vào ngày 14 tháng 9, có một cuộc gặp gỡ thứ hai, rất ngắn với các tu sĩ Dòng Tên ở Prešov, ngay sau khi cử hành Thánh lễ. Với lời mời của các tu sĩ Dòng Tên, Đức Phanxicô đã gặp họ tại Toà Khâm sứ ở Bratislava, ghé thăm nhân viên của nhà Linh Thao do họ không thể dự lễ vì bận rộn chuẩn bị cho sự xuất hiện của ĐTC. Cuối cùng, Đức Phanxicô đứng trên ban công và chào các tu sĩ Dòng Tên địa phương.

Chuyển ngữ: Học viên JB Hoàng Lê Công Đức, SJ

Nguồn: La Civiltà Cattolica – Tiếng Anh

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *