Chút cảm nghiệm về đau khổ (3)

Vươn lên trong hy vọng

1

Dounet có câu: «Điều tạo nên sự cao cả của niềm hy vọng trong tôi chính là sự sâu thẳm của nỗi khốn khó và đau khổ nơi tôi». Quan điểm này có hợp lý không? Bởi nếu chấp nhận ý kiến này, cũng có nghĩa là nhìn nhận đau khổ như một trong những phương tiện giúp con người đạt đến hy vọng; còn nếu phủ nhận câu nói trên, nghĩa là chủ trương hy vọng không thể tồn tại trong đau khổ của phận người. Thật ra, đau khổ hy vọng là hai tình trạng khác nhau cùng tồn tại trong mỗi con người. Đau khổ ẩn chìm sâu thẳm trong hồn người nên không thể dùng lý trí để chạm đến; nhưng niềm hy vọng có thểchạm đến đau khổ cùng cực của con người và vực con người đứng dậy để tiếp tục sống. Nếu đồng ý như thế, người ta cũng sẽ đồng ý với M. Dounet khi ông cho rằng: «Đau khổ tạo nên sự cao cả của niềm hy vọng». Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để từ trong đau khổ, người ta có thể vươn lên trong hy vọng?

Thánh Gia-cô-bê có câu: «Hãy tự cho mình được chan chứa niềm vui khi gặp trăm chiều thử thách». (Gc 1, 2-4). Câu nói của Thánh nhân cho thấy, thử thách và đau khổ không phải để phá hủy, nhưng nó có giá trị thanh luyện, giúp con người đạt đến niềm hy vọng đích thực. Nhìn vào thực tiễn của đau khổ phận người, ai cũng hiểu rằng, đời người là một chuỗi dài gồm những thời điểm khó khăn và thuận lợi. Khi thành công, theo lẽ thường, ai cũng phấn khởi vui tươi, lòng hớn hở – môi nở nụ cười. Ngược lại, khi gặp thất bại – khó khăn, lòng người sầu úa héo hon, mặt mũi ủ dột, than van oán Trời oán đất. Nếu bình tâm một chút, người ta tự vấn lòng mình: Sự quằn quại rên xiết và đau đớn liệu có thể thay đổi hoàn cảnh cuộc đời từ đau khổ thành hạnh phúc được hay không? Câu hỏi này tự thân nó đã ẩn chứa lời giải đáp, mà ai cũng hiểu là không thể được. Như vậy, sự sầu héo dằn vặt trong nỗi buồn thảm sẽ không giải quyết được gì, thậm chí còn tạo thêm mối nguy hại.

Điều này thật dễ lý giải. Khi người ta chán nản, u sầu sẽ dẫn đến tình trạng bi quan tiêu cực trong cuộc sống; mặt mũi lúc nào cũng ủ dột đượm màu tang tóc, thậm chí lúc ngủ nghỉ cũng chập chờn không an giấc; nhìn nơi nào cũng thấy mọi vật có vẻ lê thê nặng nề, kèm theo những tiếng thở vắn than dài… Nếu như vậy, thử hỏi làm sao chúng ta có được đầu óc minh mẫn, thoải mái và khôn ngoan, ngõ hầu tìm ra cho bản thân ý lực sống, hoặc tìm ra phương cách cải thiện giai đoạn đau khổ – thử thách thành thời cơ thuận tiện giúp mình vươn lên trong hy vọng? Người xưa vẫn nói: «Trong cái khó ló cái khôn». Sự khốn khó ở đời ai chả từng gặp, nhưng điều khác biệt ở đây là thái độ của người gặp đau khổ: Nếu đã gặp đau khổ mà còn lại chùn bước, chán nản, buông xuôi… thì chính nỗi đau ấy sẽ đè mình gục xuống, không thể chỗi dậy được nữa. Bằng ngược lại, khi ta ý thức được rằng, nếu không tránh được đau khổ tai ương thì không gì bằng thái độ hiên ngang ngẩng mặt, giơ tay đón nhận. Nói khác đi, nên nhìn đau khổ như là điều tất yếu của cuộc đời phải có; đồng thời, cần phải tỉnh táo dấn thân vào để giải quyết, hầu làm giảm bớt khó khăn. Và đây mới thật sự là sống trong hy vọng vươn lên.

Sống trong hy vọng vươn lên khiến cho đau khổ phải nhường chỗ cho tư tưởng lạc quan, giúp con người nỗ lực phấn đấu trong từng giây phút cuộc đời để đạt đến hạnh phúc. Muốn được như vậy, nhiều khi con người phải trải qua nhiều cuộc chiến đấu cam go, giằng co – vật lộn nghiêng ngửa với đau khổ. Những cuộc vật lộn ấy có khi là thái độ chịu đựng cách bất công về những lỗi mà mình không phạm; có khi là thái độ kiên nhẫn, không cho nỗi oan ức thét gào thành tiếng; bên cạnh đó, là thái độ đón nhận «trái đắng» trên con đường hẹp mà mình đã tự nguyện chọn lựa dấn bước.

Ngày nay, có vẻ chủ nghĩa cá nhân đang thống trị, nó khiến người ta chỉ tự xoay sở cho bản thân, không dám đối diện với đau khổ và những yếu đuối của bản thân. Chính điều này, khiến không ít người mắc vào những cạm bẫy hận thù, dối trá, xu thời, ngập tràn lo âu sợ hãi… Chiến đấu với những cạm bẫy ấy là thái độ mở toang cõi lòng, phá vỡ những tảng băng ích kỷ; can đảm để cho đau khổ huấn luyện đời mình và sẵn sàng để cho những cơn mưa của nước mắt nội tâm rơi xuống mảnh đất khô cằn nắng hạn của tâm hồn mình. Bất cứ ai trong đời đều ẩn chứa những nét đẹp của Thiên thần lẫn những dấu vết của «quỷ dữ». Thiên thần hiện thân cho hạnh phúc – hy vọng; quỷ dữ hiện thân cho bất hạnh – tuyệt vọng. Điều quan trọng ở đây là nỗ lực đẩy lùi quỷ dữ, xua tan bóng tối bao quanh cuộc đời của mỗi người.

Sống thái độ vươn lên trong hy vọng không cho phép người ta mặc cảm, xem thường bản thân; càng không cho phép người ta đòi hỏi Thiên Chúa phải theo ý mình. Mặc cảm khiến ta cứ so sánh mình với người, lúc nào cũng thấy mình thua thiệt – bất hạnh; còn «bắt Chúa theo ý mình» là muốn Thiên Chúa lúc nào cũng đáp ứng mọi nhu cầu mà mình ưa thích. Nhìn lại phận người, tôi cũng là một thụ tạo ưu phẩm của Thiên Chúa, thế tại sao tôi phải mặc cảm? Đồng thời, tôi là cái gì? Là ai? Để bắt Thiên Chúa phải chiều theo điều tôi thích. Nói như thế nhằm nhấn mạnh rằng, bản thân mỗi người cần nỗ lực cộng tác với Thiên Chúa để vươn lên trong hy vọng. Có một danh nhân (không nhớ tên) đã chia sẻ: «Khi mình không có cái mà mình thích, thì hãy yêu thích cái mà mình có». (Nguyên văn: «Quand on n’a pas ce qué I’on aime; il faut aimer ce que I’on a!»). Câu nói này hàm ý một điều, dù chưa đạt được điều mà bản thân mong muốn, thì điều tốt nhất là sống khiêm tốn với thái độ yêu thích những gì mình đang có ngay hiện tại.

Vươn lên trong hy vọng không cho phép con người ở lại trong đau khổ, tức tự mình gây ra những rào cản rồi ngụp lặn, đày đọa và dằn vặt mình trong vũng lầy ấy. Đồng thời, không cho phép người ta tránh né những thử thách của cuộc đời, bởi lẽ: «Lửa thử vàng, gian nan thử sức». (Tục Ngữ). Nếu ta không dám đón nhận những thử thách nhỏ nhặt thường ngày thì làm sao ta đứng vững trước những đau khổ lớn lao? Quy luật thường tình, nếu ta không biết vươn lên trong hy vọng thì đời sẽ cuốn trôi ta đi mất. Như vậy, hy vọng là «thần dược» giúp con người đứng dậy từ trong đau khổ. Hiểu theo cách nào đó, «hy vọng» cũng là lời an ủi mà bản thân mỗi người cần phải tự an ủi chính mình. Câu nói của Madame de Maintenon rất đáng để chúng ta suy nghĩ: «Nếu khi nào anh bị đau khổ bất hạnh, liều thần dược tuyệt vời để chữa khỏi là anh hãy nghĩ đến những người đang đau khổ bất hạnh hơn anh». (Nguyên văn: «Quand vous vous trouvez malheureux, songez aux plus malheureux que vous; c’est un remède qu’est infaillible!). «Nghĩ đến người khác» không có nghĩa là so sánh thiệt hơn, mà là thái độ biết nhìn mình và nhìn người để rồi phấn đấu vươn lên.

Cuộc đời có hân hoan, ắt phải có đau khổ. Nếu ta chỉ chọn hoan lạc mà bỏ đi đau khổ, thì đời ta sẽ bị vỡ vụn thành từng mảnh, bị khiếm khuyết và không trọn vẹn. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 đã nói: «Người Kitô hữu cần nhận ra mình trưởng thành nhờ khổ nạn». (x. ĐGH Bênêđictô 16 , Ánh Sáng Thế Gian, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, tr. 111). Hoặc nơi khác ngài nói: «Thiên Chúa yêu thương và chữa lành ta qua đau khổ». (x. Sđd, tr. 136). Như vậy, đức tin Kitô giáo cho phép người Kitô hữu nhận thấy, ở đời chẳng có gì là tình cờ hoặc tầm thường – phụ tùy trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa tôn trọng tự do nơi các thụ tạo. Ngài cho phép mọi sự xảy ra theo qui luật của nó. Khi con người vấp ngã, có thể tìm ra câu trả lời chính xác cho những lúc bản thân đau khổ nhất; đồng thời, lúc ấy tiếng Chúa nhắc nhở: chúng ta là con cái của Thiên Chúa, cho dẫu đời mình cứ lần lượt bị ném vào nơi mà mình không hề mong muốn, nhưng điều quan trọng, là mỗi khi bị đau khổ, thất bại… chúng ta nhận thấy mình yếu đuối, luôn luôn sẵn sàng tín thác và đón nhận kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa.

Hy vọng giúp chúng ta vượt lên sự khốn khó, vượt lên cũng có nghĩa là đón nhận những thử thách trong đời. Lẽ thường chúng ta làm việc khó, không khó bằng chịu sự khó. Điều này đã được Nguyễn Bá Học quả quyết: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông». Nhắc đến điều này chỉ vì muốn nhấn mạnh rằng, người môn đệ Chúa Kitô luôn đặt hy vọng vào Thiên Chúa, không được phép chán nản ơn gọi Chúa ban; và càng không được phép chán chường cuộc sống. Chẳng ai khôn mà đã chẳng từng bị dại, ít nhất đôi ba lần trong cuộc đời; cũng vậy, không ai thành công mà đã không từng thất bại. Vấn đề là làm sao trang bị cho bản thân tư tưởng lạc quan, tích cực và lòng TÍN THÁC VÀO THIÊN CHÚA.

Tất cả mọi sự ở đời đều là ân huệ của Thiên Chúa. Đặc biệt, hy vọng là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cách riêng cho con người, để con người biết vươn lên và làm phong phú cho đời mình. Như đã nói, một đời người ít hay nhiều, ai cũng gặp những giai đoạn vinh quang – thuận lợi; lẫn những giai đoạn tối tăm – thất bại. Điều quan trọng, khi thành công chúng ta không tự mãn; còn khi đau khổ, chúng ta hy vọng và khiêm nhường để vận dụng nghị lực tìm ra phương cách chuyển thất bại thành cơ hội rèn luyện ý chí. Hy vọng vươn lên không cho phép chúng ta ở lại trong phiền não, vì: buồn rầu rất nguy hiểm, nó sẽ làm chậm bước chân đi của ta; làm dị dạng tâm hồn, khiến ta sống trong lo âu sợ hãi. Hy vọng còn giúp ta phản tỉnh lại chính mình – một thụ tạo bất toàn, nhờ đó nhận ra bản thân không đi quá xa trong những gì sai lạc, không sống chai lì, tiêu cực, buông xuôi…; đồng thời, ta không bị xa đà theo khuynh hướng xấu, không bị ngã gục theo những mồi chài níu kéo do bản năng hoang dã trong mình. Đức tin Kitô giáo cho ta niềm hy vọng lạc quan để vươn lên; giúp ta nhận ra thập giá cuộc sống không thể bị đè bẹp dưới sức nặng của đau khổ, nhưng Thập giá luôn mang những ý nghĩa mới – ý nghĩa của tình yêu. Dẫu biết rằng, ngày nào ta còn dấn bước trên cuộc lữ hành dương thế, là vẫn còn chồng chất cam go thử thách và đau khổ, nhưng nếu chỉ bi quan, than vãn, oán trách… thì ta vẫn chưa là người môn đệ trưởng thành của Chúa Kitô. Nếu đặt câu hỏi «hy vọng là gì?», thiết nghĩ câu nói sau đây của G. Desbuguois phần nào có thể giải đáp: «Tôi không thể thấu suốt Thiên Chúa, nhưng tôi được Thiên Chúa thấu suốt tôi, và đó là hy vọng». Dĩ nhiên, hy vọng luôn có mục đích tối hậu – một thứ mục đích mà theo Teillhard de Chardin là: «Đau khổ trong thế giới không chỉ là hậu quả của tội lỗi mà còn là cái giá mỗi người phải trả để đưa vũ trụ đến chỗ thành toàn trong Đức Kitô».

P. X. Trần Văn Hòa.

* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả P.X. Trần Văn Hòa, một độc giả của dongten.net. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *