CN VI Phục Sinh – 29/05/2011

Ga 15, 15-21

1. Tình thương và ghen ghét

– Bài TM của CN VI, mùa Phục Sinh, phần thứ nhất (c. 15-17) đến từ  một phần của bài TM hôm kia thứ sáu (c. 12-17) và phần thứ hai đến từ bài TM hôm qua thứ bảy (c. 18-21).

  • Trong phần thứ nhất, ĐGS nói về tình bạn: “Thầy gọi anh em là bạn hữu”, và về tình thương: “điều Thầy truyền dạy, là anh em hãy yêu thương nhau”.
  • Trong phần thứ hai, Ngài nói về lòng ghen ghét: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”, về sự bắt bớ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”. Lòng ghen ghét sẽ tất yếu dẫn đến bạo lực dưới mọi hình thức.

– Như thế, tình bạn và tình thương thì thuộc về Thiên Chúa: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”; còn lòng ghen ghét là nét đặc trưng của thế gian và những ai thuộc về thế gian: “bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy”.

– Chúng ta hãy để cho lời của ĐGS trong bài TM hôm nay “phán xét” chúng ta: “Chính lời tôi sẽ xét xử người ấy” (Ga 12, 48): Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì ngay trong tương quan tình thương, ĐGS hiện diện, trở nên bạn hữu, “nhựa sống”, và hơn nữa trở nên một với chúng ta; nhưng nếu chúng ta, ghen ghét nhau, chúng ta sẽ tự xét đoán mình và tự làm cho mình thuộc về “thế gian”, vốn luôn luôn ghét Thầy Giê-su.

2. Ở lại trong tình thương của ĐGS

– Ma quỉ đã gieo vào lòng con người sự ghen tị ngay từ bước đầu của sự sống: ghen tị với TC và ghen tị nhau (St 3-4); vì thế, không ai trong chúng ta thoát khỏi sức mạnh của lòng ghen ghét. Thực ra lòng ghen ghét trước khi đi đến việc làm hại người khác, thì nó đã làm hại người “cưu mang” nó ở trong nội tâm của mình rồi. Có thể nói, nội tâm chứa chấp lòng ghen ghét, là nội tâm bị ô nhiễm, thậm chí bị nhiểm độc.

– Để chiến thắng sự ghen ghét, vốn vửa mạnh và vửa phát xuất từ thủa ban đầu của sự sống (giống như nguồn nước bị ô nhiễm), chúng ta phải dựa vào điều ngược lại, đó là tình thương; không phải tình thương của chúng ta dành cho Chúa và dành cho nhau, bởi vì tình yêu của chúng ta rất mỏng dòn, nhưng là tình thương của Chúa dành cho chúng ta, vốn mạnh hơn lòng ghen ghét và là cội nguồn của mọi sự: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9).

– Như thế, ĐGS không chỉ mở cho chúng ta con đường đi để vượt qua lòng ghen ghét, nhưng còn mang lại cho chúng ta cả một nguồn sức mạnh, là tình yêu TC. Chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu thần linh này và đừng bao giờ bỏ đi; và nếu bỏ đi, thì hãy trở lại. Lòng ghen ghét luôn luôn hiện diện, nhưng nó chỉ mạnh mẽ, khi chúng ta không ở lại trong tình thương của TC, nghĩa là khi chúng ta quên đi ơn huệ, quên Đấng ban ơn huệ và tình thương của Người, được thể hiện trọn vẹn nơi ĐGS.

– Để ở lại trong tình thương của Đức Giê-su, Ngài mời gọi các môn đệ giữ lời của Ngài. Thế mà, giữ lời của Ngài là yêu mến Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời thầy” (c. 23). Và đây cũng là kinh nghiệm sống của mọi người chúng ta, yêu nhau thì giữ lời của nhau, giữ lời nhau là yêu mến nhau. Yêu mến ĐGS là giữ lời của Ngài; thế mà lời đầu tiên, và cũng là lời quan trọng nhất, lời tâm huyết nhất, của Ngài lại là mời gọi yêu mến: “Điều Thầy truyền dạy anh em, là hãy yêu thương nhau” (c. 17). Như thế, lời của Ngài và Lời là một: Ngài yêu mến và mời gọi yêu mến.

3. Mâu nhiệm Vượt Qua

– Đức Giê-su nói những lời này khởi đi từ Bữa Tiệc Ly và hướng tới mầu cuộc Thương Khó, vì thế chúng ta được mời gọi lắng nghe dưới ánh sáng của mầu nhiều Vượt Qua. Bài TM này loan báo loan báo mầu nhiệm VQ và mầu nhiệm VQ hoàn tất bài TM. Trong cuộc Thương Khó, ĐGS sẽ để lòng ghen ghét của thế gian và của những người thuộc về thế gian đi đến cùng, để vừa bày tỏ căn tính thần linh của Ngài, là Sự Thiện tuyệt đối, không hề dính dáng gì đến Sự Dữ, và vừa bày tò Tình Yêu tuyệt đối của Ngài dành cho loài người và cho từng người chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào.

– Như thế, khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau là tình yêu của Đức Giêsu dành cho loài người và cho từng người chúng ta: đó là tình yêu hi sinh mạng sống. Tình yêu mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.

– Ngoài ra, Đức Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ, đó là tương quan bạn hữu. Đức Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống. Ngài trao ban tất cả những gì mình có và tất cả những gì mình là cho các bạn hữu của Ngài; Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài cho các bạn hữu. Đức Giê-su là Thầy và là Chúa đã tự hạ mình để trở thành bạn hữu của chúng ta, chính là để chúng ta cũng tự làm cho mình trở thành bạn hữu của nhau, thay vì “thù địch” của nhau:

Không có tình thương nào cao cả hơn
tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Vui Trung Thu nơi cửa Phật

Hơn 40 sinh viên Công giáo thuộc hai nhóm Đại học Đồng Nai, dưới sự …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *