Con người – Tự nguyện Lệ thuộc

Rescue-Religious-Stock-Images

Mỗi người không có quyền chọn cho mình hoàn cảnh để sinh ra, phải chăng có một định mệnh cho từng người? Trong mối liên hệ với vạn vật, với người khác, với chính mình, con người có tự do hay không; nếu có thì ở mức độ nào?[1] Đời tu Ki-tô Giáo trả lời cách lạ lùng cho vấn nạn này: con người có khả năng “tự nguyện lệ thuộc”; và Phần III[2] của Hiến Pháp Dòng Tên góp phần tỏ lộ dung mạo này.

1. Khái niệm “Tự nguyện Lệ thuộc”

Đầu Phần III mô tả, người thụ huấn[3] là người mà Thiên Chúa mời gọi và ban cho những khả năng thích hợp với ơn gọi. Trước đó, trong Bản Khảo Sát, ứng viên đã khẳng định rõ ý muốn đáp lại tiếng gọi ấy cách hoàn toàn tự nguyện ([52])[4]. Thế nhưng, lời gọi và lời đáp này không phải là thứ “tự nguyện lệ thuộc” suông, mà rất thực tế và cụ thể trong việc huấn luyện. Người thụ huấn cần được xem xét thích đáng và chăm sóc cẩn thận, để không chỉ duy trì mà còn thăng tiến về linh hồn và thể xác ([243]). Như thế, toàn bộ việc huấn luyện được đặt nền trên Lời gọi và Lời đáp trong tự do. Đấng gọi, tự do gọi; mà người đáp cũng tự do đáp. “Lệ thuộc” vì người tu sĩ đi theo Con Người Giê-su, với một cung cách mới, và anh phải ra khỏi chính mình ([101-103]). “Tự nguyện” vì anh hiểu, yêu, và dấn thân trong con đường ấy[5]. Hơn nữa, sự “tự nguyện lệ thuộc” này không dựa trên nhu cầu, sở thích, hay công việc, mà là trọn vẹn con người anh, trọn vẹn xác hồn.

2. Ba khía cạnh quan trọng

Liệu rằng, niềm tin nền tảng ấy có quá lý thuyết và hàm hồ? Nếu như khoa học có máy móc đo đạc chính xác trong mức độ cho phép với phạm vi cho phép, thì việc huấn luyện con người trong phần III cũng có những chuẩn mực cụ thể để đo khả năng “tự nguyện lệ thuộc”. Khả năng này có thể được lượng định trong ba khía cạnh: hồn và xác hội nhất, tương quan và ý muốn, “con mắt kép”.

(a) Hồn và Xác hội nhất

Nếu con người theo thánh Thomas Aquinas là “tinh thần hợp nhất với thân xác”[6], thì điều này cũng có thể áp dụng cho thánh I-nhã khi ngài viết Phần III. Mặc dù Phần III chia thành hai chương cách rõ nét: chương 1 bàn về linh hồn, chương 2 bàn về thân thể; nhưng không vì thế mà linh hồn và thân xác bị tách biệt.

Khi bàn về những gì liên quan đến linh hồn, I-nhã không quên nhắc tới mối tương quan của nó với thân xác. Thứ nhất, linh hồn có thể phòng ngừa và khắc phục các khuynh hướng xấu nhờ rèn luyện thân xác: ai có khuynh hướng kiêu ngạo thì phải rèn luyện trong những việc thấp hèn để giúp họ hạ mình ([265]). Ngay cả khi thân xác ốm đau, linh hồn vẫn có ích lợi: giúp bản thân rèn luyện kiên nhẫn, giúp cảm hóa người khác, học biết vâng phục bác sĩ – chính là biết tôn trọng thân xác như nó là; sâu xa hơn là biết đón nhận bệnh tật như một ân huệ không thua kém sức khỏe ([272]). Như thế, linh hồn vừa phải tôn trọng, nhờ cậy thân xác; vừa phải luyện tập theo cung cách riêng của mình.    

Khi tập trung bàn về những gì liên quan đến thân thể trong chương 2, I-nhã nhấn mạnh nguyên tắc bổ trợ giữa thể xác và tâm hồn. Về các nhu cầu thể lý, mọi người vừa không được lo lắng thái quá, vừa phải quan tâm thích đáng ([292]). Về ăn uống, may mặc, nhà cửa, ngủ nghỉ… vừa giúp thử luyện đức hạnh, vừa giữ được những gì cần thiết cho con người ([296-297].[300-302]). Việc lao động không được nặng nhọc quá đến nỗi tinh thần bị tắc ngẽn và thân xác bị tổn hại. Tuy nhiên, lao động thể lý thích hợp sẽ giúp ích cho tinh thần và thân xác ([298]). Ngoài ra, cần có nghỉ ngơi và giải trí thích hợp ([299]). Như vậy, thân thể vừa được chăm sóc, tôn trọng, nhưng có một định hướng trong tương quan chặt chẽ mang tính biện chứng với linh hồn.

(b) Tương Quan và Ý Muốn

Mặt khác, thánh I-nhã có lẽ cũng đồng ý với thánh Augustine rằng, con người là “tương quan và ý muốn”[7]. Trong đó, nguyên tắc chung là: con người cần tách biệt với những gì làm cản trở họ tiến bộ trên đường thiêng liêng ([244]), và cần hợp nhất với người khác trong suy nghĩ, lời nói, việc làm ([273]).

Con người trong Phần III được phác họa với những tương quan rất đa dạng. Thứ nhất là phương diện cá nhân. Họ có liên hệ với vật chất trong việc sử dụng của cải ([254-259]); liên hệ với gia đình, người thân, bạn bè, những người mà họ được sai đến, các giáo sư, thầy thuốc…([250-253].[272].[289-290]); liên hệ với bản thân trong cuộc chiến nội tâm ([260]), trong việc diệt trừ khuynh hướng xấu ([265]); liên hệ với Thiên Chúa trong các Bí tích, linh thao…([261-262].[280-287]); liên hệ với môi trường xung quanh, bầu không khí tu trì ([266-268]). Thứ hai, trong cộng đoàn có nhiều khía cạnh khác nhau: bề trên và bề dưới trong việc quản trị, tập sư và tập sinh trong huấn luyện ([263-264]), anh em và vị giám luật trong việc đảm bảo trật tự chung ([271]), bậc đàn anh và đàn em trong việc nêu gương và noi gương ([276]), anh em với nhau trong việc sửa lỗi ([269-270]), anh em và vị quản lý trong việc bảo trì cơ sở vật chất ([305]), giữa anh em trong những phận vụ khác nhau ([303-306]).

Trong từng mối tương quan ấy, họ là những chủ thể rất khác nhau, với những ý muốn riêng trong việc định đoạt về tài sản ([254-259]), trong cách thức liên hệ với người khác, trong việc canh chừng các giác quan, trong phân công công việc ([250-253]); đồng thời họ cũng muốn cùng nhau hợp nhất những ý muốn riêng ấy. Tuy nhiên, các ý muốn riêng có thể hợp nhất cách nào? I-nhã lặp đi lặp lại những nguyên tắc cách mạch lạc và chi tiết, nhưng cách áp dụng thì lại bỏ ngỏ cho việc nhận định: tùy theo thời gian, nơi chốn, và những người có trách nhiệm liên quan. Điều này giả thiết một lòng chân thực, tin tưởng[8], bao dung rất lớn nơi mỗi con người ([291]).

(c) Con Mắt Kép

Có thể gọi cách thức thánh I-nhã đề cập đến người hướng dẫn, người đồng hành trong linh thao; hay bề trên, linh hướng, cha giải tội, vị quản lý, vị giám luật trong đời tu là “khoa sư phạm trung gian”[9] của ngài trong huấn luyện. Cách khác, những con người trung gian ấy rất thích hợp được coi là “con mắt khác con mắt thể lý”[10] của người thụ huấn, tức là bản thân người thụ huấn có “con mắt kép”, nhưng “con mắt khác” ấy được giúp đỡ và cần rèn luyện để ngày càng tinh tường hơn. Cụ thể, hai trường hợp minh họa vai trò quan trọng của “con mắt khác” là: thứ nhất, việc sửa lỗi ([269-270]); thứ hai, khi trình bày một nhu cầu ([292-293]).

Về việc sửa lỗi và việc đền tội[11], bề trên sẽ tùy theo “đức mến khôn ngoan” mà định đoạt, dựa trên động lực chập ba: phù hợp tình trạng từng người, cảm hóa người khác, tôn vinh Thiên Chúa. Bề dưới thì vừa vui lòng nhận, vừa ước muốn sửa mình và tiến đức. Đây là một cung cách mà con mắt thể lý không thể nhận ra, chỉ với “con mắt khác”, bề dưới mới có thể thấy và đón nhận những gì bề trên giúp mình. Tuy nhiên, thánh I-nhã con đi xa hơn thế: nếu bề dưới vẫn “phản mà chưa tỉnh” thì bề trên có cách để giúp mở “con mắt khác” của bề dưới. Đó là ba bước: bước một, khiển trách với lòng yêu mến và sự nhẹ nhàng; bước hai, với lòng yêu mến nhưng làm cho xấu hổ; bước ba, với lòng yêu mến nhưng làm cho sợ. Như thế, với “con mắt khác”, con người có khả năng sợ, xấu hổ, động lòng nhưng tất cả trong tình yêu mến; có thể nói, chỉ với “con mắt khác” con người mới thực có tình yêu.

Khi muốn trình bày với bề trên một nhu cầu thể lý nào đó[12], thánh I-nhã giúp bề dưới ý thức và sử dụng “con mắt khác” của mình. Đó là, trước khi gặp bề trên, bề dưới cần giữ hai điều: một là hồi tâm cầu nguyện, hai là khi đã trình bày thì để hoàn toàn quyền quyết định cho bề trên. Phải thừa nhận rằng, đây là cấp độ rất cao của “con mắt khác”. Nếu như không có hai điều này, có lẽ bề dưới có thể chỉ xin mà không ý thức về điều mình xin. Khi họ giữ điều thứ nhất, họ đã bắt đầu sử dụng “con mắt khác” của mình. Hơn nữa, khi áp dụng điều thứ hai, “con mắt khác” này nhìn chính nó, và còn nhìn cả người khác nữa. Như thế, người bề trên trở thành “một câu hỏi quan trọng gồm nhiều cấp độ” cho bề dưới, và giúp bề dưới sử dụng cũng như thăng tiến “con mắt khác” của họ.

Vậy là, trong trường hợp thứ nhất, bề trên là người đi bước trước; còn trường hợp thứ hai, bề dưới là người chủ động. Thế nhưng, trong cả hai trường hợp, người được giúp đỡ là bề dưới, và người được trao quyết định cuối cùng là bề trên, và quyết định này đã qua đối thoại ba bên (bề dưới-bề trên, bề dưới-Thiên Chúa, bề trên-Thiên Chúa). Có thể nói xa hơn rằng, ngay khi bề trên giúp bề dưới sử dụng “con mắt khác”, thì cũng là lúc họ được Thiên Chúa giúp họ sử dụng “con mắt khác” của chính họ. Mặt khác, vì có tương quan: bề dưới-Thiên Chúa, bề trên-Thiên Chúa, nên dù lệ thuộc bề trên, nhưng bề dưới không hề mất tự do, họ vẫn còn đầy đủ quyền tự nguyện của mình.

3. Đặt lại vấn đề

Thế nhưng, con người được nhìn nhận như trên có phải là quá lý tưởng, là một lối ẩn dụ, hay chỉ là sự ăn khớp hài hòa giữa các nhu cầu. Câu trả lời vừa có lại vừa không. Có là vì, đời tu cũng là đời sống chung của những con người. Trong đời sống ấy, tất cả những gì là điểm mạnh, điểm thách đố, thánh thiêng hay tội lỗi của con người đều có đủ. Nhưng, không là vì, đời tu có nền tảng rất khác với những loại cộng đồng khác. Nền tảng ấy dựa trên một Con Người là Thầy Giê-su[13]: hoàn toàn là Người, hoàn toàn là Thiên Chúa. Lời gọi của Người và lời đáp của con người định hình một loại đời sống “rất người” và cũng “rất khác người”. Hơn nữa, ba khía cạnh đã đề cập rất thực tế: con người, xét như chính nó, là hồn và xác hợp nhất; con người, khi đứng trong thực tại, là tương quan và ý muốn; con người, xét trong cuộc đối thoại với thực tại, có “con mắt kép”.

Như vậy, Phần III Hiến Pháp Dòng Tên phác họa dung mạo con người với đặc tính nổi bật là “tự nguyện lệ thuộc” với ba đặc nét nêu trên. Khi đọc phần III này, người ta có thể bị “sốc nặng” vì sự “lệ thuộc” quá nhiều. Không chỉ là lệ thuộc Chúa như cách mà Nietzsche muốn chối bỏ, lệ thuộc “đời tu” như Luther muốn phản ứng, hay lệ thuộc người lớn như nhiều người trẻ thường muốn thoát ra; ngay cả lệ thuộc tình yêu như cách mà nhiều người thời đại chống lại luật tự nhiên trong hôn nhân hay trong bảo vệ thai nhi[14]. Nếu bàn luận rộng thêm nữa, chủ đề trở nên vô tận trong mầu nhiệm của phận người, và vượt quá chủ đề hiện tại. Nhưng trong “hỗn mang” ấy, con người không chỉ có khả năng “đạp đổ” những lệ thuộc, mà họ còn “tự nguyện” mang lấy nó, để biến đổi nó. Như Aristotle khẳng định: con người không tự đủ cho mình, nó cần một ai khác. Nếu vậy, “lệ thuộc” là nhân tố tất yếu của cuộc sống, điều quan trọng là cung cách mà tôi lệ thuộc là gì? Phần III đóng góp cho cuộc đời một loại cung cách ấy: một khả năng “tự nguyện lệ thuộc” có khởi điểm[15], có sự phát triển[16], lên tới mức hoàn thiện[17].

Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

[1] Xem. Robert Kane, “The Free Will Problem” in A Contemporary Introduction to FREE WILL, (Oxford University Press, 2005), p. 1-11.

[2] Phần III của Hiến Pháp Dòng Tên, từ số [243] cho đến số [306].

[3] “Người thụ huấn” ở đây được hiểu là tập sinh, sau đó là học viên, và có thể nói là mọi thành viên trong Dòng. Xem. Antonio M. de Aldama, SJ., An Introduction Commentary on the Constitutions, translated by Aloysius J. Owen, SJ., (St. Louis – the Institute of Jesuit Sources, 1989), trang 116.

[4] Đây là cách ghi chú theo số của Hiến Pháp Dòng Tên: ([52]) nghĩa là xem số [52].

[5] Xem. Ignatius, Linh Thao, số 104.

[6] Xem. Leonard A. Kennedy, “Saint Thomas Aquinas: The Human Person as Embodied Spirit” in IMAGES OF THE HUMAN, edited by Hunter Brown, Dennis L. Hudecki, Leonard A. Kennedy, John J. Snyder, (Loyola Press – Chicago, 1995), p. 119.

[7] Xem. Leonard A. Kennedy, “Saint Augustine: The Human Person as Relational and Volitional” in IMAGES OF THE HUMAN, edited by Hunter Brown, Dennis L. Hudecki, Leonard A. Kennedy, John J. Snyder, (Loyola Press – Chicago, 1995), p. 89.

[8] Mọi người làm mọi sự với ý hướng ngay lành trong bậc sống và mọi điều nhỏ nhặt, là vì Thiên Chúa và với Thiên Chúa ([288]).

[9] Xem. Giu-se Lê Quang Chủng, SJ., Ngu Dại và điên rồ vi Đức Ki-tô, (Tập Viện Thánh Tâm Dòng Tên, 2011), tr. 377.

[10] Hình ảnh ấn tượng này được cha Phạm Trung Hưng ,SJ. sử dụng trong khóa học Triết học Con người tại Học viện thánh Giu-se Dòng Tên Việt Nam, tháng 7 năm 2014.

[11] Xem. Antonio M. de Aldama, SJ., An Introduction Commentary on the Constitutions, p. 125-126.

[12] Xem. Antonio M. de Aldama, SJ., An Introduction Commentary on the Constitutions, p. 137.

[13] Xem. Thánh công đồng Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh về việc Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu – Perfectae Caritatis, (Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học viện thánh Pi-ô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1972), số 2.

[14] Xem. Đức Thánh Cha Phao-lô VI, Thông Điệp Sự Sống Con Người – Humanae Vitae, (Đền Thánh Phê-rô, Rô-ma, 25-7-1968).

[15] Khi ứng viên bước vào cuộc Khảo Sát Tổng Quát.

[16] Qua nhiều giai đoạn: Tập Sinh, Học Viên, Linh Mục, năm Tập ba, Khấn Cuối.

[17] Thệ Sĩ ([582]) là người có khả năng thuần thục trong “tự nguyện lệ thuộc” với đức mến khôn ngoan.

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *