Cười với Dòng Tên (số 2)

Chương 2

SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG Ở NƠI ĐẦY CĂNG THẲNG

Một bà, sau một hồi nói chuyện với một cha Dòng Tên, chợt thắc mắc:

  • Thưa cha, con nghe nói đừng hòng nhận được một câu trả lời sáng sủa và dứt khoát từ một vị nào trong Dòng của cha … về bất cứ chuyện gì, có đúng vậy không?

Cha này nheo mắt, im lặng một chút rồi trả lời:

  • Ừm… Vừa có vừa không!

 

Thánh I-nhã Loyola sống trong một giai đoạn mà gần như toàn bộ kết cấu nền tảng quen thuộc liên quan đến đời sống tôn giáo, văn hóa, kinh tế và tri thức đang rung lắc và chuyển mình ngoạn mục. Chỉ trong vòng vài chục năm, diện tích đất liền trên bản đồ thế giới đã tăng gấp ba; tri thức thường thức được quảng bá với tốc độ chóng mặt; lưu chuyển hàng hoá và nhân lực gia tăng phi mã trên toàn cầu. Với sự ra đời của phong trào Cải Cách Tin Lành và song song là phong trào Chống Cải Cách (chủ yếu trong Giáo Hội Công Giáo), sự chắc chắn và an toàn trong những vấn đề liên quan đến ý nghĩa cuộc sống vốn đã ngự trị ở Âu Châu từ nhiều thế kỷ đã chấm dứt. Đó là giai đoạn đầy đột biến và bất an. Từ đó dần dần hình thành một tinh thần thời đại và một nền văn minh, trong đó mọi chuyện xuất hiện trước mắt người ta như điều không thể tưởng tượng nổi và “sao cũng được”. Thánh I-nhã chào đời vào một thời điểm có rất nhiều tương đồng với nền văn hóa hiện nay của chúng ta.

Linh đạo của Thánh I-nhã có thể được coi như cẩm nang hướng dẫn cho người muốn tìm lối đi cho mình trong một nền văn hóa liên tục đột biến, dao động. Nền văn hóa đột biến và có tần số dao động không đoán được, thời đó cũng như thời nay, có thể được nhận diện bằng hình ảnh một cái tổ được kết bằng các chuỗi căng thẳng, mà chúng ta buộc phải sống lâu dài trong đó. “Tìm một con đường, tìm một lối đi” không có nghĩa là giải quyết các căng thẳng một lần cho xong. Chuyện này không ai “quẩy” nổi và chẳng đáng “quẩy”. Mục đích của hành trình này là can đảm thâm nhập sâu vào các mối căng thẳng của đời sống và để cho chúng tương tác với mình. Nên sau mỗi lần như vậy, bạn đi tìm được một tư thế uyển chuyển, một kiểu “lượn” mới, thủ đắc một thế thăng bằng mới, không cái nào giống cái nào.

Trong nhiều vấn đề, phản ứng tự nhiên bộc phát của chúng ta thường là muốn rõ ràng, sáng sủa, chuyện nào ra chuyện đó, không đen thì trắng, không “yes” thì “no”. Phong cách Dòng Tên đi ngược lại kiểu suy nghĩ này. Cách xử lý kiểu Dòng Tên luôn mời chúng ta thận trọng kiểm định các phương diện khác nhau, những điều đối nghịch, những lập trường đối kháng nhau đến độ bất dung hợp của một vấn đề, nhưng với dụng ý cần phải đưa ra một lời giải.

Chính vì vậy mà Thánh I-nhã khuyên anh em cùng Dòng, trong trường hợp có tranh cãi, thì đừng bỏ rơi vấn đề nhưng cũng không thay đổi gì, không những các lập luận thuận, mà cả các lập luận chống. Ngài cũng nhắc khéo rằng, một ngày nào đó có thể anh sẽ phải hợp tác với người mà bây giờ anh chống. Vì thế mới có lời khuyên: “Khi người ta hỏi bạn một chuyện gì và bạn nghĩ: tốt hơn là không nên đụng đến chuyện này, thì hãy cẩn thận hành xử làm sao, để dù phải từ chối trả lời thì sau đó bạn vẫn còn hoà khí với người này.”

Cứ cho là vậy đi, nhưng nếu cứ theo phong cách “ỡm ờ” này hoài có lúc ta sẽ phát chán. Và đôi khi kiểu này cũng làm cho người ta có cảm tưởng các tu sĩ Dòng Tên rụt cổ, thoái thác sau cái vỏ của những lối kiến giải vòng vo và phức hợp, vì thiếu can đảm để quyết định dứt khoát, đưa ra một lập trường triệt để. Chỉ trích này không hoàn toàn vô căn cứ đâu. Nhưng nào kinh nghiệm đã chẳng chỉ ra rằng: đưa ra một thoả hiệp sau khi cân nhắc chín chắn vấn đề lại là một giải pháp thật ra là khôn chứ không ngu như người ta nghĩ sao? Rằng những giải pháp quá đơn giản sẽ “siết” hơn là “mở” một vấn đề sao? Rằng một câu trả lời mở sẽ trải ra một không gian đầy tin tưởng, trên đó sẽ nảy lên những sáng tạo và đột phá không?

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *