Cười với Dòng Tên (số 3)

Chương 3

KHÔNG NGẠI GỬI TRAO TIN TƯỞNG

Một tu sĩ Dòng Phanxicô và một tu sĩ Dòng Tên là bạn thân với nhau. Cả hai đều ghiền thuốc lá và khó mà nhịn hút khi phải tĩnh tâm hay cầu nguyện một thời gian dài. Họ quyết định xin bề trên của mình được ngoại lệ. Ngày nọ, khi gặp lại nhau, cha Dòng Phanxicô buồn bã lắc đầu, kể:

  • Tớ xin bề trên cho phép được hút thuốc lá khi cầu nguyện. Bề trên phán ngay: Không!

Vị tu sĩ Dòng Tên cười tủm tỉm nói:

  • Còn tớ thì bề trên cho cái rẹt.
  • “Cậu nói sao mà hay vậy?”, Cha kia hỏi.
  • À, thì tớ hỏi bề trên: Con có được cầu nguyện khi hút thuốc không?

Đối với anh em cùng Dòng, Thánh I-nhã là một người rất đòi hỏi. Đặc biệt với những người ngài gần gũi nhất, ngài kỳ vọng ở họ rất nhiều. Chính vì ngài có một thái độ tin tưởng sắt son vào con người. Thánh Kinh đã không nói con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa đó sao?

Trong phần mở đầu của tập sách Linh Thao thời danh của mình, Thánh I-nhã đã đưa ra một lời khuyên hữu ích:

Để có được tiến bộ và nâng đỡ cho cả người giảng cũng như người làm Linh Thao, thì cần phải giả định rằng mọi tín hữu có lương tri ngay thẳng phải sẵn sàng hiểu ý của người khác theo nghĩa tích cực hơn là lên án họ.

Người ta thường trách cứ quan điểm quá lạc quan về con người của linh đạo Dòng Tên: ưu tiên gia tăng tự do và trách nhiệm cá nhân hơn là giảm chúng đi; trong trường hợp nghi ngờ, thì cho họ thêm một cơ hội nữa, hơn là tịch thu nó luôn. Lời khuyên sau đây của Thánh I-nhã chứng minh điều đó:

Kềm chế để không lên án hành vi của bất kỳ ai. Hãy đặt mình vào ý hướng của người khác. Những ý hướng này phần đa là trung thực và trong sáng, dù nhìn bên ngoài hành vi có vẻ xấu.

Điều này cũng giải thích vì sao Thánh I-nhã rất nhạy bén với chuyện thanh danh của anh em trong Dòng. Cha Pedro de Ribadeneira, người sống lâu năm cùng cộng đoàn với Thánh nhân và là người viết tiểu sử đầu tiên về ngài đã xác nhận:

Cha I-nhã chăm lo rất nhiều về thanh thế và thanh danh của mọi anh em, theo hai cách.

Trước hết, ngài luôn nói tốt và cho thấy ngài trân trọng từng người. Ngài không nói công khai lỗi phạm của ai, nếu đó không phải là một trường hợp nghiêm trọng, buộc ngài phải tìm tư vấn để có biện pháp sửa dạy. Và dù trong trường hợp này, ngài cũng không trao đổi với hai người, nếu xét thấy nói với một người là đủ. Nếu thấy cần phải trao đổi với hai người mới đủ, thì ngài không tìm người thứ ba. Và trong tiến trình đó, ngài trình bày sự việc cách đơn giản mà không cần phóng đại.

Thứ nhì, ngài phạt nghiêm khắc ai nói xấu anh em trong Dòng hoặc người nào, trong khi nói chuyện, lại gây ra cớ phán đoán không tốt nơi người khác. Thậm chí một cha già đáng kính nhưng hơi “đoản” đã từng bị phạt thêm ba giờ kinh phụng vụ, vì ông đi kể khắp nơi bên ngoài cộng đoàn, rằng có một cha bị sốt đã nói những chuyện “bất xứng” trong cơn mê sảng.

Dĩ nhiên người ta có thể lạm dụng lòng tin tưởng này, làm cho sự việc có thể diễn ra xấu hơn. Nhưng nếu không liều thì không làm gì được, kiểu như “không thành dân chơi nếu sợ mưa rơi”. Không gì giúp một thanh thiếu niên gia tăng sự tự tin và nhận thức được giá trị thật của bản thân cho bằng nhận được sự tin tưởng từ người khác. Bạn sẽ lớn lên nhiều trong tự do đích thực, nếu bạn có cơ hội được trao tự do, để tập dượt và đảm nhận trách nhiệm. Kinh nghiệm nếm trải thất bại cũng là một phần của tiến trình huấn luyện. Dĩ nhiên phải để ý đến độ tuổi và khả năng của từng người. Nhưng dù sao, nếu được áp dụng sớm chừng nào, tốt chừng ấy.

Đặc biệt, đặt tin tưởng vào đồng loại của mình cũng đồng nghĩa với việc chính bản thân mình phải xem trọng các ước muốn sâu xa của họ. Thánh I-nhã đã khám phá ra ít nhiều điều này, là ý muốn của Thiên Chúa có thể xuất hiện trong một tâm hồn đang cầu nguyện. Vì thế ngài mời các anh em của ngài thẳng thắn mở lòng ra với các ước muốn sâu thẳm nhất của mình. Và ngài cố gắng ghi nhận những ước muốn này hết sức có thể.

Lời khuyên nêu trên của Thánh I-nhã mời gọi chúng ta thật sự lắng nghe người khác. Dù ngôn ngữ có rối rắm và diễn đạt có vụng về, thì điều người đó đang cố trình bày thực sự là gì? Chúng ta biết là không có các câu hỏi ngớ ngẩn, chỉ có câu trả lời ngớ ngẩn. Lắng nghe những người mà mình có trách nhiệm luôn là một thử thách “đầy đam mê”.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *