Dâng hiến sáng tạo (33)

V. ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG

Công việc được giao phó

Mọi tu sĩ đều có thể coi công việc được chỉ định cho mình như một phương thế quy giá để tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và tâm lý. Đa số những kỹ thuật hữu ích để tăng hiệu năng trong công việc cũng trùng hợp với những đức hạnh giúp tăng trưởng thiêng liêng và với các đức tính cá nhân cũng như xã hội vốn cấu thành những yếu tố của sự trưởng thành tâm lý. Thực ra và đúng lý mà nói, không có xung đột giữa các khía cạnh khác nhau của việc phát huy nhân cách. Những khía cạnh này đều hướng về sự viên mãn và thành toàn của hữu thể nhân linh. Một tu sĩ không kém đức hạnh hơn bởi vì xuất sắc trong công việc. Kẻ ấy cũng không phải là tu sĩ tốt hơn bởi vì quá tầm thường trong phương diện giao tế xã hội hay trong các công việc trần thế. Mọi sự đều tùy thuộc hệ thống đẳng trật các nguyên động của từng người và tầm quan trọng tương đối họ gán cho mỗi công việc. Nói cách khác, nếu một tu sĩ nhắm đến những thành đạt học vấn hay muốn hoàn thiện trong chức vụ điều dưỡng, quản lý hay nhạc sĩ thì người ấy không cắt xén điều gì trong các tiến bộ như một tu sĩ hay làm giảm bớt đi sự hội nhập như một con người thành toàn, nếu thực sự người ấy đã không làm điều gì lỗi. Nếu sự chú tâm chu toàn bổn phận làm cho người ấy chậm lại trong bước tiến thiêng liêng, bỏ kinh nguyện và các giờ chung, thiếu bác ái đối với kẻ khác vì vô tình hay hữu ý, thì sự lưu tâm làm một công việc cách tốt đẹp làm cho kẻ ấy quên đi điều cốt yếu của một công việc lớn hơn và đời sống hoạt động của họ chỉ là một sự quay cuồng náo động.

Nhưng một tu sĩ biết tuân giữ hệ thống đẳng trật các giá trị trong công việc và đời sống thiêng liêng và biết thích ứng chính mình vào hoàn cảnh, thì chắc chắn phục vụ cộng đồng của mình cách tốt đẹp hơn và nhờ thế tiến xa hơn trên con đường toàn thiện.

Trong một nghĩa nào đó, sự thích ứng vào công việc được hoạch định là một đức tính quan trọng đối với tu sĩ còn hơn là đối với giáo dân. Tu sĩ ít có dịp để bù trừ sự căng thẳng, hậu quả của tình trạng thiếu thích nghi vào công việc; giáo dân có nhiều phương tiện giải trí hơn. Thường thì tu sĩ phải tìm thấy trong chính công việc của mình một sự giải tỏa cho các nhọc mệt của đời sống nội tâm. Các việc đạo đức đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Một sự thay đổi ý tưởng và công việc như sự chuyển tiếp từ các giờ kinh quy định đến giờ học hay giờ làm việc, có thể đem đến một sự thư thái nào đó, miễn là chính công việc không đưa đến áy náy và suy nhược tâm thần.

Người tu sĩ có thể cảm thấy chán ngán công việc vì không có tự do, không được đóng góp sáng kiến và sáng tạo cá nhân. Phải có một chút tự do nào đó để hoàn tất mọi công việc cách tốt đẹp. Một công trình tốt đẹp là một công việc được làm cách tự do. Cả khi một tu sĩ không đặc biệt khéo léo trong nghề của mình, thì cũng có thể làm việc ấy cách vui tươi nếu người ta cho họ thì giờ để họ làm theo sở thích, ý tưởng và cách thức của họ. Một công việc vốn kêu gọi đến “độc đáo tính” thường rất hữu ích cho tác giả của nó, cũng là thích hợp nhất cho việc phát triển cá nhân và tiến bộ thiêng liêng. Dấn thân vào công việc trong cốt yếu là tự hiến chính mình. Đa số các tu sĩ đều muốn làm việc của cộng đồng cách chung, nhưng họ vẫn ước ao làm công việc ấy một cách đặc thù (theo cách của riêng mình).

Trong một cộng đồng tu sĩ, không phải luôn có thể giao cho mỗi người một công việc họ thích; dầu vậy cũng phải nhắm đến điều đó vì nó ích lợi cho tất cả mọi người. Vì nghe giảng dạy quá nhiều về sự hãm mình, các tu sĩ còn giữ mãi cảm tưởng là điều gì “làm vui thích” dầu là con người, nơi chốn hay sự vật, thì không tốt. Chán ghét công việc của mình hay bất cứ điều gì thì không thể là một đức hạnh. Sự yêu thích công việc của mình có thể được nhiều công phúc và lợi ích cho cả cộng đồng. Một tu sĩ không có khả năng yêu mến công việc thường ngày mà kẻ ấy phải bỏ phần lớn thời giờ để làm thì chắc chắn sẽ lãnh nhận những hậu quả tai hại: tình trạng xao xuyến, xu hướng gây hấn, bực dọc. Trái lại, một người có thể dần dà yêu thích một công việc mà họ ghê tởm vào lúc đầu. Có thể họ ghê sợ vì thiếu kinh nghiệm hay vì một cảm tưởng bất lực. Sau khi vượt thắng các chướng ngại, họ bắt đầu lên tinh thần và thích nghi với công việc.

Nhưng nếu sự chán ghét có một nguyên nhân sâu xa hơn, một sự thiếu khả năng thực sự để làm một công việc lâu dài, thì họ có thể tìm “bù trừ” một cách vô thức hay phải suy sụp mà không biết tại sao. Một trong những nguyên nhân thông thường nhất của các trạng thái suy nhược thần kinh là sự thiếu thích ứng đối với công việc. Một trong những phương dược tốt nhất chống lại các sự buồn nản thường ngày trong cuộc sống ở thế kỷ XXI, là tìm thấy một công việc thích hợp. Người ta cần phải lưu ý đến tầm quan trọng của việc thích ứng vào công việc trong đời sống tu trì cả trên bình diện tâm lý lẫn thiêng liêng. Có lẽ trong một trường hợp nào đó, không thể có sự thuyên giảm tức khắc, nhưng nếu tu sĩ may mắn gặp một linh hướng có khả năng nghe họ thì sẽ giúp họ giải quyết vấn đề. Một thứ chinh trị “bế quan tỏa cảng” nào đó của bề trên có thể gây thất đoạt và tuyệt vọng làm u ám toàn thể đời sống thiêng liêng. Tu sĩ nào có thể giải bày các khó khăn trong công việc với bề trên có thiện cảm và thông cảm, thì có nhiều cơ may tránh khỏi các xáo trộn nhân cách.

Tu sĩ có thể giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Giúp công việc của kẻ khác là khuyến khích họ làm tốt hơn. Chúng ta không nên van xin những lời khen tặng và tán thưởng, nhưng chúng ta phải biết sử dụng cơ hội để khen tặng kẻ khác. Một cộng đồng mà các phần tử biết nhận thấy và quý chuộng những công việc được thực hiện cách khéo léo thì đang trên đà tiến bộ thiêng liêng cũng như vật chất.

Cảm thấy hữu dụng

Sự thích ứng vào công việc rất thuận lợi cho sự kiên vững của người tu sĩ vì thấy những cố gắng của mình đem lại kết quả khả quan. Một tu sĩ không thể trực thuộc một nhóm, hay cộng đồng nếu không thấy rằng mình cũng đóng góp vào đó. Công việc của họ làm cho họ được nâng cao vì cho phép họ tự hiến cho nhóm, và vì lợi ích của nhóm. Sự tôn thờ và đền tạ như nhiệm vụ của tu sĩ chiêm niệm cũng còn là phương thế để tự hiến một cách thâm sâu cho cộng đồng. Các giờ chầu và đền tạ cho một ý hướng nhất định là công việc của họ. Trong đời sống hoạt động, một tu sĩ có thể biểu lộ ước muốn phục vụ cộng đồng bằng cách chu toàn bổn phận. Người không thích ứng với công việc hay không nhìn thấy nơi công việc một phương thế biểu lộ sự thân thiết đối với cộng đồng, thì sẽ bị thất đoạt trong nơi sâu thẳm của hữu thể về phương diện thiêng liêng và tâm lý. Họ không có thể triển nở hoàn toàn trong lãnh vực thích hợp nhất cho sự tăng trưởng theo chiều hướng của ơn gọi. Công việc đối với họ là phương thế thực hành duy nhất để làm một điều gì đó cho kẻ khác, để dấn thân cách cụ thể cho kẻ khác. Dầu công việc ấy có vẻ âm thầm không mấy sáng sủa thì cũng không quan trọng; điều cần thiết là nó đáng giá và hữu ích cho cộng đồng và được bề trên và đồng bạn phán quyết như vậy.

Một công việc bên ngoài xem ra nhỏ bé có thể rất quan trọng về giá trị, vì nó đem đến sự trợ giúp cho một bề trên quá nặng gánh hay một đồng bạn mệt mỏi. Một tu sĩ tự động làm những công việc lặt vặt mà người khác bỏ quên, lượm các vật dụng hay rác rến quanh nhà và chú ý đến các chi tiết nhỏ nhặt khác thật rất quý giá cho cộng đồng.

Một người đang dưỡng bệnh hay một người đang hưu dưỡng mà còn có thể làm những công việc ấy, thì thực hiện một công việc vô giá. Người ta sẽ nhận ra điều đó, khi họ đổi nhà hay không còn ở đó nữa. Những công việc loại đó không quan trọng lắm, nhưng điều quan trọng là công việc của tu sĩ ấy, công việc thích hợp với khả năng của kẻ ấy, mà bề trên và anh chị em đều nhận biết giá trị.

Những dấu hiệu rõ ràng về bất thích ứng trong công việc đòi hỏi bề trên phải mất công và mất thời giờ để cứu xét và sửa đổi vì hạnh phúc của toàn thể cộng đồng. Đó là trường hợp của một tu sĩ khi cảm thấy công việc của mình không được quý chuộng, luôn áy náy, muốn một mình làm những công việc vốn cần phải có nhiều người. Họ cho rằng luôn bị bề trên và anh chị em chỉ trích và chính họ cũng không bao giờ hài lòng với ai cả. Đó là những dấu chỉ chứng tỏ sự không thỏa mãn trong công việc cũng như các xung đột nội tâm nghiêm trọng hơn.

Sự thích ứng xã hội đích thực

Sự thích ứng xã hội mang nhiều sắc thái, nơi nhiều người khác nhau. Không có một tiêu thức hay khuôn mẫu lý tưởng duy nhất cho việc thích ứng cá nhân. Nhưng người trưởng thành được thống nhất cách viên mãn ở bên trong thì có thể nhận lãnh trách nhiệm bên ngoài trên phương diện xã hội. Sự thích nghi xã hội trong đời sống tu trì là mở rộng cho tình bạn; cảm thụ tính (sensitiveness) được trải rộng và thiện cảm nhạy bén cách trực giác. Người biết thích ứng thì tham gia vào công việc của kẻ khác; trở nên một với kẻ khác. Tất cả các điều đó, để hiến thân và thuộc trọn về Chúa Kitô.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *