Dâng hiến sáng tạo (9)

II. ĐỘNG LỰC NHÂN LINH

Có lẽ không khía cạnh nào của tác phong nhân loại lại bị hiểu lầm nhiều hơn là bản chất của động lực nhân linh (human dynamics/dynamique humaine)* và cách đặc biệt là bản chất của cảm xúc và tâm tình. Một vài sai lầm về cảm xúc và cách kiểm soát xúc động nhiều khi gắn liền với lối huấn luyện trong đời sống tu trì khiến cho tu sĩ không nhận định được rõ ràng. Nhiều người tưởng rằng việc biểu lộ cảm xúc được giản lược vào các sự kiện đơn sơ như: cười đùa, các ngôn từ hay cử chỉ bực dọc, những lời tuyên bố bi quan, v.v… Hình như họ không nhận ra rằng sự lãnh đạm, xa cách, dè dặt thái quá, vô cảm và nghiêm nghị cứng rắn cũng là những biểu thị có tính cảm xúc.

Phản ứng tự vệ (Defense Reactions)

Thường thì các loại tác phong dè chừng này là những phản ứng tự vệ hay lo sợ đối với sự bất an và rõ ràng là những loại tác phong cảm xúc. Vì sự lẫn lộn này, nhiều tu sĩ đồng hóa việc kiểm soát cảm xúc với điệu bộ khắc khổ, trong khi chính sự khắc khổ này cũng là một hình thức biểu lộ cảm xúc. Một tác phong nghiêm nghị hay khắc khổ cũng có tính cách cảm xúc như một tác phong thân thiện, nồng nhiệt, nhưng mỗi thứ diễn tả một loại cảm xúc khác. Tác phong lạnh nhạt biểu lộ sự sợ hãi, xao xuyến và giận dữ nữa; trong khi thái độ thân thiện, vồn vã, hồn nhiên diễn tả tình yêu, niềm vui và có thể là hy vọng.

Sự kiểm soát cảm xúc được hội nhập của người trưởng thành không đồng hóa với bất cứ một thể thức diễn tả đặc loại nào; đúng hơn đó là khả năng đo lường các đáp ứng cảm xúc cho cân xứng với các kích thích do hoàn cảnh hiện tại tạo nên và hòa hợp với hạnh phúc của chính mình cũng như của người khác. Nói cách khác, nếu là lúc giải trí, thì tiếng cười đùa, sự hồn nhiên và – ít nhất sự tiếp đón niềm nở nhưng có chừng mực – phải chiếm ưu thế; nếu là lúc cầu nguyện, trong khi hội họp hay nghe giảng thì phải lưu tâm đến việc suy nghĩ và tập trung chú ý. Dầu bất cứ ở hoàn cảnh nào, một tu sĩ trưởng thành đều có thể biểu lộ chính mình một cách thích ứng. Trong những tương giao đối với người khác, họ có thể phản ứng một cách thích hợp: hoặc vồn vã, cởi mở; đón nhận tính khôi hài; hay chia sẻ một sự âu lo, thất đoạt*; hoặc can đảm trong các giai đoạn khó khăn.

Tự chủ đích thực

Sự kiểm soát cảm xúc, lúc đó, được đồng hóa với việc tổ chức các kinh nghiệm cảm xúc và hội nhập các nghị lực của mình để mưu cầu lợi ích cho chính mình cũng như cho hạnh phúc người khác; nó không phải là sự vô cảm của một khối đá. Sự nết na của kẻ tu trì và tư cách trong tác phong phải là dấu hiệu của một tu sĩ đã được hội nhập. Nhưng khi các đức tính này bị đồng hóa cách sai lầm với sự lãnh đạm xa cách, với một diện mạo khắc khổ và đóng kín thì chúng biểu lộ cảm xúc hơn là tự chủ. Sự đoan trang và phẩm cách đòi hỏi các thái độ diễn tả khác nhau tùy theo hoàn cảnh và do đó phát xuất từ những phản ứng đúng lúc và sự nhạy cảm tế nhị đối với nhu cầu của kẻ khác. Theo đúng nghĩa của nó, phẩm cách tùy thuộc vào sự quân bình nội tại và một cảm thức an thái đối với chính mình và đối với người khác; điều đó làm cho tu sĩ rất uyển chuyển và dễ dàng thích nghi, đối với đủ mọi hạng người và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: phẩm cách rất khiêm tốn và hòa nhã.

Các cảm xúc chỉ biểu lộ một hình thái duy nhất của động lực nhân linh*. Để hiểu chúng hơn, người ta chỉ cần quan sát chúng trong mối tương quan với các năng lực thấp hơn và cao hơn và nhận ra những sự phát hiện đủ loại của chúng. Sức khỏe tâm thần tùy thuộc sự phối hợp điều hòa của những vận chuyển năng lực nội tại đủ loại trong chúng ta. Để hiểu biết chính mình hơn, để hướng dẫn người khác, để phòng ngừa các sự xáo trộn tâm não, để xoa dịu các sự căng thẳng thần kinh, cần phải biết bản chất của động lực nhân linh* và quan sát cách hoạt động của nó trong đời sống hằng ngày của tu sĩ. Lắm khi, tác phong bên ngoài của một tu sĩ bộc lộ những triệu chứng hỗn loạn cảm xúc và xáo trộn tâm thần, nhưng rồi người ta không làm gì để giúp họ! Thường họ bị bỏ mặc và tự lo lấy cho đến khi đã quá trễ và phải đem họ vào bệnh viện. Nếu các triệu chứng được sớm nhận ra và can thiệp đúng lúc, thì có thể tránh những xáo trộn tâm thần nghiêm trọng.

Các tu sĩ nạn nhân của những xao xuyến trầm trọng, những căng thẳng cực độ, những bối rối làm tiêu hao sinh lực hay những hình thức xáo trộn cảm xúc khác, không phải là kém khuyết về phương diện trí tuệ và sự đau khổ của họ tự căn bản không xuất phát từ thần kinh. Vấn đề của họ bắt nguồn từ những sự xáo trộn trong tổ chức và định hướng các năng lực. Dĩ nhiên, luôn luôn có liên lạc hỗ tương giữa các năng lực khác nhau: hoạt động tùy thuộc tri thức và tri thức thúc đẩy hoạt động[1]. Giữa hệ thống thể lý và các hiện tượng tâm lý cũng có ảnh hưởng hỗ tương. Nhưng mỗi địa hạt dung nạp nhiều loại phát triển khác nhau cũng như những khó khăn khác nhau.

Những xáo trộn tinh thần gây tâm bệnh

Những xáo trộn tinh thần gây tâm bệnh khởi đầu bằng sự phối tán* (disintegration = tan rã) của các năng lực thuộc bản năng, cảm xúc và tự quyết, chứ không do sự thay đổi nơi khả năng tri thức hay từ một chứng bệnh trên cơ thể. Những sự xáo trộn đưa đến tâm bệnh gồm có các sự suy nhược thần kinh, các cơn điên loạn, tâm thần phân liệt (schizophrenia), nhiễu loạn thần kinh, mê sảng, cuồng vọng (paranoia) và các loại trục trặc khác. Những sự xáo trộn tâm thần này không xuất phát từ các thương tích nơi óc não hay các nguyên nhân cơ thể khác, nhưng do sự xáo trộn nơi các chức năng động lực*. Một vài xáo trộn tâm thần như các tình trạng chấn thương, sự già cỗi hay các tai nạn vì nhiễm độc, tự bản chất có tính cách hữu cơ (thể lý). Nhưng những sự xáo trộn đem đến tâm bệnh mà chúng ta nêu trên, xuất phát trước tiên từ những cơ cấu năng động mất quân bình.

Những sự xáo trộn tâm thần có nguồn gốc cơ thể đòi hỏi một sự chữa trị thể lý. Các xáo trộn tâm thần gây tâm bệnh và xuất phát từ hoạt động năng lực lệch lạc có thể cần hoặc không cần các sự chữa trị thể lý; nhưng sự thuyên chữa tùy thuộc rất nhiều vào các phương pháp tâm lý dành riêng cho các sự xáo trộn năng động. Tuy nhiên cũng cần phải nhắc lại là có nhiều sự liên hệ giữa các chức năng tinh thần và thể lý, vì thế không có một biên giới nào rõ rệt phân chia hai địa hạt trên. Con người phản ứng như một toàn thể, nhưng một khía cạnh nhiều khi có thể lấn áp khía cạnh khác.

[1] Xem tương quan giữa “tri” và “hành” trong triết học đông phương. (Chú thích của người dịch)..

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *