Để thập giá trở nên Thánh Giá

 

Theo thánh sử Mát-thêu, sau khi loan báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất, Chúa Giêsu đã đưa ra điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Đây là những điều kiện để theo Chúa và có lẽ cũng là tiến trình để người môn đệ trở nên giống Thầy Giêsu hơn. Nhưng từ bỏ chính mình là từ bỏ cái gì? Vác thập giá theo Chúa là vác như thế nào? Làm thế nào để thập giá đời tôi trở nên thánh giá như cách mà Chúa Giêsu đã làm?

 

  1. Từ bỏ chính mình

Có thể nói, từ bỏ chính mình trước hết là quên mình đi[1]. Quên mình đi nghĩa là không còn coi mình là trung tâm của mọi sự; không chỉ biết nghĩ đến lợi ích và quyền lợi của mình. Đồng thời, quên mình đi còn là quên đi quá khứ đau buồn, quên đi những tổn thương mà ta đã chịu; quên đi cả những lỗi lầm mà ta đã phạm. Có lẽ đây cũng là cách thức mà thánh Phaolô đã làm sau cuộc hoán cải của ngài: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.”  (Pl 3, 13). Quả thế, nếu thánh nhân cứ mãi nhớ về những lần bắt bớ Chúa và mặc cảm về chính mình, thì làm sao ngài có thể mạnh dạn rao giảng về Chúa được. Cũng vậy, nếu ta cứ mãi nhìn về quá khứ đau buồn, với những tổn thương và tội lỗi của mình, thì làm sao ta có thể bình an mà theo Chúa được. Kế đến, từ bỏ chính mình là từ bỏ những gì đang ràng buộc ta, lôi kéo ta xa rời Nước Thiên Chúa. Một lần nữa thánh Phaolô lại cho chúng ta biết rõ đó là những điều gì. Thưa, đó là từ bỏ những việc do tính xác thịt gây ra: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy.” (Gl 5, 19-21). Với hai ý nghĩa kể trên: quên chính mình và từ bỏ những gì đang ràng buộc mình, Chúa Giêsu đã và đang mời gọi mỗi người chúng ta làm một cuộc hoán cải toàn diện, như là điều kiện tiên quyết trong hành trình bước vào cuộc thương khó và phục sinh với Người.

Ta tự hỏi: Tôi đã quên mình và đã từ bỏ chính mình như thế nào? Đâu là điều khó quên đi nhất, khó từ bỏ nhất đối với tôi?

 

  1. Vác thập giá hàng ngày theo Chúa Giêsu

Thập giá là gì? Vác thập giá hàng ngày theo Chúa là vác như thế nào? Có lẽ mỗi người sẽ đưa ra một định nghĩa hay một mô tả riêng về thập giá. Tuy nhiên nhìn chung, thập giá có thể hiểu là những đau khổ, khó khăn; những nhiệm vụ nặng nề; những điều buồn phiền; những nỗi sợ hãi; những gì khiến tôi bị tổn thương; những tật xấu và những gì tương tự như thế. Theo đó, vác thập giá hàng ngày theo Chúa nghĩa là can đảm gánh vác và hoá giải tất cả những điều kể trên một cách kiên trì mỗi ngày. Ở đây là “vác thập giá lên vai và bước đi” chứ không phải là “để cho thập giá đè bẹp trên mình, rồi không đứng dậy được nữa”. Dẫu vậy, ta cũng phải khôn ngoan nhận định xem những thập giá mà ta đang mang vác có phù hợp và cần thiết hay không? Nếu cần thiết thì tiếp tục gánh vác, nếu không phù hợp và cũng không cần thiết thì ta nên tạm gác lại hoặc bỏ qua. Vì vác thập giá một cách không cần thiết là điên khùng hơn là anh hùng. Quả thế, đâu đó vẫn có những người đang tự làm khổ chính mình và tự chất lên vai mình những gánh nặng không cần thiết hoặc là vì thiếu hiểu biết, hoặc là vì bệnh lý hoặc là để tìm kiếm sự chú ý từ người đời.

Ta tự hỏi: Đâu là những thập giá tôi đang phải gánh vác? Tôi đang vác thập giá trên vai, hay để cho thập giá đè bẹp tôi dưới đất? Những thập giá ấy có cần thiết và có ý nghĩa gì cho cuộc sống của tôi hay không?

 

  1. Làm sao để thập giá trở nên thánh giá?

Cùng chịu vác thập giá và chịu đóng đinh như nhau, nhưng thập giá của tên gian phi vẫn mãi chỉ là thập giá: là đau khổ và ô nhục; còn thập giá của Chúa Giêsu đã trở thành Thánh Giá, có giá trị cứu độ cho toàn thể nhân loại. Vậy, điều gì đã làm nên sự khác biệt đó? Với tên gian phi: hắn vác thập giá cách bị động, vừa vác vừa càm ràm, đổ lỗi, trách móc người khác và trách móc cả Thiên Chúa (Lc 23, 39). Với Chúa Giêsu, Ngài vác thập giá một cách chủ động với lòng yêu mến. Đứng trước thập giá: Chúa Giêsu có sợ hãi nhưng không tránh né (Lc 22, 42 – 44); Ngài có đau đớn nhưng không càm ràm, trách móc; Ngài khiêm tốn đón nhận những sự trợ giúp từ người khác (Đức Mẹ, Ông Simon, bà Veronica); Ngài bao dung, tha thứ cho người khác; cuối cùng, Ngài tin tưởng và phó thác tất cả vào sự quan phòng của Chúa Cha (Lc 23, 46). Theo đó, ý hướng và thái độ của ta khi vác thập giá hàng ngày, sẽ quyết định xem những thập giá ấy có trở nên Thánh Giá hay không.

Ta tự hỏi: Tôi đang vác thập giá đời mình với ý hướng và thái độ nào? Tôi phải điều chỉnh những gì để thập giá đời tôi trở nên thánh giá?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ con và biết cả những thập giá mà con đang phải gánh vác. Con không xin Ngài cất khỏi con những thập giá ấy, nhưng xin Ngài thêm ơn can đảm và sức mạnh, để con tiếp tục vác thập giá theo Ngài, như của lễ toàn hiến dâng lên Chúa Cha, để những thập giá ấy trở thành Thánh Giá, có giá trị cứu rỗi cho linh hồn con và các linh hồn. Amen.

Hv. Văn Tài, S.J.

[1] Trong một số bản dịch Kinh Thánh Anh ngữ (Contemporary English Version hoặc Good News Translation – Publisher: American Bible Society), các dịch giả đã dùng hạn từ “forget himself” thay vì “deny himself” hay “disown himself” để chuyển ngữ hạn từ “ἀπαρνέομαι” trong tiếng Hy Lạp. Nghĩa là thay vì dịch là “từ bỏ chính mình” thì dịch là “quên đi chính mình”.

Kiểm tra tương tự

Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em

Có nhiều anh chị em là một ơn xét theo nhiều phương diện. Đây chỉ …

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu về Trung tâm Linh đạo I Nhã

Trong phiên họp sáng 16/04/2024 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Đức Cha Giuse Đỗ …