Đêm!

Tiếng mưa xối xả bên ngoài, tiếng gió rít từng cơn qua từng then cửa sổ. Đêm tháng 10 ở Huế canh cánh lòng người.
Họ nói Huế buồn lắm, cứ mỗi độ tháng 10 là buồn thúi đất thúi ruột. Mà không riêng chi Huế, toàn dãi đất miền Trung cứ mỗi độ tháng 10 về lại đón những cơn mưa kéo dài như bất tận và những trận bão, trận lụt ập tới bất ngờ. Rứa mới nói không có chi lạ khi các ôn mệ xưa hay rủ rỉ với con cháu “Tháng Mân Côi, nước trôi đầy đồng”.

Miền Trung đón một mùa lũ mới khi mà hậu quả của cơn bão số 5 chưa kịp khắc phục. Những mái nhà bị bão cuốn bay chưa kịp lợp lại giờ đón mưa ào ạt tới, vườn thanh trà bị bững tận gốc chưa kịp dựng lên giờ nằm im lìm trong dòng nước lạnh buốt. Mấy ôn mệ mới đi tránh bão chừ lại phải chạy lụt trong đêm khuya. Thương tụi trẻ con, mùa khai giảng vừa xong thì lại nghỉ học liên miên vì bão về, lũ tới và cám cảnh biết bao khi nhìn dáng ba mạ mới thao thức vì thiệt hại của trận bão, giờ lại lúi húi thu vén được những chi có thể khi tin lũ về. Nước lên, nhìn dáng ba bất lực nhìn con nước cuốn, thấy nước mắt mạ rơi khi nước chảy tràn mà thương cho người dân miền Trung cơ cực.

“ Chị ơi, mạ em nói lúa mới cắt xong chưa kịp bán, chừ lụt vô chắc hư hết con à, chị nhớ cầu nguyện cho nhà em chị nha”. Nghe em nói, thấy đôi mắt em buồn mà xót xa. Giáo xứ của em nằm bên cạnh dòng sông Ô Giang, một vùng chiêm trũng của Quảng Trị, cứ tháng 10 về là mọi người lại chuẩn bị chạy lụt. Em nói tuổi thơ em quen với lụt lội và bão tố, những ngày dài sống chung với lũ, ngủ trên nước lũ, ăn mì tôm qua ngày là ký ức của tuổi thơ em. Có lẽ những bấp bênh của cuộc sống đã hun đúc nên em, cô bé nước da ngăm đen, dáng người mảnh khảnh nhưng tràn đầy nghị lực sống và luôn vui tươi dù cuộc đời nhiều giông tố.

Những ngày mưa lũ, cả tỉnh Quảng Trị và rất nhiều nơi ở Huế chìm trong biển nước. Làng xóm bị cô lập, con nước lên theo từng phút, từng giây. Sông Hương ngày thường hiền hòa biết mấy, nhưng khi lũ lên thì nước sông như gào thét và cuốn trôi tất cả những gì nó đi qua. Tôi thường nghe nói, hiền như nước mà cũng mạnh như nước, lũ mà về, nước mà lên thì nó nuốt sạch từ nhà cửa, cây cối và cả con người nữa. Điều đó chẳng hề sai khi lũ kéo về.

Những ngày mưa lũ, mọi tình hình đều được cập nhật trên các phương tiện truyền thông. Không thương răng được khi nhìn cảnh mệ già ngồi cheo leo trên mái nhà với trong cơn mưa tầm tã, bên dưới nước không ngưng chảy xiết. Cám cảnh lắm khi nhìn hình ảnh người chồng gào khóc mà lực bất tòng tâm khi nhìn dòng xoáy cuốn trôi người vợ cùng đứa con chưa kịp chào đời. Tôi đã khóc khi nhìn thấy hình ảnh những thuyền viên trên con tàu mặc cạn tại biển Cửa Việt, hướng ánh nhìn cầu cứu lên đất liên trong cái hy vọng mỏng manh. Lúc ấy, sự sống mới quý giá biết bao. Rồi tiếng khóc của người mẹ trẻ khi nhận hung tin chồng gặp nạn trong hành trình đi khảo sát tình hình tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, cậu con trai 2 tuổi của anh chỉ mới đến trường nhập học được vỏn vẹn 1 tháng. Có lẽ khi lớn lên, tháng 10 sẽ là tháng nhiều thương nhớ của nó.

Trời mưa liên tục trong 5 ngày, nước từ trời xuống, nước từ nguồn đổ về và cả nước mắt chảy dài khiến lòng người ra tê tái.

Ngày đầu tiên ngừng mưa, nước có dấu hiệu rút, một nhóm các linh mục và các chú chủng sinh di chuyển từ Tòa Giám Mục Huế xuôi theo đường quốc lộ để ra Quảng Trị. Điểm đến của các ngài là một xã bị lụt sâu ở Hải Lăng, Quảng Trị. Khi các cha đến, nước vẫn còn đang rất cao và dòng chảy dữ dội nên chiếc thuyền bị trôi theo dòng chảy ra giữa dòng sông, phải đến 500m, người lái thuyền mới có thể cho thuyền quay lại và nổ máy đi về phía ngôi làng. Một cha trong đoàn chia sẻ, khi đi vào trong làng, các cha và các chú phải xuống thuyền, lội nước sâu để vào tận nhà dân. Món quà các cha đem đến với họ là những gói bánh lọc, những cái bánh bông lan để họ có thể ăn mà không cần qua chế biến. Nhìn cảnh ôn cụ cầm gói bánh lọc trên tay rưng rưng nước mắt vì nhiều ngày không có chi lót dạ lòng cha nghẹn ngào. Nghĩ lại chính mình mới hiểu, khi đầy đủ chẳng thấy cần chi, đôi khi đến cả Chúa cũng không cần, đến tận lúc không còn gì thì chỉ những điều nhỏ bé cũng làm lòng mình ra no đủ. Một cử chi rất nhỏ trong mùa khó khăn cũng mang lại giá trị an ủi và để lại cho ta những cảm nghĩ sâu sắc biết chừng nào.

Lũ nhóc quê em hay chọc nhau “ Thu đi để lại lá vàng, lũ đi để lại muôn ngàn bùn non”, sau những ngày mưa lụt, nước rút dần, mọi người lại xuống tay để dọn lũ. Chị em chúng tôi cũng bắt đầu những chuyến hành trình để đến chia sẻ với người dân 2 tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, trong đó có cả những gia đình của chị em chúng tôi. Em lại nở nụ cười và nói với tôi “Mai chị giáo cho em được về nhà phụ ba mạ dọn lụt chị ạ”. Tôi cũng muốn đi với em, nhưng điều kiện không cho phép nên chỉ nói với em là chị gửi lời thăm ba mạ nha. Em cười hiển bảo: “Ba mạ em có biết chị không chị?” Tôi cười đáp rằng “Trong gian khổ tất cả là anh chị em, chị sẽ tiếp sức cho mọi người bằng lời cầu nguyện và tình thương dạt dào.” Có lẽ ngày em vô lại Dòng, tôi sẽ nói với em “Thu đi để lại lá vàng, lũ đi để lại muôn ngàn yêu thương”.
Thương lắm miền Trung dấu yêu.

Maria Trần Thị Thùy, MTG Huế

Kiểm tra tương tự

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *