Đến Nhà Thờ Kinh Lạy Cha

Từ cộng đoàn, chúng tôi đón xe bus chạy vòng qua thung lũng Kít-rôn để lên núi cây Dầu (The mount of Olives)[1] hướng phía Đông của thành. Gọi là núi cây Dầu vì nơi đây trồng nhiều loại cây Ô-liu để lấy dầu ăn hoặc để đốt. Núi này lúc nào cũng đông du khách hành hương vì có những thánh địa quan trọng liên quan đến Đức Giêsu: Nhà Thờ Chúa lên trời (The Ascension), Nhà thờ Kinh Lạy Cha (Pater Noster), Vườn Cây Dầu (Gethsemane), Nhà Thờ Chúa Khóc (Dominus Flevit) để nhớ lại biến cố Đức Giêsu từ Bê-ta-ni-a băng qua núi Cây Dầu và Ngài khóc thương thành Giêrusalem. Nối liền những địa danh ấy là con đường Lễ Lá mà ngày xưa Đức Giêsu cỡi lừa vào thành. Mạn sườn dốc đối diện với thung lũng Kít-rôn là ngôi làng Bê-ta-ni-a.

Chúng tôi dừng chân viếng nơi Chúa Lên Trời, sau đó qua Nhà Thờ Kinh Lạy Cha. Tại đây tôi tiếp tục được chiêm ngắm, lắng nghe và cầu nguyện đặc biệt với lời Kinh mà chính thầy Giêsu dạy cho các môn đệ: Kinh Lạy Cha (Lc11,1-4 và Mt 6,9-13)[2]. Đây là lời kinh mà bất kỳ người Công giáo nào cũng thuộc lòng, được học trước tiên. Hôm nay tôi được nghe thầy Giêsu dạy tại địa điểm mà Thầy đã dạy cho các môn đệ năm xưa, với ơn xin cho tôi được hiểu biết thâm sâu về Thiên Chúa Cha.

Khung cảnh khi Thầy dạy Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng có phần khác nhau. Thánh Mát-thêu kể thầy Giêsu dạy Lời Kinh này trên ngọn núi thành Caphacnaum[3] (tâm điểm của Bài Giảng trên núi). Còn ở đây thánh Luca cho thấy thầy Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện trên núi Cây Dầu. Dù sao ngọn núi hôm nay cho tôi nhiều tâm tình để lắng nghe thầy Giêsu dạy cầu nguyện với Chúa Cha. Theo thánh Luca thì trước Kinh Lạy Cha là câu chuyện Thầy trò Đức Giêsu vào nhà chị em Mác-ta để nghỉ ngơi sau những ngày vất vả dặm trường. Mác-ta tất bật chuẩn bị bữa ăn, Maria ngồi bên chân Thầy để nghe lời Người dạy. Thầy khen Maria đã chọn phần tốt nhất. Tôi muốn bắt chước Maria để ngồi bên chân Chúa cùng với các môn đệ nơi đây vào thời của Ngài, để lắng nghe Thầy dạy cách cầu nguyện với Chúa Cha.

Nhưng nơi đây ngày xưa Chúa nói bằng tiếng Aram[4] mà, làm sao tôi và bạn vốn là người Việt Nam hiểu được, chỉ có các môn đệ mới có thể ngồi nghe Thầy sao? Thầy vỗ vai trấn an tôi yên tâm, vì sau Công Đồng Vatican II, lời Thầy đã được dịch sang các thứ tiếng. Tôi thấy nơi đây, Kinh Lạy Cha có tới 175 ngôn ngữ khác nhau, có cả tiếng Việt ở phía trong nhà thờ kia. Tôi bình an và sung sướng nghe Thầy nói.

1. Áb-ba, Cha ơi

Nếu những gì Đức Giêsu nói và làm để ứng nghiệm lời Cựu ước, thì riêng Kinh Lạy Cha, người ta hoàn toàn không thấy trong thời trước. Đó hoàn toàn mới đối với các môn đệ, với thời đại của Thầy. Dân chúng thời ấy không dám gọi tên Gia-Vê, giới tư tế không dám dùng những lời thân mật với Đức Chúa của họ để xưng hô. Họ chỉ dám xưng với Đức Chúa bằng một Danh từ cực trọng mà không thể phát âm “YHWH”. Nói chung dân Chúa thời Cựu ước luôn tâm niệm một điều rằng: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.” (Xh 21,7).

Vậy mà Thầy gọi Đức Chúa là Cha của Thầy. Một điều dân chúng chưa từng nghe ai nói thế bao giờ. Các môn đệ trước đây cũng không, vì họ theo đạo Do Thái. Riêng Thầy không chỉ lần này mới nói “Lạy Cha, Áb-ba hay Cha ơi”, nhưng còn nhiều lần khác nữa. Thầy muốn lặp đi lặp lại lời nguyện ấy để loan báo cho con người mọi thời Thầy là Con Thiên Chúa, Thầy đến từ Chúa Cha và Chúa Cha sai Thầy đến để cứu chuộc con người.

Hẳn là lời nguyện này con người không thể tự mình thốt ra, nhưng chỉ nói lên được nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nhờ Thầy trợ giúp. Bởi thế lúc này tôi thích ngồi nghe Thầy nói, đón lấy sứ điệp Thầy trao để ước mong mình cũng được kết thân với Cha là Đấng ngự trên trời. Tôi nài xin Thầy ban cho mình ơn Thần Khí để làm cho tôi nên nghĩa tử, nên con cái Thiên Chúa, nhờ đó tôi mới có khả năng kêu lên hai tiếng “Áb-ba – Cha ơi” (Rm 8,14-15).

Thốt lên được như thế nghĩa là tôi được đi vào mối tương quan thần linh giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Cha và con. Nhờ đó, cánh cửa cầu nguyện được mở toang, được Thiên Chúa ra đón vào, để bắt đầu một hành trình kết thân, một cuộc đời của người con có Cha, một thành viên trong nhà của Cha.

Tuy nhiên không dễ để tôi có thể bắt nhịp được mối tương quan Cha-con khi chưa lần nào tôi thấy Chúa Cha. Hoặc nếu có trong Tin Mừng, đôi lần tôi vẳng nghe tiếng Chúa Cha vọng xuống khi thầy Giêsu chịu phép rửa tại dòng sông Gio-đan, hay trên núi Tabor khi Chúa biến hình[5]. Không chỉ tôi hay bạn, các môn đệ cũng gặp khó khăn trong mối tương quan với Chúa Cha.

Bởi đó, hôm qua trong Nhà Tiệc Ly, ba câu hỏi được các môn đệ nêu lên cho Thầy:

a. Xin chỉ cho chúng con đường đi

Sau khi Thầy nói: “Trong nhà Cha có nhiều chỗ ở, Thầy đi dọn chỗ cho anh em và Thầy đi đâu anh em biết đường rồi”, ông Tô-ma hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường.” (Ga 14,1-4). Hơn nữa, đường về nhà Cha xa tít mù khơi, chưa một lần đến chắc là khó khăn cho các môn đệ và cả chúng ta nữa. Thầy trấn an khẳng định chính Thầy là con đường dẫn đến Chúa Cha. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy.

Hóa ra từ bấy lâu tôi theo Thầy, nghe lời giáo huấn và đón lấy tình thương của Thầy, nhưng có khi tôi chưa dám nên đồng hình đồng dạng với Thầy, chưa dám đi trên con đường Thầy đi, để đến được với Chúa Cha. Ngồi trên tảng đá dưới gốc cây dầu cổ thụ, tôi ngoảnh nhìn xuống triền dốc, rồi ngước lên Thầy để xin nhận Thầy là con đường, là hướng đi cho cuộc đời mình.

b. Xin chỉ cho con thấy Chúa Cha

Liền sau câu hỏi của Tô-ma là lời nài xin của ông Phi-lip-phê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là con mãn nguyện.” (Ga 14,8). Ông có lý khi hỏi như thế, vì xưa nay chưa ai thấy Thiên Chúa hay thấy Chúa Cha bao giờ! Cả dân Do Thái vẫn đang mong đợi Đấng Mêsia, Đức Chúa của họ đến, nhưng họ vẫn chờ rồi lại mong. Đức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác: “Thầy ở với anh bấy lâu, thế mà anh Phi-lip-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9.) Suốt ba năm làm môn đệ Thầy, suốt hành trình ròng rã theo Thầy trên đường loan báo Tin Mừng, Phi-lip-phê[6] là một đại diện của nhóm tông đồ chưa biết hết về Thầy.

Với tôi, đó cũng là điều khó hiểu, nên tôi cũng hỏi Thầy như ông Phi-lip-phê. Thầy cũng trả lời như thế, vì Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy, nên Thầy và Chúa Cha là một. Huyền nhiệm biết bao, chỉ có Thầy mới hiểu về Chúa Cha chính xác để giải nghĩa cho chúng ta. Bởi Thầy đến từ Chúa Cha, nên Thầy biết Chúa Cha và những gì Chúa Cha mong ước cho con người. Mở ngoặc nơi đây, tôi tự hỏi liệu những ngôn sứ hoặc người phàm mắt thịt nói về Chúa Cha có chính xác bằng thầy Giêsu vốn hằng ở với Chúa Cha không? Bởi đó, tôi tin Thầy, tin lời huyền nhiệm của Thầy vừa nói để từ đó tiếp tục hành trình kết thân với Thầy và với Chúa Cha.

Xin Thầy cứ tiếp tục giúp tôi hiểu biết thâm sâu về Thầy, về Chúa Cha và đừng để tôi quên con đường mà chính Thầy có thể dẫn tôi về đến Quê hương đích thực. Nơi đó có Chúa Cha, có vinh quang, hạnh phúc và bình an đích thực.

c. Tại sao lại là chúng con?

Biết và yêu mến Chúa Cha không chỉ quan trọng cho Đức Giêsu mà còn thiết yếu cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Người. Trên ngọn núi Ô-liu sáng sớm nay, sau khi thấy Thầy cầu nguyện với Chúa Cha xong, các môn đệ xin Thầy chỉ cho cách cầu nguyện và Thầy cho các ông đọc kinh Lạy Cha. Tương quan với Cha phải được đặt lên hàng đầu. Do đó Thầy muốn tỏ mọi điều về Thiên Chúa Cha cho các môn đệ. Rồi cũng trong bữa tiệc hôm qua, Giu-đa không phải là Giu-đa bán Chúa, đã thưa với Thầy: “Tại sao Thầy phải tỏ mình cho chúng con, mà không tỏ mình cho thế gian?”

Là môn đệ theo thầy Giêsu, các ông được ân huệ là Thầy ưu tiên nói về Thiên Chúa Cha. Và những ai tin yêu Thầy cũng nhận cùng một ân huệ ấy. Hoa quả của ân huệ ấy là ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ ở lại với người ấy (Ga 14,23). Đó đơn giản là tình yêu mà Thầy muốn dành cho các môn đệ, vì yêu nên Thầy tỏ lộ cho các ông. Ước mong không chỉ chúng ta, mà còn nhiều người nữa cũng được Thầy yêu thương mời gọi đến với Thầy, với Chúa Cha.

d. Khung cảnh cho con chiêm ngắm Chúa Cha

Trong lúc vò đầu bối rối về Thiên Chúa Cha, tôi được mời gọi đi vào khung cảnh mà thánh I-nhã hướng dẫn cầu nguyện trong sách Linh Thao. Nơi đó Ba Ngôi đang nhìn xuống xem mặt địa cầu, hay sự bao la của toàn thế giới đầy người thế nào, và thấy mọi người đang sa xuống hỏa ngục ra sao, Ba Ngôi quyết định từ thuở đời đời của mình rằng Ngôi Hai sẽ làm người để cứu chuộc nhân loại. Và thế là thầy Giêsu hạ sinh trong kiếp con người. Năm tháng trên dương thế Thầy lúc nào cũng hướng về Cha, cầu nguyện với Cha và luôn chu toàn thánh ý của Cha.

Rồi tôi nhìn ngắm việc Ba Ngôi đang làm để cứu độ con người. Nhìn ngắm thầy Giêsu đang lao tác trên con đường sứ mạng để cho nhân loại nhận biết vinh quang của Cha, nhận biết Nước trời đang đến gần, tôi thấy Chúa Cha gần hơn, sống động hơn. Cha dõi theo từng bước đường Thầy đi. Từ lúc Giáng sinh đến khi chết trên thập giá, Cha không rời Thầy nửa bước. Ba Ngôi hằng hữu và sống động cho tất cả mọi người. Tôi xin được cảm nghiệm thâm sâu về Chúa Cha, để hạnh phúc nói tiếng “Ábba- Cha ơi.”

2. Lời nài xin với Cha

Khi đi vào tương quan kết thân với Thầy và với Chúa Cha là Đấng ngự trên trời, con người có thể trải qua những giờ cầu nguyện sốt sáng với nhiều an ủi thiêng liêng. Hay nói như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Cầu nguyện là dịp vươn lên của trái tim, nó đơn giản là cái nhìn hướng về trời.” Thực vậy, “cầu nguyện không khác gì một cuộc đối thoại với một người bạn mà ta thích gặp riêng tư với nhau, để nói với nhau vì bạn yêu ta.” (Thánh Têrêxa Avila.) Trong sự liên kết sống động ấy, chúng ta “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” (Mt6, 9-10). Tôi giơ tay hỏi Thầy: “Phải chăng những điều ấy Thầy đang thực hiện, nhất là sắp tới giờ Thầy chịu chết để chu toàn ý Cha?”

Vậy Thầy chỉ cho tôi ba điều liên quan trực tiếp đến Chúa Cha:

a. Xin cho danh Cha vinh hiển

 “Bằng cách nào đây?” Tôi hỏi thầy Giêsu, rồi chiêm ngắm cả cuộc đời Thầy sống, cả hành động Ngài làm, cả phép lạ Ngài thực hiện để duy nhất giúp con người biết Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Bằng con đường thập giá, thầy Giêsu đang tôn vinh Cha. Làm sáng danh Cha nghĩa là sống theo những gì thầy Giêsu chỉ dạy, làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, và tự do mở lòng để vinh quang Cha chiếu tỏa nơi cuộc sống của người môn đệ.

b. Triều Đại Cha mau đến

 Đó là Nước của Cha sẽ đến với con người. Một Vương Quốc không thuộc thế gian này, nhưng khi theo Đức Giêsu trong đau khổ thì cũng được ở với Ngài trong vinh quang, trong triều đại Nước Trời. Tôi ước mong xin với Thầy cho mình tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, xin Nước Cha sớm thống trị mặt địa cầu. Nhờ đó con người hưởng hạnh phúc bình an viên mãn.

c. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

 Con hỏi Thầy, ý Cha là gì? Thầy trả lời: Là muốn cứu độ con người, để đưa con người vào hưởng vinh quang Thiên Quốc. Ý của Cha cũng là ý của Thầy, vì Thầy hiểu rõ ý định ngàn đời của Cha, nên tôi muốn thực thi ý Thầy. Tất cả những gì Tin Mừng  nói đó là Lời, là ý của Thầy vốn Thầy nghe được từ Chúa Cha. Hãy để Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Tôi nghe Thầy nhắn nhủ. Tôi tin rằng một khi loài người cùng nhau sống chu toàn thánh ý Cha, trái đất sẽ không còn chiến tranh, mọi người trở nên anh chị em cùng nhau vâng theo ý Cha nơi trần thế.

3. Xin của ăn hằng ngày

Đây là điều thiết yếu và thực tế của con người. Chuyện ăn uống là nhu cầu con người phải vất vả kiếm tìm. Suy cho cùng thì mọi bôn ba của con người đều chăm lo cho có miếng cơm manh áo. “Có thực mới vực được đạo” cách nào đó cũng hợp lý trong mọi thời. Thầy Giêsu hiểu được nhu cầu này nên dạy các môn đệ hãy xin với Chúa Cha. Câu chuyện lương thực này gợi nhớ đến chuyện xưa khi dân đi trong sa mạc. Hằng ngày Thiên Chúa cho Man-na từ trời rơi xuống, mỗi người chỉ lượm vừa đủ phần ăn cho ngày hôm ấy (Xh 16,16-20).

Tuy vậy, Thầy cũng từng nhắc các môn đệ đừng chăm chú quá mức vào chuyện ăn uống. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không tích vào kho, thế mà Cha chúng ta ở trên trời vẫn nuôi chúng đấy thôi.

Nói thế không phải Thầy muốn dạy các môn đệ cứ ngồi chơi xơi nước. Nhiều người còn nhạo báng người tin vào Chúa: “Mày cứ ngồi đó mà cầu xin Chúa xem Người có gửi cơm áo, gạo tiền đến cho mày không!” Thực ra Thầy không dạy tôi lười biếng[7], ngồi chờ sung rụng. Thiên Chúa dựng nên con người để canh tác đất đai (St 1-2). Thầy nhắc con người phải đổ mồ hôi mới có cái ăn (St 3,17-19). Chúa dựng nên con người có khối óc, có bàn tay, cho đất nước và thiên nhiên để làm ra lương thực hằng ngày.

Tôi thầm tạ ơn Thầy đã cho tôi chìa khóa để mở ra đời sống sung túc hơn. Thầy bảo tôi phải tiên vàn tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, những thứ khác đương nhiên Người sẽ ban cho. Tìm kiếm Nước Cha, tức là xin ơn để thực thi những điều Thầy dạy: làm danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

4.Chúng ta là anh chị em của nhau

Khi cùng nhau gọi Thiên Chúa là Cha, thì tương quan giữa chúng ta đương nhiên trở nên anh chị em với nhau. Không thể cùng nhau chúc tụng Cha trên trời lại bỏ đi tương quan này. Nhớ lại chuyện người con cả trong dụ ngôn người Cha Nhân Hậu, chính anh ta tự cách mối giây liên kết huynh đệ với người em chung một mái nhà. Tuy nhiên, thực tế họ vẫn là anh em của nhau, có cùng một người Cha giàu lòng thương xót.

Trong khuôn viên nhà thờ Kinh Lạy Cha, tôi thích thú nghe câu chuyện cha hướng dẫn kể cho chúng tôi về một gia đình, Ngài nói:

Bỗng một ngày mình thấy bụng mẹ lớn dần lên. Hôm đó từ bệnh viện về, mẹ bế em bé nhỏ xíu vào nhà và đặt nó trong chiếc nôi. Mẹ vời tôi lại và nói đây là em của con. Tôi không hiểu, ngơ ngác và không chịu đứa bé này. Sau vài tháng tôi nhận thấy rõ hơn mối nguy hiểm từ em bé kia. Mẹ lúc nào cũng dành nhiều giờ cho nó, dành đồ chơi, búp bê cho nó, thế là cuộc sống của tôi bị san sẻ. Tôi nói với mẹ hãy đưa em bé này trả về bệnh viện đi. Mẹ hỏi tại sao, vì nó là em của con mà. Tôi nói với mẹ: “Tuy thấy nó dễ thương, nhưng con lại phải chia chác nhiều thứ cho nó.”

Thỉnh thoảng chúng tôi lại giành nhau đồ chơi, khóc la vì những cuộc tranh giành ấy. Ba mẹ vỗ về cả hai đứa và nói các con là anh em với nhau, cùng có cha mẹ đây, nên không được gây gỗ. Thế là trong bàn cơm chúng tôi lại làm hòa, và cứ thế chúng tôi lớn dần trong sự dạy bảo của cha mẹ. Dần dần tôi cũng nhận ra đứa bé ngày nào thực sự là em của mình. Tự nhiên trong chúng tôi có tình yêu thương lẫn nhau, vì đơn giản chúng tôi là anh em với nhau.

Chắc thầy Giêsu cười thích thú khi tôi kể lại câu chuyện ấy. Cười vì đó là chuyện thường tình mà ai ai cũng hiểu, cũng biết và phổ biến trong các gia đình. Tiếc là thực tế không thiếu cảnh huynh đệ tương tàn, cảnh Cain giết em mình là Abel vì những chuyện ganh đua (St 4,1-16). Đó là câu chuyện ngoài địa đàng, của thế lực sự dữ cứ muốn chia rẽ con người. Đau lòng! Tôi tiếp tục lắng nghe Thầy để tìm câu trả lời.                              

Bạn tưởng tượng bỗng một ngày tôi và bạn cùng thốt lên “Ábba-Cha ơi”, lúc đó chúng ta là anh em của nhau. Là anh chị em của nhau, chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau, vì ta có chung một Cha là Đấng Ngự trên trời hằng tha thứ cho mỗi người con. Trong gia đình, trong Giáo hội cũng thế, lời mời gọi của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau vì ta có một Cha ở trên trời.

Có lần người thông luật hỏi Thầy giới răn nào trọng nhất. Thầy trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,34-40). Vì người thân cận là anh chị em của ta, chung mối giây liên kết thần linh đến từ Chúa Cha, nên đương nhiên và là bổn phận phải yêu thương nhau. Chúng ta cùng cầu xin với cùng một Cha, chẳng lẽ chúng ta lại ghét bỏ nhau trước mặt Cha. Hơn nữa, có lần Thầy còn đòi hỏi người môn đệ mức độ khó hơn là hãy yêu cả kẻ thù của mình nữa, vì chẳng phải Thiên Chúa cho mưa trên cả người tốt lẫn người xấu đó sao.

Nhớ lại thời đạo Công giáo mới vào Việt Nam khoảng thế kỷ 17 (năm 1615), con dân Đất Việt không biết gọi tôn giáo mới này là gì. Họ chỉ thấy những ai theo đạo Công giáo đều rất yêu thương nhau. Do đó họ gọi đạo này là đạo yêu thương! Phải chăng khi người ta chịu phép rửa tội, đón nhận Cha là Đấng ngự trên trời, lúc ấy họ nên anh chị em trong một gia đình. Ước sao giáo dân Công giáo không chỉ yêu thương nhau trong giáo xứ, nơi giáo hội mà còn mở rộng tình thương ấy đến với mọi người.

Mặt trời đã lặn dần, đoàn người hành hương mỗi lúc một thưa. Tôi chợt nhìn lại mối tương quan của mình với tha nhân. Chạnh lòng để xin Thầy giúp tôi mở rộng trái tim để yêu thương anh chị em của mình nhiều hơn. Được như thế, tôi tin rằng lời Kinh mà Thầy dạy cho tôi hôm nay sẽ sinh nhiều hoa trái.

Tôi đứng lên, vào phía trong nhà thờ đọc bản kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt phía bên phải gần gian cung thánh. Và xin thầy Giêsu, xin Thiên Chúa Cha hằng ở cùng tôi, giúp tôi sống những điều ước nguyện vừa thưa với Chúa Cha.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kỳ tới: Thăm Phòng Tiệc Ly của Đức Giêsu

…………….

[1]Tiên tri Ê-dê-ki-en mô tả Núi Ô-liu như là một nơi Chúa dừng chân: “Vinh quang Đức Chúa đi lên khỏi thành và dừng chân lại trên núi ở phía đông của thành.” Ed12, 23.

[2] Ông Téctulianô (thế kỉ II) coi Kinh Lạy Cha là “kinh tóm tắt toàn bộ Tin Mừng”. Thánh Tôma Aquinô (thế kỷ XIII) gọi là Kinh hoàn hảo nhất trong mọi Kinh.

[3] Chúng ta không biết chính xác ngọn núi nào. Tuy nhiên hiện nay có hai địa điểm truyền thống cho rằng Chúa giảng Bài Giảng trên núi. Một là ngọn núi đối diện với nơi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều ở Tabgha (The church of the Primacy). Hai là, Nhà thờ Tám mối phúc thật cũng gần đó.

[4] Đức Giêsu sống dưới thời đế quốc Rôma trị vì. Ngôn ngữ chung là tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên tại Palestina, tiếng Aram được dùng trong sinh hoạt hằng ngày, tiếng Híp-ri chỉ dùng trong phụng vụ

[5] “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

[6] Ông Phi-lip-phê là người cùng quê với An-rê và Phê-rô ở Bết-xai-đa gần Ca-phác-na-um. Ông là một trong những môn đệ đầu tiên được chính Đức Giêsu gọi.

[7]“Hỡi người biếng nhác, ngươi còn nằm đó tới bao giờ? Chừng nào ngươi mới ngủ dậy? Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút, là cái nghèo sẽ đến như tên du thủ du thực, cảnh bần cùng sẽ đột nhập như người có vũ trang.” (Cn 6,9-11).

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên Việt Nam: Thánh lễ Truyền chức Linh mục năm 2024

  Vào ngày 03 tháng 12 năm 2024, trong bầu khí hân hoan mừng kính …

Viết cho các tân linh mục

  Anh em trong Chúa Kitô thân mến,   Anh mới nhận được thông báo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *