Đi tu là ơn gọi hiến dâng

Nhiều người ngạc nhiên về đất nước Việt Nam tuy dưới chế độ cộng sản lại có nhiều ơn gọi hiến dâng. Để giải thích về thực tế ấy, có lẽ cần nhiều thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên ơn gọi dâng hiến luôn là một món quà đến từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa gọi và những bạn trẻ đáp trả lại tiếng gọi đó. Bước khởi đầu của việc trả lời Thiên Chúa là họ tìm hiểu một dòng tu; nếu hợp, họ bước vào dòng để tập sống đời dâng hiến. Tiến trình ấy người ta hiểu nôm na là đi tu. Nhìn bề ngoài chúng ta thấy người tu sĩ đang quảng đại dâng hiến đời mình trong một dòng tu. Sau này họ được mời gọi để phụng sự Chúa trong những sứ mạng cụ thể.

Tuy nhiên, biểu hiện bên ngoài của đời tu là cả một ơn gọi nhiệm màu trải dài trong cuộc sống của người tu sĩ. Nói là “ơn” vì đó là ơn huệ, là món quà nhưng không Thiên Chúa dành cho họ. Người thực sự thì thầm gọi họ trong những biến cố rất riêng của từng người. Tiếng gọi ấy mỗi ngày một rõ nét hơn, khiến họ cần tìm hiểu và làm theo tiếng ấy thì được hạnh phúc bình an. Hẳn là tôi không có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải gọi chọn tôi trong đời dâng hiến. Người có tự do chọn gọi chỉ những ai Người muốn. Còn nhớ biết bao người tốt quanh Thầy Giêsu, tuy nhiên, Người chỉ gọi chọn 12 tông đồ, để ở với Người và được Người dạy dỗ và sai đi. Vì là món quà, nên nhiều bạn trẻ trân quý ơn gọi Chúa trao và tập tành bước theo tiếng gọi thiêng liêng ấy.

Người đời sẽ không hiểu hết tại sao một người tu sĩ lại bỏ mọi sự để theo một tiếng gọi vô hình nào đó. Thay vì nên nghĩa vợ chồng với ai đó, họ chọn Giêsu để bước theo, chỉ một mình Người mà thôi. Thay vì xây đắp cuộc sống riêng tư, tìm kiếm tiền tài, người tu sĩ chỉ theo những chỉ dẫn của Thầy Giêsu. Họ hạnh phúc với ba lời khấn hứa: Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Thay vì vun đắp cho gia đình riêng của mình, người tu sĩ dấn thân đến với mọi người; họ cố gắng giúp càng nhiều người yêu mến Thiên Chúa càng tốt. Hơn nữa, người tu sĩ còn phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Giêsu (Mt16, 24-28). Đó là những sứ mạng cao cả mà nhiều người lấy làm ngạc nhiên. Ngược lại, tu sĩ không ngạc nhiên lắm vì những điều họ chọn làm, vì họ biết trong tâm hồn họ luôn có một tiếng gọi dấn thân, sống vì những điều cao cả hơn. Nhờ đó họ hy vọng tìm được hạnh phúc đời này và đời sau.

Cũng phải thừa nhận rằng nhiều bạn trẻ muốn đi tu và nhất quyết phải đi tu cho bằng được. Tạm bỏ qua những lý do bạn ấy muốn đi tu, chúng ta thấy một khi Thiên Chúa không gọi, dù có muốn, bạn ấy cũng không thể hạnh phúc trong đời tu. Cũng không thiếu bạn trẻ trước giờ chẳng hề nghĩ đến chuyện đi tu, chợt một biến cố đến, họ thấy dường như Thiên Chúa lớn tiếng gọi mình bước vào một đời sống thuộc trọn về Chúa. Tôi biết vài người đã chuẩn bị kết hôn, nhưng chính lúc đó, Thiên Chúa gọi hai người bước và con đường dâng hiến! Chính họ cũng không hiểu hết những gì họ quyết định! Chỉ biết họ thực sự hạnh phúc khi trở nên những tu sĩ thay vì nên nghĩa vợ chồng với nhau. Thế mới biết ơn gọi thật huyền nhiệm biết bao!

Tuy nhiên đời dâng hiến không phải luôn là chuỗi ngày hạnh phúc, dù Thiên Chúa có gọi chọn họ. Có nhiều biến cố, thử thách khiến họ hoang mang trước tiếng Chúa gọi thuở nào. Trong đời tu họ thấy Chúa im lặng, thậm chí trong những giờ cầu nguyện riêng tư. Nhiều khi họ bối rối không biết mình còn ơn gọi không? Đó có thể là những thử thách thường đến với những người theo Chúa. Tuy vậy, họ luôn trung thành và biết “năn nỉ” Thiên Chúa khơi gợi tiếng gọi mạnh hơn trong tâm hồn họ. Hơn hết, họ nỗ lực tìm thánh ý Thiên Chúa và sống thân thiết hơn với Người. Tình trạng nội tâm ấy chúng ta có thể bắt gặp nơi một nữ tu trải qua nhiều năm đêm tối của tâm hồn (gần 50 năm). Sơ cảm thấy Thiên Chúa im lặng, xa vắng đến độ sơ nghĩ Thiên Chúa “nghỉ chơi” với mình rồi. Đó là trường hợp của sơ thánh Têrêsa thành Calcutta. Sơ nói: “Tận đáy lòng… chẳng có gì cả ngoài sự trống rỗng và tối tăm… Nếu có Chúa – xin tha tội cho con. Khi tôi cố hướng tâm trí mình đến Thiên đàng thì sự trống rỗng phủ lấp và những ý tưởng ấy dội ngược về như những mũi dao sắc cắt nát linh hồn tôi…” Dù sầu khổ thiêng liêng nhưng cả thế giới ngưỡng mộ trước những thành quả tông đồ và con người thánh thiện của sơ. Động lực ấy sơ lấy từ đâu nếu không phải từ Đấng gọi sơ?

Một thực tế đau lòng là nhiều nước trên thế giới các bạn trẻ bịt tai trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Họ chạy theo lối sống hưởng thụ và thực dụng hơn là lắng nghe tiếng Chúa để rẽ vào con đường dâng hiến. Họ chối từ món quà của Thiên Chúa. Ước gì bạn trẻ Công giáo Việt Nam tập lắng nghe tiếng Thiên Chúa thì thầm. Một khi biết nói chuyện và lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta có khả năng đáp lời, dù đi tu hay lập gia đình. Nếu Chúa muốn mình đi tu, hãy lên đường để “viết lên bao trang sử diệu kỳ” (x. Tông huấn đời sống thánh hiến, số 90). Được như thế, hy vọng những ai được Thiên Chúa đang thì thầm gọi tên bước vào đời dâng hiến, họ hạnh phúc đón nhận món quà với một tình yêu dâng hiến lơn lao.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc10,1-9). Nguyện xin Thiên Chúa luôn gọi thật nhiều người trẻ đến với Người, ở với Người và được Người sai đi!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Khóa tĩnh tâm dành cho các gia đình – “Lạt mềm buộc chặt”

TĨNH TÂM CHO CÁC GIA ĐÌNH “LẠT MỀM BUỘC CHẶT”     Có lẽ khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *