Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới một cùng đích: Đó là loan báo Tin Mừng theo đặc sủng trong những môi trường khác nhau và hoàn toàn tận hiến cho chương trình của Thiên Chúa.

Truyền thông Dòng Tên đã có buổi trò chuyện với ba tu sĩ thuộc ba hội dòng khác nhau, để tìm hiểu xem, đối với họ đời thánh hiến là gì và liệu họ có hạnh phúc trong đời tu không. Mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ rất thật này nhé.

 

Từ thu hút bên ngoài đến chọn lựa bên trong

 

 

Cha Giuse Lê Đắc Thắng là một tu sĩ Dòng Tên. Ngài bước vào Nhà tập Dòng Tên từ năm 2011 và thụ phong linh mục năm 2022. Tính tới nay, cha đã đi tu được 13 năm và hiện đang đi truyền giáo bên Lào. Đối với cha Giuse, đời dâng hiến có nghĩa là bước theo Chúa Giêsu một cách triệt để hơn, và đó không phải là một quá trình nhanh chóng và dứt khoát ngay từ đầu. Cha chia sẻ rằng: “Ban đầu con đi tu là do một vài ấn tượng tốt về cha xứ, ngay cả cách hiểu về đời tu cũng chưa có “chuẩn” ngay từ đầu, ví dụ như đi tu vì được nhiều người thương mến, cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái, hoặc chỉ đi theo bạn bè… Nhưng khi đi tu rồi con mới thấy đời tu không chỉ có vậy, thậm chí còn rất khác xa và ngược lại nữa. Khi đó, con nghiệm ra thực tế đời tu và tự hỏi, liệu mình có dám dấn thân và lựa chọn con đường này không? Càng về sau quyết định của con càng chín chắn hơn, còn ban đầu nó thuần tuý chỉ là sức hút bên ngoài”. Sau nhiều năm tu học, cha Giuse nhận thấy rằng: “Con người của mình trưởng thành hơn theo thời gian và đời tu cũng vậy. Thậm chí bây giờ khi đã là một linh mục, con vẫn cần được nuôi dưỡng và đào sâu. Chính vì vậy con cảm thấy đời tu là một hành trình không có điểm dừng”.

 

Tương tự như cha Giuse, ban đầu soeur Têrêsa Nguyễn Thị Minh thuộc Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa thích đi tu cũng từ sức hút bên ngoài. Soeur chia sẻ rằng: “Lúc mới 14, 15 tuổi, soeur thích đi tu dòng vì mặc áo đẹp. Thế rồi soeur mò mẫm tìm hiểu nhưng Chúa không cho. Vì gánh nặng gia đình, mãi tới năm 31 tuổi, soeur mới bước vào tu hội đời và ở lại cho đến bây giờ”. Ngày soeur khấn lần đầu, học trò của soeur đi dự lễ về nói: “Cô ơi đừng đi tu hội đó, mặc áo không có đẹp! Cô ơi sao không có đội lúp?” Soeur nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu con ạ. Đi tu là bước theo Chúa, hiểu về Chúa, say mê Chúa, như men như muối ướp mặn cho trần gian. Hữu xạ tự nhiên hương con ạ”. Sau 34 năm sống ơn gọi dâng hiến, soeur rất hạnh phúc với ước nguyện đời tu: “Con ca ngợi hồng ân Chúa đến muôn đời”(TV 88, 1). Soeur xác tín rằng: “Đời sống thánh hiến là một ơn gọi rất cao quý. Ơn gọi này đến từ chính Chúa và Chúa đã luôn bảo bọc chở che, đồng hành trong hành trình dâng hiến của soeur”.

 

Không riêng gì soeur Têrêsa cảm nghiệm ơn gọi dâng hiến đến từ chính Thiên Chúa, mà thầy Berchmans Nguyễn Minh Châu thuộc Đan viện Xitô Phước Sơn, giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu cũng cảm nhận như vậy. Theo thầy, đời tu là ơn gọi đến từ hai phía. Phía thứ nhất là Chúa gọi và phía thứ hai là có người đáp lại tiếng Chúa. Thầy kể rằng: “Hành trình đến với ơn gọi của mình xuất phát từ lớp ơn gọi của giáo xứ. Bản thân mình tham gia để cho vui thôi. Nhưng trong một dịp nọ, các cha Xitô đến giáo xứ mình cổ võ ơn gọi. Thấy các cha Xitô nói hay và thấy tính cách của mình thích hợp với dòng này, mình đến gặp cha xứ trình bày mong ước. Cha xứ giới thiệu mình tới Đan viện Xitô Phước Sơn, khi đó mình mới học xong 12. Thế là mình bắt đầu bước vào đan viện từ năm 2001 cho đến bây giờ, đã hơn 20 năm”. 

 

Điều gì làm nên hạnh phúc đời tu?

 

 

Mặc dù tất cả các dòng đều chọn Chúa làm cùng đích, nhưng con đường dẫn tới hạnh phúc của mỗi dòng lại đi qua những ngả khác nhau. Khi được hỏi về điều gì làm nên hạnh phúc đời tu, thầy Berchmans kể rằng: “Điều hạnh phúc nhất trong ơn gọi đan tu là sống tình gia đình. Mình cảm nghiệm đời sống cộng đoàn nâng đỡ và giúp mình hăng say trong sứ vụ Chúa trao. Bề trên như người cha, người anh em. Dù mình làm công việc nào cũng đều cố gắng chu toàn một cách tốt đẹp nhất và luôn có sự nâng đỡ từ người khác”. Tương lai chưa dám chắc điều gì, nhưng bây giờ thầy cảm thấy hạnh phúc trong con đường đã chọn.

 

Khác với dòng đan tu nhấn mạnh tới đời sống cộng đoàn, Tu hội đời của soeur Têrêsa lại không buộc các thành viên sống chung với nhau trong cùng tu viện. Chính vì thế, niềm hạnh phúc của soeur Têrêsa là sống theo thánh ý Chúa. Soeur chia sẻ rằng: “Nếu mình dám dấn thân, dám để Chúa làm, dám để Chúa sử dụng thì mình thấy kết quả rất rõ ràng. Những gì mình đã gieo vãi cũng chính là những gì mình sẽ gặt hái được. Cho nên với soeur, khi nào sống theo thánh ý Chúa thì mới được hạnh phúc mà thôi, ngoài ra, tất cả những điều khác đều là ảo”.

 

Giữa hai lối sống đan tu và tu hội đời là dòng chiêm niệm trong hoạt động, mà tiêu biểu là Dòng Tên. Dòng Tên lấy tôn chỉ “Cho vinh danh Chúa hơn” làm “kim chỉ nam” cho đời sống của người tu sĩ. Khi nói về hạnh phúc trong đời tu, cha Giuse không ngần ngại chia sẻ rằng: “Nếu nói theo cảm xúc thì có những lúc cảm thấy cô đơn, trống trải, nhưng nếu tính chung lại thì thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn”. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc sâu xa của cha chính là được sống khao khát ước mơ của mình. Cha kể rằng: “Kinh nghiệm sâu sắc nhất dẫn tới quyết định đi tu Dòng Tên của con là muốn được sống với người nghèo. Khi con đang là sinh viên năm ba, một người anh họ của con đi tu Dòng Tên kể cho con nghe về sứ vụ truyền giáo. Lúc đó lòng con bừng cháy, rạo rực, thích thú lắm. Giờ đây, ước mơ đó đã thành hiện thực. Sứ vụ truyền giáo ở Lào đụng chạm cái kinh nghiệm đầu đời của con khi bước vào Dòng Tên, nên con cảm thấy hạnh phúc lắm”.

 

Chỗ đứng của người tu sĩ trong thế giới hôm nay

Trong vườn hoa Giáo hội, mỗi dòng tu đều có đặc sủng và sứ mạng riêng. Chính điều đó tạo nên chỗ đứng độc đáo cho mỗi ơn gọi. Khi nói về sứ mạng đan tu, thầy Berchmans Châu chia sẻ rằng: “Trong Dòng Xitô, đích đến không phải là làm linh mục, mà là trở thành một đan sĩ. Sứ mạng của đan sĩ là cầu nguyện cho Giáo hội, cho những người chưa nhận biết Chúa. Nếu ví Giáo hội như một thân cây, thì chiêm niệm như là bộ rễ hút nhựa sống để nuôi cây, bởi vì không một tu sĩ nào có thể thiếu đời sống cầu nguyện hết. Chính vì thế, sứ mạng của dòng Xitô còn được gọi là sứ mạng cứu thế”.

 

 

Trong khi đó, đặc sủng tu hội đời là đem Tin Mừng vào cắm rễ sâu trong các môi trường mình sống. Soeur Têrêsa Minh đã làm việc 38 năm dưới một mái trường. Soeur ví von rằng: “Sứ mạng của soeur là men là muối giữa lòng đời, là làm cho thúng bột dậy men. Môi trường nào khô héo, tàn lụi thì mình phải chịu trách nhiệm”. Và để làm được điều đó, soeur cho biết bản thân phải bằng lòng nhận chìm đi để hoà tan nhưng không đánh mất chính mình.

 

Còn đối với dòng chiêm niệm trong hoạt động như Dòng Tên, cha Giuse Thắng cho biết: “Dòng Tên có một lợi thế là sứ vụ rất đa dạng, không bị giới hạn vào một lĩnh vực nào cả. Nên tuỳ theo khả năng, anh em được tự do làm lợi tất cả những nén bạc Chúa ban riêng cho mỗi người. Tuy Dòng Tên rất đa dạng trong tính cách, nhưng có một điểm con rất thích, đó là sự hiệp nhất. Con luôn cảm thấy may mắn khi được sống trong một dòng có lịch sử truyền thống lâu đời, có kinh nghiệm về nhiều mặt, và anh em có rất nhiều cơ hội để đóng góp cho Giáo hội cũng như xã hội”.

 

Năm nay, trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ rằng: “Mục đích của mọi ơn gọi là trở thành những người nam nữ hy vọng. Với tư cách là những cá nhân và cộng đoàn, trong nhiều đặc sủng và mục vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được mời gọi “trao ban thể xác và tâm hồn” cho niềm hy vọng Tin Mừng trong một thế giới bị đánh dấu bởi những thách đố mang tính thời đại”. Cầu chúc tất cả những ai đang sống đời thánh hiến, đều cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và trở thành những chứng nhân gieo rắc niềm hy vọng.

 

Trung Thu

Kiểm tra tương tự

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Giáo dục Kitô giáo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Tôi đang làm việc trong trường Dòng Tên. Trong những ưu tư về giới …