Đồng tiền ba mươi


Chiều hôm ấy – một buổi chiều âm u, vì cơn bão số chín đang đổ bộ vào khu vực miền Nam Trung bộ. Nhìn quang cảnh sắc trời tối đen, kẻ ấy thầm cầu mong xin Chúa thương đừng để trời mưa. Ấy là vì ngày hôm đó, nhóm tông đồ xã hội của Dòng đang bán sách để gây quỹ giúp đỡ người nghèo và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cứ mỗi năm vào dịp lễ Giáng Sinh, nhà Dòng sẽ tổ chức một bữa tiệc tình thân cho người nghèo – những người được gọi là bạn của Chúa; những người mà anh em trong Dòng đang đi thăm viếng hằng tuần. Với mong ước số tiền dư từ việc bán sách qua hai ngày lễ Chúa Nhật, cùng với những tấm lòng quảng đại của mọi người đã quyên góp, sẽ giúp nhóm tổ chức một buổi tiệc ấm tình người hòa chung vào bầu không khí Giáng Sinh, một bữa tiệc của một ‘mùa đông không lạnh.’

Chiều hôm ấy, trời mỗi lúc một tối… mà số sách trên bàn lại còn rất nhiều, chỉ còn một Thánh Lễ cuối cùng nữa thôi… Nhìn số sách trên bàn cùng dòng người lướt qua cách vội vã, một vài tư tưởng chợt đến trong tâm trí kẻ ấy: ‘cũng đúng thôi! thời buổi @ như hiện nay mọi người thích ‘lướt web’ hơn là thích ‘lật sách’, cuộc sống với nhiều bộn bề lo toan, thời gian đâu để người ta có thể thong thả ngồi đọc sách!’ Trong lúc quẩn quanh với những dòng tư tưởng như thế, từ đằng xa, một cụ bà lưng đã còng, dáng người hao gầy, làn da nhăn nheo cùng những chấm đồi mồi trên khuôn mặt già nua, bà tiến đến gần gian hàng sách của ông thầy. ‘con chào bà’ – kẻ ấy hớn hở chào bà cụ. Kẻ ấy nói tiếp: ‘bà muốn đọc sách thể loại nào? Ở đây chúng con có nhiều sách hay lắm, chẳng hạn như cuốn Yêu Cách Khác của tác giả Raniero Cantalamessa, hay là cuốn Người Môn Đệ Đích Thực Của Chúa Giê-su hay cuốn Tám Mối Phúc này cũng hay lắm bà ạ, bà muốn chọn cuốn nào? …’

Sau một liên khúc tuyệt vời giới thiệu sách như thế mà chẳng thấy cụ bà đáp lại, kẻ ấy cảm thấy lạ và nhìn bà xem bà muốn chọn cuốn sách nào. Không nói lời nào, một cách khoan thai, cụ bà lấy một cái khăn được cất cẩn thận trong người, lật từng mảnh vải ra, ẩn trong đó là ba mươi ngàn đồng. Bà lấy hết số tiến đó rồi đưa cho kẻ ấy và nói: ‘xin lỗi thầy, tôi không biết đọc chữ, tôi chỉ có bấy nhiêu, tôi ủng hộ các thầy để giúp người những nghèo’. Rất bất ngờ và không biết phải nói sao, kẻ ấy đứng lặng trong giây lát. Nhìn kẻ ấy như thế, bà lão cầm lấy tay ông thầy và đặt vào đó ba mươi đồng rồi ra đi.

Cầm đồng tiền ba mươi trên tay và nhìn bà cụ lững thững bước đi, kẻ ấy cảm thấy hối hận vì những lời rao bán sách vừa nãy. ‘Đúng là múa rìu qua mắt thợ.’ Kẻ ấy nghĩ chắc hẳn bà lão chưa bao giờ biết những cuốn sách này, nhưng qua hành động của bà nói lên tất cả nội dung hàm chứa trong những cuốn sách mà kẻ ấy đã nói tới. Bà cụ đã dạy cho kẻ ấy biết rằng như thế nào là yêu, như thế nào là người môn đệ của Chúa và như thế nào là sống các mối phúc Chúa Giê-su đã dạy. Ba mươi đồng của bà lão tưởng chừng như không có giá trị lắm khi so với những đóng góp của người khác; nhưng nó hàm chứa tất cả những tình thương, tấm lòng quảng đại của một người phụ nữ đã trải qua hơn nửa đời người với cuộc sống này. Chắc hẳn bà đã có kinh nghiệm về cái nghèo, để rồi bà cũng biết mở rộng bàn tay để sẻ chia cho những người nghèo khác tất cả những gì bà có. Một hành động nhỏ của bà lão thôi, nhưng điều ấy để lại trong lòng kẻ ấy những điều cần phải suy nghĩ.

Trước mặt Thiên Chúa, ai dám tự xưng mình là người giàu có, vì chúng ta đều là những người nghèo, nghèo một cách thực sự. Nhưng Chúa thương và đặt nơi mỗi người có những tài năng, trình độ, và điều kiện sống khác nhau. Những ‘nén bạc’ Chúa trao ấy không phải là để chúng ta chia sẻ và giúp đỡ những người yếu kém hơn chúng ta sao? Nhìn trái đất xoay quanh mặt trời và luôn thay đổi với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cuộc sống này cũng thế, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, nhưng điều còn đọng lại là những cử chỉ yêu thương, tấm lòng quảng đại mà mỗi người biết chia sẻ cho nhau. Chắc hẳn bà lão trong câu chuyện, bà đã cảm nghiệm được giá trị cốt lõi làm nên của cuộc sống này. “Tình yêu thực sự, sẽ khiến chúng ta phải tốn kém, phải đau đớn, phải trống rỗng.” Mẹ Têrêsa đã nói như thế và nay cử chỉ của bà cụ lại một lần nữa hiện thực hóa câu nói ấy. Cảm ơn bà, vì hành động của bà là lời nhắc nhở con phải biết sống thế nào trong ơn gọi của mình.

Quốc Dũng
Nhóm Tông Đồ Xã Hội – Học Viện Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *