“Laudato Si” và “Laudate Deum” đã được lắng nghe?

Thông điệp Laudato Si ra đời cách đây tám năm đã đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử: Lần đầu tiên, một vị giáo hoàng đã dành trọn một thông điệp để bàn về mối quan hệ giữa đức tin Kitô giáo và đạo đức môi sinh. Những vấn đề như biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường không còn là vấn đề dành cho các nhà khoa học để phân tích hoặc các chính trị gia để tranh luận; những vấn đề này đã chính thức được đặt trong các mối quan tâm đạo đức của Giáo hội toàn cầu. Ngày 4 tháng 10 vừa qua, tông thư Laudate Deum được công bố, với mục đích canh tân và mở rộng thông điệp Laudato Si; tài liệu này cho thấy rõ rằng những vấn đề này vẫn nằm ở vị trí hàng đầu trong các mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô – và cũng nên nằm ở vị trí hàng đầu trong các mối quan tâm của chúng ta.

 

Quang Minh, SJ

 

Nhưng liệu Laudato Si đã được lắng nghe chưa? Và liệu Laudate Deum sẽ được lắng nghe hay không?

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng chúng ta không thiếu giải pháp: Điều chúng ta thiếu là ý thức chính trị để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Chỉ vài tháng sau khi Đức Thánh Cha công bố thông điệp Laudato Si vào năm 2015, 196 quốc gia đã chấp nhận Hiệp Ước Paris, mục tiêu của nó là hạn chế sự tăng nhiệt độ địa cầu lên 1,5 độ Celsius (2,7 độ Fahrenheit) vào cuối thế kỷ này. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia công nghiệp trên thế giới phải làm việc cùng nhau để ngăn chặn việc gia tăng khí thải nhà kính vào năm 2025. Nhưng tám năm sau, chúng ta vẫn chưa thực sự khởi động. Tờ Financial Times ước tính các quốc gia ký vào hiệp ước chỉ mới thực hiện ít hơn một phần năm số tiền ước tính 4 nghìn tỷ đô la cần thiết để đạt được mục tiêu của Hiệp ước Paris. Trong khi đó, thảm họa môi trường gia tăng cả về số lượng lẫn hạn mục theo từng năm.

 

Mặc dù từ đầu những năm 1970 cho đến thời của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI (người xứng đáng nhận danh hiệu “Giáo hoàng xanh” vì sự ủng hộ của ngài về môi trường trong một phần của thông điệp “Caritas in Veritate” đối với việc chăm sóc thụ tạo), các tài liệu của Vatican đã đề cập minh nhiên hơn đến các vấn đề môi trường; nhưng thật ra Giáo Hội đã không làm hết mức có thể của mình. Ở tầm mức địa phương, nhiều giáo xứ và giáo phận đã tiến hành các nỗ lực về quản lý môi trường, và nhiều nhà thần học và các lãnh đạo các tổ chức phi lợi nhuận đã đưa cương lĩnh của thông điệp Laudato Si vào hoạt động của họ. Tuy nhiên, đề tài biến đổi khí hậu đã không thể thấm vào tâm tưởng đạo đức của các Kitô hữu công giáo như cách mà các vấn đề bảo vệ sự sống (pro-life) khác đã thành công.

 

Trong Laudate Deum, Đức Thánh Cha viết: “Tôi cảm thấy bắt buộc phải làm rõ những điều này, trong đó một số điều là rất rõ, vì một số ý kiến khinh thường và không hợp lý mà tôi gặp phải, ngay cả trong nội bộ Giáo hội Công giáo” (Số 14). Hơn 40% người Công giáo Hoa Kỳ từ chối ý tưởng cho rằng con người có phần trách nhiệm về biến đổi khí hậu, theo một cuộc khảo sát năm 2023 của viện Pew Research; nhiều người khác thì nhún vai và nói: “Ta chẳng có gì để làm trong chuyện này cả” – một kiểu phản ứng hiếm khi thấy trong những gì liên quan đến các vấn đề khác như phá thai hoặc người nhập cư.

 

Thông điêp Laudato Si không chỉ đề cập đến một số dữ liệu gây choáng, cho thấy phạm vi và tác động của biến đổi khí hậu, mà còn nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của việc quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đặt phân tích của mình trên cơ sở của học thuyết sinh thái toàn diện, trình bày biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề kỹ thuật hoặc khoa học mà còn là một vấn đề có liên can sâu xa đến con người.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong Laudate Deum về hai xác tín mà ngài lặp đi lặp lại thường xuyên: “Mọi thứ đều liên kết với nhau“Không ai được cứu rỗi một mình.” Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả khi đối mặt với những thách thức không thể giải quyết, chúng ta phải tích cực hoạt động không chỉ để có các chính sách tốt hơn và áp dụng thực hiện hiệu quả hơn mà còn để thúc đẩy sự đoàn kết lớn hơn: “Nói rằng không còn gì để hy vọng thì chẳng khác gì muốn tự vẫn, vì thái độ này sẽ đặt cả loài người, đặc biệt là những người nghèo nhất, vào tình thế tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu” (Số 53). Chỉ bằng cách canh tân niềm hy vọng rằng một thế giới tốt đẹp hơn thực sự có thể xảy ra thì chúng ta mới có thể bắt đầu xây dựng nó.

 

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, việc quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta cũng là một vấn đề về phẩm giá con người. Ngài kêu gọi sự hoán cải từ nền “văn hóa vứt bỏ” của chúng ta, trong đó mọi thứ mỏng manh đều bị nghiền nát dưới sức nặng của nền kinh tế thị trường được tôn thờ quá mức. Hệ thống kinh tế đó sẽ là phi đạo đức, thậm chí vô luân, khi nó chỉ quan tâm đến việc nuôi dưỡng chính mình và tăng trưởng chỉ vì tăng trưởng. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra sự mù quáng về mặt văn hóa này như là mối tội đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu: “Khi chúng ta không công nhận một phần của bức tranh hiện thực là nhân phẩm của một người nghèo, của một phôi thai con người, của một người tàn tật… thì ta khó mà nghe được tiếng kêu gào của chính thiên nhiên” (“L.S.,” Số 117).

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị coi Giáo Hội là một người có vai trò trung gian trong cuộc trò chuyện giữa khoa học và chính trị, đề xuất một tầm nhìn đạo đức đối với một xã hội bị chi phối bởi một mô hình bị khống chế bởi kỹ thuật và đặt trọng tâm trên lợi nhuận, quyền lực và sự tiến bộ bằng mọi giá. Đức Thánh Cha không phải là một người bài kỹ thuật hay dị ứng với công nghệ, nhưng ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần đặt sự phát triển công nghệ nhằm phục vụ cho một tầm nhìn về tiến bộ lành mạnh hơn và đặt ưu tiên sự triển nở của chính con người. Trong Laudate Deum, ngài viết: “Hãy thôi kiểu quan niệm về con người như là những cá thể tự lập tự tồn, tối cao và vô hạn, nhưng chúng ta hãy bắt đầu nghĩ về chúng ta theo một cách khác, khiêm nhường hơn và mang lại lợi ích hơn” (Số 68).

 

Hai tài liệu Laudato SiLaudate Deum rất tinh tế trong việc nối kết giữa khoa học và thần học. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp nối sứ mệnh của công đồng Vatican II, giúp Giáo Hội đọc các dấu hiệu của thời đại và cắt nghĩa chúng trong ánh sáng của Tin Mừng. Nếu chúng ta muốn quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta không thể đứng ngoài, nhìn môi trường bị tàn phá, gây lâm nguy cho sự hùng vĩ của thụ tạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng và của chính sự sống động của thế giới con người. Chúng ta phải hành động.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc tông huấn Laudate Deum bằng cách đưa Hoa Kỳ làm ví dụ về thực tế của sự gắn kết của vấn đề, vốn đòi hỏi sự hoán cải từ một số thành phần. Bởi vì “lượng khí thải tính trên từng người Mỹ cao khoảng gấp hai lần so với người Trung Quốc, và cao gấp khoảng bảy lần so với mức trung bình của các quốc gia nghèo nhất, nên chúng ta có thể nói rằng một sự hoán cải rộng rãi trong lối sống vô trách nhiệm theo mô hình phương Tây có thể sẽ có ảnh hưởng lâu dài đáng kể” (Số 72).

 

Việc chọn lựa thời điểm công bố tài liệu Laudate Deum của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là điều đáng chú ý. Một tông thư nối tiếp chủ đề của một tông thư đi trước thường chỉ được thực hiện sau khi tròn vài thập kỷ (ví dụ thông điệp Năm thứ 40Quadragesimo Anno được xuất bản 40 năm sau thông điệp Tân Sự –  Rerum Novarum). Việc xuất bản tông huấn này chỉ tám năm sau thông điệp Laudato Si nhấn mạnh tính cấp bách của thực tế: Chúng ta đang cạn kiệt thời gian để hành động trước cuộc khủng hoảng khí hậu.

 

Không phải chỉ mới đây mà đã từ lâu, chúng ta đã và đang trả giá cho lối sống của mình bằng một loại tín dụng môi trường, khi thấy biển cả đang dâng lên từng mùa và khí khói tích tụ càng lúc càng dày trong không khí với một cảm giác phiền muộn rằng thời đáo hạn sẽ chóng đến thôi. Thực sự, nó đã đến.” (Americamagazine 04/10/23)

Kiểm tra tương tự

5 vị thánh có thể giúp chị em vượt qua những khó khăn

Dù bạn đang đối diện với những thử thách nào, những người “chị gái” khôn …

Suy Tư Tin Mừng CN 5PS: Anh em hãy sinh nhiều hoa trái

Bạn thân mến! Bạn có bất ngờ không, nếu Thiên Chúa ngỏ lời với bạn: …