ĐTC Phanxicô: Các linh mục cần có 4 đặc điểm này trong thế giới ngày nay

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về đời sống linh mục tại Vatican vào ngày 17 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những suy tư, mà theo ngài, có thể được coi là “bài ca thiên nga” trong cuộc đời linh mục của ngài, vì chúng là thành quả của “những gì Chúa đã dần dần giúp đỡ tôi nhận ra”trong hơn 50 năm sứ vụ.

Đức Phanxicô được thụ phong linh mục trong Dòng Tên vào ngày 13 tháng 12 năm 1969. Hôm nay, trong một bài huấn đức thiêng liêng sâu sắc, ngài trình bày điều ngài gọi là “bốn trụ cột” hay “bốn hình thức gần gũi” làm nền tảng cho cuộc sống của một linh mục “vì chúng bắt chước phong cách riêng của Thiên Chúa, mà cốt lõi chính là phong cách của sự gần gũi.”

Khác với điều người ta mong đợi, Đức Phanxicô không đề cập trực tiếp đến vấn đề lạm dụng tình dục của giáo sĩ, vốn đã gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong Giáo hội Công giáo. Thay vào đó, mục đích của ngài là trình bày những thái độ cơ bản mà ngài tin rằng mọi linh mục cần phải có trong thế kỷ 21.

Nhiều nhà quan sát cũng mong đợi Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề độc thân của các linh mục trong bài nói chuyện của ngài, nhất là từ khi vấn đề này trở thành tâm điểm tại Thượng Hội Đồng vùng Amazon về câu hỏi truyền chức linh mục cho những người đàn ông đã có gia đình, và gần đây là theo cách thức của Công nghị Giáo hội tại Đức nêu ra. Nhưng ngài chỉ đưa ra một vài nhận xét về chủ đề này. Phát biểu trong bối cảnh một linh mục cần được liên kết gần gũi với các linh mục khác, Đức Thánh Cha nói, “Không bạn bè và không cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu được và là một phản chứng cho vẻ đẹp của đời sống linh mục.”

Mặt khác, hội nghị chuyên đề này sẽ thảo luận về vấn đề độc thân vào ngày cuối cùng của hội nghị. Người ta chẳng mong đợi sẽ có điều gì mới trong lãnh vực này vì người tổ chức chính của hội nghị, Đức Hồng Y Marc Ouellet, người đã chọn các diễn giả, được biết đến là người bảo vệ mạnh mẽ luật độc thân linh mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi chuẩn bị bài nói chuyện của mình, ngài đã bị tác động khi nhớ đến các linh mục, là những người đã cho ngài thấy “khuôn mặt của Người Mục Tử Nhân Lành” trong suốt thời ấu thơ và cuộc sống sau này của ngài; và bởi kinh nghiệm của chính ngài trong việc đồng hành với các linh mục “những người đã để mất nhiệt huyết của tình yêu thuở ban đầu.” Ngài cũng đề cập đến những thử thách và khó khăn mà chính ông ngài đã trải qua khi là một linh mục.

Đức Thánh Cha nói rằng những thách thức của thời đại chúng ta, bao gồm cả đại dịch Covid-19 đang diễn ra, đòi hỏi các linh mục phải tìm ra những cách mới để đáp ứng lại; nhưng ngày nay nhiều cách đáp ứng lại thiếu “hương vị của Tin Mừng.” Ngài cho biết một số linh mục tìm kiếm các cách đáp ứng neo chặt vào quá khứ hầu “chắc chắn” được bảo vệ khỏi những rủi ro; họ nương náu trong một xã hội không còn tồn tại. Những người khác chấp nhận một thái độ “quá lạc quan” mà cuối cùng phớt lờ những vết thương của con người và không thừa nhận những căng thẳng, phức tạp và mơ hồ của thời điểm hiện tại.

 Đức Phanxicô nói rằng, “Tôi cảm thấy Chúa Giêsu trong thời điểm này của lịch sử một lần nữa đang mời gọi chúng ta “Chèo ra chỗ nước sâu” [Lc 5: 4], tin tưởng rằng Người là Chúa của lịch sử và, với sự hướng dẫn của Người, chúng ta sẽ phân định được đường hướng phải theo.”

Trước những thực tế này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã quyết định “nói về điều mà tôi coi là quyết định đối với đời sống của một linh mục hôm nay,” đó là “bốn hình thức gần gũi”: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với giám mục, gần gũi với các linh mục khác, và gần gũi với Dân Chúa.

Sự gần gũi với Thiên Chúa

Trước tiên, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của “sự gần gũi với Chúa của sự gần gũi” bằng trích dẫn những lời của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong tôi và tôi ở trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có thầy, anh em không thể làm gì được.”

Ngài nói, “Linh mục được mời để trau dồi sự gần gũi này trước mọi thứ khác, thân mật với Thiên Chúa, và từ mối tương quan này, ngài có thể đạt được tất cả những sức mạnh cần thiết cho sứ vụ của mình.” Đức Phanxicô nói rằng “nhiều khủng hoảng trong đời sống linh mục” có nguồn gốc từ trong “việc thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu sự thân mật với Chúa, giản lược đời sống thiêng liêng vào việc thực hành tôn giáo đơn thuần.”

Đức Thánh Cha nói: “Tôi nhớ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mình, trong đó sự gần gũi với Thiên Chúa có ý nghĩa quyết định trong việc nâng đỡ tôi.”

Ngài nhấn mạnh rằng “không có sự gần gũi của cầu nguyện, của đời sống thiêng liêng, của sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa, cử hành Bí tích Thánh Thể, thinh lặng tôn thờ, phó thác cho Mẹ Maria, sự đồng hành của một người hướng dẫn, trao ban bí tích hòa giải… linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không được hưởng lợi ích gì từ những người bạn của Chúa.”

Ngài thừa nhận rằng “tất cả những điều này thật khó khăn trừ khi người ta quen với việc có những khoảng lặng trong ngày.” Thật khó để tránh hoạt động liên tục khi người ta không ngay lập tức có được “sự bình an” trong tâm hồn của họ, và thay vào đó là những kinh nghiệm sầu khổ. Nhưng, ngài nói, “Đúng là chính khi chấp nhận sầu khổ đến từ sự thinh lặng, từ việc khổ chế khỏi hoạt động và lời nói, từ sự can đảm xét mình với sự chân thành, mà mọi thứ có được ánh sáng và sự bình an không phụ thuộc vào chính sức mạnh và năng lực của chúng ta.”

Ngài còn nói thêm rằng, “kiên trì cầu nguyện không chỉ có nghĩa là trung thành với một kiểu thực hành nào đó. Nó có nghĩa là không chạy trốn trong những thời điểm khi cầu nguyện lôi kéo chúng ta vào trong sa mạc. Con đường của sa mạc là con đường dẫn đến sự thân mật với Thiên Chúa”.

Gần gũi với Giám mục

Đức Phanxicô cho biết “sự gần gũi” thứ hai này, được diễn tả trong lời hứa vâng phục của linh mục đối với giám mục, thường được đọc theo cách khác xa với tinh thần của Tin Mừng.

Ngài nói, sự vâng lời này không nên được coi là “một thuộc tính kỷ luật”, mà là “dấu chỉ sâu sắc nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông.” Vâng phục có nghĩa là “học cách lắng nghe và nhớ rằng không ai “sở hữu” ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn của Ngài chỉ được hiểu biết qua sự phân định.” Ngài nói, lôgic của sự gần gũi này, “cho chúng ta khả năng chiến thắng mọi cám dỗ trở nên khép kín, tự biện minh và sống cuộc sống của chúng ta như một ‘người độc thân’ và, thay vào đó, mời gọi chúng ta lắng nghe người khác để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và sự sống.”

Đức Phanxico nói rằng. Đối với mỗi linh mục và mọi giáo hội cụ thể, vị Giám mục, dù là ai, thì ngài vẫn còn là một mối liên hệ kết để giúp phân định ý Chúa.” Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh, giám mục chỉ có thể thăng tiến sự phân định nếu ngài lắng nghe “cuộc sống của các linh mục của mình và của dân thánh của Thiên Chúa được giao phó cho sự chăm sóc của mình.”

Đức Thánh Cha nói rằng, “Không phải ngẫu nhiên mà thần dữ tìm cách phá hoại các mối liên kết vốn thiết lập và duy trì sự hiệp nhất, để phá hủy hoa trái của công trình của Giáo hội.” Do đó, phải bảo vệ “mối liên kết của linh mục với giáo hội cụ thể của mình, với thể chế mà ngài thuộc về, và với giám mục của mình làm cho đời sống linh mục đáng tin cậy và chắc chắn.”

Đức Phanxico nói vâng phục “là sự quyết định cơ bản để chấp nhận những gì được đòi hỏi nơi chúng ta,” và nó đòi hỏi các linh mục “cầu nguyện cho các giám mục của họ và cảm thấy tự do để bày tỏ ý kiến ​​của mình ‘với sự tôn trọng và chân thành.’” Sự vâng phục cũng đòi hỏi các giám mục “thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ.”

“Nếu chúng ta bảo vệ mối quan hệ này, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình của chúng ta một cách an toàn,” ngài kết luận.

Gần gũi với các linh mục khác

Giải thích về thái độ nền tảng thứ ba, sự gần gũi với các linh mục khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời của Chúa Giêsu, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Ngài nói: “Tình huynh đệ, giống như sự vâng phục, không thể là một sự áp đặt luân lý từ bên ngoài.” “Tình huynh đệ có nghĩa là chọn lựa cách có cân nhắc theo đuổi sự thánh thiện cùng với những người khác, chứ không phải bởi chính mình.”

Đức Phanxicô nói rằng “những dấu chỉ của tình huynh đệ là những dấu chỉ của tình yêu,” như Thánh Phao-lô đã nêu ra trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (1Cr 13, 4-7). Trước tiên, ngài đề cập đến sự kiên nhẫn, đó là “khả năng cảm thấy có trách nhiệm với người khác, chia sẻ gánh nặng của họ, chịu đựng theo một cách nào đó với họ.” Sự kiên nhẫn thì “đối lập với sự thờ ơ,” giữ khoảng cách với người khác để không vướng vào cuộc sống của họ; điều này cũng là một trong những nguyên gây nên sự cô độc của các linh mục tại nhiều nhiệm sở của linh mục. Ngài nêu rõ sự tương phản giữa kiên nhẫn với lòng đố kỵ khi nói rằng không cần phải khoe khoang hay thổi phồng bởi vì “nếu có điều gì mà một linh mục có thể khoe khoang, thì đó là lòng thương xót của Thiên Chúa” bởi vì “ngài biết tội lỗi của mình, sự khốn khổ của chính mình, những giới hạn của chính mình.”

“Tình yêu thương huynh đệ không tìm kiếm lợi ích của riêng ai, không phải là để giận dữ hay oán giận,” ngài nói. Đúng hơn “tình yêu thương huynh đệ ấy vui hưởng trong sự thật” và coi bất kỳ “sự tấn công chống lại sự thật và phẩm giá của những anh em qua việc vu khống, nói xấu, buôn chuyện” là một tội trọng.

Đức Phanxicô lưu ý rằng, “Tất cả chúng ta đều biết rằng để có thể sống trong cộng đồng thì khó khăn như thế nào.” Tuy nhiên, ngài nói, “tình yêu thương huynh đệ là lời ngôn sứ tuyệt vời mà chúng ta được kêu gọi để hiện thân trong một xã hội thiếu quan tâm đến nhau ngày nay.”

Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô đã bình luận về đời sống độc thân và nói, “Ở đâu tình huynh đệ linh mục hoạt động và ở đó có những mối liên kết của tình bạn chân chính, ở đó người ta có thể sống thanh thản hơn cũng như lựa chọn độc thân.” Ngài tái khẳng định rằng “cuộc sống độc thân là một quà tặng mà giáo hội Latinh gìn giữ, nhưng nó là một món quà, được sống như một phương tiện để thánh hóa, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh của lòng tự trọng thực sự và lòng tốt chân chính bắt nguồn sâu xa từ Đức Kitô. Không có bạn bè và không cầu nguyện, cuộc sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho chính vẻ đẹp của chức linh mục. ”

Gần gũi với Dân Chúa

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “mối quan hệ của chúng ta [với tư cách là các linh mục] với dân thánh của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta không phải là nghĩa vụ mà là ân sủng.” Ngài nói: “Yêu thương người khác là một sức mạnh thiêng liêng lôi kéo chúng ta tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa.”

Trích dẫn từ Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” của ngài, ngài nói: “Để trở thành những người loan báo Tin mừng cho các linh hồn, chúng ta cần phát triển sự tận hưởng thiêng liêng để gần gũi với cuộc sống của mọi người và khám phá ra rằng đây chính là nguồn của niềm vui lớn hơn. Truyền giáo đồng thời vừa là đam mê Chúa Giêsu và vừa là đam mê dân của Người.”

Đức Phanxicô nói rằng. “Tôi chắc chắn rằng để hiểu một lần nữa căn tính của chức linh mục ngày nay, điều quan trọng là phải sống trong mối tương quan hệ chặt chẽ với đời sống thực tế của con người.” Ngài còn nói thêm, “Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn khổ của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác.”

“Dân Chúa hy vọng tìm thấy những mục tử mang phong cách của Chúa Giêsu – chứ không phải ‘công chức giáo sĩ’ hay ‘chuyên gia của sự thánh thiêng’ — mà là những mục tử đầy lòng trắc ẩn, đúng lúc, những người can đảm, có khả năng dừng lại trước một kẻ bị thương bày tỏ sự quan tâm.” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Những con người can đảm, sẵn sàng đến gần những người đang đau đớn và giúp đỡ một tay. Những con người chiêm niệm, có sự gần gũi với mọi người, cho phép họ công bố trước quyền năng của Sự Phục Sinh ngay lúc này tại nơi làm việc.”

Bằng cách gần gũi với mọi người, Đức Phanxicô nói, “một mục tử có thể tập hợp cộng đoàn và thúc đẩy sự phát triển của cảm thức thuộc về. Vì chúng ta thuộc về dân thánh thiện, trung thành của Thiên Chúa, được kêu gọi làm dấu chỉ cho sự khai mở vương quốc của Thiên Chúa tại đây và lúc này của lịch sử. Nhưng nếu mục tử bỏ đi, bầy chiên cũng sẽ bị lạc và sẽ chẳng thoát được nanh vuốt của bầy sói.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách nói với các linh mục rằng “[bốn] hình thức gần gũi mà Chúa yêu cầu không phải là một gánh nặng thêm; chúng là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng để giữ cho ơn gọi của chúng ta luôn tồn tại và sinh hoa trái.

Đoàn Công Trình, SJ chuyển ngữ

Nguồn: Pope Francis: Priests need to have these 4 traits in the world today | America Magazine

Kiểm tra tương tự

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Để đức tin thấm vào văn hóa

Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *