Đức Giáo Hoàng đầu tiên phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ

 phat bieuWASHINGTON, DC. Trong bài phát biểu tại quốc hội Hoa kỳ sáng ngày 24.09.2015, ĐTC Phanxicô đã động chạm đến những vấn đề sôi bỏng như: cẩn trọng với chủ nghĩa cực đoan, quảng đại với di dân, xoá bỏ án tử hình, xoá đói giảm nghèo, mời gọi đối thoại và chăm lo cho các gia đình.

Đây là lần đầu tiên một Đức Thánh Cha được mời lên tiếng tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ gồm 435 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ. Hiện diện tại buổi gặp gỡ còn có phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngoại giao đoàn, ngoại trưởng, cũng như các thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ.

 Bài diễn văn của ĐTC

Trong diễn văn bằng tiếng Anh tại Quốc Hội Hoa Kỳ, sau khi đã nhắc nhở quý vị đại biểu Quốc Hội về sứ mệnh và bổn phận của họ với tư cách của những nhà lập pháp, ĐTC bày tỏ ước muốn được đàm đạo với tất cả nhân dân Hoa Kỳ, đủ mọi thành phần kể cả người già và đặc biệt với những người trẻ. ĐTC nhắc đến bốn nhân vật lỗi lạc của Hoa Kỳ đó là Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton.

Chống chủ nghĩa cực đoan

ĐTC nhắc lại: “Năm nay đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, ông là người bảo vệ sự tự do, và đã lao tác không mỏi mệt để “quốc gia này, trong Thiên Chúa, có thể sản sinh ra tự do”.

Và đề cập đến tình trạng xã hội và chính trị hỗn loạn hiện nay là do bởi chủ nghĩa cực đoan, ĐTC nói:

“Thế giới của chúng ta ngày càng trở nên một nơi chốn của xung đột bạo lực, oán ghét và tính hung bạo, bị vi phạm ngay cả nhân danh Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không có tôn giáo nào lại được miễn trừ khỏi những hình thức của ảo tưởng cá nhân và chủ nghĩa cực đoan mang tính ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải hết sức tỉnh táo với mọi dạng thức của chủ nghĩa cuồng tín, dưới hình thức tôn giáo hay bất cứ dạng thức nào. Một sự cân bằng tinh tế thì cần thiết để đánh bại bạo lực vi phạm vì nhân danh tôn giáo, một ý thức hệ hay một hệ thống kinh tế, trong khi vẫn bảo đảm đảm sự tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và những tự do của cá nhân…Thế giới đương đại, với những vết thương mở rộng đã tác động đến biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải đương đầu với mọi dạng thức của sự phân cực vốn sẽ chia cắt nó thành hai phe. Chúng ta biết rằng trong nỗ lực để được giải thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị cám dỗ để dung dưỡng cho kẻ thù bên trong.

Để chống chủ nghĩa cực đoan, ĐTC mời gọi: “phản ứng của chúng ta đúng hơn phải là một phản ứng của hy vọng và chữa lành, của bình an và công lý. Chúng ta bị đòi hỏi để vận dụng sự can đảm và trí thông minh để giải quyết những khủng hoảng địa lý chính trị và kinh tế.”

Đề cập đến vai trò của cộng tác, ĐTC nói: “Chúng ta phải tiến bước về phía trước cùng nhau, trong một tinh thần của huynh đệ và đoàn kết đã được canh tân, hợp tác một cách quảng đại vì thiện ích chung. Những thách đố trước mặt chúng ta ngày nay mời gọi một sự canh tân đối với tinh thần hợp tác, vốn đã thực hiện biết bao điều tốt đẹp trong suốt lịch sử của Hoa Kỳ.”

Đón nhận người di dân

Kế đến, ĐTC nhắc đến tôn chỉ của Hoa Kỳ: “người nam và người nữ được dựng nên bình đẳng, cũng như họ được Tạo Hóa phú bẩm cho những quyền nhất định bất khả nhượng, mà trong số đó là quyền được sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập, ngày 04 tháng 07, 1776).

Đặc biệt, nêu gương của Martin Luther King, ĐTC nói: “ông là người đã “hoàn tất “giấc mơ” của ông về những quyền lợi đầy đủ về chính trị và dân sự cho người Hoa Kỳ gốc Phi Châu…Tôi hạnh phúc vì Hoa Kỳ tiếp tục, đối với nhiều người, vẫn là một vùng đất của “những giấc mơ”.

Từ tư tưởng này và dựa trên thảm cảnh của di dân, ĐTC mời gọi:

“Thế giới của chúng ta đang phải đương đầu với thảm họa di dân với một quy mô to lớn chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến thứ 2. Điều này mang lại cho chúng ta nhiều thách thức lớn và rất nhiều quyết định khó khăn. Trên lục địa này, cũng thế, hàng ngàn con người bị thu hút di cư về phương bắc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và những người thân yêu, để tìm kiếm những cơ hội to lớn hơn. Đây chẳng phải là điều chúng ta mong muốn cho chính con em chúng ta sao? Chúng ta không nên ngạc nhiên vì số lượng của họ, nhưng đúng hơn hãy nhìn nhận họ như những con người, ngước nhìn khuôn mặt của họ và lắng nghe những câu chuyện của họ, cố gắng để đáp ứng hết khả năng chúng ta có thể cho hoàn cảnh của họ…Chúng ta hãy nhớ đến khuôn vàng thước ngọc: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12)

Xoá bỏ án tử hình

Tiếp tục bài diễn văn, ĐTC kêu gọi hãy xoá bỏ án tử hình:

“Tôi xác tín rằng đây là cách thức tốt đẹp nhất, bởi vì mọi sự sống là thánh thiêng, mỗi bản vị người được phú bẩm cho một phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội chỉ có thể hưởng lợi từ việc phục hồi cho những ai bị kết án vì phạm tội. Gần đây những anh em giám mục của tôi ở đây, trong nước Hoa Kỳ này đã canh tân lời kêu gọi của họ cho việc xóa bỏ án tử hình. Tôi không chỉ ủng hộ họ, mà còn khuyến khích tất cả những ai xác tín rằng một hình phạt công bằng và cần thiết thì không bao giờ được phép loại trừ chiều kích của hy vọng và mục tiêu của việc hoán cải”.

Kêu gọi chống đói nghèo

Tiếp đến, qua mẫu gương của Dorothy Day, là vị sáng lập Phong Trào Công nhân, ĐTC kêu gọi :

“Tôi cũng muốn khuyến khích quý vị luôn nghĩ đến những người xung quanh chúng ta đang mắc kẹt trong vòng vây của đói nghèo. Họ cũng cần được trao ban hy vọng. Cuộc chiến chống lại nghèo khổ và đói khát phải được thực hiện thường xuyên và trên nhiều mặt trận, đặc biệt nơi những nguyên nhân của nó”.

Để làm được điều đó, viện dẫn thông điệp Laudato Sì, ĐTC kêu gọi: “cần tái định hướng những bước đi của chúng ta” (Laudato Sì, 61) và ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng của  việc hủy hoại môi trường vốn gây ra bởi hoạt động của con người. ..Đây là thời điểm của những hành động can đảm và các chiến lược, nhắm thực hiện đầy đủ một “nền văn hóa của sự chăm sóc” (Laudato Sì, 231) và “một sự tiếp cận tổng hợp để chống lại nghèo khổ, khôi phục phẩm giá của những ai bị loại trừ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (Laudato Sì, 139).

Đối thoại và đoàn kết

Nhân vật Hoa Kỳ sau cùng là tu huynh dòng Xi-tô Thomas Merton. ĐTC nói: “Ngài vẫn là một nguồn cảm hứng về mặt tinh thần và là người dẫn đường cho rất nhiều người…Merton trước tiên là một người của cầu nguyện, một nhà suy tư đã từng thách đố những điều chắc chắn vào thời của mình và đã mở ra những viễn tượng mới cho các linh hồn và cho Giáo Hội. Ngài cũng là một con người của đối thoại, một nhà hoạt động cho hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo”.

Trong chiều hướng ấy, ĐTC kêu gọi các nhà lập pháp đối thoại, đặt lợi ích của tha nhân lên hàng đầu và chú trọng phục vụ đối thoại và bình an.  Nguyên do là bởi vì: “Tại sao những vũ khí giết người lại có thể được bán cho những ai âm mưu giáng xuống vô số những đau thương trên các cá nhân và xã hội? Đáng buồn thay, câu trả lời, như chúng ta đã biết, giản đơn đó là vì tiền: tiền được tấm đẫm trong máu, thường là máu của người vô tôi. Trên khuôn mặt của sự im lặng đáng xấu hổ và đáng khiển trách này, đó là nhiệm vụ của chúng ta để đối mặt với vấn đề và ngăn chặn việc mua bán vũ khí”.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến Đại Hội Thế giới về gia đình ở Philadelphia qua đó Ngài kêu gọi mọi người quan tâm chăm sóc cho gia đình đặc biệt là những người trẻ, vốn là tương lai của gia đình.

Bài diễn văn của ĐTC rất đánh động nên cử toạ là các Đại biểu Quốc Hội đã nhiều lần đứng lên và hưởng ứng bằng những tràng pháo tay.

Nguồn: Radio Vatican

Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *