Đức Giêsu ở với người tội lỗi

Nếu xem Tin Mừng Maccô là một bộ phim về Chúa Giêsu, thì phân cảnh đầu tiên được trình chiếu là biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc 1,6-11)[1]. Cảnh mở màn này gợi lên cho người xem niềm an ủi sâu xa và hy vọng tràn trề. An ủi khi Ngôi Hai Thiên Chúa đứng chung vào hàng tội nhân với con người; hy vọng khi chính Chúa Cha đích thân giới thiệu Người Con yêu dấu của mình, cũng là ban tặng Người Con ấy cho nhân loại.

Nếu có mặt trong ngày hôm đó, bạn và tôi cũng có thể thấy, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu như Đấng Cao Trọng đến làm phép rửa trong Thánh Thần. Gioan chỉ là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đấng ấy. Tuy vậy, thật bất ngờ khi chính Chúa Giêsu lại đến đứng chung hàng tội nhân để được Gioan làm phép rửa, để tỏ lòng ăn năn thống hối. Vì mang trong mình thân phận yếu đuối và vướng nhơ lỗi tội, con người cần đến phép rửa của Gioan để tỏ lòng sám hối. Còn Chúa Giêsu, Đấng chẳng hề mắc tội, lại chọn đứng chung hàng với tội nhân để nhận phép rửa. Phép rửa này không có chức năng tẩy xóa tội lỗi giống như khi chúng ta được chịu phép rửa tội. Dẫu sao, nói như thánh Gregory Nazianze: “Thống hối là phép Rửa tội thứ hai, phép Rửa tội bằng nước mắt.”

Dĩ nhiên Chúa ghét tội và mong muốn con người tránh xa tội lỗi. Nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng trọn lành. Tội lỗi và Thiên Chúa là hai phương trời cách biệt. Tội chống lại Thiên Chúa và tiêu diệt con người. Thật hạnh phúc vì chúng ta có Đức Giêsu, Ngài đến để cứu con người khỏi tội. Bằng cách nào? Nếu chúng ta xem tiếp bộ phim trên đây, Đức Giêsu cũng phải đón nhận những hậu quả do tội gây ra cho con người: chịu ma quỷ cám dỗ (Mc 1,13), bị chống đối bởi giới lãnh đạo Do Thái (Mc 8,31), xao xuyến trong Vườn Dầu (Mc 14,33), chịu kết án tử trên cây thánh giá (Mc 15,15),….Tất cả những điều ấy đều mang dấu ấn của Satan, của tội lỗi.

Khi chọn đứng chung hàng với tội nhân, Chúa cảm thông sâu xa với thân phận con người. Lúc này họ không cô đơn cho dù rơi vào những tình huống tối tăm nhất của cuộc đời. Đó là kinh nghiệm mà thánh Phaolô đã trải qua và chia sẻ cho mỗi người chúng ta: “Chúa Giêsu chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21).

Ngày hôm nay, khi đứng trước thực tại của tội lỗi, con người dễ có xu hướng đồng hoá tội với chính những người phạm tội. Những người mắc lầm lỗi dễ bị xa lánh và lên án cách công khai. Thậm chí, trong môi trường của mạng xã hội với đặc tính ẩn danh, người ta càng dễ dàng lên án người khác cách gay gắt hơn. Tuy vậy, ít ai để ý đến hoàn cảnh riêng hay thấu hiểu được những động cơ bên trong cho hành vi phạm tội bên ngoài của một con người. Thái độ của Chúa Giêsu hôm nay như nhắc nhở mỗi người về việc tôn trọng phẩm giá và sống liên đới cách tích cực với đồng loại. Chúa Giêsu, Đấng chẳng hề mắc tội, đã đứng chung với hàng tội nhân để có thể đồng cảm, an ủi và nâng đỡ con người. Mỗi người cũng cần có trách nhiệm đem niềm an ủi lãnh nhận được để san chia cho đồng loại của mình.

Cũng trong khung cảnh chịu phép rửa, lúc này “máy quay” từ từ hướng về trời cao. Nơi đó, chúng ta thấy Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xuất hiện . Đây là âm thanh với tràn đầy hy vọng cho chúng ta: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Âm thanh ấy nói cho chúng ta hai điều quan trọng: Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Con Một của Chúa Cha, và từ đây nhân loại được cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Thực vậy, theo những gì đã được tiên báo từ Cựu Ước, lời chứng trên làm nổi bật dung mạo của Chúa Giêsu như là Quân Vương cai trị muôn dân (Tv 2,7); là Con Một Thiên Chúa được dâng hiến làm lễ vật trong hy lễ (St 22,2); và là người tôi tớ có nhiệm vụ rao giảng, thực hiện công cuộc giải thoát và cứu độ (Is 42,1). Như vậy lời tuyên phán của Chúa Cha giúp cho con người khấp khởi hy vọng về một cuộc giải thoát thực sự. Nhờ Chúa Giêsu, con người sẽ được cứu khỏi hậu quả của tội. Hơn thế, chính con người cũng sẽ chiến thắng được tội lỗi khi kết hiệp với ân sủng cứu độ của Ngài.

Nếu để ý, ngoài lần chịu phép rửa, Chúa Giêsu còn nghe thấy lời tuyên phán “Con là con yêu dấu của Cha” trong biến cố biến hình trên núi (Mc 9,7). Như vậy, trong mỗi bước ngoặt của cuộc đời, Chúa Giêsu đều được Chúa Cha tăng thêm niềm xác tín về căn tính làm con của mình. Là con cái của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng được thừa hưởng những điều lớn lao, nhờ Đức Giêsu, Con Một của Chúa Cha.

Xưa kia, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa đã đem lại niềm an ủi và hy vọng lớn lao cho dân Do Thái. Ngày nay, khi đã hoàn tất chương trình cứu độ trên thập giá, Chúa Giêsu ban phép rửa trong Thánh Thần cho con người ngang qua Giáo Hội. Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người, Ngài đã hạ mình để đứng chung hàng với tội nhân, đã chịu chết trên thập giá để nâng con người lên khỏi bóng tối của tội lỗi. Đó là niềm an ủi và hy vọng của chúng ta.

Đaminh Lê Văn Luận SJ

………………….

[1] Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Chúa Nhật 10.1.2021

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Đong tấm lòng (Mc 12, 41 – 44) | Suy tư Tin Mừng CN 32 Thường Niên B

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 32 Thường Niên B ĐONG TẤM LÒNG (Mc 12, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *