Đức Ki-tô và Lề Luật (16.2.2020 – Chúa Nhật VI Thường Niên, năm A)

 

Đức Ki-tô và Lề Luật
(Mt 5, 17-37)

 

17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.37 Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của sự dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật. Và cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật.

Nhưng chính khi Ngài để cho con người lên án Ngài nhân danh Lề Luật, Ngài mặc khải cho loài người chúng ta vấn đề lớn nhất của Lề Luật và khuôn mặt thật của Sự Dữ : Luật một khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, sẽ trở thành phương tiện hại người; Sự Dữ dùng điều tốt là Lề Luật để thực hiện ý xấu (x. Rm 7, 13).

 1. Bối cảnh: biến cố Sinai và biến cố “Bài Giảng Trên Núi”

Trong “Bài Giảng trên Núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su trình bày lập trường của mình đối với Lề Luật: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là hoàn tất lề luật”. Và lời giảng dạy của Đức Giê-su về việc hoàn tất Lề Luật sẽ được ứng nghiệm nơi chính cuộc sống của Ngài, một cuộc sống hướng tới mầu nhiệm Thập Giá. Để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với 10 Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, thầy nói…”. Ngày nay, Mười điều răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngoài MĐR ra, còn vô số những luật lệ khác mà người giáo dân vẫn đọc lại vào ngày CN. Tuy nhiên, Đó không phải là những điều luật thêm vào, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa MĐR. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này. Chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Chính vì thế, lề luật được Đức Giê-su hoàn tất không chỉ là “luật cũ” của Cựu Ước, nhưng là mọi lề luật của loài người, thuộc mọi thời.

Đã được nói cho người xưa… Nhưng Thầy nói với anh em…”[1]. Công thức này được Đức Giêsu dùng tới năm lần, nếu không kể c. 31-32. Chúng ta chỉ hiểu được tầm mức của những lời này của Đức Giêsu, nếu đặt vào bối cảnh. Đó là những lời được công bố từ trên núi, cho các môn đệ và cho cả đám đông nữa (x. Mt 5, 1; 7, 28). Và vì lời của Ngài đối diện trực tiếp với những điều luật của Mười Điều Răn (x. Xh 20; Đnl 5), chúng ta không thể không so sánh bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi và bối cảnh của Mười Điều Răn.

  • Đức Giêsu đã vượt qua mọi giới hạn có trước, nghĩa là trước đó, người ta chỉ giải thích Luật Mô-sê; ở đây, Ngài đặt chính mình vào chỗ mà từ đó Mô-sê đã lên tiếng công bố Mười Điều Răn.
  • Điều này vẫn chưa là mới tuyệt đối, vì Mô-sê ban luật nhân danh Đức Chúa, còn Đức Giê-su ban luật mới nhân danh chính ngôi vị của mình. Trong những lời này, Đức Giêsu đặt chủ thể của mình vào chủ thể của Đấng ban Lề Luật ở núi Sinai. Từ núi này đến núi kia, biến cố mà Đức Giêsu tạo ra thật là lớn lao.
  • Ngoài ra, núi Sinai còn là nơi dành cho sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Israel[2], bởi lẽ Lề Luật sẽ là gì nếu không có sự Hiện Diện? Con rắn làm cho con người chỉ nhớ tới luật, mà quên đi Đấng Ban Luật, vốn là Đấng đã ban biết bao nhiêu ân huệ trước khi ban luật. Vì thế, có rất nhiều những giải thích lời giảng dạy của Đức Giêsu, nhưng thường bỏ quên sự hiện diện, ngôi vị của ngài, Đấng đến để phục vụ cho sự sống con người bằng “tình yêu đến cùng”. Người nghe được mời gọi hiểu biết, cảm mến, đi vào tương quan thiết thân với Ngài, thì mới có thể mở trí mở lòng ra đón nhận những lời lạ lùng này của Ngài.

 2. Tại sao phải hoàn tất Lề luật?

Tại sao phải hoàn tất Lề luật? Bởi vì một đàng con người không thể sống mà không có Lề Luật, nhưng đàng khác, con người lại “khổ sở” vì Lề Luật!

(1) Thật vậy, trong thực tế, có người dùng Luật để hại người và kẻ đầu tiên là “Con Rắn”, đã dùng chính lệnh truyền của Thiên Chúa để gieo rắc sự nghi ngờ, ghen tị va ham muốn (St 3, 1-7). Chính vì thế, Sách Khải Huyền gọi Satan lả Kẻ Tố Cáo (Kh 12, 7-10). Luật được lập ra là để phục vụ cho sự sống, nhưng trong thực tế, luật trở thành phương tiện hại người, thậm chí giết chết. Như thế, Luật bị cắt đứt khỏi cùng đích là sự sống. Chẳng hạn, có người dùng luật “chớ giết người” để giết người bằng cách vu cáo. Bởi lẽ, để hại người mà mình vẫn an toàn, thì không có cách nào khác là phải dựa vào luật. Chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: « Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7)[3]. Nhưng Ngài dùng chính hành động giết Ngài nhân danh Lề Luật, để hoàn tất Lề Luật.

(2) Ngoài ra, loài người chúng ta, dưới sự mê hoặc của Sự Dữ, khi sống Lề Luật, đã cắt đứt Lề Luật ra khỏi nguồn gốc, là tương quan ơn huệ với Thiên Chúa, qua trung gian xã hội, Giáo Hội, Hội Dòng, gia đình… Hậu quả là, thay vì sống lề luật để bày tỏ lòng biết ơn, để lớn lên trong tương quan tình yêu nhưng không, trong tương quan giao ước, con người dựa vào chữ của lề luật để tạo lập sự công chính của mình; từ đó, sẽ dẫn đến thái độ kiêu ngạo và thú vui dò xét và lên án người khác. Đây chính là thái độ của những người Pha-ri-sêu, kinh sư và luật sĩ. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mình “công chính”, khi đối diện với Lề Luật; vì thế, chúng ta luôn bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi. Chính Đức Ki-tô sẽ hoàn tất Lề Luật cách tận căn bằng Thập Giá, để trao ban cho chúng ta sự công chính của Ngài.

(3) Hơn nữa Lề Luật có những giới hạn tự tại.

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay nhưng hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi. Chẳng hạn, chẳng ai trong chúng ta đã vi phạm luật “chớ giết người”, và có lẽ đến cuối đời, chắc chắn cũng chẳng bao giờ vi phạm. Nhưng, phải chăng như thế đã là công chính, khi mà cõi lòng của chúng ta đầy giận hờn ghét ghen, khi mà lời nói của chúng ta gây ra tai họa cho người khác, thậm chí có khả năng “giết chết”. Sách Huấn Ca nói:Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? (Hc 28, 18).

Và thánh Gioan nói rằng ai ghét anh em mình đã là kẻ sát nhân rồi. Lời này của thánh Gioan là một kết luận thật chính xác từ chính lời của Đức Giêsu nói: ai giận, mắng hay chửi anh em thì đáng bị xét xử y như người phạm tội giết người. Bởi lẽ, khi ghét anh chị em của mình, là chúng ta đã loại trừ người ấy ngay trong lòng của mình rồi; và nghiêm trọng hơn, lòng ghen ghét là nọc độc gây chết chóc cho người mang nó trong người và cho cả người phải gánh chịu nó. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nào khi nhận ra rằng có ai đó ghét bỏ mình. Bởi vì lòng ghen ghét tự nó có khả năng giết chết.

Lề Luật qui định những điều phải làm và những điều phải tránh; nhưng còn lại rất nhiều hành vi và hành động Lề Luật bỏ ngỏ, không qui định. Vậy, chúng ta phải hành động theo năng động nào, nhằm mục đích gì? Năng động xấu sẽ lẻn vào, nếu chúng ta không sống theo một năng động khác khởi đi từ con tim, là năng động của Thần Khí, là tình yêu, là nhưng không, là vì chính Thiên Chúa, Cha mọi người, như chính Đức Giê-su đã sống đến cùng trong mầu nhiệm Vượt Qua.

3. Đức Giê-su hoàn tất như thế nào?

Dùng Luật như phương tiện, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) gieo vào “tai” con người nọc độc quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội). Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác. Ngoải ra, Con Rắn còn dựa vào Lề Luật để rình rập, gài bẫy, vu cáo, lên án.

 

 

Con Rắn

(và những người hành động như Con Rắn,

ý thức hay không ý thức)

Thiên Chúa, là Cha nhân hậu

   ↑↓

Con người, là con Thiên Chúa, là anh chị của nhau

 

Khởi đầu

(Hình ảnh Thiên Chúa được ghi khắc ở trong tim)

 

=>

 

Lề Luật
ở mức độ chữ viết
(Mười Điều Răn và mọi Lề Luật ở mọi nơi và mọi thời)
 

=> Cùng đích

sự sống/sự sống chung/
sự sống trong Giao Ước

Dùng Luật để:

– Gieo nộc độc quên ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn.

– Rình rập, gài bẫy, vu cáo, lên án.

– Lên án vì ghen ghét và với ý định hủy diệt.

 

Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người! Hành động này là đúng : vì có luật, có vi phạm, thì phải dựa vào luật mà tố cáo, kết án và thì hành án phạt. Nhưng phải chăng Luật được lập ra với chức năng chính yếu là được dùng để tố cáo và kết án nhau ? Hơn nữa, kết án nhân danh Lề Luật, theo mặc khải Kinh Thánh, lại là hành động đặc trưng của Satan !

 

Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.

Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con.

(Tv 19, 13)

Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.

Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô
không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức theo chữ viết,
nhưng là một chuyển động của Thần Khí
vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích.

4. Những minh họa

Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 17-48), Đức Giê-su dùng tới năm lần công thức sau đây : « Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em » (c 21, 27, 33, 38 và 43).

  • Lần thứ nhất về luật chớ giết người, liên quan đến vấn đề sự sống.
  • Lần thứ hai, luật chớ ngoại tình, liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình.
  • Lần thứ ba, chớ bội thề, liên quan đến vấn đề lời nói.
  • Lần thứ tư, luật ngang bằng, nghĩa là luật « mắt đền mắt, răng đền răng », liên quan đến vấn đề “kẻ dữ” luôn có mặt trong cuộc sống của loài người.
  • Và lần thứ năm liên quan đến luật « yêu đồng loại và ghét kẻ thù »; đó nội dung của bài Tin Mừng mà Giáo Hội đề nghị đọc trong Thánh Lễ Tân Niên. Điều luật này đụng chạm đến tương quan giữa các nhóm hay giữa các cộng động thù nghịch.

Những minh họa mà Đức Giê-su đưa ra, chỉ đề cập đến năm điều luật, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng là những điều luật liên quan đến những vấn đề thiết yếu của sự sống con người, nghĩa là đến sự duy trì và phát triển của sự sống. Và trường hợp thứ năm là điểm tới và là đỉnh cao không chỉ của các minh họa, những của cả toàn bộ Lề Luật được Đức Ki-tô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những minh họa trước đó. Nhưng ở đây với minh họa thứ năm, tình yêu được nêu ra một cách minh nhiên và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha Trên Trời.

Và chúng ta đừng dừng lại ở mức độ coi Mười Điều Răn là « Luật Cũ » trong tương quan với « Luật Mới ». Bởi vì, Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật, không chỉ Lề Luật của đạo Do Thái, nhưng là Mười Điều Răn là trung tâm của mọi Lề Luật, Luật đời, Luật đạo, Luật tu trì. Có thể nói, mọi Lề Luật đều là để triển khai, để sống cụ thể và chi tiết Mười Điều Răn. Mười Điều Răn như đỉnh núi : mọi lề luật qui về Mười Điều Răn và từ Mười Điều Răn xuất phát mọi lề luật.

a. “Chớ giết người

Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua đức công chính theo Luật; và để vượt qua, Ngài mời gọi chúng ta hành động khởi đi từ “nguồn gốc”: Nguồn gốc của mọi hành động xấu xa, và trong trường hợp hành vi giết người, nguồn gốc của nó là sự giận dữ trong lòng và ở những lời mắng chửi. Đức Giêsu mời gọi chúng ta loại trừ hành vi giết người ngay từ gốc rễ của nó.

Khởi đầu của hành vi giết người: cơn giận  =>  mắng chửi[4]
=>  giết người.

Hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động khởi đi từ gốc rễ sâu thẳm nơi cõi lòng chúng ta, đó là sự thiện tuyệt đối, khiến chúng ta có khả năng đi bước trước làm hòa với người anh em mà không cần đặt vấn đề theo luật định: ai đã gây ra chuyện này, ai đã bắt đầu trước? Và khiến chúng ta có khả năng làm hòa với nhau, thay vì đem nhau ra tòa, ở đó mỗi người sẽ phải lớn tiếng tự biện minh cho mình, phải tố cáo nhau, rồi một trong hai người sẽ bị tuyên án và bị giam vào tù ngục; và điều gì bảo đảm rằng quan tòa sẽ chí công vô tư, sẽ đứng về phía người ngay?

Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng ứng xử với nhau theo Luật, đừng để cho hệ thống Lề Luật giải quyết tương quan của chúng ta với nhau, vì sẽ là tai họa. Kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy như vậy. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện điều mà chính Ngài đã thực hiện cho chúng ta: nơi Thập Giá của Đức Kitô, Thiên Chúa không ứng xử với chúng ta theo Luật.

Hành động theo nguồn gốc, còn là hành động theo ơn huệ tuyệt đối nhưng không mà mỗi người chúng ta đều nhận được ở khởi đầu của sự sống: nhận được nhưng không, thì cho nhưng không. Cũng vậy, ở khởi đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa ban ơn một cách tuyệt đối nhưng không[5].

b. ”Chớ ngoại tình

Điều răn này có ở trong Mười Điều Răn của Cựu Ước và của Giáo Hội. Cùng đích của điều răn này, tuy không được phát  biểu trong văn bản của Mười Điều Răn, nhưng ai cũng có thể đoán ra được: đó là sự bền vững và tình yêu. Bền vững và tình yêu liên quan chặt chẽ với nhau và là nền tảng của hạnh phúc, của niềm vui và của chính sự sống. Sự sống có thể phát sinh, nhưng không thể tồn tại và lớn lên nếu không có sự bền vững và tương quan tình yêu. Nhưng trong thực tế, điều răn này đã bị Tội lợi dụng, đã trở thành phương tiện của Tội như thánh Phaolô nói trong Rm 7: Luật trở thành nơi cho Tội ẩn nấp, trở thành phương tiện của Tội, thậm chí trở thành đà phóng của tội (x. Rm 7, 8).

Nghe những khẳng định này chúng ta có thể lấy làm lạ, nhưng đó lại là kinh nghiệm sống của mọi người, của chính chúng ta. Những người để mình bị chi phối bởi Tội sẽ nghĩ như thế này: thế nào là một hành vi ngoại tình? Họ đòi cho được một định nghĩa, hay họ tự tạo cho mình một định nghĩa; và sau đó thì ham muốn thoải mái, nghĩ ngợi thoải mái, tưởng tượng thoải mái, ăn nói thoải mái…, miễn sao mình không vi phạm điều mà luật chớ ngoại tình định nghĩa. Như thế, họ giữ luật “chớ ngoại tình” chỉ ở bên ngoài, chỉ có cái vỏ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng cái đê lề luật không thể ngăn chặn mãi được sức mạnh của lòng ham muốn, chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ vỡ, sẽ vỡ tan tành. Vì thế, để đạt được cùng đích của điều răn chớ ngoại tình, Đức Giêsu mời gọi loài người chúng ta khởi đi từ đầu, và tất yếu phải khởi đi từ đầu:

  • Khởi đi từ đầu nơi lòng muốn hay lòng ước ao, nơi đôi mắt, nơi đôi tai, nơi tay. Và đoạn tuyệt với sự dữ ngay từ đây, ở những bước đầu này: “chặt, ném và ném cho xa”.
  • Khởi đi từ đầu nơi tình yêu và ân huệ được trao ban cách nhưng không và quảng đại khi mới yêu nhau. Quên đi khởi đầu này sẽ là tai họa, là đại họa như chúng ta vẫn chứng kiến hay đọc trên báo.
  • Khởi đi từ đầu nơi sáng tạo, ở đó người nam và người nữ được ban cho nhau như là quà tặng tuyệt đối nhưng không của Thiên Chúa. Như chính Đức Giêsu sẽ trả lời chất vấn của những người lệ luật: “ Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ…” (Mt 19, 4).

Những gì chúng ta hiểu về điều răn “chớ ngoại tình” hoàn toàn đúng với những điều luật liên quan đến đời tu của chúng ta, nhất là ba lời khấn, và đặc biệt là lời khấn khiết tịnh: “chớ lấy vợ hay chớ lấy chồng!”

c. “Chớ bội thề”

Luật “chớ bội thề” giả định sự thật chỉ được bảo đảm trong một phần hay một hình thức của lời nói, đó là lời thề. Như thế, hậu quả tai hại, mà chúng ta không nhận ra, đó là người ta có quyền không hoặc ít nói sự thật trong phần còn lại của lời nói? Và trong phần này còn lại, phần mà tôi không thề, tôi có thể chọn giải pháp “không có và cũng chẳng không” (chọn hành vi không chọn). Trong thực tế, đây là nơi của gian dối còn nhiều hơn là gian dối công khai, là nơi của: “mọi thứ thêm thắt”; bởi tôi sẽ “tùy cơ ứng biến”, hay “gió chiều nào ngả theo chiều đó. Đức Giêsu giải phóng lời nói, khi Ngài mời gọi chúng ta nói sự thật, nhưng không phải trong phạm vi của lời thề, nhưng mọi lúc mọi nơi. Lựa chọn này cũng mời gọi tôi không buộc người khác phải thề, để tránh thái độ tiên thiên coi người khác như kẻ nói láo tiềm ẩn!

Trong trường hợp này, chúng ta cũng được mời gọi hành động từ điểm khởi đầu. Và điểm khởi đầu ở đây là nơi mà tôi phát biểu thực sự, nghĩa bày tỏ chính mình, tôi liều lĩnh dấn mình vào sự thật, bằng cách từ bỏ thái độ “không có và cũng chẳng không”. Điều này cũng đúng, đi chúng ta được mời gọi, đến một lúc nào đó, liều lĩnh làm cuộc Lựa Chọn Ơn Gọi, để thoát ra khỏi tình trạng “không có và cũng chẳng không” để cam đảm sống suốt đời.

 

  1. Mắt đền mắt, răng đền răng

Luật ngang bằng không phải là luật báo thù như chúng ta vẫn thường nghĩ, nhưng ngược lại, đó là luật ngăn cản bản năng báo thù. Luật này là một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, luật ngang bằng lại nằm ở giữa đường, mà đầu đường bên này là báo thù và đầu đường bên kia là yêu mến tha nhân. Vì thế luật ngang bằng cũng là một thứ “không có và cũng chẳng không”; và trong thực tế, nó chứa đựng ý muốn báo thù vốn có ở trong lòng con người. Luật ngang bằng rốt cuộc chỉ là cái đê mong manh ngăn cản sức mạnh kinh hồn của lòng báo thù.

Vì thế, qua những ví dụ, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chọn hẳn một chuyển động khác, không kém mạnh mẽ, như chính Ngài sẽ thực hiện trong cuộc Thương Khó, đó là lòng yêu mến tha nhân. Sức mạnh của sự dữ không thể bị chặn đứng bởi Lề Luật, nếu có thì chỉ tạm thời mà thôi, nhưng chỉ bị chặn đứng và bị đánh bại bởi một sức mạnh khác, đó là sức mạnh tình yêu.

 

  1. Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù

Phần này là điểm tới và là đỉnh cao của chuỗi các giới răn được Đức Kitô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những phần trên, được nêu ra cách minh nhiên ở đây và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha trên trời. Đức Giêsu mời gọi người môn đệ sống nguyên tắc “Cha nào con nấy”, như chính Ngài đã sống.

Giới luật: “hãy ghét kẻ thù” mà Đức Giêsu trích dẫn không hề có trong bộ Ngũ Thư (Torah). Người ta có thể tìm thấy những lời tương đương, nhưng chỉ áp dụng cho một dân tộc đặc thù (x. Đnl 23, 4), chứ không áp dụng cho kẻ thù nói chung. Sự oán ghét không bao giờ là đối tượng của một giới luật, nhưng chỉ là một hệ quả thực tế của nguyên tắc: “bạn của anh là bạn của anh, kẻ thù của anh là kẻ thù của anh, anh cứ theo đó mà ứng xử”. Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến kẻ thù, dù không có trong Torah, vẫn diễn tả cách trung thực giới luật: “anh hãy yêu mến người thân cận”  được diễn giải và được sống trong thực tế.

Chìa khóa để hiểu những lời này của Đức Giêsu vẫn là điểm khởi đầu: thay vì yêu mến “những người yêu mến anh em”, thì anh em đừng chờ đợi để yêu mến. Anh em hãy khởi đầu, hãy yêu mến trước, và đừng biến tình yêu của mình thành gương soi của tình yêu mà anh em chờ đợi hay nhận được. Cha ở trên trời luôn hành xử như thế đối với chúng ta! Như thế, hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động theo cung cách của chính Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự: anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng Hoàn Thiện. Và Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện “ở trên trời”, nhưng cũng hiện diện nơi sâu thẳm của mỗi người chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo lề luật, nhưng còn sống theo Lời Chúa; nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo lề luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được? Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con nấy”, “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Như thế, chúng ta là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Chúa nói: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa. Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô. Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?

 

*  *  *

 

Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không. Vừa rồi là bí quyết thứ nhất. Ngoài ra, còn có một “bí quyết” thứ hai nữa: đó là chúng ta cần hiểu yêu thương và sống yêu thương theo nhiều mức độ khác nhau, chứ không thể nào hoàn thiện ngay được:

  • Nếu, chúng ta chưa yêu được bằng con tim, bằng tình cảm dạt dào, thì ít nhất chúng ta yêu bằng những cử chỉ và hành động tốt lành, chẳng hạn, tôn trọng, chào hỏi, giúp đỡ, thăm hỏi… theo luật đức ái đòi hỏi.
  • Và nếu chúng ta chưa thể làm cho nhau những điều lành, thì ít nhất chúng ta đừng làm điều xấu cho nhau, đừng làm hại nhau.
  • Và nếu chúng ta bị ma quỉ xúi dục làm điều xấu cho nhau, làm hại cho nhau, chúng ta cố gắng đừng làm gì hết, và cầu nguyện nhiều cho mình và cho người khác như lời Chúa mời gọi: “hãy cầu nguyện cho họ”, để Chúa giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ.

5. Có thực hành được không?

a. Lệnh truyền hay “lời khuyên”?

Những lời của Đức Giêsu trong Mt 5, 17-41 thường được coi là những “lời khuyên” dành cho số ít người. Tuy nhiên, Đức Giêsu nói những lời này cho tất cả các môn đệ và cùng với các môn đệ cho cả đám đông! Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến số phận của đám đông.

Những lời long trọng kết thúc Bài Giảng và có giá trị đối với toàn bộ nội dung của Bài Giảng cho thấy rõ điều này: xây dựng trên điều gì khác với những lời vừa được công bố, chính là tự đẩy mình vào tình huống bị “sụp đổ tan tành” khi thử thách xẩy ra (Mt 7, 24-27: xây nhà trên cát hay trên đá). Những lời được công bố nhằm tránh khỏi bị tiêu vong không thể gọi là những lời khuyên được; trái lại, đó là những điều kiện không thể không có để hoàn tất Mười Điều Răn. Ai không vượt qua, sẽ không hoàn tất[6].

b. Sống lời của Đức Giêsu như thế nào?

  • Lời của Đức Giêsu liên quan đến đời thường: những vấn đề thường ngày (gây gổ, tranh chấp…); thiên nhiên (núi, mưa, gió, thảo mộc, loài vật…); thân thể (mắt, tóc, tay, chân…); tương quan xã hội; thành phố.
  • Lời của Đức Giêsu là “luật của tự do”. (1) Để có thể tồn tại, xã hội loài người đã phải thay đổi những luật lệ của mình. Nhưng đã đủ chưa khi có những bộ luật mới? (2) Phải chăng những lời này của Đức Giêsu là lề luật? Nếu đó là những điều luật như những điều luật khác, thì người ta sẽ phải khắc chúng xen vào tảng đá Mười Điều Răn! Có nhiều người đã hiểu luật của Đức Giêsu như thế đấy: chỉ có nội dung thay đổi, còn cách thức vẫn vậy. Nếu hiểu lời của Đức Giêsu theo nghĩa vật chất (material) như thế, người ta sẽ lấy đâu ra sức mạnh để tuân giữ? Và hậu quả sẽ thật lệch lạc và chết chóc. (3) Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo giao ước mới và luật của giao ước mới sẽ không còn được khắc trên đá nữa, nhưng trong tận đáy lòng con người. Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của ngài gợi ra, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất. Chính Đức Giêsu đã hoàn tất toàn bộ “luật của Ngài” trong cuộc Thương Khó; nhưng chúng ta không thấy Ngài hành xử đúng theo từng chữ những gì mà Ngài đã giảng dạy. Thậy vậy, bị vả má này, Ngài đâu có đưa má kia ra đâu; nhưng đã hỏi: “Tại sao anh tát tôi?” (Ga 18, 23; đọc thêm Cv 23, 2-5)
  • Lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi” (lối đi chứ không phải cửa hẹp, như Đức Giêsu nói trong Mt 7, 13, vì cửa hẹp, rốt cuộc thì ai cũng có thể lách qua được). Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.

c. Để có thể sống theo lời của Đức Giê-su, chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”; nguồn gốc là tình yêu đến cùng Ngài dành cho từng người chúng ta: anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em”, là kinh nghiệm được Ngài “rửa chân”: “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em”.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] “Công thức” này ở đây được địch sát bản văn Hy Lạp.

[2] Nếu khác đi, Luật sẽ không là gì cả. “Này đây, Đức Chúa đã nói với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”, Môisê nói (Đnl 5, 4). Và dân chúng đáp lại: “Này Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, đã cho chúng tôi thấy Người thật vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa.” (Đnl 5, 24).

[3] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sabat, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).

[4] Có thể đọc Hc 28, 13-26 về cái lưỡi.

[5] So sánh với 1Tm 1, 8-10 và Gl 5, 18-23, để nhận ra cùng một tinh thần của Đức Giêsu được diễn tả bởi hai ngôn ngữ khác nhau, một của Tin Mừng Matthêu và một của thánh Phaolô

[6] Tính tất yếu của những lời mà Đức Giêsu công bố trong Mt 5 còn được làm rõ bởi bối cảnh gợi nhớ bối cảnh Sinai và bởi chính những vấn đề được Đức Giêsu đề cập, đó là những vấn đề liên quan đến toàn xã hội, đến Nước Trời, đến chính sứ mạng của Ngài (x. Mt 5, 17).

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 14-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 14/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tình yêu Thánh …

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *