Đức Thánh Cha chia sẻ về chuyến tông du đến Sri Lanka và Philippine

udienza7genVATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung diễn ra tại Thính Đường Phaolô VI hôm thứ tư 21.1 vừa qua, ĐTC đã chia sẻ những cảm nghiệm của mình về chuyến tông du đến hai nước châu Á Sri Lanka và Philippine của mình.

Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Xin chào anh chị em,

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với anh chị em về chuyến tông du của tôi đến Sri Lanka và Philippine tuần vừa qua. Sau chuyến viếng thăm Hàn Quốc vài tháng trước, tôi đến Châu Á lần nữa, đây là một châu lục giàu truyền thống văn hóa và thiêng liêng. Chuyến đi này trước hết là một cuộc gặp gỡ đầy niềm vui với các cộng đoàn giáo hội, vốn đã trao ban nhiều chứng từ đức tin vào Đức Kitô: tôi xác nhận điều đó trong đức tin và trong sứ mạng truyền giáo. Tôi sẽ luôn giữ trong tim mình những buổi tiếp đón nồng hậu của người dân trong những khoảnh khắc quan trọng của chuyến đi. Ngoài ra, tôi cũng đã khuyến khích cuộc đối thoại liên tôn để giúp xây dựng nền hòa bình, cũng như hành trình của các dân tộc tiến đến sự hiệp nhất và sự phát triển xã hội, đặc biệt là vai trò nổi bật của các gia đình và giới trẻ.

Khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong thời gian tôi ở Sri Lanka là việc tuyên thánh cho nhà truyền giáo vĩ đại Giuse Vaz. Vị thánh linh mục này đã cử hành các bí tích, thường là trong bí mật, cho các tín hữu, đồng thời giúp đỡ những ai túng thiếu thuộc bất cứ tôn giáo và điều kiện xã hội nào mà không phân biệt gì cả. Gương mẫu thánh thiện và tình yêu của ngài dành cho người thân cận tiếp tục soi sáng cho Giáo Hội ở Sri Lanka trong việc tông đồ bác ái và giáo dục của mình. Tôi nói đến thánh Giuse Vaz như là kiểu mẫu cho tất cả Kitô hữu, những người ngày hôm nay được mời gọi để trao ban chân lý cứu độ của Tin Mừng trong một bối cảnh đa tôn giáo, với sự tôn trọng người khác, với sự nhẫn nại và khiêm tốn.

Sri Lanka là một đất nước rất có nét đẹp tự nhiên, nơi đó, người dân đang cố gắng xây dựng tình hiệp nhất sau cuộc nội chiến lâu dài và bi thương. Trong cuộc gặp gỡ giữa tôi với Nhà Cầm Quyền, tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại, của việc tôn trọng nhân phẩm con người, của nỗ lực giúp mọi người cùng dấn thân để tìm ra những giải pháp thích đáng giúp cho việc hòa giải và hướng đến công ích.

Các tôn giáo khác nhau đóng một vai trò rất ý nghĩa để mở ra cho tầm nhìn này. Cuộc gặp gỡ của tôi với các nhà lãnh đạo tôn giáo là một sự xác nhận cho những tương quan tốt đẹp vốn đã tồn tại giữa các cộng đồng tôn giáo. Trong bối cảnh này, tôi muốn khuyến khích sự cộng tác đã có giữa các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau, cũng như để chữa lành, với nhựa thơm của sự tha thứ, những ai vẫn còn bị tổn thương bởi nỗi đau của những năm gần đây. Tôi cũng nói về sự hòa giải trong chuyến viếng thăm đền thánh Đức Mẹ Madhu, rất được người Tamil và Sinhalese tôn kính. Tại nơi thánh này, chúng tôi đã xin Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta ban cho nhân dân Sri Lanka ơn hiệp nhất và hòa bình.

Từ Sri Lanka, tôi đến Philippine, giáo hội nơi đây đang chuẩn bị để cử hành 500 năm Tin Mừng đến trên đất nước này. Đây là đất nước Công Giáo lớn nhất ở châu Á và người dân Philippine được biết đến bởi niềm tin sâu sắc, và lòng nhiệt thành tôn giáo, ngay cả trong cộng đồng Do Thái giáo. Trong cuộc gặp gỡ của tôi với Nhà Cầm Quyền quốc gia, cũng như trong những giờ cầu nguyện và thánh lễ đông người tham dự, tôi đã nhấn mạnh đến việc sinh hoa kết trái không ngừng của Tin Mừng và việc Tin Mừng có thể giúp xây dựng một xã hội nhân văn, nơi có chỗ cho nhân phẩm của mỗi người và cho các nguyện vọng của người dân Philippine.

Mục tiêu chính của cuộc viếng thăm cũng như động cơ để tôi quyết định đi Philippine chính là để bày tỏ sự gần gũi của tôi đến những người anh chị em đã chịu đau khổ do sự tàn phá của cơn bão Yolanda (Haiyan). Tôi đã đến Tacloban, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tại đây tôi đã rất khâm phục đức tin và khả năng tái phục hồi của người dân địa phương. Thật không may, tại Tacloban, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã gây ra cái chết cho một nạn nhân vô tội: một tình nguyện viên trẻ tên là Kristel, bị chết do dàn giáo chắn gió đổ sập xuống người. Sau đó, tôi đã gửi lời cảm ơn tất cả những ai, từ mọi miền trên thế giới, đã đáp ứng lại những nhu cầu của người dân nơi đây khi rộng tay trợ giúp họ. Sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, được mặc khải nơi mầu nhiệm Thập Giá, đã được nhìn thấy nơi tinh thần liên đới, thể hiện nơi những hành vi bác ái và hy sinh trong những ngày đen tối ấy.

Những cuộc gặp gỡ với các gia đình và giới trẻ tại Manila là những giây phút thật ấn tượng trong chuyến viếng thăm tại Manila. Những gia đình lành mạnh có một vai trò thiết yếu trong đời sống của xã hội. Thật là một niềm an ủi và hy vọng lớn lao khi thấy nhiều gia đình đã đón nhận những người con như một món quà đích thực của Thiên Chúa. Họ biết rằng mỗi đứa con là một hồng phúc. Tôi có nghe một vài người nói rằng các gia đình nhiều con và có nhiều đứa con được sinh ra chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói. Tôi cho rằng đây là một ý kiến đơn giản thái quá. Tôi có thể nói, chúng ta có thể nói rằng nguyên nhân chính yếu của nghèo đói là do hệ thống kinh tế không đặt con người vào trọng tâm nhưng là tiền bạc, một hệ thống kinh tế loại trừ trẻ em, người già, người trẻ, không có việc làm … và một hệ thống kinh tế tạo ra nền văn hóa loại trừ mà chúng ta đang sống.

Chúng ta quen với việc nhìn thấy người khác bị loại trừ. Đây chính là nguyên nhân chính yếu của nghèo đói, chứ không phải là gia đình đông con. Nhớ đến Thánh Giuse, người đã che chở cho “Chúa Giêsu trẻ thơ” (“Santo Niño”) rất được tôn kính ở đất nước này, tôi nghĩ rằng cần phải bảo vệ các gia đình, vốn đang phải đối mặt với rất nhiều đe dọa, để họ có thể làm chứng cho nét đẹp gia đình trong sự che chở của Thiên Chúa. Cũng cần phải bảo vệ các gia đình khỏi việc thực dân hóa ý thức hệ mới, vốn đang đe dọa căn tính và sứ mạng của gia đình.

Tôi cũng rất vui khi hiện diện với giới trẻ Philippine để lắng nghe niềm hy vọng và những bận tâm của họ. Tôi muốn khuyến khích họ nỗ lực đóng góp cho việc canh tân xã hội, đặc biệt qua việc phục vụ người nghèo và bảo vệ môi trường tự nhiên. Chăm lo cho người nghèo là một yếu tố thiết yếu của đời sống và chứng tá Kitô hữu của chúng ta – Tôi đã đề cập đế điều này trong cuộc viếng thăm của mình – cần loại bỏ mọi hình thức tham nhũng vì tham những là ăn cắp từ người nghèo và xây dựng một nền văn hóa trung thực.

Tôi dâng lời tạ ơn Chúa vì chuyến viếng thăm mục vụ tại Sri Lanka và Philippine. Tôi xin Ngài luôn chúc lành cho hai quốc gia này và nhìn thấy lòng thành tín của các Kitô hữu đối với sứ điệp tin mừng cứu chuộc, hòa giải và hiệp thông với Đức Kitô của chúng ta.

Xin cảm ơn!”

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Kiểm tra tương tự

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *