Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: Lòng thương xót không có việc làm là lòng thương xót chết

 

“Hôm nay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm một cuộc duyệt xét lương tâm nghiêm túc.”

 
unnamed Đức Thánh Cha đã nói những lời này vào sáng ngày 30 tháng 6 khi ngài chủ trì “buổi tiếp kiến Năm Thánh” lần thứ tám của mình. Các buổi tiếp kiến trong Năm Thánh được mở ra cho toàn thể mọi người, và thường được ấn định mỗi tháng một lần vào ngày thứ bảy, trong suốt Năm Thánh Lòng Thương Xót; nhưng thứ bảy tuần trước (25/06/2016), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang thực hiện chuyến Tông du Mục vụ quốc tế lần thứ 14 của ngài tại Armenia.

Trong bài nói chuyện của mình, Đức Thánh Cha đã suy gẫm về những việc làm của lòng thương xót dựa trên gợi hứng từ đoạn lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mat-thêu (Mt 25,31).
“Trong thực tế, chúng ta không bao giờ được quên rằng lòng thương xót không phải là một từ ngữ trừu tượng, nhưng là một lối sống. Một mặt chúng ta nói về lòng thương xót, mặt khác chúng ta sống lòng thương xót. Dựa trên những lời của thánh Gia-cô-bê tông đồ (x. Gc 2,14-17), chúng ta có thể nói rằng: lòng thương xót không có việc làm là lòng thương xót chết. Thực tế là như vậy!”

Đức Thánh Cha giải thích thêm: điều làm cho lòng thương xót có hiệu quả chính là tính năng động không ngừng trong việc ra đi “gặp gỡ” các nhu cầu và thiếu thốn của người khác. Ngài nói: “Lòng thương xót có mắt để nhìn, có tai để nghe, có tay để làm.”

 
Lời cảnh báo

Đức Thánh Cha cảm thấy xót xa vì nhiều người thường không ý thức hoặc hoàn toàn dửng dưng trước nỗi đau và nhu cầu của tha nhân.

 
“Đôi khi chúng ta thờ ơ bước đi trước những hoàn cảnh nghèo túng cùng cực và dường như những cảnh đời ấy chẳng hề đụng chạm tới chúng ta; mọi thứ vẫn tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra. Dần dà, sự vô cảm sẽ biến chúng ta thành những kẻ giả hình; và trong khi chúng ta không ý thức về nó, nó sẽ đưa đến một dạng thờ ơ thiêng liêng khiến tâm trí trở nên vô cảm và cuộc sống trở thành vô ích.”

 
Hãy xắn tay áo lên
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lưu ý rằng những lời giảng dạy của Đức Giê-su không cho phép chúng ta trốn chạy, nhưng mời gọi ta giúp đỡ những ai đói khát, trần truồng, lạ mặt, ốm đau và bị cầm tù (x. Mt 25,35-36). Ngài nói: “Ai đã kinh nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa Cha trong đời mình thì sẽ không thể vô cảm trước nhu cầu của tha nhân.”

Đức Thánh Cha nói: “Những lời giảng dạy của Chúa Giê-su buộc người ta phải phải xắn tay áo lên để xoa dịu khổ đau.” Ngài nói tiếp: “Do sự thay đổi của thế giới toàn cầu hóa, nhiều thứ nghèo đói về vật chất và tinh thần đã tăng lên gấp bội. Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau tạo một khoảng không cho đức ái thỏa sức sáng tạo hầu tìm ra những cách hành động mới. Như vậy, cách thức của lòng thương xót trở nên cụ thể hơn bao giờ hết. Do đó, yêu cầu đối với chúng ta là phải luôn tỉnh thức như người gác cổng, để khi đối diện với những nghèo đói do văn hóa tiền bạc gây ra, đôi mắt của người Ki-tô hữu không bị mù tối và không mất đi khả năng nhìn nhận những gì là cốt yếu.”

 
Hành hương trong tình huynh đệ và hòa bình
Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc lại chuyến tông du mới đây của ngài tới Armenia, “quốc gia đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo.” Ngài lưu ý rằng người dân Armenia, “trong dòng lịch sử lâu dài của dân tộc, đã làm chứng cho Đức tin Ki-tô giáo bằng việc tử đạo.”
Sau đó, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cảm ơn tổng thống Armenia, Đức Thượng phụ Chính Thống Karekin II, các giám mục Công giáo và người dân Armenia đã tiếp đón ngài như một vị khách hành hương trong tình huynh đệ và hòa bình.
Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở mọi người có mặt trong buổi tiếp kiến rằng ngài đã nhận lời đi thăm Georgia và Azerbaijan từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9 với một lý do kép: một là để hiểu rõ các nguồn cội Ki-tô giáo cổ xưa nơi những vùng đất này – luôn trong tinh thần đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo khác; hai là để khích lệ những hy vọng và đường lối hòa bình.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Lịch sử dạy chúng ta rằng con đường hòa bình đòi hỏi sự kiên trì lớn lao và những bước tiến liên tục, bắt đầu với các bước nhỏ, rồi dần dần làm cho chúng lớn lên và tiến tới những bước tiếp theo. Chính vì điều này mà tôi ước mong từng người và tất cả mọi người hãy góp phần mình cho công cuộc hòa giải.”

Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J.

Nguồn: Zenit.org ngày 30-06-2016

 

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *