Có lẽ cha mẹ nào cũng yêu thương con cái. Đó là tình yêu vô điều kiện và không biên giới. Cha mẹ cũng chẳng thể giải thích được vì sao lại yêu người con của họ đến vậy. Yêu là yêu cũng không cần giải thích. Đó là tình cảm tự nhiên và là món quà mà Thượng Đế đặt để nơi cha mẹ.
Tình yêu cha mẹ dành cho con cái cũng “giống” như tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Giả như con cái có ghét bỏ, hoặc chối từ con cái, thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ làm như thế (x. Is 49,15). Nói vậy để thấy tình yêu của Thiên Chúa dĩ nhiên là cao cả muôn trùng. Trong mọi hoàn cảnh và mọi thời, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Ngài là người Cha hằng bận tâm đến thân phận của con người. Các thánh vịnh gia phải thốt lên rằng: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,5)
Bài Tin Mừng Chúa Nhật 14 hôm nay[1] giới thiệu cho chúng ta một người Cha như thế. Thiên Chúa Cha gửi Đức Giêsu đến với con người để diễn tả cụ thể tình yêu của Ngài với từng người. Nơi dương thế, Đức Giêsu luôn cầu nguyện và làm theo thánh ý Cha. Chẳng hạn, hôm nay lời cầu nguyện của Đức Giêsu thật đẹp và an ủi cho chúng ta:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25–26)
Đẹp trong lời chúc tụng
Cầu nguyện không chỉ là xin ơn. Lời cầu nguyện chỉ đúng nghĩa và cao quý với tâm tình chúc tụng Thiên Chúa. “Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 136,26). Là một thụ tạo, con người ngước về Đấng Tạo Thành để tri ân và chúc tụng với hết tâm hồn. Chính Thiên Chúa Cha tạo dựng và chăm sóc muôn loài. Nhờ đó, thế giới này, nhân loại này mới có sức sống và thụ hưởng biết bao điều tốt đẹp. Bởi thế có lần thánh Phaolô nhắc giáo đoàn của mình: “Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5,19). Ước gì: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.” (Tv 34,2).
An ủi cho những người bé mọn
Chúa yêu thương hết mọi người. Đó là bản tính của Chúa. Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu tiết lộ một chi tiết thú vị: Thiên Chúa Cha chỉ mặc khải những điều bí nhiệm cho những người bé mọn. Mặc khải nghĩa là do tình yêu vô biên, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài, để họ được cứu độ. “Họ” ở đây là những ai khiêm nhường, tín thác và biết chạy đến nương nhờ Thiên Chúa. Nếu những bậc khôn ngoan thông thái cậy vào chính mình, thì những người này không thể nhận ra mặc khải của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô cho chúng ta thấy thế nào là người bé mọn: “Khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.” (x. 1Cr 1,26–29). Thánh nhân nhắc giáo dân của mình chớ vì được Thiên Chúa ưu ái mà đem lòng tự phụ kiêu căng. Ngược lại, càng thừa hưởng ân sủng, người con của Chúa càng cần khiêm tốn như trẻ nhỏ để luôn được Thiên Chúa chỉ dạy. Thực ra con người chưa bao giờ biết hết mọi sự, không bao giờ làm được mọi thứ. Chúa đòi người ta nhận ra thân phận yếu đuối, thấp hèn của mình để biết bám víu vào Chúa.
Cách thức Chúa Cha mặc khải
Chắc chắn không ai biết rõ Thiên Chúa Cha bằng Đức Giêsu. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều ấy (Mt 11,27). Hơn nữa, Chúa Cha đã trao phó mọi sự cho Đức Giêsu. Như một nhịp cầu, Đức Giêsu đã tỏ lộ về Thiên Chúa Cha cho những ai Ngài muốn. Đó là cách thức mà Chúa Cha đã chọn để những thiên ý nhiệm mầu đến được với con người.
Tiếc là thời nào cũng có người chẳng muốn đón nhận mặc khải tình yêu này. Họ chống đối và thậm chí là phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ có thể là những người tự cho mình là khôn ngoan thông thái, để loại Chúa ra khỏi cuộc đời này. Kết quả là Thiên Chúa vẫn xa vời trong họ. Ngược lại, những ai khiêm nhường đón lấy mặc khải của Chúa Cha, người ấy được sống đời đời. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Trung tâm điểm của lời Chúa Giêsu mặc khải chính là Nước Trời, nghĩa là Thiên Chúa là nguồn mạch và trung tâm cuộc sống ta, và Người cho ta biết: Chỉ mình Chúa cứu rỗi con người.” (Youcat 520).
Thiên Chúa mặc khải trong sự quan phòng
Đây là lời Chúa chứa chan hạnh phúc cho con người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Hạnh phúc vì con người cần được nghỉ ngơi bồi dưỡng giữa một xã hội chồng chất những căng thẳng khủng hoảng. Lịch sử ghi nhận thân phận con người lúc nào cũng nhiều vất vả lầm than. Bôn ba cơm áo gạo tiền, tranh quyền giành lực đã đẩy nhiều người đến chỗ khốn cùng. Chỉ những ai hưởng ứng lời mời gọi của Thầy Giêsu mới có được bình an thực sự.
Thực ra đến với Chúa, tự nhiên người ta sẽ cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng và bình an. Thiên Chúa không có sầu buồn, bấn loạn và chiến tranh. Ngài là Thiên Chúa quan phòng, nghĩa là, Chúa hằng lo lắng, yêu thương và chăm sóc để dẫn đưa mọi thụ tạo tới mục đích sau cùng là chính Ngài. (GLHTCG 321). Đó là giáo lý, là hướng dẫn dành cho mỗi người trải nghiệm. Nếu đọc được lời Chúa hôm nay, bạn thử một lần đến với Thầy Giêsu để “mang lấy ách của ngài”, để hãy học với ngài và để ngài yêu thương:
– Bạn đang lo lắng ư? Hãy tâm sự với Chúa những lắng lo của mình! Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
– Bạn đang thất bại ư? Hãy trao cho Đức Giêsu những thảm bại ấy! Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
–Gia đình bạn đang gặp quá nhiều chuyện buồn ư? Hãy than thở với Đức Giêsu! Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
– Bạn đang thất tình ư? Hãy đến với Đức Giêsu để nói cho ngài về mối tình tan vỡ ấy! Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
– Bạn đang khủng hoảng, sầu buồn ư? Đức Giêsu mời bạn đến gặp ngài một chút! Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
– Bạn đang vất vả lập kế hoạch ư? Hãy cho Đức Giêsu tham gia và để Chúa Thánh Thần tư vấn! Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
– v.v.
Ước gì chút chia sẻ trên đây cho chúng ta thấy một sự thật: Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Vì chúng ta hay quên chân lý này, nên nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ rằng: “Thiên Chúa yêu thương các con. Không bao giờ được nghi ngờ điều này, dù bất cứ điều gì xảy ra với các con trong cuộc sống. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các con được yêu thương vô hạn.”[2] Đừng quên nếu chúng ta có thể yêu mến Chúa, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước. (1 Ga 4,19). Nhờ tình yêu này mà chúng ta được sống và sống thật dồi dào. Để có được tình yêu này, không còn con đường nào khác là đến với Đức Giêsu. Nơi Ngài có tất cả nguồn bình an hạnh phúc mà chúng ta đang khao khát.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
……………..
[1] 5–07–2020: Suy niệm Chúa Nhật 14 mùa Tn. Mt 11,25–30.
[2] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 112 và 130