“Đường đi có Chúa, gian lao ta có lo chi …!”

Ngày 4/12/2014, đúng theo kế hoạch đã vạch ra, đoàn chúng tôi gồm 9 người từ ba nhóm SVCG Hà Thành, SVCG Trung Chí, SVCG Hải Hà lên đường cùng với chiếc xe tải đầu tiên chuyển quần áo lên cho bà con trên ấy. Tuy nhiên, vì số lượng quần áo, sách vở dồi dào quá cả mong đợi của anh, chị, em chúng tôi, nên kế hoạch buộc phải thay đổi. Hành trình sẽ chia làm 2 chuyến, chuyến 1 chuyển quần áo tại hai điểm tập kết ở giáo xứ Hà Đông và nhà 263, Kim Đồng, Hoàng Mai lên trước; chuyến 2 sẽ vào Chủ Nhật ( 7/12/2014) xuất phát từ điểm tập kết của Ban Bác Ái ( Bba) Giáo xứ La Phù. Và vì thời gian dự kiến không đủ, nên đoàn chúng tôi chỉ có thể mang quần áo lên gửi sour và cha ở giáo xứ Hoàng Xá, Phú Thọ, sau đó chúng sẽ được gửi về đến tận tay bà con vào ngày hôm sau.

13h00, chúng tôi có mặt tại địa điểm tập kết thứ nhất. Sau khi hơn 20 tải đã chất đầy nửa xe, 13h40, chúng tôi tiến hành đến điểm thứ hai ở gần bến xe Giáp Bát. Một niềm háo hức khôn tả khi nhìn thấy những tải quần áo thật to, thật ấm chất đầy trên xe. Các anh con trai, to khỏe, vạm vỡ, và có cả những chị em gái nhỏ bé, mi nhon, từng người, từng người một thay phiên nhau khuân các tải lên xe. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, mỉm cười với một niềm ao ước lớn lao chung nhất: hy vọng những nụ cười thật rạng rỡ sẽ nảy nở trong làn hơi ấm áp vô cùng giữa những màn sương buốt lạnh trên núi kia…

Nếu như có thể, hẳn là đoàn chúng tôi sẽ không dừng ở con số 9 nửa vời, mà sẽ là nhiều, nhiều thật nhiều hơn nữa… Chúng tôi hiểu và thầm biết ơn vô vàn vì tình cảm mà anh, chị, em và bạn dành cho hành trình của chúng tôi. Nhưng vì đường xá xa xôi, thời gian và điều kiện không cho phép nên chúng tôi phải hạn chế đến tối thiểu số lượng người đi lại. Chúng tôi xin tri ân và mong nhận được nhiều sự thông cảm từ phía quý vị.

Tuy chỉ có 9 người, nhưng chúng tôi vẫn phải chia làm 2 tốp. Một tốp gồm 2 người sẽ lên ngồi trong cabin với chú Thạch. Tốp còn lại, đông hơn và vất vả hơn, sẽ đi xe máy. 14h40, các xe trung chuyển. Chúng tôi, những con người được ưu ái hơn, vừa ngồi trong chiếc cabin ấm áp, thoải mái vừa lo lắng và bồn chồn, áy náy vô cùng. Trong khi những cơn gió lạnh ngoài kia cứ xẻ ngang xẻ dọc quanh thân người, những người bạn đồng hành của chúng tôi chỉ mang theo mình những bộ quần áo đơn sơ, và một balo đơn giản. Hai tốp không đi chung đường. Chú Thạch dẫn chúng tôi đi vào một con đường nhựa cứng, dễ đi, nhưng xa hơn, chỉ ô tô mới qua được. Còn mọi người đi xe máy thì phải len lỏi qua Nhổn, tuy vậy nhưng gần hơn đến cả 15 cây. Chú Thạch vẫn là người dẫn đường chúng tôi đi đến những chặng đường mới.

Chúng tôi, ngồi trong cabin với chú Thạch mà sướng rơn người. Sướng bởi vì an tâm…. Chú Thạch là một người đàn ông mực thước, rất thân thiện và nhiệt tình, là một bác tài không những biết mà còn hiểu mọi đường đi, nước bước. Và đặc biệt, bác tài ấy chăm sóc cho chúng tôi rất tận tình. Ba người mà bác mua đến bốn chiếc bánh mì. Chúng tôi nhủ thầm: ” Có lẽ là bác chưa ăn trưa nên mới đói đến vậy, có thể ăn được hết cả bốn chiếc bánh này!”. Mà thực ra thì:
– Các cháu ăn đi, ăn bánh mì đi. Mỗi đứa một cái ăn đi cho khỏi đói, còn phần chú 2 cái nhé. – chú Thạch cười, chỉ.
– Ôi, chúng cháu ăn trưa rồi chú ạ, chú ăn luôn đi không đường dài, chú lại mệt. Chắc là trưa chú không có thời gian ăn rồi.- Chúng tôi gạn lời.
– Tí nữa chú vừa đi, vừa ăn cũng được!- Chú cười qua loa, rồi bẻ vô lăng cho xe ngoặt vòng.

Vậy đấy, một bác tài không chỉ đơn thuần là hành nghề, mà còn là người chăm sóc, là hướng đạo sinh dẫn đường và lo lắng cho những hành khách của mình. Chú hỏi han chúng tôi, quan tâm chúng tôi, chỉ cho chúng tôi thấy đây là hồ chứ không phải sông, đây là khu đóng quân của doanh trại, đây là đất nông nghiệp, sắp tới sẽ là phà Đá Chông. Chú giới thiệu vô cùng nhiều, mà khổ nỗi cái đầu bé tí, đang rung lên vì vẻ đẹp và tự do của chúng tôi cứ hoa mãi, không thể nhớ nổi cả cái tên địa danh đó là gì. Ngồi trong xe, tận hưởng những cơn gió rít mạnh qua khe hở bé tẹo của kính chắn gió, chúng tôi có cảm tưởng như mình là những phóng viên đi sâu sát thực tế để trải nghiệm viết bài, là những anh thanh niên xung kích, những cô bộ đội vừa được giao nhiệm vụ chuyển công tác đang vượt qua hàng ngàn dãy núi, sông hồ chập chùng, những mặt đường đất đỏ, những xóm làng ba gian cổ xưa thời chiến, nơi dấu tích của khói đạn vẫn còn, để đến với mục tiêu. Thú vị và đầy hưng phấn!

Chưa đến 17h, chúng tôi có mặt ở phà Đá Chông, khi chúng tôi đến phà thì những người bạn xe máy mới đi qua Phúc Thọ chừng vài cây số. Vậy là chúng tôi lại có nhiều thời gian để đợi, ít nhất là 30 phút nữa họ mới đuổi kịp chúng tôi.

Đứng trước triền sông Đà, một cảm giác say sưa đến tột độ, sự bí hiểm đã trào dâng đến tận đỉnh trong trí tò mò của chúng tôi. Chưa bao giờ chúng tôi có thể tưởng tượng được, ít nhất là đến giây phút này, chúng tôi lại có cơ hội tiếp cận sông Đà, dòng sông Ác Giang mà Tình Tứ, ở một góc nhìn không thể gần hơn đến như thế! Sông Đà quãng này êm đềm. Và đúng như “người cố nhân” thương vắng, xa nhớ xuất hiện trong những trang bút kí sống động của Nguyễn Tuân, sông Đà tuôn dài, tuôn dài thứ thi vị rất say mê của nó. Màn sương giăng mờ ảo trên những đỉnh núi chập chùng. “Nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày” kí khắc mọi tạo vật của tự nhiên bên trên lên đấy,…. màu nâu đỏ của núi, của đất, màu xanh của lá cây, màu tím biêng biếc, trắng tinh khôi của những khóm thạch anh, hoa cúc dại bên đường,… màu bạc của sương, màu người, màu phà,… từng thứ, từng thứ làm nên một thế giới khác, tồn tại sống động ngay trên mặt sông, trong lòng sông. Một thế giới bí ẩn nằm sâu giữa những lớp sương giăng mờ ảo ấy…. Bờ bên kia là cát. Bờ chỗ này là đá chông, đá sỏi, đá hòn. Bờ chỗ nọ là cánh đồng mượt mà như thác với đủ thứ cỏ gianh, hoa dại. một gò trên sông tạc hình chiếc vỏ trai, sống phù sa làm nên hàng vạn đường vân nhỏ của con trai ảo ấy. Sóng cứ cuốn, gió cứ đưa,…. Phà tôi trôi…

Mong sao chiếc cầu ấy mau được xây xong để những chuyến xe có một con đường vững chãi, an tâm vẫn hành….

Phải đến 40 phút sau tốp thứ 2 mới qua xong phà và đuổi kịp tốp 1. Chúng tôi thầm tiếc thay cho họ khi họ không có dịp để chứng kiến cảnh sắc bên sông này, để trải nghiệm cái thứ cảm giác giao thoa diệu vời giữa tự nhiên và hồn người, cảm xúc va chạm vô hình rất đỗi thiêng liêng của những tâm hồn bắt gặp sử thi… Kì diệu thật! Ai biết vài trăm năm trước đây nơi này từng xảy ra chuyện gì? Nhưng ít nhất thì giờ đây chúng tôi đã gặp lại được anh em mình. May mắn thay họ vẫn bình an, và đó là điều giúp chúng tôi tìm lại được hơi thở nhẹ nhõm trong mình sau cơn kích động cuồng nhiệt vừa rồi.

Vượt qua những ngã rẽ ngoằn ngoèo, gấp khúc, bỏ lại sau lưng những con đường đất đỏ nhỏ hẹp, chúng tôi, đoàn người từ tứ phương với 1 xe vận tải chở hàng và 3 xe máy đã ngắm đến mục tiêu và chuẩn bị chốt cảng. Ra đón chúng tôi là sour Tuyết. Vội vội vàng vàng bỏ ngoài tai lời mời vào nhà của sour, anh, chị, em chúng tôi khuân những tải đồ vào trước. Căn phòng chứa ấm áp và rộng rãi, chúng tôi yên tâm vô cùng vì cuối cùng lô hàng đầu tiên đã có một chỗ đứng vững chãi, kín đáo, không còn phải lo giông gió, chuột gặm… Một cảm giác duy nhất nảy nở… Yêu! Chúng tôi yêu nhau,… yêu những bộ quần áo ấy. Yêu những con người đã cùng chúng tôi gom góp những món đồ ấy. Yêu những gương mặt thân thương ngày đếm quên ăn, quên ngủ để hoàn thiện chương trình. Yêu những bàn tay khéo léo, gấp, gập chúng lại để đóng vào bao. Yêu những tay lái cứng dầm gió, dãi sương, vượt hàng trăm cây số để đến được nơi này. Yêu những nụ cười sắp nảy nở khi được nhận những món quà ấy. Yêu bác tài, yêu sour. Yêu căn phòng ấm cúng này…. Yêu và yêu! Chúng tôi hạnh phúc vì đã được yêu, dâng hiến mình vì tình yêu, và đã nhận lại một Tình Yêu cao trọng hơn vô vàn thứ khác… “Tình Yêu của người hiến mạng sống mình vì yêu”…!

Căn phòng ấm áp này không ngăn nổi những bước chân của anh em chúng tôi. Theo sự dẫn đường của sour, chúng tôi đến gặp cha tổng, cha Phero. Dù Ngài đã 70 năm tuổi xuân, nhưng trong đáy mắt của chúng tôi, một người cha phong độ, trẻ trung, ấm áp và tận tụy hiện ra và khoáy sâu vào lòng. Có một điều mà chúng tôi nhớ nhất ở người cha ấy. “Ngài rất thương và quan tâm đến bà con dân tộc. Có hôm, Ngài phải đi bộ 7 cây số để lên dâng lễ trên ấy. Trời thì mưa gió to lắm, Ngài phải lội đèo cao. Lúc về phải tháo tất, tháo giày sơ giặt lại cho, toàn bùn đất” ( lời sour Tuyết kể). Về mà “miệng thở, tai cũng thở” ( cha tổng cười). Cha kể lại tình hình của người dân nơi đây. Xứ Hoàng Xá rất đông nhân khẩu, nhưng kinh tế không đồng đều. Có nhà rất khá, nhưng có nhà kém khá hơn. Phần lớn làm ruộng. Ngay cả tinh thần cũng không đồng đều, họ ít đi lễ và cầu nguyện. Tuy nhiên, so với nơi đây, bà con dân tộc trên ấy vẫn khó khăn hơn nhiều…

” Hy vọng số quần áo và trợ cấp mà các bạn quyên góp được sẽ giúp đỡ không chỉ là những người trong công giáo, mà còn cả những bạn bè ngoài công giáo nữa, Hãy giúp đỡ tất cả những người khó khăn, những ai cần đến mình. Mình đem tình thương đến cho họ. Các bạn chỉ cần đến đây và ngồi đây thôi, đó đã là đến với họ rồi. Rất cảm ơn các bạn, cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã nghĩ đến bà con dân tộc trên này. Có Chúa đồng hành cùng các bạn”. Lặng người trong một góc nhỏ sâu thẳm trái tim, Cha cất giọng nói ấm áp đem lại hơi thở sống động cho tất cả anh em chúng tôi ngồi đó. Nói rồi, cha mở hộp bánh thật to ra, chia cho mọi người và tặng đoàn một gói cà phê fin rất thơm. Để đáp lại tấm lòng cha tặng, anh Cường- Trưởng Bba SVCG Hải Hà cũng kính dâng cha chút quà tự tay anh em chúng tôi làm. Đó là một tấm tranh gỗ rất đẹp kèm một câu Lời Chúa rất hay. Dường như bàn tay quyền phép vô hình ấy đã sắp xếp mọi sự! Tạ ơn Ngài!

Rời khỏi nhà thờ khung cảnh tối om vì mất điện, chúng tôi vẫn không quên chụp cùng cha một bức ảnh lưu niệm đầy ý nghĩa về chuyến đi này.
May mắn sao, cái mất điện không làm mọi người nhụt chí. Chính trong bóng đêm và lạnh lẽo, ngọn lửa mới có thể bừng lên những tia sáng của tình yêu và hy vọng, hơi ấm mới lan tỏa để xua tan mọi tuyệt vọng và ưu phiền… Ngọn nến vẫn sáng, lập lỏe và ấm áp dù ngoài kia, gió rít, sương giăng, và lòng người lạnh lẽo…

Dùng bữa cơm gia đình với sour trong ngôi nhà ấm áp ấy, không gì có thể phủ nhận sự bình an trong lòng chúng tôi khi lại được thưởng thức một bữa ăn quê nhà quen thuộc ở nơi đất khách quê người này. Hình ảnh của sour, hình ảnh một người mẹ hiền từ chăm chút cho những đứa con bé bỏng yêu thương, người chị dịu dàng lặng lẽ xới từng bát cơm cho từng người một. Một gia đình! Có mẹ, có ông, có bà là các những người thân sinh ra mẹ… có các em, những đứa em gái ngoan ngoãn, chăm học, có anh, chị và tất cả những người yêu mến… Nhớ lắm, và sẽ khó mà ngủ được khi nhớ về những giây phút thiêng liêng ấy…!

Không thể nán lại lâu hơn, dù rất muốn ở lại qua đêm nay nhưng theo lịch trình, chúng tôi phải về ngay trong hôm ấy. Vậy là, 19h55 chúng tôi lên đường…Sau khi tặng mẹ Tuyết một món quà nho nhỏ, đơn sơ, chụp cùng với gia đình một chút khoảnh khắc để lưu giữ, anh em chúng tôi nhất trí sẽ nhét tất cả xe máy và người ngợm vào trong thùng xe để bố Thạch chở về.

Không thể tưởng tượng nổi cái không gian ấy, cái không gian vô cùng chật chội, xóc xiểng sau cabin. Không ánh sáng đèn điện, cũng không có nến, chỉ có những tia sáng chớp nhóe từ những cột điện đường phía bên ngoài. Khó chịu và tù túng! Chúng tôi có cảm tưởng như mình chính là những tên tội phạm trốn ngục đang được xe binh đoàn áp giải về nhà lao. Nhưng, chính trong cái tù túng, chật chội ấy,… hơi ấm tình thương lan tỏa. Chúng tôi, 8 người, cả trai lẫn gái ngồi quây thành vòng tròn và bắt đầu giờ cầu nguyện. Không có Kinh Thánh, không có tượng Chúa, chúng tôi tự đọc kinh và tự tìm câu chủ đề. “Tình Yêu Chúa Kito Thúc Bách Tôi”- Tâm tình được đánh động lớn và sâu hết thảy trong trái tim của tất cả anh, chị, em lúc này… Thật tuyệt khi những tâm tình ấy lại là món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất dành cho người bạn ân nhân đồng hành cùng chúng tôi, một người bạn khồn tham gia bất kì một nhóm SVCG nào nhưng luôn ấp ủ một lòng nhiệt thành được đặt chân đến thật nhiều nơi, được sat sao cuộc sống thực tế bên ngoài ngôi nhà ấm cúng của mình, được làm thiện nguyện, cho đi mà không mưu cầu trả đáp…

Hơi rượu cẩm bốc men và nồng nàn trong từng thớ thịt… Tâm tình ấy vẫn cứ cất lên dẫu ầm ào những cơn gió đập vào thùng xe, dẫu tối tăm những con đường, dẫu tha thiết những giấc ngủ yên lành… May mắn sao chúng tôi kịp cất xong lời bài hát “Chạm lòng con Chúa ơi!” trước khi nghe thấy mùi khét lẹt của cái bánh xe bị nổ…

… Còn hơn 10 cây số nữa là về đến nhà… giữa con đường quốc lộ phẳng lì, vắng tanh! Xuống thôi nào các bạn trẻ! Mạnh mẽ lên để tìm thấy đường về…!

Dẫu ngày hôm nay chúng tôi vẫn bị nhỡ ý định vì không được lên núi tham sát cuộc sống thực tế của bà con, nhưng hơn lúc nào hết, chúng tôi ý thức được sứ mạng của mình. “Bác ái” không đơn giản là công việc từ nhiện. “Bác Ái là Đấu Tranh”! Là thiện nguyện, tự hiến, là ra đi. Phải đấu tranh với những ham muốn vị kỉ, cá nhân của mình để cho yêu thương và để yêu thương luôn được sống, để những ước mơ mãi mãi sống động, đấu tranh với chính tên ác quỷ máu lạnh trong con người mình.

Một lần nữa, xin được tri ân đến tất cả những tấm lòng đã vì yêu thương mà tranh đấu và chiến thắng! Hãy ra đi dù bạn chẳng có gì… Chúa sẽ dẫn đường bạn.
Có Chúa đồng hành, ngại gì mà không mau đi?!

 

 Tê-rê-xa Ốc, ban Bác Ái nhóm SVCG Hải Hà, Hà Nội

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *