Đường loan báo Tin Mừng – Những bước đi bất ngờ và kỳ diệu

Tác giả trong cơn bạo bệnh

Tác giả: Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

 

Từ ngày được đặt trên đường, đã 30 năm qua, những lần bị tai nạn nặng nhẹ có cả, nhưng tôi vẫn chưa một lần cảm thấy mệt mỏi. Tôi vẫn thường nói hay lắm : Chúa bảo tôi lên đường, thì lên đường nhân danh Chúa, và nếu Chúa nói lên giường thì lên giường. Đời bạn đường thanh thản và đơn giản lắm, trong vòng tay Chúa thì ở đây hay ở kia có khác chi đâu. Cho đến một ngày tôi được cảm nếm “bước đường của người trên giường”, lần đầu tiên, tôi thấy rõ ràng không dễ dàng gì, nhưng rồi tôi lại thấy điều kỳ diệu diễn ra làm tôi cứ mãi ngỡ ngàng.

Vào một ngày trung tuần tháng Năm, chúng tôi mở đầu hành trình bằng cuộc gặp gỡ bà con Vĩnh Ngọc bên bờ sông Gâm. Theo chương trình đã định, chúng tôi dẫn bà con đến với Chúa Giêsu qua Tin Mừng Mác-cô. Ngay trong những dòng đầu tiên, mọi người được chỉ cho biết Nước Thiên Chúa đã đến gần. Thiên Chúa đến với vương quyền, ai muốn trở thành người của vương quốc phải sẵn sàng để Chúa xếp đặt đời mình theo ý của Người.

Bước tiếp theo chúng tôi đi dọc theo sông Lô và hành trình được tiếp nối qua vùng đồi núi Thái Nguyên. Điểm đến đầu tiên là giáo xứ Tân Bình, nơi đây cha xứ vui mừng tiếp đón; nhưng nhà xứ lại chỉ có mỗi con gà chiều đến ngủ trên ngọn cây, phải đợi tới tối mới bắt được. Cha xứ còn sai người ra suối bắt rắn, và thật may mắn, anh thợ săn đã bắt được một con rắn ráo rõ to.

Khuya hôm đó chúng tôi có một bữa “chả rắn”, với máu rắn tươi pha rượu. Nhưng chỉ sau 20 phút, tôi nghe người rã rượi, đôi chân nặng chịch, toàn thân đau nhức. Sàng hôm sau gặp gỡ bà con chừng một giờ là mệt mỏi lắm rồi. Dù sao thì vẫn còn nửa ngày hôm sau nữa với bà con tại giáo xứ Đại Từ, sau đó lên đường trở về lại giáo xứ Phố Nỉ với anh em dòng Tên.

Những ngày tiếp theo đúng là nằm không nổi vì khó thở, đứng không yên mà đi cũng không được trong khi lưng với bụng và hai giò rát như bị bỏng. Tôi đã quen đặt mình trong tay Chúa mọi lúc mọi nơi. Nhưng giờ này đầu tôi loé lên ý nghĩ và tự hỏi : “Giêsu ơi, Người ở đâu?”. Ngay tức khắc tôi nhận được câu trả lời :“Ta vẫn hát trong trái tim anh bài tình ca cuộc đời phận người, Ta vẫn ở với anh để anh đủ sức vượt qua những khoảnh khắc ngặt nghèo.” Và tôi nghe lòng ấm lại khi biết người bạn đường đời tôi vẫn cùng tôi chung sức trước gánh nặng cuộc đời. Lúc này hơn lúc nào, lòng tôi reo vui trong khi miệng cười không nổi, vì lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy thấm mệt, đi không vững phải có người dìu.

Về tới Sài gon, chất độc ngấm sâu, bạch cầu tăng tới 16.000, tôi nhập viện khoa nhiễm độc bệnh viện Nhiệt Đới. Các bác sĩ phát hiện tôi bị nhiễm ký sinh trùng của rắn, và một tuần sau tôi có thể xuất viện, dù còn rất yếu.

Thế là sau gần 3 tuần lễ được dẫn vào mầu nhiệm phận người trong cảnh nguy kịch: giữa một bên là con người bị dìm vào trong nỗi đau ngút ngàn, bù lại là sự hiện diện thầm lặng nhưng mãnh liệt của Thiên Chúa Đấng không ngừng trao ban sự sống và ôm ấp xác thân này nơi lòng thương xót của Người, để cho dù có bị cảnh đời nhận chìm tới đâu chăng nữa tôi vẫn có thể tươi cười và thêm tin tưởng. Những nụ cười đầu tiên sau cơn bạo bệnh dù vẫn còn gắng gượng nhưng cũng đủ làm cho những người quanh tôi chung niềm vui và hạnh phúc. Quả thật, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Đức Giêsu vẫn cùng tôi chung bước đời bạn đường, bất chấp những yếu hèn và lỗi lầm của tôi.

Thực ra, trong khi bị bệnh, tôi rất muốn xin Chúa chữa khỏi, nhưng từ trong thâm ý, tôi vẫn muốn sống sao cho  trọn ý Chúa hơn, và vì thế miệng tôi không ngớt lập đi lập lại lời kinh : “Chúa ơi, con xin Chúa thương con.” Lời kinh để tôi hoàn toàn buông mình trong tình Chúa nhiệm mầu.

Vẫn biết rằng tôi có quyền dâng Chúa những ước mơ, nhưng đổi lại, Chúa cũng có những ước mơ dành cho tôi, và tôi muốn hoà mình trong kế hoạch của Ngài để luôn giữ vững chỗ của mình trong chính cung lòng Thiên Chúa.

Có những phen căn bệnh hành hạ làm tôi quá mệt mỏi, cứ như người chán đời. Con cái đến thăm có người ái ngại vì coi như không còn gặp được ông bố vui tươi hồn nhiên nữa. Thực ra, đây chỉ là chuyện “lực bất tòng tâm” chứ làm sao tôi có thể sống mâu thuẫn với những lời bao năm loan truyền. Tiếng gọi “Cha ơi” của Ngôi Con trong phận người vang dội trong lòng, tôi vui sướng hoà mình theo tiếng gọi ngọt ngào và thả hổn trong Thiên Chúa.

Hôm nay sau 2 tuần xuất viện, tôi đã có thể buông gậy và đi đứng tự nhiên, dù chưa khoẻ lắm để tiếp nối cuộc du hành dang dở. Quả thật, căn bệnh ập tới đã cắt đứt chuyến đi miền Bắc, bay thẳng về Sài Gòn chứ không ghé Huế và Quảng Trị. Tuy nhiên, “không có mợ thì chợ vẫn đông”, tôi vẫn có thể tiếp tục hành trình bằng tấm lòng khao khát và hiến dâng tất cả trong quyền năng của Chúa.

Thật vậy, khi gặp nhóm các anh chị em Lộc Quang về thăm, hỏi han về Chằng Hai với Bù Nồm, được biết Chằng Hai thì bà con vẫn qui tụ đều đặn, các cháu tuần 2 buổi tối tới học chữ Kh’mer. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên đó là Bù Nồm từ lâu không còn họp nhau cầu nguyện đều đặn, nay thì bà con đã qui tụ lại và lời kinh lại ròn rã như xưa, đã lập thêm được đội múa Kh’mer đi biểu diễn những dịp lễ.

Tại các sóc Kh’mer vùng Tích Thiên, từ ngày anh Lâm Đạt qua dạy chữ Kh’mer, các cháu hàng đêm đi học đông vui. Hiện đã mở được 3 lớp ngay tại các sóc Lâm Bui, Bù Phu và Bà Ven, nhờ vậy các cháu muốn học không phải đi xa. Học chữ Kh’met thì cũng tập đọc kinh và hát bằng tiếng Kh’mer luôn. Khi bà con được đọc kinh bằng tiếng của mình thì dễ thuộc và cũng dễ có tâm tình sốt mến; nhờ đó giờ kinh mỗi ngày thêm đông và ấm áp, chứ không lẻ tẻ như khi còn đọc kinh bằng tiếng Việt, lõm bõm chỉ có ít người thuộc.

Bà con Kh’mer được lợi thế là có sẵn Kinh Thánh, sách hát và sách kinh ở bên Campuchia, chỉ việc qua lấy đem về và giúp nhau tập đọc thẳng chữ của mình; điều này các cháu học lẹ lắm, người lớn cứ thế đọc theo. Cũng có sẵn những nhạc thánh ca múa, nhờ vậy có thể dễ dàng hình thành các đội múa theo giai điệu Kh’mer.

Thế là đã gần một tháng tôi trải qua cơn bệnh nặng.  Một tháng để Chúa rèn luyện người môn đệ cho xứng với ơn Người kêu gọi. “Dù là con thì cũng phải trải qua đau khổ để học cho biết thế nào là vâng phục…”, để chứng tỏ lòng trung thành bền bỉ và tin yêu đến cùng, sẵn sàng buông mình trong tay Chúa mọi lúc mọi nơi. Không hờn trách cũng không than vãn, vì luôn có Chúa ở cùng tôi.

Nếu Chúa không ở cùng tôi, đau đớn nào sánh bằng.

Nhưng có Chúa ở cùng tôi, tất cả trở thành dịu ngọt, vì Đấng ở với tôi cũng là Đấng chăm sóc, vỗ về, ủi an và chữa lành. Người  hát mãi trong trái tim tôi bài tình ca trên đường rao truyền Danh Thánh.

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Tìm lại nền tảng hạnh phúc gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 27 Thường niên – năm B

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA …

Thánh Phanxicô Assisi – Tình Nhân của Bí tích Thánh Thể

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những vị thánh được yêu mến nhất, ngài có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *