Con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành theo thời gian và theo cách giáo dục. Trước hết là môi trường gia đình, sau đó là nhà trường và xã hội. Mỗi người được dạy học cách tự lập và trưởng thành ngay từ tấm bé và dần dần tích lũy cho mình một nhân cách, một sự trưởng thành cá nhân. Thế nhưng, sao đến hôm nay em vẫn là một đứa trẻ?
Ngày xưa ông bà ta thường nói: dạy con từ thuở lên ba, còn ngày nay các nhà y khoa đã có những nghiên cứu và cho thấy đứa bé cần phải được giáo dục ngay từ khi còn trong bào thai. Cách giáo dục này gọi là thai giáo. Thai giáo từ 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Muốn bé có thể phát triển các tiềm năng về thể lực và trí tuệ cần phải có phương pháp thai giáo theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi.[1]
Trong thực tế, không biết có được bao cặp vợ chồng lưu tâm và thực hiện việc giáo dục con cái cho đúng: đúng thời điểm và đúng cách. Khi con người sống trong một xã hội với chính sách “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một đến hai con”. Nói đến đây, tôi nhớ ngày xưa cha mẹ tôi phải đi nộp phạt vì sinh hơn hai đứa con-gọi là “nộp sản lượng”; đứa thứ ba bị phạt bao nhiêu lúa, đứa thứ tư thì bao nhiêu lúa và cứ thế nộp phạt cho đến khi không sinh nữa thì thôi. Ngày hôm nay, với chủ trương sinh ít con cho dễ nuôi vì mọi thứ đều tăng giá, mức sống tăng cao nên họ nghĩ là sẽ không có khả năng để chăm sóc khi sinh nhiều con cái. Trong khi đó, ngày xưa gia đình bảy-tám đứa con, mặc dầu gia đình cũng chẳng khá giả gì và có khi nghèo nữa thế nhưng, con cái vẫn trưởng thành và thành đạt trong sự nghiệp. Vì biết hoàn cảnh gia đình nên đứa nào cũng lo học tập, chu chí làm ăn. Còn ngày nay, trên thực tế cho thấy càng ít con thì cha mẹ càng chiều chuộng con cái, nhất là nhiều gia đình chỉ có một đứa con thì coi con mình như “cục vàng”, là “hoàng tử, công chúa”rồi cơm bưng nước rót. Dành hết tình thương cho con nhưng không có một cách giáo dục đúng cách, đúng phương pháp; cứ nghĩ thương con là làm hết mọi việc cho con, không để chúng phải đụng tay vào bất cứ việc gì ngay cả việc chuẩn bị cặp sách đến trường, quần áo, là cho con những gì chúng thích và chúng muốn. Nhiều ông bố bà mẹ cũng thường nghĩ rằng: chúng còn nhỏ bắt làm việc chi cho tội, cho nên cha mẹ làm hết, hoặc con mới học việc thì thấy chúng làm chẳng được gì lại còn thêm mất giờ. Thôi! Mẹ làm cho mau, chúng mày đi chơi đi! Cứ như thế con không có cơ hội để thử việc, để học hỏi kinh nghiệm trong cuộc sống. Việc nhỏ em không làm được vì không được học cách làm thì làm sao em có thể làm được việc lớn? Con đã học tới lớp 5 mà cha mẹ còn xúc cho nó ăn thậm chí có những em đã học hết lớp 12 mà cha mẹ còn bê cơm tới nơi; có em cầm gói mì tôm mà không biết cách làm sao để có tô mì mà ăn mặc dù đã hết bậc phổ thông. Khi nói như vậy, có lẽ nhiều người lấy làm lạ nhưng điều đó đã xảy ra.
Những đứa con rơi vào tình trạng như thế là vì các bậc làm cha, làm mẹ quá cưng chiều con hoặc vì sợ mất thì giờ với con nên không đủ kiên nhẫn rèn luyện cho con, cũng có trường hợp thì cha mẹ không biết cách giáo dục như thế nào. Khi cha mẹ không dành thời gian cho con, sẽ để lại không ít tổn thất cho chúng cả về thể lý và tâm lý. Ngày hôm nay nhiều trẻ em rơi vào trầm cảm và nhiều tệ nạn xã hội. Những điều ấy diễn ra ngay bên cạnh chúng ta và trên mạng xã hội cũng cho ta thấy những điều đó. Dĩ nhiên không phải tất cả đều giống nhau nhưng cũng có những cha mẹ giáo dục con rất tốt: trưởng thành nhân cách, sống hiếu thảo, biết tự lập và thành đạt trong cuộc sống.
Đối với đời sống thể lý, tâm lý là thế còn đối với đời sống Đức tin thì sao? – Nếu em bé không được cha mẹ giới thiệu về Chúa, không được dạy cho biết Chúa là ai ngay từ tấm bé thì làm sao em có cảm thức về Chúa, làm sao em có kinh nghiệm gặp Chúa. Do đó, muốn con có Đức tin và hiểu biết về Chúa thì cha mẹ là người đầu tiên hướng dẫn cho con của mình. Không phải đợi chúng lớn nhưng ngay khi chúng còn nhỏ vì lúc này tâm hồn và trí não của em như một trang giấy trắng; nếu mỗi ngày cha mẹ giúp các em viết lên đó Lời của Chúa và Giáo lý của Chúa thì đảm bảo các em sẽ không bao giờ đi sai con đường của Chúa khi chúng trưởng thành.
Nhiều cha mẹ than thở: Con khổ quá! Con của con nó không nghe lời, nó phá phách, con nói gì nó cũng cãi lại và không chịu đi học Giáo lý, bỏ Lễ….Đó là kết quả của việc giáo dục con chưa tới nơi, chưa đúng cách và chỉ mới bắt đầu dạy con khi chúng đã khôn lớn trong khi thời điểm quan trọng nhất để dạy con là từ lúc mới lên ba và thậm chí là ngay khi còn trong bụng mẹ, khi con mới tập tành gọi ba. Mỗi người cần phải được giáo dục để trưởng thành qua từng giai đoạn: còn bé thì nhờ cha mẹ, lớn lên nhờ sự rèn luyện bản thân qua học đường, qua bạn bè, đồng nghiệp…Không ai tự dưng biết làm mọi việc, chẳng ai có thể bước đi vững vàng nếu không một lần té ngã.
Một cách suy nghĩ mà ngày hôm nay người viết thấy phổ biến nơi các bậc làm cha làm mẹ đó là: con còn nhỏ, chúng biết gì mà dạy, có dạy chúng cũng chẳng nhớ. Mặc dù, lúc này bé còn nhỏ và có thể hay quên những gì cha mẹ dạy, nhưng nó sẽ in sâu vào trong tiềm thức của bé và sau này chúng sẽ nhớ lại những gì cha mẹ đã dạy. Những gì cha mẹ làm trước mặt các bé chắc chắn sau này nó sẽ “diễn lại” không sai. Đặc biệt ở độ tuổi 3 đến 6, độ tuổi này bé hay bắt chước những gì mà cha mẹ và người lớn làm; con gái học giống mẹ và con trai học để giống ba. Do đó, đây cũng là thời điểm mà cha mẹ phải làm gương sáng cho con cái: dạy cho con những lời hay ý đẹp, cách chia sẻ, quan tâm tới người khác, sống hòa thuận yêu thương…Dạy con ở tuổi đầu đời thì cũng giống như tạo nền móng cho căn nhà vậy. Nếu ở những năm đầu đời bé không được giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống tốt, cách ứng xử với mọi người thì làm sao lớn lên bé có thể trở thành người tốt và có ích được. Ngôi nhà muốn bền vững thì phải đặt nền móng thật vững chắc thì con người cũng vậy: để có được một nhân cách trưởng thành, một người biết cách đối nhân xử thế, biết quan tâm và chia sẻ không phải tự dưng mà có. Nhưng tất cả đều phải được rèn luyện, được chuẩn bị chu đáo từ lúc còn bé.
Trong những ngày giãn cách xã hội làm cho mọi công việc, mọi hoạt động của con người phải dừng lại. Thế nhưng lại trở nên một cơ hội tốt cho gia đình có những giây phút bên nhau mà nếu không có covid thì khó mà có được: cha mẹ có thời gian gần gũi với con cái và đặc biệt có nhiều cơ hội trong việc giáo dục con của mình. Hỡi các ông bố bà mẹ hãy bắt tay xây dựng cuộc đời của con em mình khi các em còn chập chững bước đi, cho các em có một nền tảng thật vững chắc để bước vào đời. Nền tảng ban đầu này hoàn toàn nhờ vào cha mẹ và cái móng cuộc đời của các em có vững, có chắc hay không là tùy thuộc vào sự khéo léo, cẩn thận của các thợ nề là các bậc phụ huynh. Đừng nghĩ các em còn bé không biết gì nhưng hãy nghĩ các em rất thông minh và sẽ lĩnh hội được những gì cha mẹ dạy bảo.
Cầu chúc cho các bậc làm cha, làm mẹ và tất cả những ai đang đảm nhận vai trò ấy, luôn quan tâm và tìm ra những phương pháp tốt nhất trong việc giáo dục con em của mình. Để các em trở nên những đứ con như cha mẹ mong muốn: trưởng thành trong cả đời sống Đức tin và nhân bản, thành đạt trong cuộc sống.
Hoa Dại
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
[1]https://spasausinh.vn/thai-giao-cho-be/
Cám ơn tác giả Hoa Dại đã viết bài này. Tôi đã rất tâm đắc và giới thiệu bài viết cho một vài phụ huynh cùng đọc để ý thức hơn về cách giáo dục Đức tin và nhân bản cho thanh thiếu niên của họ.
Vâng thói quen (những thái độ, hành động) là những gì được lặp đi lặp lại nhiều, và từ tuổi còn nhỏ. Trong gia đinh nếu có nhiều người có cùng một/ những thói quen thì điều đó có thể gọi tên “ là truyền thống của gia đình”. Tương tự như thế một tổ chức, một giáo xứ, một đất nước có thể có những truyền thống, văn hóa riêng.
Nếu có những thói quen tốt trong đời sống đức tin và nhân bản thì cá nhân và cộng đồng thăng tiến. Cần huấn luyện (từ lúc tuổi nhỏ) và giới thiệu, quảng bá cho thanh thiếu niên những thói quen, đức tính tốt. Thói quen xấu cũng có thể thay đổi nhờ ý chí cá nhân và sự trợ giúp của những người có khả năng và của những tổ chức xã hội và đoàn thể nào có mục đích thăng tiến con người.
Con là “Hoa Dại” xin chân thành cảm ơn đọc giả rất nhiều. Xin Chúa chúc lành và ban Bình An cho đọc giả và gia đình.