Ghe hàng bông

 

(Truyện ngắn)

 

-“Ê! Xuống bưng hai bình bông lên!”

Má ngồi chồm hổm giữa lòng ghe, giữa hai hàng bông vạn thọ vàng nghế. Thằng Thiện ghét cái mùi hăng hắc phát ra từ cái loài bông đó. Mỗi khi nó tới gần hai bình bông vạn thọ mà má hay đặt trước hai góc cột nhà mỗi dịp tết, là nó nhảy mũi liên tục. Nhưng sở thích bông vạn thọ của má đâu dễ dứt được. Với má, nó là loài bông kỷ niệm khó quên. Thành thử tết năm nào má cũng mua đúng hai chậu đẹp nhứt, bắt mắt nhứt chưng trước cửa nhà.

Sà người ôm hai bình bông tay má chuyền từ mũi ghe lên, thằng Thiện cặp vô hai hông hai bên để mấy cái bông mắc ôn mắc dịch đừng chổi vô cái lỗ mũi của nó. Má cười khẽ khàng nói kháy:

-“Trời! Dòng cái thứ đàn ông con trai gì cơ bắp cuồn cuộn mà sợ mấy cái bông!”

Thằng Thiện giận lẫy trả lời:

-“Má kỳ quá! Người ta mần từ sáng tới giờ hổng khen mà còn ở đó dè biểu!”

Má như hổng nghe lời nó, quay xuống nói chuyện với cô chủ hàng bông tỉnh bơ:

-“Rồi cưng lên trên trển hay xuống miệt Bà Tồn?”

Cô chủ vừa đưa tay sửa lại mấy bình bông, không quên ngó mặt má trả lời:

-“Dạ chắc xuống miệt Bà Tồn chế ơi! Dưới đó bán đặng hơn khúc trên! Để bán xong dưới miệt em quầy ngược lên trên trển cũng vừa kịp tết. Nay mới hai lăm chớ nhiêu!”

Má hỏi tiếp:

-“Ờ! Tranh thủ về nhà ăn tết với xấp nhỏ! Chắc nó trông! Mà của chế hết bao nhiêu?”

Cô chủ hàng bông trả lời nhẹ nhàng:

-“Chỗ chị em! Chế cho em giá vốn thôi! Ba chục ngàn nghen chế!”

Má nhìn cô chủ cười tươi:

-“Cái con này! Làm như giàu có lắm không bằng bày đặt!”

Rồi má dúi vô túi cô chủ trẻ năm chục ngàn, rồi bước lên bờ, cô chủ hàng bông cám ơn má rồi lui ghe. Tiếng máy ghe “Tạch! Tạch! Tạch!” đều đều rồi nhỏ dần.

Má đâu chỉ thương mỗi cô chủ ghe hàng bông đó, mà hễ thấy ai bán ghe hàng bông má cũng thương quá trời. Ngoắc vô nói chuyện như quen nhau từ mấy kiếp trước hổng bằng. Hễ chủ ghe là đàn ông thì má hỏi chuyện vợ con. Hễ là mấy bà thì má hỏi chuyện chồng con. Ai chưa chồng con thì hỏi chuyện cha mẹ. Ai mất cha mẹ mà chưa lập gia đình thì hỏi chuyện anh chị em. Còn ai ở mình ên thì má chọc:

-“Mày bán ghe! Lên bờ ở với tao!”

Nhiều hôm chủ hàng bông là cậu thanh niên trẻ măng cười ngượng ngùng trước lối chọc của má, ảnh gãi đầu gãi tai hổng biết trả lời làm sao, má biểu:

-“Tao biểu lên ở làm con nuôi của tao, chớ biểu làm chồng tao đâu mà mắc cỡ. Ngữ cỡ mày mấy đứa kêu tao bằng má rồi con.”

Nói xong má cười nắc nẻ. Vậy là anh ta đỡ ngượng ngùng trước lời chọc của má. Từ nhà dòm ra, thấy má ngồi chồm hổm trước mũi ghe mà thấy thương quá chừng. Có hôm ngồi nói chuyện nguyên buổi mà quên mua bông ủng hộ, mà mấy người bán hàng cũng mắc cỡ hổng dám nhắc. Thấy má đang đi vô tay không, ghe hàng bông đã đi rồi, thằng Thiện đứng trước sân chọc má:

-“Í trời đất ơi! Ngồi tám nguyên buổi mà hổng mua gì ủng hộ. Gặp mười người như má chắc người ta lỗ chết!”

Má đứng lại như nhớ mình quên mua tiếp người ta, lấy hai tay vỗ cái “đép!”, biểu:

-“Trời! Tao quên mất tiêu! Thiệt! Mà… cái con bán nó dễ thương quá! Y như… tao hồi đó!”

 

3.

Kể tới đây chắc ai cũng hiểu vì sao má hay thương mấy người bán bông trên ghe, vì… đó là nghề của má trước khi ba cưới má. Từ hồi ba má cưới nhau thì cả hai lên bờ cất nhà rồi sinh ra thằng Thiện. Má kể má bán bông trên ghe chắc có gần hai chục năm. Từ hồi năm tuổi đã đi ghe hàng bông với ba má là ông bà ngoại của thằng Thiện. Má lớn lên thì tiếp nghề cha mẹ để lại. Ăn, ngủ trên ghe suốt mấy chục năm nên… má nhớ.

Thằng Thiện được sinh ra ở trên bờ nên không biết cảm giác ở trên ghe như thế nào ngoài lời kể lại của má. Má biểu ở trên ghe sướng lắm! Được đi đây đi đó thoải mái, chẳng ai giữ chân làm mình bận bịu. Với lại ở gần sông nên cái gì cũng tiện. Ăn uống dễ dàng vì muốn ăn gì thì tấp chỗ bán thứ đó mà mua. Tới cơn ngủ thì cứ tấp ghe vô bụi ô-rô tạm vài tiếng rồi đi tiếp. Thêm mấy cái bông vạn thọ hồi thời ông bà ngoại với má bán thì chạy hàng dữ lắm! Tại hồi xưa bông hiếm, chỉ mỗi tết người ta mới chưng nên cứ lên vựa lấy bao nhiêu chất cho đầy ghe, chạy vòng vòng vài ngày đã gần hết. Trong năm cũng chạy ghe đi bán nhưng mua bán hổng chạy, vì người ta chỉ mua vào dịp rằm hay dịp cúng kiếng, nên trong năm thì lấy ít bông hơn, còn tết thì cứ chất đầy ghe.

Thiện nghe má kể mà tít mắt thích thú vì chưa có dịp ngồi ghe như má. Nó cũng muốn có ngày ngồi ghe đi bán bông như má. Nghe nó nói lên mơ ước, má rầy:

-“Cái thằng khùng! Bán cực chết mẹ chớ sung sướng gì mà đòi đi!”

Thiện cãi lại:

-“Má mới biểu bán bông trên ghe sướng lắm! Giờ lại nói khổ! Ngược đời quá!”

Má ậm ờ phân bua:

-“Ờ! Thì sướng với mấy người quen ở trên ghe! Còn mày từ hồi sinh ra tới giờ có ở trên ghe ngày nào mà khoái. Say sóng ói tới mật xanh. Rồi mắc vệ sinh có dám…”

Nói tới chuyện vệ sinh thằng Thiện phủi tay “Thôi! Thôi! Nghe ghê quá! Hổng đi ghe nữa đâu!”. Má biết thằng Thiện kỹ tính, nó kỹ và sạch như ba nó, nên nêu vài lý do như vậy là đủ khiến nó ngại ngùng. Má nhìn thằng con năm nay cũng đã lớn, sắp lên Sài Gòn học chứ ít ỏi gì. Nhìn đăm đăm mà cười như thể hồn má để chỗ nào ấy.

Mà cái chuyện đi ghe hàng bông là cực khổ hình như có thiệt. Nghe kể hồi đó ba bắt má phải bán ghe mà lên bờ. Hồi mới quen ba biểu:

-“Em thương tui thì hai đứa mình lên bờ. Dưới ghe lênh đênh tối ngày cực lắm! Hơn nữa phận gái đi lênh đênh tui nghĩ mà tội cho em lắm!”

Má chẳng bao giờ kể những khổ cực của cái thời sống trên ghe vì má chỉ muốn giữ những gì đẹp nhứt thôi. Thiện chỉ biết những khổ cực ấy khi nghe ba kể lại lúc ba còn sống. Bịnh tật hổng có ai hay biết, một mình tự ngâm khăn đắp trán hạ sốt, rồi hổng bớt thì ghé thầy Ba, thầy Tư ngoài chợ bốc ít thuốc để sắc uống. Thuốc cũng tự nấu, hổng nhai cơm được thì tự nấu cháo mà nuốt. Để nồi cháo mệt quá ngủ quên thì húp được khúc trên, khúc bị khét thì cạo cho tụi cá dưới sông ăn.

Rồi mấy khi bị người ta chọc ghẹo, hăm he. Nhất là khi cập ghe kế mấy ghe hàng khác. Dù ghe người ta đâu có bán bông như má, nhưng họ cũng tị nạnh mà đuổi má đi. Nhiều hôm bị mất mấy bình bông oan uổng chỉ vì lui ghe hổng kịp, họ thọt tay chụp mấy bình bông biểu: “Cái này là của đền vì tấp ghe hổng xin phép!” Má lui ghe bụng tức quá trời, biểu: “Quỷ ma gì đâu á trời! Cái chỗ có của riêng ai mà dành!”. Thiện nhớ ba biểu: “Tao thấy bả cực quá nên bắt bả lên bờ đó! Đó là chưa kể những lúc mưa bão bất ngờ, trên ghe lạnh kinh khủng mà biết núp chỗ nào. Nửa đêm vừa tát nước vô ghe vừa trụ ghe qua cơn mưa bão. Kiểu đó mà lật ghe một cái là chầu hà bá hổng chừng!”

Mà cũng bởi khó khăn đó mà má chỉ bán bông vạn thọ. Mấy lần người ta làm khó dễ, họ tràn qua ghe giẫm đạp làm mấy thứ bông kia nát bét, chỉ có vạn thọ vẫn nghển cổ tự hào vì chúng sống dai. Bán trễ xíu cũng hổng lỗ lã bao nhiêu. Người ta có vùi dập thì nó cũng dễ sống. Má biểu: “Chắc vì là thứ bông cúng nên nó rẻ! Mà hồi xưa hổng biết sao cũng mắc lắm à nghen! Còn giờ thấy người ta ít mua vạn thọ lắm!”

Má cũng kể cho ba nghe nhiều lúc thèm bờ, muốn lên nhà ở. Hồi nẫm căn nhà ông bà ngoại để lại vẫn còn, nhưng má kể cứ bước vô nhà là nhớ ông bà ngoại. Tấm hình ông bà ngoại để trên bàn thờ cười tươi mà nhỏ con khóc quá trời. Má sợ cái cảm giác mồ côi một mình. Mồ côi ở trên ghe hễ buồn thì chạy chỗ này chỗ kia, kệ nó! Lênh đênh mà đỡ nhớ. Còn ở trong nhà nhớ biết chạy đi đâu. Ba biểu lúc đó má than: “Đất cứng ngắc! Chắc chỉ có sông đủ mềm để chứa cái phận mồ côi của mình thôi!” Ba khóc ròng vì thương má.

5.

Má quầy vô nhà thấy hai bình bông thằng Thiện để ngay trước sân sát bàn thờ Thiên, còn nó đang cặm cụi gọt mấy cái gốc kiệu cho má chuẩn bị làm dưa ăn với bánh tét mấy ngày tết. Má để hai bình bông vào đúng vị trí hai góc cột như mọi năm, miệng hí hới nhắc thằng con:

-“Ê! Gọt cho sạch gốc nhen mậy! Mần kỹ làm dưa ăn cho nó ngon!”

 Thiện ngó đăm đăm thau kiệu, mặt ủ dột như thể mỏi mệt với mấy củ kiệu nhỏ xíu mà nó tỉ mẫn làm từ sáng tới trưa. Chợt tiếng điện thoại trong túi nó kêu vài tiếng, nó mở điện thoại đọc chăm chú với khuôn mặt sáng rỡ. Bỏ lại thau kiệu nó chạy lại gần má đang với tay lau lư hương trên bàn thờ.

-“Má ơi! Má ồ! Má…!”

Tiếng nó cố làm ra nhão nhoẹt, má biết nó muốn xin gì với giọng điệu đó. Má trả lời sẵn giọng:

-“Cái gì? Muốn đi phải hông?”

Thiện gãi đầu lúng túng. Nghĩ thương thằng con từ sáng tới giờ gọt kiệu liệt tay, má húng hắn:

-“Ừa! Đi đi! Nhớ chiều về ăn cơm đó! Má đợi!”

Trong vòng ba nốt nhạc thì thằng Thiện đã sẵn sàng lên xe chạy đi. Tầm năm giờ chiều nó về. Má đang dở tay dọn mâm cơm có mấy khứa cá lóc kho tiêu và nồi canh chua bông so đũa, món mà Thiện thích. Hai má con vừa ăn cơm chiều vừa nói chuyện với nhau. Những câu chuyện cuối năm vui buồn lẫn lộn.

-“Tết là thêm tuổi, lớn rồi nghen mậy! Lo mà học hành rồi học đại học, cưới vợ sanh con đặng má an tâm.”

Thiện hỏi má:

-“Mai mốt con mần có tiền con sửa lại cái nhà cho tươm tất rồi hễ còn dư tiền con đưa má đi du lịch hén!”

Má biểu:

-“Thôi! Tự lo thân cho con là má mừng! Má tự lo được! Mà…”

Má ậm ờ, thằng con hỏi thêm: “Mà gì má?”

-“Mai mốt bây lập gia đình rồi… chắc… má xuống ghe đi bán bông nữa quá!”

Thằng con giật mình trước câu nói của má, gằn hỏi:

-“Gì vậy má! Già rồi hổng nghỉ ngơi còn buôn bán gì nữa?”

Má nuốt miếng cơm rồi nhìn thằng con biểu:

-“Thì bây có vợ có con rồi, má ở một mình. Má xuống ghe đi đây đó cho… đỡ nhớ sông, đỡ… nhớ bây.”

Thằng con nín thinh hông biết nói làm sao. Má vẫn tỉnh bơ gắp cá vô chén nó, rồi biểu: “Thôi! Ăn đi con!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Khóa tĩnh tâm dành cho các gia đình – “Lạt mềm buộc chặt”

TĨNH TÂM CHO CÁC GIA ĐÌNH “LẠT MỀM BUỘC CHẶT”     Có lẽ khi …