Giáo Hội tại gia lắng nghe Lời Chúa

 

(Hướng tới khánh nhật truyền giáo)

                                                                                      

                                                                                            Tác giả: Đa-minh Trần Văn Tân, S.J.

Khi người nam và người nữ kết nên duyên phận, xây dựng gia đình, cũng là xây dựng Giáo Hội tại gia.

Gia đình mang khuôn mặt của Hội Thánh phải là một gia đình của Lời Chúa, hiệp nhất trong Thánh Thần, gia đình của Thánh Thể và cầu nguyện, đây chính là hình ảnh của Hội Thánh sơ khai (x.Cv 2,42).

Chuyên cần nghe Lời Chúa, say mê nghe các tông đồ kể chuyện Giêsu.

Điều gì đã làm nên sức lôi cuốn lạ thường?

Đức Giêsu đó, Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống, đó là điều anh em đang thấy đang nghe (Cv 2,31-33).

Các tông đồ rao giảng về một Giêsu đã sống và đang sống và tiếp tục hành động nhờ Thánh Thần.

Giây phút được rước lên trời,

Ngay khi Đức Giêsu đã biến mất trong ánh mắt của người môn đệ,

thì Thánh Thần đã làm cho khuôn mặt Giêsu đầy tràn trong trái tim của người môn đệ, để tất cả cùng loan báo những kỳ công của Thiên Chúa, làm nhân chứng cho Thầy ngay tại Giêrusalem…

Giêrusalem nơi Thầy đã chịu đóng đinh cũng là nơi Thiên Chúa thi thố quyền năng của một tình yêu đến cùng, và sự sống đã trỗi dậy từ đây bất chấp ác độc con người, cũng từ đây nhân loại được giải thoát,  được thứ tha tội lỗi và nhận được ân huệ là Thánh Thần.

Những tháng năm trên đường loan báo Tin Mừng cho bà con sắc tộc, tôi nhìn thấy rất rõ tình yêu của Thiên chúa khi trao ban ơn giải thoát cho nhân trần, đặc biệt những con người không chỉ bị trói buộc vì đủ thứ mê tín lạc hậu mà còn ghen tương thù hận nữa. Thật vậy, những con người chân chất thường dễ thương nhưng lại cũng dễ buồn dễ giận, khi chưa biết đến lòng thương xót và ơn tha thứ thì ưa tìm những vũ khí thầm lặng như ngải độc để phòng thân, gây cho nhau biết bao cảnh đau lòng, cùng với nỗi sợ hãi bao trùm mọi người.

Cứ mỗi lần nhìn đoàn người nối gót nhau đến bên bờ giếng rửa tội, tôi thấy CHÚA quá dịu hiền khi trao ban ơn giải thoát vô điều kiện cho những con người nghèo khổ: sám hối có nghĩa là rời bỏ một vùng đất đầy gai nhọn, dại gì không rời bỏ; được mời vào dự bàn tiệc Nước Trời, bữa tiệc của lòng thương xót và tình huynh đệ, sung sướng nào bằng!

Có gì đổi khác sau khi đã được dìm mình trong dòng suối ơn thánh? Vẫn khuôn mặt khắc khổ, những ngày tháng lao nhọc, bữa đói bữa no thường nhật. Nhưng con đường trước mặt không còn là ngõ cụt.

Trước đây khi người đàn bà H’lăng có chồng chết phải tự mình cõng đi chôn, thì nay mọi người đến chia buồn và cùng nhau mai táng.

Trước đây mỗi lần cúng là phải kiêng, người Dẻ kiêng 7 ngày không ra khỏi nhà và không gặp ai, thì nay bàn tiệc Thánh Thể là nơi qui tụ và cử hành lời kinh tạ ơn.

Trước đây mỗi lần bị bệnh là tìm tới thầy cúng, bệnh không chắc hết, nhưng heo gà và thậm chí cả đàn bò cũng tiêu tùng theo người bệnh. Nay thì xúm nhau lại cầu nguyện, cùng nhau đem đặt người bệnh trên đôi tay quyền năng của Thiên Chúa, để nếu sống là sống cho Giêsu, và nếu có ra đi thì cũng ra đi trong nguyện ước Giêsu: “Cha ơi, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24).

Thực ra, người được sai đi Loan báo Tin Mừng cũng là người cầu nguyện và qui tụ bà con cầu nguyện. Nhiều lần gặp người bệnh, trong túi chỉ có mấy viên thuốc cảm, thế nhưng viên thuốc được trao trong cầu nguyện, người uống tin tưởng, và Chúa thường ra tay chữa lành.

Dĩ nhiên, những đổi thay phải phát xuất tận chốn thâm sâu, bắt đầu từ các giáo lý viên là những người hướng dẫn bà con trong các nhà nguyện của làng, để tất cả được Tin Mừng Hoá, nghĩa là có được cung cách Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày, để biết phải làm gì trong các tương giao, làm gì khi gặp gian khổ và thử thách: học để có thói quen nhìn lên Thiên Chúa trong mọi chuyện, chứ không cúi gầm mặt để rồi tức tối khó chịu.

Cũng may các giáo lý viên luôn sẵn sàng dành thời giờ để sống với Chúa dài ngày trong cầu nguyện, để trong mọi nơi mọi lúc có được một con tim biết lắng nghe, để hình ảnh Giêsu chiếm trọn đời mình.

Vào một dịp, đúng ngày lễ kính Chúa Kitô Vua, tôi ngỡ ngàng khi Lời Chúa trong Tin Mừng Luca lại hướng mọi người nhìn lên thập giá, chỉ cho thấy khuôn mặt và vinh quang của vị Vua Muôn Đời, (Lc 23,35-45) :

“Dân chúng đứng nhìn, còn các thù lãnh thì buông lời nhục mạ…

Con người ta thời nào cũng thế, một khi đã căm ghét thì nói cho hả giận.

“Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người”,

anh chỉ nói leo thôi mà, có lẽ đây là lần đầu tiên chạm trán với Giêsu, anh có biết gì đâu…thói  đời vẫn có lắm kẻ thích hùa theo..

Điều gì đang diễn ra nơi con tim của Đấng chịu đóng đinh mà lại không một lời hờn trách? Người thứ hai cùng bị đóng đinh linh cảm thấy nơi con tim của con người lạ lùng một tình yêu vô bờ, con tim của lòng thương xót và đang nài xin ơn tha thứ : “Cha ơi, xin tha cho họ vì họ có biết gì đâu”. Và anh thấy thấp thoáng đâu đây một vùng trời mới, Vương quốc của lòng thương xót.

Thế gian này, vùng đất anh đã giành giựt bằng cướp phá, ghen tương, gây đau khổ cho nhiều người, anh không thể chịu đựng những lời chế diễu, không chịu thua ai khi gặp thách thức, anh đã đánh đổi cả mạng sống để cuối cùng đón lấy cây thập giá đầy ô nhục và oán hờn. Cuộc sống có vay có trả, thôi đành cam chịu.

Và ngay lúc cận kề với cái chết, anh thấy mình bị cuốn hút vào trong cái thế giới của một con tim đang bầy tỏ một tình yêu đến cùng, rộng mở đến cùng để yêu mến và đón nhận tất cả. Trong một khoảnh khắc, anh ngỡ ngàng khi thấy người cùng chịu đóng đinh cũng đã đánh đổi cả mạng sống để nhận lấy thập giá, nhưng là thập giá ân phúc, thập giá của lòng thương xót và tha thứ.

Khuôn mặt Người, ánh mắt Người đã làm trái tim anh rung động. Anh muốn gào lên thật to : Giêsu ơi, Người tuyệt diệu quá, xin cũng hãy dẫn tôi vào vùng đất của Ngài. Dù biết rằng chịu treo trên thập giá lúc này là xứng với tội của mình, tất cả cũng vì anh không biết thôi, và anh mạnh dạn nài xin : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng đã đến với anh, một tên trộm cướp : “Hôm nay anh được ở với tôi trên thiên đàng”.

Còn anh chàng trên thập giá  bên kia ? Vòng tay của Người đang giang rộng đủ ôm trọn hai người cùng chịu đóng đinh, và hơn thế nữa, đủ ôm trọn nhân loại cùng chịu đóng đinh với Người.

Đây cũng chính là tin mừng cho mọi gia đình, cho mỗi chúng ta.

Kiểm tra tương tự

Khoá học: Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức tin

  Các bạn thân mến! Tâm lý con người phát triển theo từng độ tuổi, …

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …