[Giáo hội tuần qua] 18.1 – 24.01.2021

 

  1. Lời nói có thể là nụ hôn nhưng cũng có thể là lưỡi dao. Đức Thánh cha đã viết như vậy trong lời tựa cho cuốn sách mới “Đừng nói xấu người khác” của cha Emiliano Antenucci. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thinh lặng khi nói rằng, thinh lặng là một trong những ngôn ngữ của Thiên Chúa và cũng là một ngôn ngữ của tình yêu, đồng thời khẳng định không nói xấu người khác thì hơn là một hành động luân lý. ĐTC còn lưu ý, việc sử dụng lời nói cách đúng đắn là điều quan trọng. Lời nói có thể là những nụ hôn, sự âu yếm, liều thuốc, nhưng chúng cũng có thể là những con dao, thanh kiếm hoặc viên đạn. Sau cùng, sau khi đã trích lời của Mẹ Têrêsa Calcutta về thinh lặng, ngài nhận định, “một người bắt đầu bằng việc thinh lặng sẽ đi đến lòng bác ái đối với người khác.”
  2. Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu lần thứ 54. Tiếp nối truyền thống hơn 100 năm qua, Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu năm 2021 diễn ra từ ngày 18-25/1. Chủ đề của Tuần Cầu nguyện năm nay là “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5-9); với ý hướng diễn tả ơn gọi của cộng đồng Kitô hữu là cầu nguyện và hoạt động cho sự hoà giải và tình hiệp nhất trong Giáo hội, trong gia đình nhân loại và toàn thể công trình sáng tạo. Trong thời gian này, các Ki-tô hữu được mời gọi cầu nguyện cho sự hòa giải và hiệp nhất hữu hình của các Ki-tô hữu và tiến gần đến việc thực hiện lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong Bữa Tiệc ly “xin cho tất cả họ nên một”. Trong bài Giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ tư ngày 20.01, ĐTC chỉ ra rằng tình yêu của Chúa Kitô là nền tảng cuả mọi sự hiệp thông giữa các Kitô hữu. Ngài còn nhấn mạnh, chỉ đối thoại mà thôi thì không đủ giúp các Kitô hữu hiệp nhất, nhưng còn cần phải cầu nguyện.
  3. ĐTC Phanxicô gửi thông điệp cho Tổng thống Biden nhân dịp ông nhậm chức. Ngày 20/1 nhân dịp ông Joseph Biden, Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp đến tân Tổng thống Hoa Kỳ và mời gọi ông thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Mở đầu thông điệp, ĐTC gửi lời chúc tốt đẹp và lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho ông sức mạnh trong việc thực thi chức vụ của mình. Ngài cầu chúc người dân Hoa kỳ tiếp tục phát huy sức mạnh từ các giá trị cao cả của chính trị, đạo đức và tôn giáo. Trong bối cảnh đại dịch, ĐTC kêu gọi tân tổng thống thực hiện các quyết định dựa trên công lý và tự do đích thực, tôn trọng quyền và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo, những người dễ bị tổn thương và không có tiếng nói. Sau cùng ĐTC cầu nguyện cho tân tổng thống để ông thúc đẩy sự hiểu biết, hoà giải và hoà bình trong Hoa kỳ và giữa các quốc gia trên thế gới vì ích chung phổ quát.

Trong khi đó, tại một tuyên bố cũng được phát đi vào ngày 20/1, khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, Đức tổng giám mục Jose Gomez của giáo phận Los Angeles, chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ hy vọng chính quyền mới sẽ làm việc với Giáo hội và những người thiện chí để giải quyết các yếu tố kinh tế và văn hóa phức tạp đang thúc đẩy phá thai cùng nhiều mối đe doạ đối với sự sống và phẩm giá con người.

  1. ĐTC lên án các vụ đánh bom tự sát ở Iraq và cầu nguyện cho các nạn nhân. Ngày 21/1, trong điện thư được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ niềm thương tiếc và đau buồn về vụ đánh bom tự sát tại Baghdad. Ngài lên án vụ đánh bom khiến cho hơn 30 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và chia buồn với người thân của họ. Vụ đánh bom khủng bố kép xảy ra chỉ một ngày sau khi Vatican xác định chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha sẽ diễn ra “tùy theo các thay đổi” vào ngày 5-8/3.
  2. Linh mục mất tích ở Burkina Faso đã được tìm thấy đã chết. Thi thể của cha Rodrigue Sanon, một linh mục Burkina Faso, bị mất tích ngày 19/1 vừa qua, đã được tìm thấy trong một cánh rừng. Cha Sanon là linh mục của giáo phận Đức Bà hòa bình ở Soubaganyedougou, bị mất tích khi ngài đang trên đường đến Banfora để gặp Đức giám mục. Nhưng cha đã không đến được. Sau khi cha mất tích, chiếc xe của cha cũng được tìm thấy, cách khu vực mất tích không xa. Hiện tại, cảnh sát chỉ xác nhận việc phát hiện ra thi thể của linh mục.
  3. Các giám mục của Hiroshima và Nagasaki đã chào mừng hiệp ước của Liên Hiệp quốc cấm vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 22/1. Các ngài cũng thất vọng vì Nhật Bản không ký hiệp ước. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên trong hơn hai thập kỷ. Nó đã được ký kết bởi 86 quốc gia, bao gồm cả Tòa Thánh. Tuy nhiên, 9 cường quốc hạt nhân trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Israel,… cùng với các nước đồng minh của họ gồm Hàn Quốc và Nhật Bản đã không ký vào bản hiệp ước chung này.

Trước đó, vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 20/1/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tất cả các quốc gia làm việc hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tổng hợp tin tức từ Vatican News Tiếng Việt

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *