Giáo Hội tuần qua (8.11-14.11.2021)

Kính mời quý đọc giả cùng theo dõi những tin tức đáng chú ý của Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam trong tuần vừa qua:

  1. Lối thoát nào cho vấn đề lao động trẻ em ở các nước Nam Á?
  2. Đức Thánh Cha kêu gọi người dân Châu Âu đoàn kết hỗ trợ người tị nạn trong bối cảnh khủng hoảng mới
  3. Đức Thánh Cha ấn định ngày phong thánh cho Chân phước Charles de Foucauld và 6 chân phước khác
  4. 17 nhà truyền giáo dong Salêdiêng bị bắt tại Ethiopia.
  5. Công bố tiến trình tham gia Thương Hội Đồng Giám Mục tại Giáo phận
  6. Khởi động dự án cho người di dân tại Nigeria và Modambique.
  7. Người nghèo sẽ luôn là chọn lựa ưu tiên của Đức Thánh Cha và của Giáo hội Công giáo.

1. Lối thoát nào cho vấn đề lao động trẻ em ở các nước Nam Á?

     

Một em bé đang làm việc tại lò đúc gạch thuộc vùng ngoại ô Jalandhar, miền bắc Ấn Độ (Hình ảnh: AFP)

Theo báo cáo thống kê của Tổ Chức Lao Động Thế Giới (ILO) năm 2020, tổng số lao động trẻ em của các nước Nam Á là 16,7 triệu, nổi bật trong số đó là Ấn Độ với khoảng 5,8 triệu, ở Bangladesh con số này là 5 triệu, ở Pakistan là 3,4 triệu và ở Nepal là khoảng 2 triệu. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các lao động là trẻ em bị ép buộc làm việc trong những hoàn cảnh thiếu thốn và tồi tệ: các em phải làm việc hàng giờ liền trong các cánh đồng trồng lúa và hoa màu, trong các môi trường độc hại, tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu…

Trong cuộc hội thảo về việc “Cùng nhau hành động để chấm dứt tình trạng lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp” diễn ra ở thành phố Rome vừa qua, Tổ chức Lương Thực thế giới (FAO) đã bày tỏ lòng thiện chí của mình trong việc giải quyết vấn đề này. Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu rằng: “Những em bé phải chịu khốn khổ vì viễn cảnh lao động như thế sẽ bị cướp mất nhân phẩm và quyền được phát triển toàn diện của mình.”

(Xem thêm tại: https://www.ucanews.com/news/no-way-out-for-south-asias-child-laborers/94892)

2. Đức Thánh Cha kêu gọi người dân Châu Âu đoàn kết hỗ trợ người tị nạn giữa cuộc khủng hoảng mới

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi người dân Châu Âu mở cửa đón nhận những người di cư với thông điệp: “Đừng ghét bỏ, đừng xa lánh và đối xử với những người di cư bằng sự hận thù và kì thị, nhưng hãy xem họ như những mảnh ghép tuyệt vời của một bức tranh.”

Đức Thánh Cha gặp gỡ mọi người tại Vatican (AP Photo/Domenico Stinellis)

Hàng ngàn nơi trú ẩn tạm thời đã được lập ra để hỗ trợ những người tị nạn từ các nước Trung Đông, đặc biệt là với tình trạng bất ổn chính trị hiện nay, số lượng những người tị nạn tiếp tục tăng cao. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lịch sử di dân của những người dân nước Ý và mời gọi Châu Âu mở rộng cửa để nên như một ngôi nhà chung cho sự đoàn kết và thân thiện.

(Xem thêm tại: https://www.ncronline.org/news/justice/pope-urges-european-solidarity-migrants-amid-new-crisis)

3. Đức Thánh Cha ấn định ngày phong thánh cho Chân phước Charles de Foucauld và 6 chân phước khác

Theo thông báo ngày 9/11/2021 của Bộ Phong Thánh, Chân phước Charles de Foucauld và 6 chân phước khác sẽ được tuyên thánh tại Rome vào ngày 15/5/2022 vì những nỗ lực thúc đẩy phong trào đối thoại liên tôn trong Giáo hội.

Chân phước Charles de Foucauld (CNS photo/courtesy of I.Media)

Chân phước Charles de Foucauld sinh năm 1858 tại Strasbourg, Pháp. Sau khi chịu chức linh mục năm 1901, ngài sống cuộc đời nghèo khó và âm thầm cầu nguyện tại Tamanrasset, Algeria. Vào tối ngày 1/12/1916, Charles de Foucauld bị giết bởi bọn cướp, ở tuổi 58. Tháng 5/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của ngài. Những công việc và tác phẩm của ngài truyền cảm hứng cho việc thành lập dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu.

Cùng được tuyên thánh với Chân phước Charles de Foucauld có Chân phước Devasahayam Pillai, một giáo dân Ấn Độ, đã tử đạo sau khi từ bỏ Ấn giáo và theo Công giáo vào thế kỷ 18. Hai nữ tu Công giáo được tuyên thánh dịp này là chân phước Maria Francesca di Gesù, đấng sáng lập Dòng các Nữ tu dòng Ba Capuchin ở Loano, và chân phước Maria Domenica Mantovani, đồng sáng lập và là Bề trên tổng quyền đầu tiên của dòng các Tiểu muội Thánh Gia. Ngoài ra, còn có các chân phước César de Bus, Luigi Maria Palazzolo và Giustino Maria Russolillo là ba linh mục đã thành lập các dòng tu cũng sẽ được tuyên thánh trong cùng ngày.

(Xem thêm tại: https://www.ncronline.org/news/people/pope-sets-date-canonization-blessed-de-foucauld-others)

4. 17 nhà truyền giáo dòng Salêdiêng bị bắt giữ ở Ethiopia

Tình hình bất ổn tại Ethiopia  (AFP or licensors)

Hôm 5/11/2021 các lực lượng quân đội chính phủ Ethiopia đã tấn công một trung tâm do các tu sĩ Salêdiêng điều hành ở khu vực Gottera của thủ đô Addis Ababa, bắt giữ không lý do 17 linh mục, tu sĩ và nhân viên của trung tâm và đưa họ đến một nơi không xác định. Trong hoàn cảnh đau khổ, nghèo đói, sợ hãi và hoàn toàn bấp bênh, tất cả các Kitô hữu ở Ethiopia hy vọng rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, sự can thiệp của Liên minh Châu Phi và của đặc sứ Mỹ tại vùng Châu Phi, Jeffrey Feltman, sẽ góp phần làm dịu tình hình.

(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-11/17-nha-truyen-giao-dong-saledieng-bi-bat-giu-tai-ethiopia.html)

5. Thông báo tiến trình tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục tại các Giáo phận

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI sẽ họp Đại hội vào tháng 10 năm 2023 với chủ đề Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Để toàn thể Dân Chúa tham gia tích cực vào sinh hoạt của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục theo ba giai đoạn: Giáo phận, Châu lục, Hoàn vũ. Giai đoạn Giáo phận kéo dài từ tháng 10/2021 – tháng 8/2022.

Đáp ứng lời kêu gọi của Vị Cha chung, trong cuộc họp trực tuyến ngày 03 tháng 11 năm 2021, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quyết định: (1) Tất cả các Giáo phận sẽ cử hành Thánh Lễ khai mạc vào Chúa Nhật I Mùa Vọng, ngày 28 tháng 11 năm 2021; (2) Chủ đề mục vụ năm 2022 sẽ là “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ”; (3) Logo của Năm 2022 sẽ là Logo chính thức của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục; (4) Tùy theo tình hình cụ thể của các địa phương, mỗi Giáo phận sẽ tiến hành việc gặp gỡ lắng nghe, phân định theo hướng dẫn của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục; (5) Các Giáo phận sẽ gửi bản đúc kết của Giáo phận về Văn phòng Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào cuối tháng 8 năm 2022.

(Xem thêm tại: https://www.tonggiaophanhanoi.org/thong-bao-tien-trinh-tham-gia-thuong-hoi-dong-giam-muc-tai-cac-giao-phan/)

6. Khởi động dự án cho người di dân ở Nigeria và Mozambique

Trong những năm qua, sự gia tăng các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến địa phương và xuyên quốc gia ở một số quốc gia châu Phi đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và sinh kế, gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Trong số đó, Mozambique và Nigeria bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh như thế, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đang tài trợ hai dự án mới nhằm giúp những người Công giáo chạy trốn khỏi bạo lực Hồi giáo ở hai quốc gia châu Phi này.

Người di dân ở Mozambique (ANSA)

Dự án thứ nhất là xây một giếng nước, với một máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời tại Giáo xứ thánh Phaolô ở Pulka, nơi có nhiều người tị nạn Kitô giáo thoát khỏi thành phố Maiduguri, thuộc Bang Borno của Nigeria. Dự án thứ hai dành cho Giáo phận Quelimane, ở Mozambique, nơi Giáo hội đang giúp đỡ những người tị nạn Kitô giáo đến từ Cabo Delgado. Số tiền quyên góp được sẽ hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ cho 500 gia đình phải di dời sống trong khu vực. Các dự án bổ sung thêm hơn 25 sáng kiến cứu trợ mà Tổ chức đã tài trợ vào năm 2020 với tổng số tiền hơn 1,7 triệu euro.

(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2021-11/du-an-di-dan-nigeria-mozambique.html)

 

7. Người nghèo sẽ luôn là chọn lựa ưu tiên của Đức Thánh Cha và của Giáo hội Công giáo

Ngày “Thế giới người nghèo” được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm 2016 qua tông thư Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Khổ với hy vọng rằng những cộng đồng Kitô hữu sẽ trở nên như những dấu chỉ biểu lộ đức ái Kitô giáo trong việc dấn thân giúp đỡ những người nghèo khổ trong thế giới hôm nay.

Trong thông điệp chia sẻ năm nay, Đức Thánh Cha mô tả những điều ngài quan sát được ngang qua cơn đại dịch là tình trạng những người nghèo khổ bị gạt ra bên lề xã hội ngày càng gia tăng. Ngài nhấn mạnh: “Có vẻ như chúng ta đang đối diện với một ý niệm nghèo mới, nghèo không phải ở điều kiện sống mà nghèo đói vì sự vô tâm của hệ thống kinh tế khi chỉ tập trung vào những lợi ích phe nhóm. Quả thật chúng ta đang đối diện với những cạm bẫy mới của nghèo nàn và sự loại trừ, tất cả chúng được tạo ra bởi những tác nhân kinh tế – tài chính thiếu lương tâm, thiếu tình người và thiếu cảm thức trách nhiệm đối với xã hội.”

(Xem thêm tại: https://www.catholicnewsagency.com/news/249551/the-poor-will-be-at-the-heart-of-pope-francis-fifth-visit-to-assisi)

 

Tổng hợp và lược dịch Nhật Tài SJ

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *