Giáo xứ Hiển Linh: Chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường niên Năm C (29.09.2019)

Lc 16,19-31

Anh chị em thân mến,

Diễn từ về các dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Luca muốn gởi đến chúng ta thông điệp về niềm vui của Nước Trời khi một người ăn năn sám hối (Lc 15, 7.10). Tuy nhiên, nguồn gốc của niềm vui lại là chính sự tha thứ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng chịu chết thay cho chúng ta (Lc 15,11-32). Bởi thế, bản chất là những tội nhân, mọi người trong chúng ta đều cần phải sám hối để nhận lãnh ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tin Mừng tuần trước đã mời gọi chúng ta sám hối trở về với Thiên Chúa qua dụ ngôn về người quản gia bất lương (Lc 16,1-13). Tin Mừng Chúa nhật này mời gọi chúng ta sám hối trở về với nhau qua dụ ngôn người giàu có và anh Lazaro (Lc 16,19-31).

Người giàu và anh Lazaro có hai số phận đối nghịch với nhau ở đời này và cả đời sau: ở đời này, người giàu có sống trong nhung lụa, sa hoa, ngày ngày yến tiệc linh đình; còn anh Lazaro nghèo khó nằm trước cổng nhà người giàu, thèm được ăn những thứ ở trên bàn ăn của người giàu rơi xuống mà không được; chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc của anh ta – ở đời sau, anh Lazaro ở trong lòng Abraham còn người giàu ở tận đáy âm phủ, muốn được nếm một giọt nước từ ngón tay Lazaro nhỏ xuống cũng không được. Không chỉ thế, Abraham còn nói với ông: “Con ơi suốt đời con, con đã nhận phần phúc của con rồi; còn Lazaro suốt đời chỉ toàn chịu những bất hạnh. Bây giờ Lazaro được an ủi nơi đây, còn con phải chịu sự khốn khổ. Hơn nữa giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,25-26).

Đọc qua chúng ta có cảm giác cách hành xử của Chúa Giêsu mang mầu sắc chính trị: yêu mến và bảo vệ người nghèo, ngược lại Ngài chê ghét người giàu và loại bỏ họ. Thực ra Ngài đã không chỉ không hành xử như thế mà Ngài còn mặc nhiên giới thiệu giới luật đức ái xét như chuẩn mực cho việc phán xét để con người quyết định số phận của mình: tìm được hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu hay phải án phạt đời đời. Chuẩn mực này được tỏ lộ trong Tin Mừng qua hình ảnh “con chó” vốn không chỉ là con vật mà còn hàm ý chỉ về dân ngoại (Mc 7,27). Như vậy sự tráo đổi số phận giữa người giàu có và anh Lazaro không hệ ở sự kiện giàu hay nghèo mà là việc thực thi đức ái như Đức Giêsu đã sống hay không: người giàu có điều kiện để thi hành cho Lazaro ở đời này mà không làm; ngược lại, anh Lazaro dù ở trong tận cùng của sự nghèo khó vẫn tìm cơ hội nuôi sống kẻ nghèo hèn. Chính ở cách hành xử mang tính thần linh đó mà người nghèo có tên Lazaro nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp” vì hành vi mang tính thần linh của ông không tìm được ở đâu khác ngoài Đức Giêsu và phát xuất từ tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa.

Bài học từ dụ ngôn cho thấy hạng người giàu có lối sống vị kỷ luôn bị tra vấn và đòi buộc phải hoán cải. Sự hoán cải tự bản chất cũng không hệ ở những lời cảnh báo hay đe dọa có tính ngoại tại và áp bức về hình phạt hay về sự khốn khổ, nhưng hệ ở chỗ biết ý thức về phẩm giá của mình ra sao. Mà phẩm giá này được chính Luật và các ngôn sứ vốn qui tụ nơi chính Đức Giêsu chỉ dạy. Bởi lẽ, Abraham nói: “Môse và các ngôn sứ mà họ còn không chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31).

Vì là những người giàu có mang tính vị kỷ nên chúng ta xin ơn biết sám hối trở về sống lối sống mới. Amen.

Giuse Lê Quang Chủng, SJ

Kiểm tra tương tự

LỄ ĐỨC MẸ FATIMA BỔN MẠNG CA ĐOÀN FATIMA

Câu Lời Chúa trích sách Xôphônia: “Vì ngươi Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” để …

Thư cám ơn Anh Chị Em tham gia cầu nguyện và sống Linh Thao trong đại dịch Covid-19

THƯ CÁM ƠN ANH CHỊ EM THAM GIA CẦU NGUYỆN VÀ SỐNG LINH THAO TRONG …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *