Giáo xứ Hoa Lư: Tĩnh tâm Mùa Chay

2

Mùa chay là mùa nhắc nhở mọi người tín hữu trở về với lòng mình, với chính con người mình để ăn năn sám hối, chỉnh đốn lại đời sống để đón mừng ngày Chúa Phục Sinh. Chính vì thế, Cha Sở giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm Hoa Lư tổ chức ba ngày tĩnh tâm cho mọi tín hữu trong và ngoài giáo xứ.

Cha giảng tĩnh tâm, An-tôn Nguyễn Cao Siêu, S.J, sẽ chia sẻ Lời Chúa trong đêm ngày 27, 28 và 29 tháng 03 năm 2014.

Trong đêm 27/03/2014, Cha Siêu chia sẻ đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Luca chương 15 với ba dụ ngôn con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất người cha nhân hậu.

1

Ở hai dụ ngôn đầu, cha gợi hứng cho mọi người tìm kiếm những điểm chung, những từ tương đối giống nhau trong cả hai dụ ngôn này. Kết quả cho thấy có những động từ tương đồng: có, mất, tìm, thấy, mời, vui mừng. Hành trình trở lại đơn giản chính là đi tìm lại cái và mình đã nhưng đã mất, và sau khi tìm được thì muốn được san sẻ (mời) trong niềm vui. Vậy đâu là cái mà mỗi người đã có nhưng đã mất và mong muốn tìm lại?

Dụ ngôn người cha nhân hậu có phần thú vị hơn. Trước hết, Cha nhấn mạnh đến từ ngữ vùng xa, vùng mà người con thứ hằng mơ ước như là thiên đàng, thực ra đó cũng chỉ là vùng đói (x. Lc 15, 14), vùng ở đợ (x. Lc 15, 15). Đôi khi chúng ta thường mơ mộng về một tự do xa xăm mà xung quanh được bao bọc nhiều thứ phù phiếm như là tiền bạc, danh vọng, sắc dục. Thế nhưng, tất cả cũng chỉ là những vùng đói, vùng ở đợ mà thôi. Thứ đến, Cha định nghĩa thế nào là hoán cải? Thực ra, trở về đơn giản chỉ là đứng lên đi về (x.Lc 15,18). Đó là điều mà chính người con thứ đã làm được. Có lẽ, trong đời của nhiều người, hành trình đứng lên đi về đôi khi khó làm được hay không thể làm được. Đời tôi như thế nào?

3

Tiếp đến, Cha giảng phòng mời gọi mọi người nhìn vào người cha. Người con thứ xin chia gia tài (đây là điều ngược với phong tục người Do Thái vì thường thì đến khi cha chết thì người con mới được quyền hưởng gia tài). Ấy thế mà, người cha vẫn chia gia tài. Ông không la, không trách. Khi người con thứ trở về với bộ dạng gầy còm, ông đã thấy từ xa và đã chạy ra ôm lấy người con. Ông không thể đi được vì một người khi quá đỗi vui mừng thì không thể đi một cách lững thững được. Như vậy, ông khi chia gia tài ông hy vọng một ngày nào đó, người con thứ sẽ trở về và ông đã sống với niềm mong mỏi, nhớ thương ấy. Đến khi người con cả trở về giận hờn, ghen tị với người em, người cha vẫn bình thản ra phân tích và giải bày cho người anh. Lòng của người cha lớn và bao dung tựa hồ như tấm lòng của Thiên Chúa tuôn đổ trên mỗi người chúng ta.

4

Cuối cùng, Cha cũng mời mọi người nhìn về người con cả. Suốt cả đời ở gần cha, vâng phục cha, làm việc cho cha. Cứ tưởng anh sẽ là người hiểu cha nhất thực thật ra lòng anh là xa cha, không cùng trong nhịp đập của cha, không hiểu và không biết cha muốn gì, cảm gì. Mỗi người chúng ta cũng ít nhiều mang lấy thân phận của người con cả khi hằng ngày vẫn đi lễ, tham gia các hội đoàn nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không có chung một nhịp đập với Chúa. Như người con cả, chúng ta chỉ có thể đứng ở ngoài để nhìn vào buổi tiệc dành cho người em với tất cả sự bực tức, đố kỵ và kiêu ngạo. Bài giảng kết thúc bằng một câu hỏi: Nếu anh, chị, ông hoặc bà là người con cả, đứng trước lời khuyên bảo của người cha, anh, chị ông hay bà có vào không? Cha cũng tỏ bày: nếu là tôi, cũng như mọi người thôi, thật khó để có thể vào buổi tiệc đó. Nhưng khi vào được, người anh cả chỉ cần nắm tay người em và nói chào em. Chỉ như thế thôi thì đã đủ.

Buổi tĩnh tâm trong đêm đầu tiên kết thúc trong giây phút tĩnh lặng để suy nghĩ về một điều mà mỗi người đã được đánh động trong buổi tối hôm nay.

————

Ngày tĩnh tâm thứ hai, cha giảng phòng mời bà con giáo dân suy nghĩ về tình yêu, với đề tài  “trở lại với tình yêu”. Đề tài này được rút ra từ gợi hứng trong Tin Mừng Gio-an 13,34-35.

Với câu hỏi, yêu là gì? Làm sao diễn tả được tình yêu? Cha mời mọi người cùng suy nghĩ để tìm ra câu trả lời.

Yêu là trao hiến, đơn giản đó là tế nhị để đoán biết người kia đang cần gì và vào lúc nào là lúc thích hợp nhất để trao tặng.

Yêu là cho, là chấp nhận mình sẽ nghèo đi.

Yêu là tha thứ, đây là mức độ cao nhất của việc cho đi.

Yêu là xin, là thú nhận mình cần người khác và tin vào sự quảng đại của họ. Xin là cho người khác niềm vui, niềm vui của người cho.

Yêu là biết từ chối, nghĩa là cần thẳng thắn, đơn sơ, không quanh co, biết nói không trong những việc không thể giúp.

Ngày tĩnh tâm thứ ba, cha giảng phòng đưa mọi người suy nghĩ với đề tài đón lấyThánh giá đời mình. Trước hết, cha mời gọi mọi người nghĩ về Thánh giá mà Đức Giê-su đã vác. Chúa cũng đau khổ, cô độc, bị đánh đập, sỉ vả và phải chết. Thế nhưng, Chúa không né tránh hay lùi bước dù Ngài có thể làm được. Ngài biết cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài nằm trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa Cha. Chúa Cha sẽ dùng cái chết của Ngài để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, nên Ngài can đảm, tự nguyện đón lấy cái chết như dấu hiệu cao nhất, rõ nhất của tình yêu Ngài dành cho Cha và cho nhân loại. Như vậy, khi nhìn lên Thánh giá, chúng ta đừng chỉ nghĩ đến đâu khổ thân xác và tinh thần mà Đức Giê-su phải chịu, nhưng cũng hãy nghĩ đến tình yêu Đức Giê-su dành cho nhân loại và cho từng người chúng ta.

Thứ hai, Cha giảng phòng mời gọi mợi người suy nghĩ về thánh giá đời mình. Là môn đệ của Đức Giê-su, mọi Ki-tô hữu phải cùng vác thánh giá với Chúa. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bổ chính mình, vác thập giá của mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Có vác thánh giá thì mời được hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Đâu là những thánh giá chúng ta gặp trong đời?

ü  Thánh giá đến từ người thân trong gia đình từ sự thiếu chung thủy, cảm thông, kính trọng, tha thứ, cộng tác, đối thoại và dành thời gian cho nhau.

ü  Thánh giá đến từ sự nghèo túng hay bệnh tật của bản thân hay người thân.

ü  Thánh giá có khi đơn giản là việc bổn phẩn mình phải làm mỗi ngày.

ü  Thánh giá đến từ việc chúng ta chấp nhân sống theo luật Chúa. Ví dụ: không phá thai, không quan hệ trước khôn nhân, không ly dị, không chấp nhận cái chết êm dịu. không kiếm tiền bất chính…

Đặc tính của thánh giá là không thể hiểu được, không thể chấp nhận được và xảy ra rất đột ngột, bất ngờ. Như thế, mọi người phải học cách sống chấp nhận thánh giá của mình, học cách chấp nhận khổ đau với tình yêu lớn lao như chính Giê-su đã chấp nhận. Đau khổ sẽ có ý nghĩa khi đau khổ chứa đựng tình yêu.

Sau đây là một vài hình ảnh

1 2

3

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Tham gia là một ơn gọi?

Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *