Giới thiệu biến cố 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam

BÀI GIỚI THIỆU
KỶ NIỆM BIẾN CỐ 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM

Ngày 18.01.1615, vùng biển Cửa Hàn – Đà Nẵng đón bước ba nhà truyền giáo Dòng Tên: Linh mục Francesco Buzomi – người Ý, Linh mục Diogo Carvalho – người Bồ Đào Nha, và Tu huynh António Dias – người Bồ Đào Nha. Họ thuộc về nhóm các Thừa sai bị trục xuất khỏi nước Nhật trong cuộc bách hại đạo khốc liệt của Tướng Quân Tokugawa Hidetaka[1]. Họ được Bề Trên gởi đến vùng đất An Nam với ý định khiêm tốn ban đầu là chăm sóc thiêng liêng cho một cộng đoàn công giáo Người Nhật, những người đã chạy trốn khỏi các cuộc bách hại và đến sống ở Hoài Phố – Hội An, cách Đà Nẵng khoảng 30 cây số về hướng Nam.[2].

1. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

seeds10Các Thừa Sai Dòng Tên không phải là những nhà truyền giáo đầu tiên đến gieo hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất này.[3] Ý định ban đầu của họ cũng không hẳn là một kế hoạch truyền giáo được chuẩn bị rõ ràng. Giữa bao thăng trầm đổi thay của những cơ cấu trần thế và giữa bao sóng gió thử thách của những cuộc bách hại, rất nhiều khi bước chân truyền giáo chỉ có thể là những bước đi dò dẫm, với những ý định nhỏ bé và hữu hạn. Thế nhưng trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, những cái nhỏ bé hữu hạn của con người có thể làm nên biết bao công trình kỳ diệu!

Lúc tưởng như bị dồn vào ngõ cụt, các Thừa Sai dần khám phá ra rằng bước chân họ đang được đặt trên một đại lộ thênh thang, là chính con đường mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ tự bao giờ. Lúc cách cửa truyền giáo đã sập đóng trước mắt họ trên đất nước của Nữ Thần Thái Dương, bàn tay Thiên Chúa kín đáo mở ra một cánh cửa khác cho họ trên đất nước Con Rồng Cháu Tiên. Từ mục đích khiêm tốn ban đầu chỉ là chăm sóc mục vụ cho một cộng đoàn công giáo người Nhật sống lưu vong, các thừa sai ngỡ ngàng nhận ra rằng họ được đưa vào một cánh đồng truyền giáo còn phì nhiêu gấp bội so với cánh đồng mà họ đã phải ra đi.

Quả thế, ngay từ những ngày đầu tiên tiếp xúc với con người Việt, văn hóa Việt, phong tục tập quán Việt, các Thừa sai dễ dàng nhận ra những giá trị “Tiền Tin Mừng” vốn đã bám rễ trong tâm hồn những con người Việt hồn hậu chân chất. Nơi công cuộc loan báo Tin Mừng, họ nhận ra rằng mình đang thu hoạch vụ mùa đã được gieo vãi bởi một Bàn Tay Mầu Nhiệm. Họ không phải là những kẻ kiến tạo, nhưng là những người thực thi công trình do Bàn Tay ấy kiến tạo và dẫn dắt. Công việc của họ là thổi “hồn Tin Mừng” vào trong cái “xác văn hóa”, để nhờ đó, Đạo làm người được gặp gỡ, được thăng hoa và được trở nên chân thực sống động trong Đạo làm Con Thiên Chúa.

Là những sứ giả loan báo Tin Mừng, hành trang quý giá nhất chính là ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa không ngừng âm ỉ cháy trong con tim họ. Ngọn lửa ấy mạnh mẽ đến độ tách họ ra khỏi những phồn hoa đô hội của Châu Âu, đưa họ đến những chân trời xa, những vùng đất lạ, với hy vọng được dự phần thi hành sứ mạng Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Đồ (Mt 28,19-20). Giữa bao toan tính trần gian của những con người mang đầu óc chinh phục, họ hồn nhiên loan báo về một Tình Yêu nhưng không. Giữa bao cách ngăn bởi sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, họ khiêm tốn học hỏi để có thể hòa mình vào giữa lòng xã hội, để Lời Tin Mừng họ loan báo được bén rễ từ chính bên trong lòng người. Giữa những khó khăn thử thách và cả những bách hại cấm cách, họ vận dụng tất cả sự khôn ngoan và can đảm nhân loại để xây dựng công trình Nước Thiên Chúa. Họ lặng lẽ ươm những hạt mầm trên mảnh đấy phong nhiêu màu mỡ mà Thiên Chúa đã ưu ái mở ra cho họ, với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đấng đã hứa “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

2. Trong bàn tay Thiên Chúa

1Thấm thoát, 400 năm đã trôi qua. Một khoảng cách đủ dài để những hạt mầm bé nhỏ ban đầu nảy nở thành một vườn hoa trái, đủ rộng để chất chứa biết bao nhiêu bài học lịch sử quý giá, đủ xa để nhắc nhớ những thế hệ con cháu nhìn lại và bày tỏ lòng tri ân.

Kỷ niệm biến cố 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam, anh em Dòng Tên ước mong nhìn lại lịch sử với cặp mắt đức tin, với tấm lòng biết ơn và với con tim được canh tân nhờ chạm vào điểm khởi nguồn của ngọn lửa tình yêu đã làm nên chính cuộc đời và ơn gọi của mỗi người Giêsu hữu Việt ngày nay.

Mục đích của việc nhìn lại hoàn toàn không phải là để liệt kê những công trạng hay nhẩm tính những thành tích. Nhìn lại là để có thể thấy rõ hơn dấu ấn của Bàn Tay Thiên Chúa, Đấng không ngừng dùng các anh em Dòng Tên như một khí cụ[4] nhằm phục vụ cho con người, cho giáo hội, cho xã hội, cho quê hương đất nước này. Một khí cụ hèn mọn với cảm thức thuộc về một “Dòng nhỏ bé”[5] thì không có lý do gì để tự hào, nếu không phải là tự hào với diễm phúc được phục vụ như một khí cụ hèn mọn trong Bàn Tay quyền năng của Thiên Chúa (cf. 2Cr 10, 17). Quả vậy, Dòng bé nhỏ này đã được diễm phúc mang tên Chúa Giêsu[6]; Dòng sẽ còn diễm phúc hơn khi trở nên giống Chúa Giêsu, “Đấng vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”(2Cr 8, 9). Nhìn lại quãng đường 400 năm, Dòng luôn ước ao hình ảnh của mình nhỏ lại, để hình ảnh của Thiên Chúa không ngừng lớn lên. Nhìn lại để thừa nhận rằng tất cả những “công trạng” thường được gắn cho Dòng, từ quá khứ cho đến hiện tại, không phải là sức vóc của những bàn tay con người, nhưng là dấu ấn hữu hình của chính bàn tay Thiên Chúa. Điều quan trọng không phải là để lại những dấu ấn của Dòng, nhưng là phục vụ![7]

260px-DerhodesMột ví dụ điển hình là công trình chữ Quốc ngữ giữa lòng dân tộc Việt Nam, một đóng góp vô cùng quan trọng của các Thừa Sai Dòng Tên đầu tiên. Chắc chắn, không ai có thể phủ nhận chân giá trị của Chữ Quốc Ngữ trong nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Thế nhưng quả thật, cũng không thể không thừa nhận cái khoảng cách bao la giữa một bên là ý định nhân loại ban đầu và một bên là cái hiệu quả lớn lao mà ý định ấy mang lại. Mục đích thực tế ban đầu khi các Thừa Sai Dòng Tên phiên âm tiếng Việt ra mẫu tự Latinh có lẽ là mục đích Loan Báo Tin Mừng, với hy vọng rằng việc sử dụng mẫu tự Latinh quen thuộc của Tây Âu sẽ giúp cho việc học tiếng của các Thừa Sai dễ dàng hơn, nhờ đó việc giảng dạy giáo lý sẽ hiệu quả hơn.[8] Ai có thể tính trước được rằng việc ứng dụng mẫu tự Latinh ấy sẽ mang lại hoa trái dồi dào cho cả một dân tộc! Quan trọng hơn nữa, việc rao giảng Tin Mừng cho người Việt còn dẫn tới việc tạo lập một “ngôn ngữ tôn giáo mới”. Ngôn ngữ này có thể quyện mình cách vô cùng tự nhiên với các cung điệu “kinh, kệ” quen thuộc để đọc kinh, để công bố Tin Mừng. Ngôn ngữ này cũng có thể kết hợp hài hòa với các thể lọai văn chương truyền thống như vè, vãn… để giúp học giáo lý. Đó là khởi đầu của cả một nền văn học Kitô giáo trên đất Việt. Dĩ nhiên phải nói ngay rằng tất cả công trình ngôn ngữ và văn học này không phải của riêng các  nhà truyền giáo nước ngoài, mà là thành quả của một sự hợp tác tuyệt vời giữa các nhà truyền giáo với các tín hữu, giáo sĩ, tu sĩ người Việt.

Vâng, có một khoảng cách lớn lao, một không gian vô cùng, giữa ước mơ hữu hạn của con người và phúc lành vô hạn của Thiên Chúa. Đọc lại lịch sử không gì khác hơn chính là để bước vào cái “không gian thông diễn” ấy, để giải cấu những huyền thoại về con người, để nhận ra dấu ấn bàn tay kỳ diệu và sức mạnh siêu phàm của Thiên Chúa.

3. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136)

Nhờ tình thương kỳ diệu của Thiên Chúa, anh em Dòng Tên đã được đưa dẫn đến với mảnh đất này. Tình thương ấy còn liên tục kéo dài và thể hiện hữu hình qua những bàn tay con người. Kỷ niệm 400 năm hiện diện trong lòng một dân tộc 4000 năm văn hiến, là cơ hội để anh em Dòng Tên nói lời tri ân với những thế hệ người Việt trên đất nước thân yêu này.

Ngày ấy, dãi đất dài tựa lưng vào dãy Trường Sơn, hướng mặt ra Biển Thái Bình, đã dang rộng vòng tay chào đón những bước chân Loan Báo Tin Mừng bằng tất cả chân tình hồn hậu. Tâm hồn những con người Việt rộng rãi đến độ có thể vượt qua những khác biệt về văn hóa, băng qua những cách ngăn về quốc gia, vượt xa những biên cương hẹp hòi về chính trị… để nồng nhiệt đón nhận Lời Tin Mừng cứu độ. Đã hẳn Tin Mừng của Thiên Chúa luôn có thể thu hẹp những khoảng cách và xóa tan mọi tách biệt, nhưng chắc chắn những nhà truyền giáo xa lạ khó có thể làm được gì cho quê hương đất nước này, nếu họ đã không được đón nhận và yêu mến như là những khí cụ của Thiên Chúa.

anreTrải dài theo dòng lịch sử, những tấm chân tình ấy vẫn tiếp tục ưu ái dành cho các hậu duệ của Dòng Tên. Nói làm sao hết tâm tình biết ơn với những con người đã dang tay bảo bọc và che chở cho Dòng, đã hiệp thông và không ngừng cầu nguyện cho Dòng trong những tháng ngày giông tố bão bùng, trong hoàn cảnh nhiều anh em của Dòng phải lâm vào cảnh tù đày, trong vô vàn những khó khăn và thử thách. Rất nhiều những sự quý mến ấy vẫn còn liên tục cho đến ngày nay. Vẫn còn vô số những vòng tay dang rộng đón mời anh em dấn bước vào những cánh đồng truyền giáo. Vẫn còn đó sự quý mến và lòng tin tưởng mà con người và Giáo hội ngày nay dành cho các anh em thuộc về hội Dòng này. Những tấm lòng ấy chính là thể hiện hữu hình của tình yêu thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Thế nên kỷ niệm 400 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam cũng là cơ hội quý giá để anh em Dòng Tên nói lời cám ơn những con người Việt Nam, cám ơn Giáo Hội Việt Nam, cám ơn tất cả những ngọt ngào và sóng gió đã góp phần tôi luyện anh em thành những người phục vụ Thiên Chúa đích thực hơn.

Cuối cùng, kỷ niệm 400 năm là cơ hội để Dòng Tên hiện tại tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân, những người đã thiết đặt nền móng của Dòng trên mảnh đất thân yêu này. Từ những giọt mồ hôi lao tác và những hy sinh âm thầm, đã có bao thế hệ người Việt được mang danh Giêsu hữu, được chia sẻ một đặc sủng quý giá của giáo hội, được chung tay trong công cuộc xây dựng và phục vụ Giáo hội của Thiên Chúa nơi trần gian. Như một ngọn lửa làm bùng lên nhiều ngọn lửa,[9] sau 400 năm với biết bao thăng trầm thử thách, ngọn lửa ban đầu được khơi dậy từ lớp lớp thế hệ các thừa sai đã được chuyền tay nhau lưu giữ, được tiếp tục thổi bùng lên bởi một nhóm người nhỏ bé. Đó là một quà tặng vô cùng lớn lao, đã làm nên cuộc đời của biết bao nhiêu con người. Nhìn lại hành trình 400 năm, với tất cả lòng trân trọng và biết ơn, anh em Dòng Tên ngày nay ước mong làm mới lại món quà tặng vô giá ấy nơi tâm hồn của mỗi người, nơi cuộc sống và sứ mạng của mỗi người. Để nhờ đó, anh em lại tiếp bước trong hành trình yêu thương và phục vụ với một con tim tràn đầy lửa yêu mến.

Cho Vinh Danh Thiên Chúa hơn và cứu rỗi các linh hồn.

Roma, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08.12.2011

Cao Gia An, S.J.

—-
[1] “Có lẽ người ta dám nói: Nhật Bản cấm đạo Công Giáo lại là nguyên nhân cơ hội chính đưa các Giêsu hữu vào đất Chúa Nguyễn. Những lần cấm đạo ở Nhật do lệnh của Phong Thần Tú Cát (Toyotomi Hideyoshi) ngày 25.07.1587 và 09.12.1596, đặc biệt là của Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung (Tokugawa Hidetaka) ngày 14.02.1614, đã đẩy nhiều giáo hữu Nhật phải bỏ nước ra đi, và trục xuất hết mọi thừa sai, đa phần thuộc Dòng Tên…” Đỗ Quang Chính, S.J., “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773”, Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr. 14.

[2] Trong số ba vị thừa sai này, linh mục Diogo Carvalho sau đó trở lại Nhật và được phúc tử đạo năm 1624, Ngài có tên trong danh sách các vị tử đạo Nhật đã dược tôn phong.

[3] x. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., tr. 5.

[4] x. Quy Luật Bổ Sung (cho Hiến Chương Dòng Tên), số 450.

[5] Thánh Inhaxiô Loyola, Bản Khảo Sát Tổng Quát, Hiến Chương Dòng Tên, số 1.

[6] Hiến Chương Dòng Tên, số 1.

[7] x. Cha Pedro Ribadeneira, “Lời Nói Đầu” trong “Ấn Bản Đầu Tiên Hiến Chương Dòng Tên”, Nhà Dòng Tên Roma, 1559.

[8] xin xem thêm: Đỗ Quang Chính, S.J., “Giáo Hội Công Giáo Với Chữ Quốc Ngữ”, đăng trên website Dòng Tên ngày 08.11.2011: http://dongten.net/archives/6739

[9] x. Tổng Hội Dòng Tên thứ 34, Sắc Lệnh số 2.

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên đánh dấu 400 năm tại Việt Nam

Hơn 3.000 người cùng với 210 tu sĩ Dòng Tên ở thành phố Hồ Chí …

Ai đã thành lập Giáo Hội Việt Nam?

 CÂU HỎI TRONG KHUÔN KHỔ LỊCH SỬ KHÁCH QUAN: AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *