Góp phần tìm hiểu sử học triều Nguyễn

Trên cơ sở những tác phẩm sử học đó, có thể nêu một số nhận xét khái quát về  công việc của Quốc sử quán triều Nguyễn như sau: Quốc sử quán triều Nguyễn đã tập  hợp một khối lượng tư liệu khá phong phú về lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều. Các  triều vua từ Gia Long đến Tự Đức đều lệnh thu thập và lưu giữ những tài liệu sử sách  cũ. Quốc sử quán làm nhiệm vụ biên soạn, in ấn, phát hành sách sử và lưu giữ tài liệu.  Năm 1856, sử quán đã cho in lại bộ Đại việt sử ký toàn thư để làm tài liệu nghiên cứu.  Tiếp thu thành quả và kế thừa kho tư liệu quý báu của các sử gia đời trước, tham khảo  thêm những bộ chính sử của Trung Quốc, sử quán triều Nguyễn đã hội tụ trong những  công trình sử học của mình khối lượng tư liệu phong phú. Đó là một đóng góp quan  trọng của những người tham gia trong Quốc sử quán triều Nguyễn.

Tư tưởng sử học của sử quán triều Nguyễn: Lịch sử là một tấm gương lớn. Viết  sử để làm gương cho mọi người từ vua quan đến dân chúng. Học quốc sử, tìm về cội  nguồn của dân tộc để đúc rút kinh nghiệm, hiểu cũ để biết mới. Viết lịch sử là một việc quan trọng và cần thiết của triều đình phong kiến. Sử học để cao tinh thần  yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức độc lập tự chủ. Các vua triều Nguyễn đặc biệt  quan tâm đến công việc soạn sử và tổ chức Quốc sử quán. Tổng tài Quốc sử quán  triều Nguyễn bao giờ cũng là đại thần văn quan hàm nhất phẩm. Tất nhiên, ở đây cũng  cần nhận rõ một thực tế là mục đích soạn sử của triều Nguyễn còn nhằm tán dương  công trạng, thần thánh hóa vai trò của Nhà Nguyễn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Triều Nguyễn muốn chứng minh là đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của tổ tiên dòng họ  Nguyễn. Giáo sư Đào Duy Anh nhận xét: “Các vua Nguyễn săn sóc đến sách quốc sử  như vậy là cốt biểu dương chính thống và mạt sát ngụy triều theo quan niệm lịch sử của chế độ quân chủ chuyên chế. Chính sách văn hóa chính nhằm phục vụ mưu đồ phục  hưng chế độ phong kiến với nhà nước trung ương tập quyền”[5].

Phương pháp biên soạn: Sử quán triều Nguyễn vẫn tiếp tục truyền thống soạn sử  theo thể biên niên. Trong bộ Việt sử thông giám cương mục, sách được soạn theo từng  cương (chép đại cương về sự việc) và chép chi tiết trong các mục. ĐạiNam thực lục ghi chép theo từng đời vua, mỗi đời vua chép thành một kỷ.

Lê Quý Đôn, thế kỷ XVIII, là nhà sử học Việt Namđầu tiên chép sử theo thể Chí – truyện (Đại Việt thông sử). Sử quán triều Nguyễn cũng soạn sách theo thể chí (Đại  Nam nhất thống chí) và truyện (Đại Nam liệt truyện).

Thế kỷ XIX, trên thế giới, nhiều ngành khoa học đã phát triền, trong đó có khoa  học lịch sử, Sử quán triều Nguyễn, biên soạn lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều theo phương pháp và quan điểm sử học phong kiến. Nếu đối tượng của sử học nhìn chung  được hiểu là nghiên cứu toàn bộ đời sống xã hội của loài người, với mọi biểu hiện  phong phú đa dạng của nó, thì ở đây dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến, lịch sử  dân tộc trước hết và chủ yếu là sự thay đổi của các triều vua. Nội dung của lịch sử bị  giới hạn, bó hẹp, một mặt nó thiếu vắng một mảng rất lớn của thực tế lịch sử: quần  chúng nhân dân – những người thực sự và chủ yếu đã làm nên lịch sử, mặt khác nó lại  quá nhấn mạnh đến những sự kiện diễn biến trong cung đình, phủ chúa. Do những hạn  chế của quan điểm sử học phong kiến, sử quán triều Nguyễn chưa đưa vào những tác  phẩm của mình đầy đủ những nội dung của lịch sử cũng như chưa thể vạch rõ bản chất  và quá trình của lịch sử.

Trong các tác phẩm của mình, sử quán triều Nguyễn cũng còn phạm một số sai  lầm trong cách đánh giá và trình bày một số sự kiện lịch sử. Nhà sử học Nguyễn Thông (1827 – 1894) trong quá trình khảo duyệt bộ Cương mục đã nêu ra nhiều vấn đề cần sửa  chữa bổ sung. Nhà sử học Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910) cũng bổ sung nhiều khiếm  khuyết và chỉ rõ những sai lầm  của Sử quán triều Nguyễn.

3. Có thể  khẳng định, những tác phẩm sử học của Quốc sử quán triều Nguyễn tiêu biểu và đại diện cho sử học triều Nguyễn. Nhưng sử học ViệtNamdưới triều Nguyễn còn có nhiều tác giả và tác phẩm khác làm phong phú và góp phần khẳng định  thành tựu của nền sử học dân tộc dưới triều Nguyễn. Chúng tôi giới thiệu hai tác giả:  Phan Huy Chú, Đặng Xuân Bảng.

PHAN HUY CHÚ (1782-1840), ông sinh trưởng từ một gia đình có truyền thống  thuộc dòng họ Phan Huy nổi tiếng ở vùng Quốc Oai (Dòng họ có nguồn gốc từ Nghệ  An), nhưng hai lần đi thi chỉ đỗ tú tài. Từ năm 1809 đến 1819, ông tự mình biên soạn sách Lịch triều hiến chương loại chí – cuốn sách đã đưa ông trở thành một nhà sử học lớn, tiêu biểu của sử học Việt Nam thế kỷ XIX. Ông trở thành viên quan mẫn cán, có tư  tưởng cải cách của triều Nguyễn từ sau khi dâng sách cho vua. Lịch triều hiến chương loại chí đã khảo cứu, hệ thống các nguồn tư liệu phong phú, toàn diện, chính xác về  những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc từ thời kỳ đầu đến hết triều Lê. Mười vấn đề khác nhau, nhưng có quan hệ mật thiết với nhau (Địa dư, nhân vật, quan  chức, lễ nghi, khoa mục, quốc dụng, hình luật, binh chế, văn tịch, bang giao), và đây là  những vấn đề thiết yếu của một dân tộc, quốc gia. Mười vấn đề, chia thành mười chí,  được trình bày phân tích bằng tư duy hệ thống, uyên bác, chính xác. Phan Huy Chú  khẳng định: Khảo xét dấu tích đời xưa mà không nói thêm lên, phân tích mọi việc bằng  lý để tìm ra lẽ phải, có chỗ tường tận mà không đến nỗi rườm, có chỗ sơ lược mà nắm  được cốt yếu, khiến cho công nghiệp chế tác của các đời rõ rệt, đủ làm bằng chứng.

Phan Huy Chú đề cao tinh thần dân tộc, đề cao truyền thống và lòng tự hào dân  tộc. Ông cho rằng, vấn đề cốt lõi của dân tộc là đất đai – con người – chủ quyền. Ông  cũng là viên quan sớm có tư tưởng cải cách. Năm 1823, ông dâng sớ lên vua Minh  Mệnh với 4 nội dung:

•  Định  lại chế độ quan chức cho rõ ràng

•  Phải thận trọng với việc thuế khóa

•  Phải xây dựng phương pháp, phép tắc trong giáo dục

•  Phải chấn chỉnh cơ quan quốc sử để sử sách biên soạn được rõ ràng.

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là công trình sử học lớn, tiêu  biểu của sử học Việt Nam dưới triều Nguyễn và các nhà khoa học Việt Nam thế kỷ XX  đã xác định cuốn sách này là Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam.

ĐẶNG XUÂN BẢNG (1828-1910), ông sinh trưởng trong một gia đình nho học ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn 1856, sau đó vào  làm việc ở Nội các triều Nguyễn. Ông viết nhiều sách, nhưng những công trình quan  trọng nhất, tiêu biểu nhất về sử học là Sử học bị khảo Việt sử cương mục tiết yếu . 

Sử học bị khảo là công trình khảo cứu công phu về địa lý, lịch sử, về thiên văn và về quan chế của ViệtNam.

Việt sử cương mục tiết yếu ông viết lời Tựa năm 1905, gồm 8 quyển dày 1200  trang, chép sử từ thời kỳ Hùng Vương đến 1802. Viện nghiên cứu Hán – Nôm tổ chức  dịch, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2000. Trong Lời giới thiệu, Nhà  xuất bản nêu rõ:

“ Bộ sử này thể hiện tập trung những thành tựu khảo chứng lịch sử của tác giả,  đặc biệt là nghiên cứu về điển chương chế độ của các triều đại, về địa danh lịch sử sự  biến động về lãnh thổ qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, bộ sử cũng chú trọng nêu  những nguyên nhân thịnh suy, hưng vong của các triều đại. Bộ sử này đã được giới khoa  học xã hội đánh giá cao: là bộ sử tiêu biểu nhất của nhà sử học Đặng Xuân Bảng (GS  Phan Huy Lê)…  là tác phẩm sử học quan trọng của một nhà sử học có phương pháp  gần với phương Tây hiện đại  (GS Hà Văn Tấn)’’[6].

Nhà sử học Tạ Ngọc Liễn trong bài Đặng Xuân Bảng nhà sử học lớn cuối thế kỷ  XIX đã viết: Khi nói đến các giá trị trong tác phẩm sử học của Đặng Xuân Bảng chúng  ta không thể không nói đến phương pháp khoa học cẩn mật của ông. Đó là tính thận  trọng, biết hoài nghi tra cứu tài liệu đến ngọn nguồn. Trong lịch sử sử học Việt Nam,  triều Nguyễn là thời kỳ sử học phát triển thịnh vượng, có nhiều tác giả và tác phẩm lớn  ra đời, trong đó Đặng Xuân Bảng với Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu giữ một  vị trí quan trọng, xứng đáng được giới hậu học tôn vinh[7].

Đặng Xuân Bảng là nhà sử học uyên bác, ông đã tập hợp, khảo cứu một khối  lượng tư liệu đồ sộ với phương pháp cẩn trọng và tôn trọng sự thật. Ông là người đầu  tiên đã chỉ rõ những thiếu sót sai lầm trong Khâm định Việt sử  thông giám cương mục của Quốc sử quán mà ông thường gọi là Việt sử. Trong Việt sử cương mục tiết yếu tự  ông viết: Việc biên soạn khi ấy, không phải do một người cho nên lịch sử thời Đinh, Lê,  Lý, Trần thì quá giản lược, lịch sử thời tiền Lê, hậu Lê thì quá rườm rà, nhất là ba kỷ  Bình Định Vương, Thánh Tông, Hiển Tông nhà Lê rất là dài dòng, khảo về đại cương cũng nhiều việc vụn vặt… Ông chỉ rõ trong sách Việt sử: Sai lầm nhiều mà bỏ sót cũng  không ít.

Đặng Xuân Bảng là nhà sử học đầu tiên dưới triều Nguyễn đã khẳng vai trò vị trí  của vương triều Tây Sơn trong lịch sử dân tộc . Ông viết : Đến như sự tích đời Tây Sơn,  thì hồi đầu Gia Long đã có chiếu tiêu hủy hết. Vì sử là để khuyến khích và răn đe. Sao  lại có chuyện sự tích 15 năm để cho mai một trong một lúc, không ai biết nữa? Thế thì  lẽ khuyến khích và răn đe ở đâu ? Hơn nữa khi ấy nhà Lê đã mất, triều ta chưa lên, sự  kế nối các triều Đinh, Lý, Trần, Lê trong 15 năm ấy không thuộc Tây Sơn thì còn ai  nữa?[8]   

4. Sử học triều Nguyễn một bộ phận tạo thành của văn hóa ViệtNamdưới triều  Nguyễn. Sử học triều Nguyễn mang dấu ấn đậm nét của hệ ý thức phong kiến ViệtNam  thế kỷ XIX. Sử học triều Nguyễn đáng được ghi nhận là một thời kỳ phát triển trong toàn bộ nền sử học phong kiến ViệtNam.

Trích trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008


* Đại học Quốc Gia Hà Nội.

[1] Đại Nam Thực lục, Chính biên, Đệ Tam kỷ, NXB Văn Sử Địa, HN 1957, tr.11.

[2] Đại Nam Thực lục, Chính biên, Đệ tứ kỷ II, NXB KHXH, HN 1973, tr.207.

[3] Đại Nam nhất thống chí, Tập I, NXB KHXH, HN 1969, tr.48.

[4] Sách ĐạiNam nhất thống chí soạn dưới thời Duy Tân chỉ chép về các tỉnh Trung Kỳ

[5] Đào Duy Anh – Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa Thông tin 2002,  tr.459.

[6] Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, NXB KHXH HN 2000, tr.6.

[7] Đặng Xuân Bảng – Sử học bị khảo, Viện Sử học & Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội  1997, tr.12.

[8] Đặng Xuân Bảng – Việt sử cương mục tiết yếu, NXB KHXH HN 2000, tr.9.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *