Thứ sáu Tuần Thánh – ngày thứ hai trong Tam Nhật Vượt Qua.
5g15 sáng, Cha xứ Giuse hướng dẫn cộng đoàn Giáo xứ những phút giây trầm lắng – đồng cảm với Chúa Giê-su trong khoảnh khắc đón nhận “CHÉN ĐẮNG” để Ý CHA NÊN TRỌN.
- CHÉN ĐẮNG:
Chúa Giê-su đã 3 lần tiên báo chính thức và cụ thể về cuộc thương khó mà Ngài sẽ phải chịu: Mt 16, 21-26, Mt 7, 22-23, Mt 20, 17-19. Tuy nhiên, với các Môn Đệ thì Chén Đắng của Thầy Giê-su vẫn còn rất xa lạ với các ông, vì tâm trí các ông lúc đó vẫn còn hướng về một Đấng Cứu Thế trần gian, các ông mơ ước chén vinh quang – không hề nghĩ đến Chén Đắng. Trong lúc các môn đệ đang cố xin cho mình chén vinh quang, thì Thầy Giê-su vẫn kiên nhẫn thức tỉnh các ông ra khỏi sự u mê nặng nề. Thầy Giê-su quả thực sẽ bước vào vinh quang như Ngài tiên báo, nhưng trước hết Ngài phải uống Chén Đắng. Chúa Giê-su ý thức rằng Chén Đắng là chén đau khổ, không chỉ là Chén Đắng của riêng Người, mà còn của toàn thể nhân loại. Đó là chén đầy đau khổ, đau khổ thể xác – tinh thần – tâm linh. Là chén của mọi thứ đau khổ: nghèo đói, bệnh tật, bách hại, tù đầy, loại trừ, chiến tranh, bất công, phân biệt, phủ nhận, loại trừ, chiến tranh, bất công, phân biệt, phủ nhận. loại bỏ, lo lắng, sợ hãi, phản bội, cô đơn, buồn sầu, thất vọng và cái chết. Trong cơn dằng co sâu xé ghê gớm khi đến gần chén đắng rất đắng của mình: Giu-đa phản bội, Phê-rô chối Thầy, các môn đệ khác trốn chạy, Chúa Giê-su vẫn cố gắng sống niềm tin vào Cha, Người vẫn nhơ Người là con yêu dấu, người con hiếu thảo: xin đừng theo ý con, nhưng một theo ý Cha mà thôi.
- CHÉN TÌNH YÊU
Đến gần với Chén Đắng hơn, có thể cảm nhận được phần nào chén rất đắng của Chúa Giê-su đã uống và còn phải uống, đồng thời Chúa Giê-su sẽ củng cố lòng tin cậy mến cho chúng ta, đế khi chúng ta gặp những buồn sầu đau khổ trong đời sống, chúng ta có sức chấp nhận, can đảm vượt khó, sống bình an trong niềm tin yêu phó thác.
Tôi biết một thiếu nữ 16 tuổi, nhà nghèo, ở Thủ Đức. Sau cơn sốt, bị bại liệt hai chân, tiếp theo là liệt hai tay, rồi bị mù hai mắt và sau cùng bị điếc hai tai. Tôi đến thăm em mà lòng nặng trĩu.
Tôi đến xức dầu cho một thanh niên 35 tuổi ở bệnh viện Trưng Vương Sài Gòn. Anh ta bị sida, chỉ còn lại da bọc xương. Đôi mắt trắng nhã và giọng nói yếu ớt. Anh cũng bị xích vì đang có án của trọng tội buôn á phiện. Tôi cảm nhận rõ sự bế tắc và tận cùng của cuộc sống anh.
Tôi biết một bà bệnh phong ở trại Bến Sắn. Bà bị mất cả hai cánh tay, hai chân, đôi mắt và hai lỗ mũi. Bà nằm im lìm như một khúc gỗ. Bà đã bị bệnh phong 40 năm. Tôi thấy rõ thân phận đầy giới hạn của con người.
Tôi có một người bạn thân là linh mục giáo phận Sài Gòn, cùng dấn thân ở nông trường với tôi 1 năm. Ngài vừa xây dựng xong nhà thờ Phaolô, ở đường Lê Hồng Phong Sài Gòn thì mắc chứng bệnh ung thư tụy. Lúc đầu gia đình không cho Ngài biết rõ. Ngài còn vui vẻ tiếp tôi, giới thiệu với tôi công trình đẹp đẽ, tươm tất của Ngài. Hai tháng sau đó, Ngài lâm vào tình trạng không ăn – uống gì được. Ngài gần như không ngủ được, rất tỉnh táo để chịu đựng cơn đau đớn triền miên ở xương sống. Từ 85 kg nặng, sau gần 6 tháng bệnh, bây giờ chỉ còn 35 kg. Đến thăm Ngài lần sau cùng, tôi thấy Ngài quá đau, chỉ còn da bọc xương. Tôi nói với Ngài: Đây là trường dạy đau khổ! Ai muốn biết đau khổ thế nào thì phải tới đây!
Những đau khổ của một số cá nhân vừa kể không thể so sánh với đau khổ của cả nhân loại. Chúng ta hãy tới thăm các nhà thương – viện dưỡng lão – bệnh viện tâm thần – sida – các nhà tù…
Khi chúng ta nhìn ra xa hơn nơi chúng ta ở, chúng ta bắt gặp rất nhiều cảnh tường đau lòng: Các trẻ em nghèo lang thang kiếm sống ở thành phố Sao Paolô Nam Mỹ, các em gái làm mãi dâm ở thủ đô Băng Cốc, các người nghèo đói ở Êthiôpi và Somali, các người bị chết đói trên các đường ở Ấn độ, các nạn nhân chiến tranh bạo lực, cuồng tín ở Syrie, Algêria và một số nước Trung Đông… Hàng triệu gương mặt hốc hác vì đói – lo sợ – hàng ngàn xác chết chồng chất vì bị giết tập thể, diệt chủng. Chén đắng này là của con người, của chúng ta, của Chúa Giêsu.
Ai có thể uống chén đắng này?
Trước chén đắng, con người tự nhiên ai cũng khước từ vì sợ hãi. Chính Chúa Giê-su và chính mỗi người chúng ta, khi bị đau khổ, bị treo lên thập tự, cũng đã kêu lên: Chúa hỡi, Chúa ơi, nhân sao Chúa bỏ con!
Thế nhưng, khi để lòng trầm lắng để có thể nghe rõ hơn lời cầu nguyện đặc biệt của Chúa Giê-su: “ Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi!”, chúng ta sẽ cảm nhận được cho dù Chén đắng có bao gồm đau khổ lớn lao như thế nào cũng không cắt đứt liên hệ thẳm sâu, sắt son giữa Cha và con, giữa Con với Cha. Thật lạ lùng, dù phải uống chén rất đằng, Chúa Giê-su đã không nhường bước cho tuyệt vọng, không chạy trốn hay đẩy lùi chén đắng. Từ lòng tin yêu đối với Cha Người đã nhận ra rằng “uống cạn chén đắng” là cơ may để Người sống son sắt, hiếu thảo với Cha.
- CHÉN CỨU ĐỘ.
Sau khi Thầy trò đã dùng bữa xong, Đức Giê-su rót ly rượu của chầu rượu thứ tư – kết thúc bữa vượt qua theo nghi lễ Do Thái. Trong bầu khí khác thường, lần này, Chúa Giê-su đã có những lời đặc biệt: Người cầm lấy chén, tạ ơn, và nói với các môn đệ: “chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 10).
Thánh Sử Mac-cô diễn tả phần kết thúc bữa tiệc ly: “Sau khi hát Thánh Vịnh họ đi đến núi O-liu” (Mc 14, 16). Các môn đệ thích thú đi cạnh Thầy như mọi lần, họ không biết rằng đây là lần cuối cùng họ được bước bên Thầy. Sau lần này, họ sẽ rất nhớ Thầy.
Nhớ đến Thầy là nhớ đến tất cả Con Người: tư tưởng, lời nói, việc làm, thể xác và tâm hồn, sự chết và sự sống của Thầy. Tất cả là để thực hiện Giao Ước mới, ban Chén Cứu Độ cho con người.
Nhớ đến Thầy là nhớ đến Chén Đắng của Thầy. Tuy rất đắng nhưng trong tin yêu phó thác vào Cha, Thầy đã có sức uống cạn. Chén Đắng đã trở nên chén tình yêu của Cha cho con người, chén cứu độ cho muôn người được sống.
Nhớ đến Thầy là tuyên xưng Thầy đã chết và đã sống lại cho đến khi Chúa lại đến. Thầy đã chiến thắng tử thần, chiến thắng tội lỗi. Thầy đã trở nên căn nguyên ơn Cứu Độ và nguồn hy vọng lớn lao cho con người tội lỗi, phải chết. Nhờ tin vào Thầy, mọi người sẽ được phục sinh vinh quang như Thầy.
Nhớ đến Thầy là mọi người chúng ta hôm nay, cùng với các Ki-tô hữu trên khắp địa cầu, kính cẩn dâng hy lễ Chúa Giê-su Tạ Ơn Cha một cách không đổ máu như trên đồi Can-vê xưa, nhưng một cách của lòng tin:
“Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì máu này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Từ Bí Tích Thánh Thể, dòng suối cứu độ của Chúa Giê-su sẽ chảy đến và tưới gội tâm hồn mọi người.
Nhớ đến Thầy là mọi người của cộng đoàn giáo xứ Tạo Tác chúng ta, mỗi lần chúng ta họp mừng lễ tạ ơn tình yêu Cha với Chúa Giê-su, chúng ta nâng chén Cứu Độ của Chúa Giê-su, là chúng ta nâng chén chúc mừng cuộc sống của nhau. Những vui buồn của mọi người đều ở trong Chén Cứu Độ của Chúa Giê-su. Chúng ta đón nhận nhau, với yêu thương chân thành, Chén Cứu Độ của Chúa Giê-su sẽ trở nên chén cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.
6g00 chiều Thứ Sáu Tuần Thánh
Cha xứ Giuse, cha Vinh-Sơn Phạm Văn Mầm, cùng với Cộng đoàn giáo xứ cử hành nghi thức SUY TÔN THÁNH GIÁ, tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.
Cái chết của Chúa Giê-su là thảm kịch của lòng hận thù, nhỏ hẹp, ghen tương. Chúa Giê-su đã đón nhận thảm kịch đó với thái độ cam chịu, không một lời kết án. Có lẽ lúc ấy, Chúa Giê-su càng thấy những kẻ gây ra cái chết ấy cần được yêu thương đến cùng hơn: “Lạy Cha xin tha cho họ…”
Tâm hồn Chúa Giê-su tràn đầy tình yêu thương: với Cha (một theo ý Cha), với con người (Người đã yêu thương họ đến cùng). Thập Giá chính là tình yêu cứu độ. Giao ước mới được thiết lập bằng máu Cứu độ. Chúa Giê-su – hy lễ hiến tế trọn vẹn và vĩnh cửu.
Tạ ơn Chúa vì đức tin – tình yêu Chúa ban trong lòng mỗi người chúng ta, xin Chúa cho chúng con biết mở lòng ra: để đón nhận tình yêu – suối nguồn cứu độ, và biết mở lòng ra để chuyển tình yêu – nguồn sống vĩnh cửu Chúa ban đến cho nhiều người khác.
Sau đó, toàn thể cộng đoàn giáo xứ cùng với Chúa đi con đường Thập Giá qua chặng đàng Thánh Giá trọng thể.
Ban truyền thông Giáo xứ Tạo Tác
04/04/2015