Hội nhập văn hóa (tt) Phần III. Vài ba yếu tố từ các thành phần nền tảng văn hóa Việt.

 

Phần có thể góp của Trung Quốc cho Đạo đức học Kitô giáo

Thần thiêng ờ mức phôi thai thì chưa hẳn bắt liên lạc được với cái thiện. Các tôn giáo hoàn chỉnh là thành luỹ bảo vệ (và phát triển) đạo đức thật đấy, nhưng tôn giáo hoàn chỉnh lại ra đời quá muộn: Ấn giáo của Upanisad và Bhakti, Do Thái giáo của các ngôn sứ, cũng như Phật giáo và Jaina giáo, tất cả đều chào đời vào khoảng thế kỷ V tr.cn. Nói chi đến Kitô giáo của đầu công nguyên và Hồi giáo của thế kỷ VII. Các tôn giáo này đã gặp một hệ thống đạo lý sẵn có, mà chúng chỉ cần khai thác, hoàn thiện và đồng hóa (assimiler) bằng cách thần thánh hóa nó.

Đã xảy ra đúng như vậy đối với Kitô giáo. Chúa Giêsu nhắc tới nhiều lời khuyên Cựu ước về công lý và lòng nhân, trong khi đồ đệ Ngài lấy đạo lý Hy La mà khuyên vợ phải phục tùng chồng, con phải vâng lời cha mẹ. Kế đó suốt cho đến nay, thần học công giáo đã sử dụng hệ thống bốn đức trụ (vertus cardinales) của Platon-phái và Zenon-thuyết (Stoicisme), mà Cicéron thu tập trong tác phẩm De officiis (Các bổn phận) của ông. Bốn đức trụ nói trên là tiết độ và khôn ngoan, công bình và can đảm.

Khoa học các đức trụ của Trung Quốc có gì thâm thuý hơn và triết lý hơn, được đặt nền trên một vũ trụ quan âm dương thái hòa. Đó là những đức: chính tâm và thành ý, nhân trí dũng và trung dung.

Âm dương chưa phải là cái gì khả giác, hữu hình. Được giải thích ngay ở Hệ từ thượng (hình nhi thượng) của Kinh Dịch, âm dương là hai cái Lý siêu hình tương nghịch, mà khi hiển hiện thành hình sẽ là thừa thiếu, sáng tối, đực cái v.v. Vũ trụ quan âm dương là một vũ trụ quan quân bình và sinh động nên có nghịch có thuận và đấu tranh không ngơi cho những hòa điệu luôn luôn mới.

Sinh là lý do hiện hữu của vạn vật. Nên hễ có cơ (lẻ) là để có ngẫu (chẵn), và đây là ngay ngắn, là ở mức Trung. Để có ngẫu, âm dương phải hướng về nhau nên có hấp dẫn, yêu thương, muốn tốt và là tốt cho nhau. Như thế, cái hướng của hiện hữu là thiện. Cho nên, nghịch với sự sống là ác, tốt cho cái khác là Nhân. Lại để hanh thông (thông suốt và thịnh lên) và cảm thông, phải có Thành. Phải thành (và kính) trước tiên đối với Trời. Có điều mệnh Trời lại ở trong mình, nên hễ thành với Trời thì phải thành với mình luôn. Mệnh Trời lại hiển hiện thành Tính, chẳng những nơi tôi, mà còn nơi mọi người nữa, nên cũng phải thành và kính đối với hết thảy.

Suy tư về cách âm dương vận hành trong trời đất, đức Khổng đã hiểu ra lẽ sống, ngay ở tương quan giữa người với mình, giữa người với nhau.

Giữa người với nhau và giữa người với chính mình, điều căn bản vẫn là Thành. Thành không phải chỉ là nghĩ sao nói vậy, Thành trước tiên là có sao nghĩ thế, tức là Thành chính mình. Thành với chính mình thì phải khách quan, thuần phác. Đã khách quan và thuần phác thì hết thành kiến, tự ái chấp mê, hết trốn chạy sự thật và lẽ phải dù bất lợi cho chính mình. Cho nên theo sách Trung Dung, có thành mới phân biệt được giả chân, phải quấy. Ngược lại, có phân biệt được giả chân, phải quấy, mới đạt tới đức Thành. Thành và Minh mật thiết với nhau: hễ thành thì tâm sáng, hiểu được đạo Trời, đạo người. Mà hễ hiểu đạo Trời, đạo người thì tâm ắt Thành.

Phải nhìn Thành qua ống kính tâm lý học chiều sâu (psychologie de profondeur), thiết tưởng chúng ta mới thấy hết được tầm quan trọng của nó.

Quen nói dối, con người ngày nay đã phân ly người với người, phân lý lời với tâm. Quen sống dối trá, sự dối trá như cơn bệnh sẽ nhập tâm, khi mà để phỉnh phờ bằng lời nói và cử chỉ, con người đã nghĩ theo như thế, bất chấp bản năng tìm sự thật nó thôi thúc từ tầng sâu vô thức. Hơn nữa, quen vụ lợi rồi, tôi sẽ từ chối sự thật với tôi, khi mà sự thật ấy bất lợi cho tôi, nói cho rõ hơn, giữa một đàng là bản năng vô thức của tôi vốn hướng về chân lý, đàng kia là ý thức của tôi đang dồn nén những xung động loại tinh thần này, và đó là tai họa cho tôi. Cùng thứ tai họa với sự dồn nén xung động tầm thiêng, mà Jung đề cập đến qua cái mà ông gọi là (bản năng) huyền thoại.

Cho nên, đức Thành không những là nền tảng của đời sống luân lý, nó còn là căn bản cho mọi quân bình tâm lý nữa. Thành cho đến cùng tận – tôi có ý nói sự thuần phác, tinh thần Xích tử – sẽ mang ý thức đến gần vô thức, tạo nên sự thông suốt giữa đôi bên. Và đây là sự cứu vớt cho tôi, cả về mặt đạo đức và tâm lý vậy.

Để thái hòa thì phải có Trung. Trung là đạo Trời, nó hiển ra ở cả tâm lẫn vật. Trong tâm, nó là nguyên lý để dung hòa giữa những cảm xúc, khuynh hướng khác nhau, đừng thái quá hay bất cập, mới tránh được xáo trộn và nghẽn tắc. Làm được như thế là Trung, vững được như thế là Dung: “Bất thiên chi vị Trung, bất dịch chi vị Dung”.

Một khi ý thành, ta sẽ chính tâm, tức lòng ngay, và cảm nghiệm trong mình cái gọi là chính khí. Muốn có chính khí, phải tránh ưu phiền, giận dữ và lòng ham say khoái lạc.

Hiểu được đạo Trời và thi hành Trung Dung, thì đó là Trí (sagesse). Nhưng để bước vào và vững bước trong đạo, đấy là cái Dũng do nghị lực bên trong để làm chủ lấy mình. Nhờ đức Dũng, tôi mới kiềm chế được sợ hãi và nóng nảy để một đằng thì vững trong đạo lý, đằng khác thì khoan dung và hòa hợp với mọi người. Để có Dũng, phải có tự trọng và biết liêm sỉ (Trung Dung).

Để thật sự từ hòa và khoan dung, để vô dầu và mài trơn sự ráp cứng của Dũng, để mang đến cho lòng một cái gì ấm áp, ôn nhu hướng về con người và sự sống, chúng ta phải có đức Nhân nữa.

Chữ Nhân do nhị và người làm thành. Hai người thông được với nhau, ở cả thể lẫn đức, đó là Nhân. Không phải một người chỉ cảm thông với một người mà với mọi người. Vua Sở nói: vua nước Sở mất cung thì người nước Sở được cung. Đức Khổng cho thế vẫn còn hẹp. Đạo Nhân phải vượt cả biên giới và chủng tộc nữa: vua nước Sở mất cung thì người khác được cung, đi đâu mà mất. Vì theo đức Khổng: Tứ hải chi nội giai huynh đệ!

Đó cũng là ý nghĩa của Mặc tử (người đến sau đức Khổng một tí) khi ông ta chủ trương: lòng Nhân phải rộgn như Trời, mà Trời sáng soi hết mọi người. Đối với đức Khổng (giải thích Kinh Dịch), đạo Trời là Sinh, thể hiện ở đạo người là Nhân vậy.

Trong tâm hồn, thì Nhân là dễ cảm ứng, nên đau với người đau, rung cảm trước những nỗi khốn khổ14. Người bất nhân giống như kẻ bị bệnh ma mộc (tê cứng), không còn biết thương xót là gì nữa.

Nguyên tắc của Nhân là “Sở kỷ bất dục, vật thi ư nhân”: Hễ mình muốn lập gì thì lập cho người, hễ mình muốn đạt gì thì đạt cho người. (Luận ngữ)

Nhờ Nhân nên khôgn còn tư tâm, vị kỷ, nóng giận, thù ghét. Nhờ Nhân mà phát sinh sự chân thành nữa:

Xảo ngôn lịnh sắc tiển hĩ nhân (khéo nói và trau chuốt sắc dạng thì kém lòng nhân) (Luận ngữ I)15

Lại nhờ Nhân mà có hòa hợp trong gia đình nên tâm an, có hòa hợp giữa mọi người nên có hòa bình. Vì thế đức Nhân giống như ngọn núi an vững, từ đó mọc lên như cây xum xuê những đức tính khác. Vậy người nhân sẽ là con người chí thiện, sát gần con người lý tưởng. Bậc nhân chỉ kém bậc thánh một đốt ngón tay thôi. Nên thánh chính là thành nhân đến tột độ vậy.

Một đức Nhân như thế sẽ là mảnh đất màu mỡ nhất thế giới để ương trồng đức Ái Chúa Kitô. Đức Nhân ấy đã luyện lọc tâm tư người Trung Quốc. Cái tâm Trung Quốc này đã sản sinh nổi, chẳng những học thuyết về Nhân của Khổng giáo mà còn học thuyết Kiêm ái của Mặc giáo nữa. Giống như Trời gộp hết mọi cái vào mà sáng soi và vun đắp cho. Kiêm ái thì phải coi người như mình và làm tốt cho người.

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Lễ khấn đầu tiên của Dòng Tên tại Pakistan

Thứ 7, ngày 24/2/2024 là một ngày đặc biệt với các Giêsu hữu của Pakistan, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *