[Hạnh các Thánh]: 21-02 Thánh Phêrô Đamianô – Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh  
(1007-1072)

Ngài sinh năm 1007 ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh này mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.
Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.
Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các tu sĩ Biển Ðức thuộc nhánh cải cách của Thánh Romuald ở Fonte Avellana. Các vị ẩn tu thường sống từng đôi trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.
Do một quyết định của toàn thể các vị ẩn tu, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị tu viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm tu viện ẩn cư khác. Ngài duy trì tinh thần ẩn dật, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị ẩn tu dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Ðaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ tu viện trưởng ở Holy Cross.
Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong các bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.
Trong nhiều năm, Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Ðức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.
Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi sự kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Ðức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Ðức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.
Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.
Ngài thường xin Ðức Giáo Hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Ðức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại.
Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng 2 năm 1072 với các tu sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng. Ngài được chôn cất trong nguyện đường của tu viện. Thánh tích của ngài được chuyển dời vài lần. Lần di chuyển sau cùng vào năm 1898 ngài được an nghỉ trong nguyện đường kính Thánh Peter Damian của nhà thờ chính tòa Faenza, nước Ý Đại Lợi.

Ngài không được chính thức phong thánh nhưng Đức Giáo Hoàng Leo XII cho phép tôn kính ngài năm 1823 và tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 27 tháng 9 năm 1828.

Kiểm tra tương tự

Khoá học: “Giáo huấn giáo hội về mục vụ hôn nhân và gia đình”

Bạn thân mến! Từ công đồng Vatican II, Giáo Hội mở ra cuộc canh tân …

Ước ao được sống đời đời | Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm B

Hạnh phúc là niềm khao khát tự nhiên và chính đáng của mỗi con người. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *