Hoành Sơn, S.J.
Hạnh phúc là cái mà người người đều mơ ước và mưu tìm suốt đời. Thế nhưng mỗi người lại đặt hạnh phúc ở một chỗ khác nhau.
Có kẻ cho hạnh phúc, đó là ăn ngon và ở sang, hay vợ đẹp và con khôn. Có kẻ lại khát khao tiền tài và danh vọng. Trong khi ấy, một số người bỏ đi tu, nghĩ rằng cuộc sống hiện tại mau qua với những niềm vui bé nhỏ, chẳng đáng gì so với cõi cực lạc hay thiên đường vĩnh cửu phải tìm ở thế giới bên kia.
Một số nhà khoa học nay cho rằng : sướng hay khổ đã được định đoạt sẵn, ngay từ lúc sinh ra, bởi gen và thần kinh hệ rồi, do đó mà có người dễ sống vui tươi, kẻ lại đắm chìm trong phiền muộn.
Hạnh phúc tiềm phục sẵn trong cơ thể
Quả là, trước cùng một biến cố hay cảnh ngộ, có người dễ nhìn thấy ý nghĩa tích cực của nó, nên lạc quan; kẻ lại chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực, nên sinh yếm thế. Phải chăng là do một gen hay hócmôn thần kinh nào đó?
Này nhé, kẻ giầu Dopamine thì thích cái mới và hướng động, nên sẵn sàng vượt khó, dễ yêu đời. Còn kẻ mạnh về Serotonine lại hướng tĩnh, nên gặp chướng ngại thì chùn chân, do đó luôn trong trạng thái bất an. Riêng kẻ nhiều Noradrénaline thì sống lệ thuộc vào sự khen thưởng của người khác. Thêm vào đấy, chất cortisol từ thượng thận tiết ra dễ gây stress, nên được mệnh danh là “hocmon của stress”.[1]
*
Chẳng những hạnh phúc được ương mầm ở cặp nhiễm sắc thể hay ở não bộ, nó còn bị điều kiện hoá bởi sự dễ chịu hay khó chịu gây nên do tình trạng tiêu hoá và bài tiết nữa. Khoa sinh học nay phát hiện khá nhiều căn bệnh, kể cả stress, có nguồn gốc ở sự rối loạn phần bụng dưới, tại đấy sống chung với ta có cả một thế giới vi khuẩn gồm mấy chục ngàn tỷ con thuộc trên 500 loại khác nhau. Hằng ngàn tỷ kiều cư ấy làm nên cái mà sinh học gọi là “não bộ thứ hai” của con người, khi mà những tín hiệu từ hệ thần kinh ruột (với 200 triệu nơ rôn) gửi đến toàn cơ thể có khả năng tác động vào trí nhớ, giấc ngủ của chúng ta, thậm chí gây stress nữa. Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy lắm khi âu lo hay khó tính phát sinh từ sự rối loạn ở hoạt động đường ruột. Nhất là khi phần lớn Serotonin được sản sinh ở đường ruột, những seroronin ấy kích hoạt não ở vùng dưới đồi, vùng chi phối cảm xúc. Thế mà serotonin ở ruột lại là một lá chắn phòng vệ, nên khi ruột bị nhiễm trùng chẳng hạn, nó sẽ gửi thông điệp đi cùng với một cảm xúc tiêu cực, khiến cho nếu bụng không yên, thì cái đầu cũng không thoải mái!
Nên nhớ, đám vi khuẩn đường ruột nói trên không phải là khách trọ suông, cũng không chỉ đến sống chung với tôi và chia phần thức ăn từ miệng tôi cung cấp, mà còn tích cực hỗ trợ tôi trong tiêu hoá và bài tiết, cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của những vi khuẩn độc hại, nên rất cần cho sức khoẻ, và qua đó cho sự thoải mái tinh thần nói trên.
Chưa hết, trong mỗi người chúng ta có một chiếc đồng hồ sinh học nó điều hoà nhịp hoạt động của các cơ quan bên trong, kể cả giấc ngủ của anh nữa. Sự hình thành chiếc đồng hồ sinh học ấy có phần góp sức không nhỏ của đám vi khuẩn đường ruột đấy.[2]
Như thế, sự ổn định trong sinh hoạt đường ruột rất cần cho sự an khang thể xác và sự an lạc tinh thần. Và cũng nhờ thế mà bệnh-lão-tử khó tiếp cận tôi, bệnh-lão-tử nó thuộc tứ khổ theo Phật giáo.
Hạnh phúc ở tiền tài và danh vọng?
Ngoài những cái khoái ở thân xác, còn những cái khoái nằm bên ngoài, nơi tài sản và danh vọng.
Thời xưa, cái mà người ta sở hữu là hiện vật, như gạo thóc, trâu cày, ruộng vườn và nhà ở. Khi thiếu cái gì, người ta chỉ việc lấy cái mình dư mang trao đổi. Sau đó, trao đổi hiện vật chuyển sang mua bán bằng quý kim là vàng bạc : giá một thùng thóc hai lương bạc, giá một con trâu 200 lượng,v.v…. Để ổn định cân lượng, nhờ đó giúp mua bán dễ dàng, chính quyền đứng ra làm tiền bằng bạc thật, như đồng denarium của La mã cân đúng 3g898. Dẫu sao, mang nhiều bạc hay tiền bạc bên mình sẽ cồng kềnh và nguy hiểm, nên sau đó người ta thay thế bằng ngân phiếu: ngân phiếu một ngàn lượng, ngân phiếu một vạn lượng,v.v..Người sở hữu chỉ việc mang mấy tờ giấy ngân phiếu tới thị trấn, nơi có chi nhánh của hãng phát hành, để đổi lấy bạc thật hay tiền bằng bạc thật mà tiêu. Về sau, chính quyền các nước sẽ thay thế ngân phiếu bằng tiền giấy, với mệnh giá xác định khác nhau. Và thế là tài sản bằng hiện vật đã chuyển thành tài sản bằng tiền tài, từ đó nổi lên những triệu phú, tỷ phú,
Vì tiền luôn kéo theo thế (thế lực), nên giàu cũng thành sang luôn. Và người ta nói:
-“Có tiền mua tiên cũng được.”
Hay :
-“Bần cư trung thị, vô nhân vấn,
Phú tại thâm sơn, hữu khách tấm.”
Hay :
-“Bố đĩ giàu, bố đĩ tiên,
Ông tổng không tiền, ông tổng tểnh.”
*
Thực ra, kẻ có quyền lực thực, như ông cai tổng, ông tri huyện hay tổng đốc cũng “sang” như thế, và còn hơn thế. Ngoài ra, người đời cũng có thể tìm danh vọng nơi văn tài : đỗ tiến sỹ; nơi vũ đài : võ trạng nguyên ; hoặc bằng những tác phẩm để đời của mình, như tượng Pietà của Michelangelo, như thuyết Tương đối của Albert Einstein, như Truyện Kiều của Nguyễn Du v.v…
Dẫu sao, dù tiền tài hay danh vọng, dù vợ đẹp và con khôn, tất cả cũng chỉ là sở hữu, là cái bên ngoài ta. Nên những hạnh phúc ấy đều bấp bênh, đều mau qua như những thứ ấy. Vì thế, các nhà hiền triết quay về tìm hạnh phúc nơi mình, bằng cách thay đổi chính mình.
Hạnh phúc tìm nơi mình
Đây là con đường, hay Đạo, của Đức Phật và Lão tử.
Theo Lão tử, con người vốn tham thanh chuộng lạ, được voi đòi tiên : ăn ngon rồi lại muốn ngon hơn, khá giầu rồi vẫn còn muốn chất thêm của cải, không bao giờ thoả mãn được, vì thế mà khổ. Nên vấn đề không phải là xây thêm kho, nhưng là vét rỗng tâm hồn mình. Nghĩa là bỏ Xảo là cái cầu kỳ, khó kiếm; và tìm Phác là cái thô sơ, đâu đâu cũng có. Nói rõ hơn, hãy sống đạm bạc và bằng lòng vời những cái mình hiện có :”Tri túc giả phú”, luôn thấy Đủ, đó là Giầu. Đúng như nguyên tắc mà hiền triết Pháp đưa ra :”Se contenter de peu” (Bằng lòng với cái gì nhỏ bé). Đồng thời hãy bỏ cái Tôi đi :”ngoại kỳ thân”, không tìm mình thì sẽ luôn yên ổn.
Đức Phật cũng nghĩ như vậy. Khổ là do Tham, Sân và cái Tôi. Vì Ham nên không bằng lòng với cái mình có. Ví Ham mà người khác giành mất, nên tức giận, Sân. Nên giải pháp là trị cho dứt Tham Sân bằng quán tưởng : tất cả là Hư vô; và cái Tôi nó ham muốn và sầu muộn, cái Tôi ấy thật ra cũng không có. Nói chi đến thân xác dễ hư hoại này nó bám đeo theo cái Tôi, để được kẻ ngu si mang cái Tôi áp đặt vào khi họ nói : Tôi ăn, Tôi ngủ, Tôi đau tim, đau bụng,v.v…
Hạnh phúc nhất là ở quan hệ Yêu thương
Theo Đạo đức kinh, hạnh phúc vững chắc chỉ có thể tìm ở mình, bằng cách thay đổi chính mình : bằng lòng với những cái thô sơ dễ có, thì luôn thấy đầy đủ!
Nhưng theo kinh nghiệm phần đông, hạnh phúc lớn nhất lại không phải hạnh phúc riêng mình, mà của Hai-Mình, tuy Hai mà thành Một do yêu thương. Không phải cái Một tĩnh, mà cái Một năng động nó thôi thúc cho hai người gắn bó với nhau, hầu thành một với nhau bằng cả tâm hồn lẫn thể xác, khiến cho người ta thich gọi nhau bằng “Mình ơi” một cách thân thương.
Tinh yêu là một sức mạnh ghê gớm. “Tinh yêu mạnh như sự chết”, sách Diễm (tình) ca (8.6) nói. Mạnh như sự chết, nên cũng sướng như điên, và nó kích động toàn con người, từ tâm hồn đến cơ thể, từ não bộ đến hệ tuần hoàn,v.v…Nhờ thế, người đang yêu thấy khoẻ hẳn lên và dám làm những cái mà người thường không dám. Men yêu đúng là một thứ ma tuý vậy.
Tinh yêu lứa đôi là cao đỉnh của tình yêu. Bên dưới còn biết bao thứ tình khác kém nồng nhiệt một tí, và đây là tình phụ mẫu tử, tình huynh đệ muội, tình bằng hữu, tình quể hương…Vậy nếu tình yêu lứa đôi khiến người ta sảng khoái và khoẻ hẳn lên, thì các tình yêu bên dưới cũng có lợi cho sức khoẻ một phần. Ngược lại, sự hận thù và ghen ghét sẽ làm ta sinh bệnh, do đó gián tiếp làm ta đau khổ. Và đây là khám phá của bác sỹ David Hawkins danh tiếng bên Hoa kỳ, mà con bệnh đến từ khắp nơi trên thế giới.
Theo David Hawkins, dễ bệnh là những ai thiếu món Yêu trên thực đơn hằng ngày của họ, khiến thế giới xung quanh biến thành tảng băng lạnh lẽo, thành môi trường độc hại của những vi rút là oán ghét và giận hờn. Ông đã thử đo từ trường trên thân thể rất nhiều người. Ở những kẻ đang ghét hận, tần số rung động luôn ở dưới mức 200 khá xa, thậm chí chỉ có 30,40. Trái lại, người sống có tình thương thì tần số vượt xa trên mức 200, thậm chí tới gần 1000.
Ngoài ra, người có trái tim nhân hậu, đầy tình thương đối với nhân loại và được đời yêu mến, thì tần số rung động rất cao của họ cũng toả sóng ra xung quanh. Và đây là trường hợp của Mẹ Têrêsa Calcutta khi lên nhận giải Nobel hoà bình tại Oslo năm 1979. Bầu khí hội trường lúc ấy thật hưng phấn, và tần số rung động của từ trường đo được ở đấy cao vọt hẳn.
Xem như thế, sức khoẻ mỗi người tuỳ thuộc một phần không nhỏ vào tâm tình ghét yêu của họ và của xung quanh đối với họ. Thế mà sự ổn định sức khoẻ cũng giúp cho tinh thần sảng khoái và an lạc, hạnh phúc.
Đức Giêsu : Đường tới hạnh phúc là Yêu đến hy sinh
Đường tời hạnh phúc theo Chúa cũng là Yêu, nhưng yêu không theo thói thường, mà yêu như Thầy yêu :
-“Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em!” (Gio.13.34)
Mà Thầy yêu thế nào? Thầy đã hy sinh trên thập giá vì sự cứu độ của những con người tội lỗi. Nên yêu như Thầy thì phải “hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Gio.15.13).
Sống giữa một bầu khí yêu thương đến thế, bầu khí trong đó mỗi người biết quên minh vì hạnh phúc của anh chị em, hẳn ai nấy đều sung sướng (agalliasis) và tất cả “ý hợp tâm đầu” (homothumadon) với nhau, như sách Công vụ tông đồ (2.44-46) nói lên : yêu thương và “ý hợp tâm đầu” đến nỗi người ta bỏ chung của cải để sống chung với nhau, bán tài sản đi để chia sẻ cho những ai túng thiếu.
Cũng chinh nhờ tinh thần cộng đồng, chia sẻ ấy, mà tất cả được hưởng sự bình an đặc biệt, bình an “không như thế gian cho”, nhưng “bình an của Thầy” (Gio.14.27). Đây là sự đầm ấm do yêu thương mà có, khác với bình an trong đó mỗi người chỉ lo cho mình, dù không muốn xích mích với xung quanh để tránh bị “ăn miếng trả miếng” : một thứ bình an lạnh giá của Bắc cực!
Bình an mà Thầy Giêsu ban, do thả neo vững vào Cbúa trong tin tưởng và nương tựa vào nhau trong yêu thương, sự bình an ấy luôn tồn tại dù giữa những bách hại và thử thách, như chính các tông đồ đã trải nghiệm :
-“ Ra khỏi Thượng hội đồng (sau khi bị đánh đòn), các tông đồ vui sướng vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì Danh Đức Giêsu” (Công vụ tông đồ, 5.41).
*
Thật ra, hạnh phúc chính mà Chúa hứa cho ta là hạnh phúc vĩnh cửu, “mặt đối mặt” với Cha ở thế giới bên kia cơ, nhưng nó có thể được nếm thử đôi chút bầy giờ trong tình thương siêu nhiên và sự “bình an của Thầy”, nhất là trong vượng cảm huyền nhiệm.
Quả thế, trong huyền nghiệm, tức chiêm niệm thiên phú, thánh nhân được hưởng một thứ an lạc tuyệt diệu mà thánh Tiên sa Avila gọi là Gustatus,vượt xa cái mà nữ thánh gọi là laetitia, contentement (Lâu đài, cung 4, ch.1), hay sự hưng phấn, sốt sắng trong chiêm niệm chủ động[3]. Đây mới chỉ là nếm trước tí ti thứ hạnh phúc vĩnh cửu trên Trời, nhưng đã cảm thấy ngọt lịm rồi. Có điều, vì đây chưa phải “diện đối diện” (1Cor.13.12), nên càng nếm càng thêm thèm. Do đó, theo kinh nghiệm của Tiên sa Avila, chỉ cần một ý tưởng, là chưa thể về cùng Chúa ngay, thì người ta cảm thấy “như một nhát búa, một mũi tên lửa…tia lửa dù chỉ thoáng qua, cũng biến thành tro bụi tất cả những gì nó gặp nơi bản tính phàm trần của chúng ta”.[4]
[1] Xin đọc thêm Science et Vie, th.2/2016, tr.46-62.
[2] Xin đọc thêm Science et Vie, th.4/2016, tr.48-66.
[3][3] Khi suy niệm mà chỉ cần một ý tưởng đủ khiến hành giả sốt sắng kéo dài cả tiếng đồng hồ, thì hành giả đã đạt tới chiêm niệm, và đây là chiêm niệm chủ động, do cố gắng của mình với ơn Chúa trợ sức. Tới đây, thì Chúa Thánh Thần có thể vào cuộc trực tiếp, để biến chiêm niệm ấy thành chiêm niệm thiên phú (contemplatio infusa).
[4] Lâu đài, cung 6, ch.11.