Hành Trình Mùa Hạ – Một Cảm Nghiệm Từ Chuyến Tông Đồ Miền Tây Nam Bộ

Sáng sớm tinh mơ, nắng len lỏi vào ô cửa sổ nhẹ nhàng đập vào đôi mắt xanh. Tôi  bắt đầu thức giấc vào khung giờ ấy như 1 thói quen, chợt nhận ra không còn ngửi thấy mùi hương quen thuộc của vùng đất đó, không nghe thấy tiếng chị em trong phòng hối hả đánh thức nhau dậy đọc kinh.  Nín thinh một lát, tôi  nhận ra mình đã kết thúc chuyến tông đồ hè ở miền Tây tự bao giờ, đang nằm trên chiếc giường cũ kĩ nơi phòng trọ nhỏ. Vội quệt hàng nước mắt, tôi tự dặn lòng mình phải tập quen với điều đó. Nay đã trở về với cuộc sống thường nhật với Sài Gòn xô bồ hối hả mà tâm hồn vẫn còn vấn vương nơi đó. Hành trình ấy đã “để thương để nhớ” cho tôi nhiều điều.

Kết thúc năm nhất đại học, tôi choáng ngợp trước sự vần xoay nhanh chóng  của thời gian. Mùa hạ đã gõ cửa, với bao nhiêu dự định, kế hoạch phía trước: nào là về quê thăm bố mẹ, nào là đi làm thêm…  Thế nhưng,  hình như tình yêu đối với nhóm sinh viên Công giáo (SVCG) Nông Lâm  quá lớn đã cảm hóa tôi.  Nghe theo tiếng gọi đó, tạm gác mọi kế hoạch,  hứa với bố mẹ rằng “xuân sau con sẽ về” tôi sẵn sàng đi đến vùng đất mới, dành 1 phần mùa hạ để sống, để phục vụ và để khám phá nơi mảnh đất Giáo Họ Minh Hòa, tỉnh Kiên Giang; và rồi nặng tình với vùng đất và con người nơi đó. Thế là tôi viết nên câu chuyện cho riêng mình: “ hành trình mùa hạ”

“Ơn Ta có đủ cho con”. Quả vậy, tôi nghĩ rằng mọi thứ không dĩ nhiên mà diễn ra, chính Thiên Chúa đã thương ban hồng ân để tôi có những trải nghiệm đẹp đó. Thời tiết độ cuối tháng 6 oi nóng quá! Những giọt mưa mùa hạ thì cứ tí tách rơi; còn xung quanh thì những ngọn gió thưa dần như bất lực trước cái nóng bức bối này. Rời xa thành phố, lần đầu tiên về với miền Tây, lòng tôi háo hức bao điều… Chiếc xe lăn bánh băng qua những con kênh dài đằng đẵng. Tôi nhẹ vén tấm màn che ngắm từng lớp lục bình trôi dạt và hàng dừa “lùn” mà trĩu quả. Những ngọn gió vương lên tóc người như đang chào đón. Nắng ở miền Tây Nam Bộ không gắt như miền Trung…

Ngay cái khoảnh khắc đặt chân xuống cổng giáo họ Minh Hòa tôi đã cảm nhận được tình người ấm áp qua sự chào đón nhiệt tình của mọi người nơi đây, nhất là quý thầy và quý hội đồng mục vụ. Họ vất vả chuẩn bị nơi ăn cũng như chốn ở cho anh chị em sinh viên chúng tôi. Hơn nữa, tôi cũng ấn tượng mạnh với 1 mùi vị rất lạ và đặc biệt, chính là mùi mắm tôm, đặc trưng của cả vùng đó. Cái mùi mà khi trở về tôi còn nhớ mãi. Nó gợi nhớ gợi thương đến là lạ! Tôi nhớ tiếng nô đùa, khúc khích của bọn trẻ con quanh nhà thờ.  Những ngày sống ở đây, sinh viên chúng tôi được sự quan tâm bảo ban của quý cha dòng Tên, vị cha chung dễ mến, luôn coi sinh viên như con cái ruột thịt.  Với nhiệm vụ chính là dạy học,  chúng tôi được chia lớp và đảm nhiệm về nhiều môn.  Những ngày đầu với tôi, tiếng “cô” trở nên thiêng liêng đến lạ. Đó là lần đầu tiên tôi được gọi với cái tên ẩn chứa sự trách nhiệm và quý trọng như vậy. Những ngày lên lớp là những chuỗi kỉ niệm, cùng cười, cùng hát, cùng học  và đặc biệt là đá banh với tụi nhỏ. Tôi yêu sự ngây thơ, đơn sơ  và nhớ từng khuôn mặt, từng giọng nói dễ thương của bọn nhỏ; để rồi mai đây không biết có còn cơ hội gặp lại nữa hay không… Lịch sống trong khoảng thời gian ấy như giúp tôi gần lại với mọi người hơn và  gần Chúa hơn vì được tham dự thánh lễ, kinh nguyện hàng ngày, cũng như xét mình và làm phút hồi tâm cá nhân. 

Image may contain: 10 people, including Cỏ Dại, people smiling, people sitting and indoor

Nơi đây cũng có những ngày mưa dữ dội làm tôi nhớ những mảnh đời bất hạnh khi đi có dịp thăm người nghèo trong xóm. Người nghèo mà tôi gặp không chỉ nghèo về vật chất nhưng còn thiếu thốn về tinh thần. Có lần, bàn tay nhăn nheo vất vả của một cụ già 80 cầm lấy tay tôi. Cụ nói: “mai mốt các cô quay lại nhà bà chơi nhé!” Tôi nở nụ cười mà lòng nhậm ngùi. Cũng có những cụ tin vào Chúa khi đã bước vào tuổi xế chiều, làm cho tôi thêm xác tín vào niềm tin của mình hơn. Tôi nhớ những lần tổ chức sinh hoạt với tụi nhỏ, cùng nhảy điên cuồng theo điệu nhạc mặc cả trăng mây, quên hết bao mệt mỏi; hay cùng nhau lao vào những trò chơi vui nhộn. Làm sao quên được những lần đi phượt khám phá Kiên Giang, những lần lên núi xuống biển… Tôi còn nhớ cả kỷ niệm một lần nọ, vì một chút bất đồng ngôn ngữ mà khi về tôi thiết nghĩ mình có thể viết được cả câu chuyện cười vĩ đại.  Giờ những kỉ niệm ấy chỉ biết gói gọn trong vài tấm ảnh vô giá.

Với tôi, những ngày ở nơi tông đồ thật ý nghĩa. Tôi nghĩ mình đã lỡ đánh rơi trái tim nơi miền Tây mất rồi. Chính sự nối kết của đức tin với tình yêu, giữa thiên nhiên với con người nơi mảnh đất giáo họ Minh Hòa làm cho tôi thêm yêu thêm nhớ.

Thời gian đúng là không chờ đợi một ai, khi đã quen với nhịp sống,  hòa nhập với mọi thứ, thì tôi lại phải nói lời tạm biệt mảnh đất này.  Chỉ tiếc là bản thân chưa đủ nhiệt huyết để cống hiến và phục vụ cho trọn. Ngày tôi trở về trong sự xúc động , nghẹn ngào, là ngày mà lần đầu tiên tôi có cảm giác hạnh phúc khi chứng kiến tình cảm của người khác dành cho mình. Những đứa học trò nhỏ lẽo đẽo chạy theo sau như muốn tiễn cô đến hết chặng đường, những giọt nước mắt đã rơi kèm theo cái ôm thật chặt vì biết rằng không hề hẹn ngày quay trở lại… nhưng dù sao chúng ta đã là một phần thanh xuân của nhau.

Tạ ơn Chúa, tri ân Người đã cho chúng tôi những cuộc gặp gỡ này. Những kỷ niệm đẹp ấy sẽ tăng thêm động lực cho những ngày sống đầy ý nghĩa sắp tới của tôi.

Chiếc xe đã chuyển bánh, những cái vẫy tay xa dần đến mất hút. Tôi như có cảm giác của ngày đầu xa quê, cay cay khóe mắt, lòng nặng trĩu đến khó tả. Đó là vì nhớ vì thương vì muốn gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây thêm nữa. Mảnh đất giáo họ Minh Hòa đã cho tôi góp nhặt và hoàn thiện hành trình mùa hạ cho mình, cho đời và cho người.

Sv. Tê-rê-sa Nguyễn Thị Tâm – Nhóm SVCG Nông Lâm

Kiểm tra tương tự

Làm gì cũng được, miễn là làm cùng nhau

Nhóm SVCG Lạc Hồng chính thức sinh hoạt và có những định hướng ban đầu …

Thánh lễ khởi đầu sứ vụ Giám Tỉnh của Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.

Sau khi được cha Bề Trên Cả Dòng Tên Arturo Sosa, S.J. bổ nhiệm làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *