“Hãy ăn khi còn có thể!”

Hẳn khi thoáng qua tiêu đề bài viết, có nhiều phản ứng cho rằng câu tiêu đề nghe đậm chất thế tục và vật chất. Vâng! Tôi chọn tiêu đề này để khai triển những ý tưởng nho nhỏ tiếp sau trong một bối cảnh rất đặc biệt: cơn đại dịch đang hoành hành; bao nhiêu bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; nhân loại đã, đang và cũng có thể sẽ sống trong cảnh ăn không ngon và ngủ không yên. Vì thế, tôi muốn đề cập đến vấn đề “ăn không ngon” đúng nghĩa đen của nó, chứ không chủ ý vận hành ngôn từ cách bóng bẩy để khuất lấp thực tại kiếp người.

Tiên vàn, cần xác minh chúng ta là con người có xác thịt và linh hồn. Trong phạm vi bài viết, xin không bàn về linh hồn, để chỉ nói đến những yếu tố dưỡng nuôi xác thịt: lương thực – thực phẩm hàng ngày. Nhu cầu ăn – uống là nhu cầu thiết yếu của mỗi sinh vật, kể cả con người. Không sinh vật nào hay người nào có thể tồn tại và duy trì tình trạng sống còn mà không qua ăn – uống. Thế thì tại sao có người cố chối bỏ nhu cầu này? Liệu nhu cầu ấy có đáng bị khinh khi đến như vậy?

Thứ đến, cũng phải xác minh rằng đối với nhiều người chuyện ăn – uống trong những lúc bệnh tật quả là cực hình. Những bệnh nhân của dịch Covid có thể minh chứng về những điều này rất cụ thể. Đó là khi họ bị mất vị giác hay cảm thấy thể trạng mệt mỏi, thì chuyện ăn uống với họ là chuyện vô cùng chán nản. Ăn mà không cảm giác vị ngon cũng như hương thơm của món ăn. Ăn mà muốn ăn cho xong rồi thôi. Ăn mà muốn kích thích cho thức ăn ra khỏi cơ thể bằng đường miệng ngay lập tức vì khó chịu. Thậm chí không cần là những bệnh nhân của đại dịch Covid, chỉ cần một cơn sốt, cảm mạo hay triệu chứng thông thường nào khác chúng ta cũng cảm thấy như thế. Vậy tại sao lúc khỏe mạnh chúng ta không bảo vệ sức khỏe cách hợp lý?

Cuối cùng nhưng là nền tảng, cần hiểu rằng lương thực là tặng phẩm Thiên Chúa ban cho con người. Sách Sáng Thế thuật lại: “Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.”” (x.St 1, 29-30) Cũng vậy, trong Kinh Lạy Cha chúng ta vẫn đọc có câu: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày.” Như thế, chuyện ăn uống đâu phải là chuyện xấu mà thậm chí còn là tặng phẩm Chúa ban cho cuộc sống con người, trừ khi ăn uống vô độ, chè chén say sưa mới là chuyện đáng trách.

Từ ba điều trên, tôi ngẫm đến chính tiêu đề bài viết: “Hãy ăn khi còn có thể!”. Điều này được hiểu là một lời mời gọi để mạnh dạn ăn – uống song song với chuyện biết ăn – uống đúng cách, vì đó là chuyện chúng ta nuôi dưỡng thân xác – mà thân xác chúng ta vốn là công trình Thiên Chúa đã dựng nên, hay như thánh Phao-lô nói: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (x.1Cr 6,19). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 364 có dạy: “Thân xác của con người được dự phần vào phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa”: nó là thân xác nhân linh (corpus humanum) chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động, và toàn bộ nhân vị được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Đức Kitô.” ( x. 1Cr 6,19-20; 15, 44 – 45). Chính vì thế, bạc đãi thân xác cách thái quá cũng là một cách trốn tránh “trách nhiệm về sự sống của mình trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sự sống”, bởi lẽ “chúng ta có bổn phận đón nhận với lòng biết ơn và gìn giữ sự sống để tôn vinh Thiên Chúa và được cứu độ. Chúng ta là ngƣời quản lý chứ không phải là chủ của sự sống mà Chúa đã trao ban. Chúng ta không có quyền định đoạt về mạng sống mình.” (x. GLHTCG số 2280)

Cách riêng trong giai đoạn dịch bệnh này, mỗi người chúng ta được mời gọi ý thức tự bảo vệ chính mình và, sau đó, là bảo vệ những người xung quanh mình. Xin không kể đến những biện pháp y tế trong bài viết này, chúng ta cần thiết giữ gìn sức khỏe cách hợp lý và chu đáo bởi lẽ khi biết chăm sóc cho bản thân mình qua chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, đủ chất cũng là lúc chúng ta bảo đảm sức khỏe của mình trong tình trạng ổn định. Đồng thời, khi đó chúng ta có thể cùng đồng hành với những người thân cận bằng những hành động thiết thực nhất.

Không để việc hy sinh mang nét thái quá nhằm dẫn đến những hệ quả không tốt đẹp cho bản thân, cũng như không chăm chút bản thân thái quá để quên bẵng quanh mình còn biết bao con người cần giúp đỡ. Hay nói rõ hơn là việc giúp đỡ người khác đâu phải chỉ ở trên môi miệng qua việc cầu nguyện, mà hơn hết còn là nỗ lực để làm những hành động cụ thể để giúp họ trong giới hạn cho phép, đương nhiên là trong tình trạng sức khỏe tốt. Biết điều chỉnh một đời sống vừa phải nhưng đảm bảo tất cả cùng nhau thăng tiến chứ không bỏ sót lại bất cứ một ai vốn là điều cần thiết, cụ thể là qua việc biết cách ăn – uống.

Chưa bao giờ lời chúc sức khỏe có vai trò quan trọng như những giây phút căng mình chống chọi với đại dịch như thế này. Mọi nỗ lực của chúng ta là cùng nhau vượt qua đại dịch, chứ không phải để cứu người này và bỏ lại người kia. Có người bảo vui với nhau rằng: “Đừng để dành tới lúc mất vị giác rồi mới tập trung ăn uống. Hãy ăn khi còn có thể cảm giác đồ ăn ngon. Hãy chia sẻ với người khác khi ta còn đủ sức khỏe và đủ tình yêu dành cho họ. Câu nói vui ấy lại trở thành lời khuyên chân thật.

Xin hãy nhìn vào các y bác sĩ và những thiện nguyện viên đã và đang và có thể sẽ tiếp tục căng mình nơi các bệnh viện chữa cho các bệnh nhân Covid. Thậm chí có người sắp tới sẽ không thể có cái tết âm lịch với gia đình. Đơn giản chỉ vì đạo đức nghề nghiệp của một y bác sĩ không cho phép họ bỏ rơi bệnh nhân, lương tâm của những thiện nguyện viên không cho phép họ bỏ rơi anh chị em mình. Cũng vậy, Thiên Chúa qua tiếng lương tâm không cho phép chúng ta bạc đãi với sức khỏe của mình … để dẫn đến các hệ lụy không mong muốn. Vì vậy, không nên vì sự chểnh mảnh trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân mà vô tình ta lại chất thêm gánh nặng trên vai các y bác sĩ và các tình nguyện viên, vốn đã khá vất vả trong suốt 2 năm vừa qua. Một  tinh thần bác ái có suy xét cẩn trọng, một cái nhìn xa kết hợp với cái trông rộng cũng là ở điểm đang bàn đây.

Xin hãy biết nâng niu chăm sóc sức khỏe của mình, cụ thể là qua việc ăn – uống điều độ hợp lý. Nhờ đó mà tinh thần cũng được thư thái, an nhiên. Vì La ngữ có câu “Mens sana in corpore sano” – Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện[1]. Hơn nữa, biết chăm cho mình hẳn cũng biết chăm cho người. Cảm được ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân hẳn cũng cảm được ý nghĩa sự hiện hữu của tha nhân. Đó cũng là cách chúng ta đáp trả lại Tình Yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

 

T.K

 

 

[1] Juvenal,  Satire X, 10.356-64.

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Một bình luận

  1. Nguyễn Minh Nguyệt

    ăn uống thực sự là chuyện vô cùng quan trọng. Con đồng tình với điều đó. Nhưng thực tế ăn như thế nào mới đúng. dạo này con có xem video liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật. con giật mình, ngã ngửa và suy nghĩ rất nhiều về như thế nào là ăn. như thế nào giúp người khác thoát khỏi đói nghèo. Có vẻ chúng ta tích cực chống đói nhưng lại đem đến bệnh tật. Và hiện trạng covid, có lẽ vấn đề thực sự ở chỗ chúng ta đã đi sai từ đầu.
    https://www.youtube.com/watch?v=0QJz_111iMM&t=96s
    https://www.youtube.com/watch?v=drZMGXSJUyY
    https://www.youtube.com/watch?v=Qr1q7PPxzeU
    https://www.youtube.com/watch?v=hkFf7OWMkFo
    Con biết thực tế con không đủ kiến thức để hiểu hêt điều các video này nói và cũng không đủ năng lực chứng minh được sự đúng hay sai. Nhưng trong cảm giác con thấy nó rất logic và cuốn hút. Giá như có ai có thể giúp con, để con cũng biết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *