Học thế nào để vừa mở mang tri thức, vừa bồi dưỡng nhân đức

Học là để rèn luyện tâm trí, giúp ta thêm mạnh mẽ trước những thử thách trong đời sống. Sức mạnh đích thực của việc học không nằm ở điều ta biết, mà ở con người ta trở thành.

 

Học tập là một dạng luyện tập trí não. Ảnh: Canva

 

Một cách tự nhiên, tất cả chúng ta đều khát khao hiểu biết. Khi còn nhỏ, ta vô cùng tò mò, mạo hiểm khám phá điều chưa biết – đôi khi liều lĩnh. Tri thức là động lực thôi thúc ta tìm tòi thế giới xung quanh và bên trong mình. Nhưng việc theo đuổi tri thức không nên là mục tiêu cuối cùng. Trong tác phẩm Tổng luận Thần học, nhà thần học lỗi lạc Tôma Aquinô nhắc nhở rằng “học tập là con đường dẫn đến điều gì đó sâu sắc hơn là việc có được tri thức”.

 

Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng dù tri thức thường được coi là đích đến của việc học, chính hành vi học tập đã là một sự kỷ luật. Hãy nghĩ về bao đêm dài miệt mài với sách vở, bao giờ đồng hồ nghiền ngẫm những tư tưởng phức tạp, những tranh luận dường như không có hồi kết với bạn bè, thầy cô. Hiển nhiên, học không chỉ là ghi nhớ tri thức. Nó còn là rèn luyện tâm trí, giúp nó thêm mạnh mẽ trước những thử thách trong đời. Theo nhiều cách, học tập là một dạng luyện tập trí não.

 

Định hình tính cách

 

Việc kỷ luật học tập giúp định hình tính cách của ta một cách tinh tế và lại thiết yếu. Hãy bắt đầu suy ngẫm về ba điều này:

 

Khiêm tốn: Với mỗi chủ đề mới, mỗi khái niệm cần được thấu hiểu, bạn nhận ra luôn có nhiều điều để học. Bạn không bao giờ thực sự thông thạo bất cứ thứ gì. Càng biết nhiều, bạn càng biết còn nhiều điều mình chưa biết. Học tập làm nên thái độ sẵn sàng thừa nhận sự ngu dốt của bản thân, mở lòng cho sự trưởng thành hơn nữa.

 

Chuyên cần: Việc học chân chính đòi hỏi sự kiên trì, kiên cường. Nó dạy ta vượt qua những phân tâm, biết tập trung, ứng phó với sự bực bội, chấp nhận thất bại, và bắt đầu lại nhiều phen. Đây là những phẩm chất có thể được áp dụng  cho vô vàn lĩnh vực trong đời sống.

 

Phân định: Lượng thông tin mà ta tiếp cận khi học hành nhiều lúc có thể khiến ta bị ngợp. Sự chuyên cần giúp ta phát triển tư duy phản biện để tách biệt đúng và sai, cái thứ yếu và cái thiết yếu, luận điểm chính hay là ý phụ, ý hay và ý tầm thường, điều tốt và thành kiến – và kỹ năng này không chỉ cần trong việc học thuật mà còn cần giữa lượng tin tức và quan điểm dồn dập hàng ngày.

 

 

Nhưng giá trị của việc chuyên cần còn sâu xa hơn thế. Thánh Tôma lập luận rằng trật tự và sự tập trung mà ta vun đắp được trong quá trình học tập giúp ta sẵn sàng đối phó với nhiều vấn đề vượt xa trí tuệ thuần túy. Ta được trang bị tốt hơn để xử lý những vấn đề thực tế và vận dụng tri thức để đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm cho bản thân và cộng đồng.

 

Lần tới, khi bạn băn khoăn không hiểu tại sao lại phải đọc những thứ trông có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhu cầu giải quyết công việc hàng ngày, cứ yên tâm rằng các chủ đề vô bổ ấy đang hướng dẫn bạn không phải suy nghĩ cái gì mà là suy nghĩ làm sao.

 

Định hướng cuộc sống

 

Đây là nguyên lý Công giáo cốt lõi: đức tin và hành động gắn kết chặt chẽ như xác với hồn. Cách chúng ta nhận thức về thế giới, được định hình qua việc học tập, sẽ định hướng cách chúng ta sống: phụng sự tha nhân, xây dựng xã hội công bằng, và đề cao mối tương quan với Chúa và người lân cận.

 

Đúng vậy, hãy theo đuổi tri thức. Nhưng chúng ta đều nên nhớ sức mạnh đích thực của việc học không nằm ở điều ta học được, mà là ở con người ta trở thành. Là người Công giáo, mong sao việc học của ta là minh chứng cho đức tin: dấn thân học tập để trau dồi đức hạnh.

 

Tác giả: Daniel Esparza

Người dịch: My Bùi

Nguồn: Aleteia

Kiểm tra tương tự

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …