Mấy ngày qua, hơn 30 anh chị em đang góp mặt trên đường loan báo Tin Mừng đã về quây quần bên nhau, dắt dìu nhau cùng sống mùa chay. Bước đường loan báo Tin Mừng của anh chị em giáo dân dĩ nhiên là khởi đi từ gia đình, và vì thế họp mặt nhưng để rồi nhìn về gia đình, cái nôi từ đó lời Thiên Chúa lan tràn.
Vậy thì thực trạng gia đình hôm nay là gì?
Anh trưởng nhóm nói ngay, trong gia đình, vợ chồng tôi thương yêu nhau và vui vẻ lắm, nhưng hai đứa con trai không biết học từ đâu mà tính tình hung dữ quá, mới hôm qua khi một người con gái lấy chồng làng bên về nói bị chồng hành hung, 2 con trai đã cùng với một bọn trai tráng trong làng cầm hung khí qua hỏi tội, cũng may người chồng nhanh chân chạy thoát chứ không lại thù qua ghét lại chẳng dứt. Khi tôi nhắc tới cảnh một ông chồng mỗi lần say rượu về gây chuyện với vợ con rồi còn đập phá đồ đạc, và một ngày chị vợ không chịu nổi cảnh này cũng giả say đập phá nồi niêu chén bát làm ông chồng xanh mắt, một chị cũng kể lại hoàn cảnh tương tự, chị cũng giả say đập phá dằn mặt chồng, rồi còn bỏ về bên ngoại, nhưng đợi cả tháng, bụng bảo dạ muốn chồng qua xin lỗi mà ảnh chẳng qua, đành phải tự mình vác thân về, cũng may anh chồng làm hòa trước và hứa không uống rượu nữa, sau đó chị đã xin nhập đoan với nhóm loan báo Tin Mừng và gia đình an vui từ đó, cho dù thỉnh thoảng chị phải vắng nhà cả tuần để theo các khóa huấn luyện và tĩnh tâm. Thế nhưng một chàng trai mới trở lại được sáu tháng, cũng xin lên đường với anh em, thì lại kể kinh nghiệm ngược lại : trước kia không quen uống rượu, đến khi vào đạo và lên đường đến với bà con lương dân thì lại tập uống rượu, tưởng đâu miếng rượu là đầu câu chuyện để dễ gần nhau, nhưng hôm nay khi nghe lời Chúa thì biết rồi, một hai ly của tình bạn, chứ nếu theo tiếp thì sẽ bị ma men đưa lối mất thôi, về nhà vợ hỏi qua đường sứt môi.
Chuyện kể còn nhiều lắm, nhưng thôi, trước tiên hết chúng tôi cùng trải lòng cho lời Chúa trong Tin Mừng dẫn đưa về mái nhà Nagiaret năm xưa, để rồi dựng lại mái nhà của chúng tôi, Nagiaret của ngày hôm nay.
Vào nhà Nagiaret, chúng tôi gặp một Giuse quen thuộc như vẫn thường thấy đứng ở trong các nhà thờ, bác thợ mộc tuổi chừng 50 mà trông hơi già, có thể vì cuộc sống lam lũ vất vả chăng, ôi, cái nghề thợ mộc trên vùng đất khô cằn để kiếm được miếng cơm đủ nuôi 3 miệng ăn chẳng mấy dễ dàng, nhưng điều chúng tôi chú ý là trong Tin Mừng Matt lại chỉ cho chúng tôi nét tuyệt vời nơi con người lam lũ ấy những đường nẻo của người công chính : “…Thiên Chúa là Đấng Công Chính…ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 2,29). Men theo dòng chảy của lời Chúa trong thư 1Ga 3, chúng tôi được đặt trước việc lựa chọn sống công chính giữa một thế giới nhiều bất chính. Người được sai đi loan báo Tin Mừng khởi đi từ chính mái nhà của mình : mái nhà của người công chính – lương thiện – cần cù – điềm đạm – nhẹ nhàng, thâm trầm – như Giuse – khi gặp chuyện rối lòng, không làm cho rối thêm (x.Mt 1,19-22) – một lòng kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người, chờ đợi để lắng nghe và để nhận biết Chúa muốn dẫn đưa ra sao trên bước đường cuộc đời qua từng biến cố, ngay cả khi “phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48) : để có được một con tim nhạy bén trước đường nẻo của CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI.
Mái nhà của người công chính sáng ngời và an vui dường nào trên đôi tay quyền năng của Thiên Chúa, nhờ vậy cũng không thể có bóng dáng của tội lỗi và ác thần : “Ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 3,9).
Maria người mẹ trong nhà, người phụ nữ trẻ trung có con tim để lắng nghe, để nhận biết đôi tay của Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi, đang làm cho tôi biết bao điều cao cả, vì đường nẻo của Thiên Chúa thì khó lường, vượt quá dự phóng và hiểu biết của con người. Từ những năm tháng long đong lận đận nơi đất khách quê mình đến đất khách quê người, Thánh Thần xuống và quyền năng Đấng Tối Cao phủ bóng : ở bên Giuse người công chính, mang thai và ở bên Giêsu Con Thiên Chúa làm người, bên người con yêu dấu, chuyện gì Mẹ cũng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng và cất tiếng ngợi khen Danh Thánh. Khi thốt lên câu : “con xem …mẹ phải cực lòng tìm con”, và nhận được câu trả lời làm Mẹ sững sờ : “Mẹ ơi, con phải ở nhà của Cha con, con phải lo việc của Cha con…” Mẹ ơi, Mẹ tìm con thì cứ đến nhà Cha con mà tìm, khổ thân mẹ tôi, trời ạ, mẹ tìm con ở đâu để ra nông nỗi này… vâng Mẹ đã quên năm nay con trai Mẹ 12 tuổi, tuổi theo luật thì trưởng thành rồi, phải lo việc của Cha con thôi, nhưng dưới mắt mẹ thì con trai lúc nào chả bé bỏng, bà mẹ nào cũng vậy. Và theo thói quen Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Còn hài nhi Giêsu, những năm tháng ấu thơ lớn lên, khôn ngoan và tràn đầy ân nghĩa trước Thiên Chúa, công lớn thuộc về Mẹ, và cũng là của cha, của những không gian nội tâm luôn mở ra trước tình yêu Thiên Chúa “vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa…(1Ga 4, 7), dễ thương quá, khi Thiên Chúa trở thành thân quen thì ân nghĩa đầy tràn và Thánh Thần cư ngụ thì làm gì còn chỗ cho những thứ ngu dại, để cuối cùng, hài nhi trong nhà được tạo dáng trong khôn ngoan và trong ân nghĩa, và suốt những năm tháng trưởng thành, khi không còn những bài học trên gối mẹ, thì mỗi ngày vẫn thêm khôn ngoan và nhất là thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.
Trở về với mái nhà của anh chị em chúng ta hôm nay, một mái nhà để Thiên Chúa ở cùng chúng ta và ở giữa con cái loài người, thế nhưng, rất có thể “Người đã đến nhà mình, mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Cha mẹ thì chơn chất hiền lành, nhưng con cái do ảnh hưởng của xã hội, nhà trường, điện thoại, dễ gì đem lại cho con cái lẽ khôn ngoan, và tương tự, con cái cũng khó thấy được bao bọc trong ân nghĩa. Trong khi đó những bài học trên gối mẹ không nhiều, điệu ca ầu ơ của các bà mẹ trẻ hôm nay cũng thưa dần, những làn điệu ru con được thay bằng những bài hát mà cứ như đưa con ra khỏi vòng tay và hơi ấm của mẹ….
Cuộc sống ngoài kia, trong thế giới người lớn, phủ đấy bóng tối của dối trá và vô cảm, tìm đâu ra người liêm chính, bất chính đi đâu cũng gặp, những việc bất chính được coi như qui luật cuộc sống : làm sao người trẻ lớn lên có thể thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa khi chạy xe trên những cung đường đắt tiền mới làm đã xuống cấp, đói bụng ăn cắp ổ bánh mì thì bị nhốt tù và đem ra tòa xét xử trong khi những kẻ rút ruột công trình tiền tỉ thì nhởn nhơ, hàng nhái, hàng giả, rau bẩn, thịt bẩn độc hại tràn lan, những kẻ cắp công khai ấy phá vỡ đạo đức truyền thống…
Thực ra chuyện hôm nay cũng là chuyện của mấy ngàn năm trước khi Nagiaret bị Rôma cai trị bằng luật sắt, nhiều nhà đã nghèo còn phải chịu siêu cao thuế nặng, thế nhưng, Nagiaret vẫn là vùng đất Thiên Chúa ở cùng chúng ta, vẫn là vùng trời an bình trong Thánh Thần, vẫn là nơi để Con Thiên Chúa lớn lên thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52), để tất cả những ai bước vào dưới mái nhà Nagiaret đều có thể đi từ cõi chết bước vào cõi sống, đơn giản thôi mà, “chúng ta biết rằng chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống vì chúng ta yêu thương anh em” (1Ga 3,14)
Bước đi của Giáo Hội gia đình là gì ?
Từ cái nhìn của Thiên Chúa đang có mặt trong gia đình, Thên Chúa ở cùng chúng ta, đang cúi xuống ôm trọn mái nhà của chúng ta và cả thế giới hôm nay với lòng thương xót và ơn tha thứ, chúng ta tin tường tiến bước. Vâng, lúc này đây “chúng ta đã biết tình yêu của THIÊN CHÚA NƠI CHÚNG TA, và chúng ta tin vào tình yêu đó” (1Ga 4,16), vì thế mọi người trong gia đình có thể an lòng tiến lên, Hội Thánh gia đình còn chờ gì nữa mà không gieo bước, vì một thế giới đẹp xinh hơn, công bằng và thánh thiện hơn.
Trong khi anh em bàn bạc hướng đi mới, có một quyết định được mọi người đồng tâm nhât trí là mỗi lần có đám tang trong một làng, đặc biết các làng lương dân xa xôi, thì anh em sẽ cùng nhau đem nhiều loa và đàn tới để hát thánh ca và cầu nguyện, thay nhau ca múa hát để bà con bớt uống rượu, vì đám tang một người thường ăn uống 3 ngày và mọi người trong làng đều có bổn phận tới, đem theo rượu và chút gạo, chia buồn đâu chẳng thấy chỉ thấy chia rượu làm nhiều người say khướt. Dĩ nhiên, đây cũng là cơ hội thuận lợi để loan báo Tin Mừng; việc kế tiếp là mau mắn thăm các bệnh nhân già yếu gần trời xa đất, để kịp trao ban bí tích rửa tội, cho xác về đất mà hồn bay bổng tới trời xanh, và phần chính yếu vẫn là hăng hái lên đường ĐỂ THÊM NHIỀU NGƯỜI NHẬN BIẾT VÀ TÔN VINH DANH THÁNH HƠN. Chỉ riêng với nhóm anh em đây, số người xin trở lại đã trên 300, trong đó gần 200 người đã bắt đầu học giáo lý dự tòng để xin được lãnh nhận bí tích rửa tội vào đêm lễ Phục Sinh, đặc biệt trong nhóm lên đường về tham dự tĩnh tâm lần này có sáu anh mới xin vào đạo và cũng sẵn sàng lên đường, dù chưa lãnh nhận bi tích rửa tội. Các anh sẽ tiếp tục tham dự khóa giáo lý 5 ngày vào cuối tháng 3 này, đây là khóa giáo lý dành cho các anh em mới trở lại và muốn trở thành giáo lý viên có thể bắt tay vào việc.