HỘI THÁNH LÀ MỘT CƠ CHẾ: PHẨM TRẬT, HUẤN QUYỀN (phần IX)

 

q10700606Mô hình kế tiếp chúng ta đề cập tới là mô hình cơ chế. Mô hình này chiếm phần lớn não trạng của người Công giáo. Khi nói đến Hội Thánh, họ nghĩ ngay có một Giáo hoàng, các Giám mục, các vị mục tử, linh mục, các nữ tu,… Tất cả những phần tử này hình thành nên một Hội Thánh xét như là một cơ chế. Khi nói Hội Thánh xét như một cơ chế có nghĩa Hội Thánh là một tổ chức có một cơ cấu vững chắc, chuẩn mực, có những lời giáo huấn và có năng quyền. Một cách nào đó, Hội Thánh có thể được so sánh như là tập đoàn IBM hoặc Môtô. Để có được một máy tính hay xe cộ, điều cần thiết là phải có một tổ chức hay một cơ chế giúp công việc được hoàn thành. Dĩ nhiên mục đích của Hội Thánh thì không phải thế, tuy nhiên về mặt khái niệm thì tương tự. Nhiều người cùng mục đích qui tụ lại với nhau cần phải có một cơ cấu nào đó.

       Hội Thánh Công Giáo có một cơ cấu phẩm trật. Phẩm trật này được xây dựng dựa trên các vị Giám mục và Giáo hoàng. Các Giám mục được hiểu là những người kế vị các tông đồ. Giám mục Rôma, Giáo hoàng, là vị “đứng đầu trong một tập thể ngang hàng” và là đấng kế vị thánh Phêrô. Theo nghĩa đó, Giáo hoàng là vị đứng đầu trong Hội Thánh phổ quát. Điều này không có nghĩa ngài là Giám mục của toàn bộ người Công giáo, nhưng ngài có trách nhiệm đảm bảo sự hiệp nhất của Hội Thánh trong đức tin. Cá nhân các giám mục được ban đặc ân giảng dạy, cử hành các bí tích và điều hành Hội Thánh địa phương trong giáo phận. Các giám mục cũng giảng dạy trong tư cách của giám mục đoàn (chẳng hạn như các giám mục Hoa Kỳ đưa ra hai văn bản vào những năm 1980: một là về tình hình kinh tế và một là về hoà bình trong thời đại hạt nhân). Các Giám mục cùng với Giáo Hoàng là đầu, cũng điều hành Hội Thánh hoàn vũ. Các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp công nghị tại Rôma để cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan đến Hội Thánh hoàn vũ.

Giáo huấn chính thức của Hội Thánh có thể được ban dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi một vị Giám mục giảng dạy, ngài giảng dạy trong tư cách đại diện Hội Thánh. Các giám mục địa phương cũng có thể đưa ra những thư mục vụ để hướng dẫn các Hội Thánh địa phương, nơi mình chăm sóc về đức tin và phong hóa. Giáo hoàng có thể đưa ra một tông thư hoặc một thông điệp để hướng dẫn Hội Thánh trên khắp hoàn vũ liên quan đức tin và phong hóa. Quyền giáo huấn tối cao thuộc về công đồng chung, nơi quy tụ tất cả các Giám mục trên khắp thế giới (cùng với các vị cố vấn). Công đồng chung gần đây nhất là công đồng Vaticanô II được nhóm họp và các năm 1962-1965.

Trong vấn đề đức tin và phong hóa, giáo huấn của Hội Thánh là không thể sai lầm. Đặc tính bất khả ngộ này thuộc về toàn thể Hội Thánh khi các giám mục cùng đồng tình với nhau trong điều được tin. Nó cũng thuộc về các Giám mục, trong sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha, khi họ giảng dạy về đức tin và phong hóa và có ý hướng tuyên bố giáo huấn không sai lầm. Đức Giáo Hoàng cũng có thẩm quyền bất khả ngộ trong việc giảng dạy khi ngài “công bố với một hành động dứt khoát giáo lý về đức tin và phong hóa phải được tuân theo”.

Giáo huấn về ơn bất khả ngộ là một trong những điều gây nhiều hiểu lầm và khó khăn trong Hội Thánh. Đối với nhiều người, bất khả ngộ là điều gì đó vô nghĩa: Làm sao có một người nào lại không thể sai lầm? Có lẽ trước hết cần phải chú ý rằng, Đức Giáo Hoàng và các Giám mục là những con người, họ cũng có khả năng mắc những sai lầm. Việc không thể sai lầm đó không phải đến từ sự khôn ngoan được ban tặng từ Thiên Chúa, nhưng bởi niềm tin của Hội Thánh. Niềm tin của Hội Thánh đảm bảo cho những điều các ngài giảng dạy là đúng đắn. Đơn giản hơn, những gì Hội Thánh giảng dạy không phải là ý kiến cá nhân hay một tập thể nào, nhưng được rút ra từ những mặc khải của Thiên Chúa. Ví dụ, Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa thật và là Đấng Cứu Độ không? Liệu rằng đó chỉ là điều chúng ta có thể thay đổi với tâm trí chúng ta? Hội Thánh dạy rằng giáo huấn này (cũng như những giáo huấn khác) là chân lý không thể sai lầm. Đó không phải vì chúng ta nghĩ ra; nhưng là do mặc khải của Thiên Chúa. Ơn bất khả ngộ nơi Đức Giáo Hoàng và các Giám mục được giới hạn trong đức tin và phong hóa và chỉ nơi những giáo huấn thiết yếu cho đức tin. Hội Thánh cũng nhấn mạnh rằng một giáo huấn của Đức Giáo Hoàng được cho là không sai lầm chỉ khi được công bố theo cách thức của nó. (việc thi hành quyền không sai lầm của Đức Thánh Cha là điều rất hiếm khi thấy).

Những giáo huấn khác nhau của Hội Thánh được phân chia như sau:

  1. Tín lý: là những giáo huấn chính thức của Hội Thánh
  2. Tín điều: là những tín lý then chốt liên quan đến đức tin. Được hiểu là không thể thay đổi.
  3. Giáo luật: là những quy luật chính thức nhằm điều hành Giáo Hội. (có tất cả 1752 điều luật được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh).

Nơi làm việc của Đức Giáo Hoàng trong cương vị là đầu được đặt ở một nơi gọi là Vatican. Ngài được trợ giúp bởi một ban gọi là giáo triều (Curia). Các ban này có những văn phòng và làm việc với nhiều lãnh vực khác nhau.

Hồng y là những người được tuyển chọn trong số những vị Giám mục trên toàn thế giới với hai mục đích: làm cố vấn cho Đức Giáo hoàng trong giáo triều và bầu chọn Giáo hoàng. Chỉ có các Hồng y mới có quyền được bầu chọn Giáo hoàng.

Các Giám mục địa phương được đại diện bởi các mục tử (linh mục) nơi giáo xứ trong toàn giáo phận. Chức năng chính của các ngài là cử hành các bí tích, giảng dạy, và quản lý giáo xứ.

Các tu sĩ nam nữ là những người được mời gọi sống một ơn gọi đặc biệt: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong cộng đoàn. (Các linh mục giáo phận không phải khấn đời sống khó nghèo, mặc dù, cũng như bao người Kitô hữu khác, họ bị trói buộc hướng đến nhân đức khiêm nhường và quảng đại). Các tu sĩ nam nữ thường được xem là “tu sĩ”. Qua những lời khấn, đời sống của họ nhằm làm chứng cho một đời sống cao quí hơn chỉ là giàu sang, dục vọng và độc lập. Các tu sĩ thuộc về những “phẩm trật” khác nhau với một đặc sủng hay một sứ mạng cụ thể.

Giáo dân là những tín hữu đã được thanh tẩy nhờ Bí tích Rửa tội. Họ không phải linh mục, cũng không phải là “tu sĩ”. Họ cùng chia sẻ với Giáo Hội các đặc sủng của mình, nhưng ơn gọi chính yếu của họ là mang đức tin và các giá trị tin mừng vào thế giới.

Như vậy, một tổ chức phẩm trật và được tổ chức rõ ràng như thế có giá trị gì? Giáo Hội phẩm trật trình bày một trật tự và căn tính. Giáo Hội phẩm trật thể hiện một cảm thức rõ ràng về truyền thống và nguồn gốc của mình. Người Công giáo tối thiểu phải biết được họ là ai và Hội Thánh làm chứng cho điều gì. Đức Giáo hoàng và các Giám mục giúp phát triển cảm thức hiệp nhất giữa hai cấp độ: địa phương và hoàn vũ.

Mô hình cơ chế này không phải không có vấn đề. Cũng như bao tổ chức khác, Giáo Hội cũng có thể dễ dàng sai lệch trong cái nhìn quan liêu của mình. Giáo Hội có thể lầm lẫn các điều khoản giáo luật với bài giảng trên núi, và bởi vì phẩm trật, nên Giáo Hội có thể đánh mất cái nhìn của con tim và tâm hồn, sự ngang hàng trong Hội Thánh giữa Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Cuối cùng, thật không thể hình dung được một Hội Thánh không có yếu tố cơ chế. Thêm vào đó, Hội Thánh Công giáo xác định Giáo hoàng, các Giám mục như những nhân tố thiết yếu trong cơ chế. Tín điều và giáo huấn về luân lý cho người tín hữu một cảm thức về sự liên tục, ổn định và những hướng dẫn. Điều này không có ý nói rằng cơ chế không thể thay đổi và phát triển. Thực ra, cơ chế luôn cần thiết được thay đổi. Nhưng những cơ chế giống như Hội Thánh Công giáo luôn có xu hướng thay đổi từ từ, vì Hội Thánh mang trên mình một truyền thống gần hai ngàn năm nay.

Suy nghĩ và thảo luận

Những người quan niệm Hội Thánh chính yếu là cơ chế thường nghĩ Hội Thánh là “họ”. Trong khi đó, mô hình cộng đoàn xem Hội Thánh như là “chúng ta”. Với bạn, mô hình nào diễn tả tốt hơn về Hội Thánh? Bạn nghĩ Hội Thánh là gì? “họ” hay “chúng ta”?

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Một bình luận

  1. Cho con hỏi bài viết trên do ai viết vậy?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *