Hướng về người nghèo từ căn tính của chúng ta

holy cross of the poorHƯỚNG VỀ NGƯỜI NGHÈO TỪ CĂN TÍNH CỦA CHÚNG TA

 Alfredo Ferro, S.J

 “Bản thân chúng tôi đã cảm nghiệm rằng con đường này rất gập ghềnh và nhiều chông gai.”

(Định thức Thể chế Dòng Tên)

 Căn nguyên của đời sống chúng ta (khởi nguồn cho ơn gọi của chúng ta)

Để bắt đầu, tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta nên kết hợp một số câu hỏi với nhau: điều gì thúc đẩy chúng ta, điều gì đã thúc đẩy chúng ta, và điều gì đang còn tiếp tục thúc đẩy chúng ta làm điều chúng ta làm? Nghĩa là, điều gì gợi hứng cho chúng ta, điều gì là nguyên nhân tối hậu cho những việc làm của chúng ta, là suối nguồn chúng ta kín múc? Và trên hết, điều gì khích lệ chúng ta tiếp tục con đường này và ơn gọi này, nơi mà chúng ta đã và đang cảm thấy mình được mời gọi? Cô đọng lại, tôi sẽ nói rằng đó chính là con người và căn nguyên của Chúa Giêsu, và đồng thời, người nghèo và căn nguyên của họ. Cả hai thành một với nhau và tương tự nhau, được làm cho phong phú nhờ Linh đạo I-nhã, một linh đạo đang tiếp tục khiến chúng ta say mê.Mien Tay (31)

Ơn gọi Dòng Tên của tôi nảy sinh từ việc tiếp xúc với những người nông dân nghèo với mức thu nhập vừa đủ sống. Và ơn gọi ấy được nuôi dưỡng nhờ những người nghèo này trong hơn 30 năm qua. Không phải tôi lý tưởng hóa những cộng đồng này, nhưng tôi dám khẳng định rằng chính họ đã trau dồi cho tôi khả năng nhạy bén và giúp tôi ý thức về thực tại bất công và bị loại trừ. Từ những con người này, tôi đã học biết về ý nghĩa của phẩm giá con người, về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa chúng ta với trái đất và với thiên nhiên. Tôi nhận ra nơi họ những giá trị Tin Mừng đích thực, và tôi cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của họ. Họ đã giúp tôi ý thức về tất cả những gì tôi làm, xét như là một con người, một tu sĩ, và như một Giêsu hữu.

Nếu chúng ta có thể tổng hợp toàn bộ Tin Mừng, có lẽ từ ngữ vang vọng trong tâm hồn tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết đó là từ lòng thương cảm. Điều đánh động tôi nhất là gương mẫu sống của Chúa Giêsu, khi Ngài đồng hóa mình với những người nghèo, những người bị loại trừ, và những người bị gạt ra bên lề xã hội và Ngài đã đứng về phía họ. Tôi cảm nhận sâu sắc điều Jon Sobrin đã từng nói một cách rất mạnh mẽ rằng: “Bên ngoài người nghèo, không có ơn cứu độ”, mặc dù đối với một số người, diễn đạt này dường như khá cực đoan.    

Tôi được khích lệ rất nhiều từ những chứng tá trong Giáo hội, như Tổng Giám mục Romero, cũng như các giáo dân, tu sĩ, linh mục và các giám mục, những người dấn thân bảo vệ sự sống và căn nguyên của người nghèo. Tuy nhiên, tôi cũng đặc biệt bị đánh động bởi những con người bình thường, những người nam và người nữ đang vật lộn với cuộc sống mà chúng ta gặp gỡ giữa dòng đời ngày qua tháng lại; họ bị quên lãng, chịu ẩn danh, và chẳng được nhìn thấy, tuy vậy, họ vẫn luôn kiên cường chịu đựng với niềm tin sâu xa, và không bao giờ lạc mất tình yêu hoặc niềm trông cậy.

Trốn chạy những thách đố 

flying birdTrong khi nhận ra những giá trị tồn tại đâu đó nhiều nơi trong Giáo hội, cách chung tôi vẫn thấy nản lòng trước một Giáo hội cơ cấu và có khi trước Dòng Tên. Tôi cảm thấy đôi lúc Giáo hội và Dòng quá rụt rè trong việc dấn thân cho công bình, và có quá ít những lời lẽ mang tính ngôn sứ. Dường như Giáo hội cũng như Dòng bận tâm nhiều đến việc duy trì chính mình như những tổ chức và để ý nhiều đến việc bảo vệ một dòng tu đã được thiết lập. Tôi ngã lòng trước lối sống trưởng giả của các cộng đoàn Giêsu hữu, với khuynh hướng đồng hóa mình với xã hội tiêu thụ, mất đi sự dấn thân vào giữa cộng đồng anh chị em, giữa khoảng cách vật lý và tinh thần với những người nghèo khổ nhất, và thiếu đi sự dấn thân trong việc dự phần vào một xã hội công bằng và huynh đệ. Tôi thực sự phiền hà khi thấy nhiều anh em Giêsu hữu, và cả những tổ chức của chúng ta, nhận lấy những chỗ đứng, thay vì để có khả năng mang lại sự biến đổi sâu xa, lại trở nên những đồng minh của các tầng lớp thống trị, và trung thành với các chế độ đang thắng thế. Tôi cảm tưởng rằng nhiều công việc của chúng ta chưa đối mặt với thực tế về một thế giới khốn khổ, nghèo đói, bất công, và một thế giới vi phạm các quyền con người; các công việc chúng ta chưa đáp ứng được những vấn đề nảy sinh trong các lãnh vực này.

Nhìn lại quá khứ 

Với tư cách cá nhân, tôi cảm thấy sự hụt hẫng của cả một thế hệ đã từng mơ về những cuộc cách mạng và đã tranh đấu để mang lại những thay đổi có tính cơ cấu, kinh tế, chính trị và xã hội đích thực. Mặc dù đã có những quá trình có tính cách mạng, những thay đổi này đã chưa bao giờ xảy ra; bây giờ chúng cũng không xảy ra như chúng ta có thể ao ước, ngay cả một số thử nghiệm nào đó nơi lục địa của chúng ta được coi như là những lựa chọn thay thế.

Tôi nhận ra rằng thế hệ chúng ta có lẽ đã dính dáng quá nhiều đến các vấn đề xã hội và không quan tâm đủ về việc hội nhất điều này với toàn bộ kinh nghiệm đời tu của chúng ta. Dù cho chúng ta đã chuyên chăm về linh đạo I-nhã, chúng ta cũng đã không biết phải làm thế nào để thông truyền kinh nghiệm thiêng liêng ấy cho người khác; chúng ta đã do dự thực hiện điều này. Chúng ta đã mặc cho các hoạt động của mình một đặc tính “thế tục” hay “trần tục”, và chúng ta không bận tâm nhiều đến việc nhận ra hay nắm lấy ý nghĩa của căn tính Giêsu hữu. Chúng ta đã sống theo một kiểu cách tục hóa, vì điều này, chúng ta chịu sự khiển trách nghiêm khắc cả thế hệ trước đây và sau này. Đã đến lúc chúng ta bắt đầu nhận ra nhu cầu phải hội nhất căn tính của chúng ta, và làm cho căn tính ấy hiển thị trong công việc của chúng ta.

Tôi cảm tạ Chúa vì đời sống tôi đã trải qua, những kinh nghiệm tôi đã có, và những cơ hội mà gia đình, trường học, bạn bè, các anh em Giêsu hữu, và đặc biệt, Dòng Tên đã trao cho tôi.

Tìm kiếm căn tính

 Câu hỏi về căn tính – chúng ta là ai và chúng ta là gì –  là một câu hỏi đầy tính thúc bách ngày nay; quả thật, đây là câu hỏi rất sinh động trong thời đại của chúng ta. Căn tính là điều làm chúng ta khác biệt, và qua việc nhận ra chúng ta là ai và chúng ta là gì, chúng ta sở hữu một sự phong phú lớn lao về truyền thống. Truyền thống này được tìm thấy trong linh đạo và trong đặc sủng I-nhã của chúng ta, là điều chúng ta không ngừng tái khám phá và thực hành trong cung cách hành xử của chúng ta.

Sứ mạng của chúng ta sẽ được Chúa Giêsu ấp ủ dưỡng nuôi, nhưng không phải là bất kỳ Chúa Giêsu nào, mà là một Chúa Giêsu đầy tình yêu và lòng thương cảm, Đấng vươn cánh tay mình ra để liên đới với những anh em yếu kém nhất. Đường đi tới là con đường của những ai muốn nhìn thế giới như Giêsu đã nhìn – bằng đôi mắt cảm thương, đôi mắt của tình yêu. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta theo Chúa Giêsu khi chiêm niệm trong hành động, khi thực hành nhận định, và hiến dâng chính mình để phục vụ trong yêu thương. 

Và đâu là sứ mạng của chúng ta?

 Chúng ta tái khẳng định điều đã được diễn tả trong Tổng hội 35 gần đây: trọng tâm sứ mạng Dòng Tên là phục vụ đức tin và thăng tiến công bình, với một dự trù được thêm vào: “trong việc đối thoại với các tôn giáo khác và hội nhập vào các nền văn hóa đa dạng.” Với việc đề cao tầm quan trọng của những lời lẽ mới mẻ này, đặc biệt đối với những quốc gia hay khu vực nơi mà các bận tâm về liên tôn và liên văn hóa là trọng tâm, tôi có ấn tượng rằng cách diễn đạt mới về Sắc lệnh 4 của Tổng hội 32 là nỗ lực để đưa đường lối của Tổng hội 32 vào trong Dòng trên toàn thế giới. Dần dần, khái niệm dường như được chấp nhận là vấn đề về Công bình, hoặc vấn về Đức tin thực thi Công bình, như một vài người trong chúng ta đã hiểu về hai thuật ngữ này, là những khái niệm trong quá khứ. Và bây giờ chúng ta phải nhấn mạnh những điều khác.  

Chúng ta hiện hữu để thực thi sứ mạng phổ quát và hoàn toàn ứng trực phục vụ theo như ơn gọi chúng ta đã được kêu mời.[1] Chúng ta nên đặt sang một bên tất cả những bóng tối của chủ nghĩa địa phương và giải phóng mình khỏi những quyến luyến lệch lạc, vốn gắn với các công việc và các dự phóng cụ thể của chính chúng ta. Chúng ta cố gắng đừng để mình dính bén vào các cộng đoàn hay các cơ sở riêng biệt nào, để chúng ta có thể kinh nghiệm bản thân mình được hoàn toàn tự do hầu đảm nhận sứ mạng mà Giáo hội và Dòng tin tưởng trao cho chúng ta, nhờ vào sự đồng tâm nhất trí. Sự đồng tâm nhất trí này rõ ràng giúp chúng ta nhận định về các ưu tiên trong sứ vụ. Và chắc chắn, bất kỳ sứ mạng nào đòi hòi chúng ta thực hiện những nỗ lực mới cũng sẽ đòi hỏi một tầm nhìn về thế giới và về Dòng. Tầm nhìn như thế sẽ nâng đỡ sứ mạng của chúng ta.

jesus_helping_the_poor_jpg-magnum

Hướng về việc “Chọn lựa người nghèo”

 Chọn lựa này của Giáo hội, được thực hiện bởi Giáo hội toàn cầu và Giáo hội tại Châu Mỹ Latinh, và được xác định tại Medellín vào năm 1968, hình thành một phần quan trọng trong sứ mạng của chúng ta và vẫn còn phù hợp hơn bao giờ hết, [2] mặc dù có thể với những điểm mới còn chưa rõ nghĩa. Giờ đây, phạm trù người nghèo là một phạm trù rộng lớn hơn, không chỉ bao gồm những người nghèo về phương diện kinh tế, nhưng còn bao gồm tất cả những người yếu thế, bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, và tất cả những ai đang chịu đau khổ do bạo lực.[3] Sau cùng, phạm trù này cũng bao gồm tất cả những thụ tạo mà cuộc sống của chúng đang bị đe dọa trong thế giới tự nhiên.

Thật không may! Mặc cho những công phẫn có tính đạo lý của chúng ta về những thực tại bất công và bất bình đẳng mà chúng ta kinh nghiệm, chúng ta vẫn tiếp tục giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu của người nghèo và, tệ hơn nữa, chúng ta còn trở nên dần quen với những tiếng kêu gào của họ. Độ nhạy bén của chúng ta cần phải được tăng lên để những hoàn cảnh bi thương của anh chị em chúng ta thôi thúc chúng ta, nhằm giúp chúng ta bỏ mình cách tận căn và trở thành những con người dấn thân vào trong những dự phóng sáng tạo hơn. Không nghi ngờ gì nữa, người nghèo là nguồn gốc của linh đạo chúng ta. Như đã được lưu ý trong Các đặc điểm của Tông đồ Xã hội (The Characteristics of the Social Apostolate), “Tiếp xúc với người nghèo mang lại một sắc thái đặc biệt cho linh đạo của chúng ta, và linh đạo này khiến cho hoạt động của chúng ta tận căn hơn.”[4] Cũng trong tài liệu trên, chúng ta đọc thấy: “Người nghèo có biệt tài mang chúng ta trở lại với điều cốt yếu trong cuộc sống.” Chúng ta đã cảm thấy và đã kinh nghiệm tất cả những điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt khi điều những người đau khổ nhất cần đến chỉ đơn giản là sự liên đới của chúng ta: “Thậm chí khi chúng ta không làm gì được cho họ, chúng ta hãy ở lại với họ.”[5]

Trong việc thi hành hiệu quả sứ mạng và cam kết này, chuyện chúng ta hiện diện giữa người nghèo và chia sẻ cuộc sống chúng ta với họ quả là một sự giúp đỡ to lớn. Đừng quá bận tâm về vấn đề xác định các hoạt động của chúng ta có nên hoặc là “cho,” “với,” “từ,” hay “giữa” người nghèo hay không. Đúng hơn, bất chấp sự hơn kém của những khả thể này, điều quan trọng là chúng ta “hạ mình” để có thể nhìn thấy mọi sự từ phía dưới: từ nơi chốn bùn lầy xã hội, từ nỗi thống khổ, bi thương, từ đau khổ, từ nỗi đau, từ sự áp bức, từ bóng đêm, từ sự loại trừ. Chỉ như thế chúng ta mới có thể chiêm ngắm thế giới một cách sống động từ nhãn quan Ba Ngôi, nhãn quan mà I-nhã đã nêu ra cho chúng ta.

Các cộng đoàn Dòng Tên trong việc phục vụ người nghèo

 Chúng ta nên làm một cuộc tái suy xét các cộng đoàn Giêsu hữu của chúng ta, những cộng đoàn mà tự trong chúng đã là một “sứ mạng” (Tổng hội 35). Đối với chúng ta, cùng làm Linh thao chung với nhau đơn giản là chưa đủ, dù Linh thao có thể mang lại một ít thay đổi, hoặc có khi không đem lại sự thay đổi nào trong chúng ta; cũng không đủ khi chúng ta chỉ cho thấy những thay thế nho nhỏ hoặc những biến đổi bên ngoài. Chúng ta cần những biến đổi sâu xa cả về nội tâm/cá nhân lẫn về tập thể/cộng đoàn. Chúng ta cần để cho Tin Mừng và con người Chúa Giêsu chạm đến và đánh động chính chúng ta.

Tất cả chúng ta, mọi Giêsu hữu và mọi cộng đoàn, bị điều kiện hóa sâu sắc do nơi chốn chúng ta ở và làm việc – đến độ quyết định lên ý thức của chúng ta, như Marx đã từng nói. Do đó, gần gũi với người “nghèo” sẽ giúp chúng ta nhìn sự vật bằng cái nhìn của Đấng mà chúng ta nhận ra là Chúa.

Các cơ sở trong việc phục vụ một thế giới bền vững

Các cơ sở của chúng ta phải giúp chúng ta ý thức về sứ mạng chúng ta đã được trao phó. Chúng ta khác biệt nhau, do đó chúng ta nên hỏi đâu là “cung cách hành xử thích hợp” của chúng ta, và chúng ta phải khích lệ, giúp đỡ nhau làm điều đó.

Cả hành tinh này, mọi xã hội và mọi nền văn hóa ở khắp nơi hiện nay đang trải qua tiến trình thay đổi liên tục. Chúng đòi hỏi chúng ta ra tay giải quyết vô số những thách đố đang hiển hiện, đặc biệt khi toàn bộ hệ thống thế giới bây giờ đang trong tình trạng khủng hoảng, không chỉ khủng hoảng về tài chính. Chúng ta chỉ có thể đáp ứng những thách đố này trong những phương thế thích hợp, bằng việc chấp nhận một quan điểm có tính cơ cấu và toàn cầu, là quan điểm gắn với tầm nhìn về khả năng bền vững.

Việc nhận định cá nhân và cộng đoàn hòa hợp với những chuyển động thiêng liêng tinh tế của Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong thế giới và bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, phải làm cho những phán đoán của chúng ta trở nên sắc bén. Nhìn sự vật trong tinh thần của Thiên Chúa Nhập thể sẽ giúp chúng ta tách bạch các cảm xúc của chúng ta, khám phá các chuyển động, lưu ý đến các dấu chỉ của thời đại, và trên hết, nhận ra cái “hơn” (magis) như là một lợi ích phổ quát nhất. Như vậy, chúng ta sẽ tìm kiếm Thánh ý của Thiên Chúa ở đây và bây giờ.

Để kết luận, việc dấn thân sâu hơn chắc chắn sẽ giúp chúng ta trở nên gần gũi hơn với những vấn đề thực tế và hiện thời của người dân. Chúng ta cần tiếp tục tiến hành việc phân tích và nghiên cứu từ viễn cảnh của Châu Mỹ Latinh. Rõ ràng, chúng ta không thể ngừng tranh đấu cho “những căn nguyên bị đánh mất”, như căn nguyên của các dân tộc bản địa, những người mà đối với họ, chúng ta cần thực hiện một dấn thân triệt để hơn bao giờ hết.[6] Thực tế đòi hỏi chúng ta nên cải thiện công việc của chúng ta cho những người tị nạn và những người di dân – một lãnh vực lưu tâm quan trọng và là một ưu tiên của Dòng trong thời điểm hiện nay.

Cách chung, chúng ta cần củng cố và mở rộng những dự phóng chúng ta đang có, suy tư không ngừng về những tác động và ảnh hưởng của những hoạt động của chúng ta, đặc biệt những hoạt động liên quan đến các chính sách công. Chúng ta không thể giảm đi việc nghiên cứu của chúng ta về những nguồn lực thay thế và việc quản trị hiệu quả những nguồn lực này, khi đối phó với tình trạng giảm sút những trợ giúp từ bên ngoài. Việc đưa ra những đề nghị cho sự phát triển bền vững cấp vùng và khu vực sẽ hỗ trợ cho sứ mạng của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta cần nghiêm túc nỗ lực suy nghĩ về chính chúng ta như là một thân thể phổ quát, dựa trên mạng lưới và những kế hoạch chúng ta đang phát triển, ở cấp độ liên tỉnh và cấp độ quốc tế. Đối với chúng ta là những người đến từ các quốc gia phía Nam, chúng ta cần phải quan tâm và chú ý nhiều đến những hoạt động trong các lãnh vực liên quan trực tiếp đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 facebook_photo_download_115802295144523

       (Philipphê Trần Thanh Minh, S.J chuyển ngữ từ “Alfredo Ferro, S.J – Turning to the poor out of our identity ” trong Promotio Iustitiae, no 102, 2009/2)


[1] Thư cha Bề Trên Cả gửi toàn Dòng.

[2] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong bài diễn văn đọc trước cử tọa tập trung ở Aparecida, đã khích lệ chúng ta làm mới lại và làm sống động sứ mạng của chúng ta giữa người nghèo và với người nghèo: “Ưu tiên chọn lựa người nghèo hàm chứa trong niềm tin Kitô của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng đã làm cho mình trở nên người nghèo khó vì chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài (cf. 2 Cor 8, 9) và để đặt người nghèo vào vị trí trước nhất.”

[3] Hiện nay, không chỉ là hiện tượng về những người bị bóc lột và áp bức, nhưng còn là hiện tượng của những người bị loại trừ về mặt xã hội: “Những người bị loại trừ không chỉ những người bị bóc lột, nhưng còn là những người thừa thãi và có thể bỏ đi.” (Văn kiện Aparecida, 2007, số 65.)

[4] Các đặc điểm của Tông đồ Xã hội Dòng Tên.

[5] Ibid.

[6] Xem thư cha Bề Trên Cả (ngày 27 tháng 3 năm 2009) gửi cho cha Roberto Jaramillo, bề trên vùng Amazon, sau thông điệp gửi đến các anh em trong Dòng nhân dịp tổ chức Diễn đàn Xã hội Thế giới (The World Social Forum).

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên: Trở nên nhà truyền thông Tin Mừng

Hôm nay Chúa về trời, ngự bên hữu Chúa Cha!     Ngài trao phó …

Chia sẻ của một Linh mục về việc nghe xưng tội

Nhiều người đã viết về Bí tích Hòa giải – nền tảng thần học, bằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *