Kẻ hai quê…

Người ta bảo: “Quê hương là chùm khế ngọt.” Câu nói bỏ lửng để ai muốn hiểu thì tự giác mà hiểu. Mà có lẽ không cần phải “muốn hiểu” đâu, bởi có lúc nào đó trên chặng đường, ở những chặng dừng chân, những lúc muốn dừng lâu hơn và cảm thấy mỏi mệt cho những điệp khúc “bắt đầu lại bắt đầu”, khi đó tự khắc cái cảm giác nhớ quê hương lại trổi lên cường bạo.

Phải chăng là một cảm thức tự nhiên, mà đúng hơn là một định luật tự nhiên, hay là một định luật nào đó còn quan trọng hơn định luật vạn vật hấp dẫn. Là “định luật” bởi nó quy định điều đương nhiên mà ai cũng phải trải qua và là “tự nhiên” vì chẳng cần phải thủ đắc hay học tập cao siêu, nó tự có thôi.

Có người bảo: “thế gian vẫn còn lắm kẻ không biết cắn rứt lương tâm, thì quê là gì mà họ phải nhớ?” Câu nói như kiểu giận lẫy cho những con người không biết cội nguồn, kiểu trách móc nhưng không kể rõ đối tượng. Nhưng thực tế kiểu nói ấy là mong chờ hoặc nhắc nhở những con người “xa quê” về điều mà họ đã hoặc đang quên lãng.

Đất quê hương có phải là vùng đất mà nơi đó tôi được cha mẹ sinh ra trong cuộc đời. Nơi ấy thoảng mùi hương cỏ cây nhìn thì xấu hoắc mà mùi vị tự nhiên chẳng hương nước hoa sang trọng nào có thể thay thế được. Đúng rồi! Mùi cỏ cây nơi ấy lấm mùi bùn tanh, cháy khét của nắng, mùi mằn mặn ngay ngáy của những giọt mồ hôi,…

Đất quê là nơi nuôi ta khôn lớn và là nơi thành lập những thói quen, căn tính lẫn cả cách cư xử trong tương quan con người với nhau. Nó ăn sâu đến nỗi đi tới thành phố rồi mà vẫn “thập thò” qua nhà kế bên bấm cái chuông tự giới thiệu bản thân, xin được làm quen… trong khi người nhà kế bên lo sợ một tay ăn trộm nào đó đang “làm lơ” nhằm “địa” tài sản nhà mình.

Đất quê là nơi người ta biết tất tần tật về nhau. Biết cả điều tốt lẫn điều xấu. Biết luôn cả tông ty họ hàng. Thành ra cứ làm điều tốt đẹp thì đúng nghĩa “cả họ được nhờ”, nhưng làm điều xấu xa thì cả họ cũng “lây” vì cái tiếng xấu ấy. Nhưng nói cho cùng chỉ có đất quê mới đón nhận những đứa con sa cơ thất thế hay đượm mùi xấu xa trở về mà thôi. Nói thì nói vậy, nhưng thương thì thương lắm. “Đánh kẻ chạy đi chớ ai đánh người chạy lại”, rồi người ta có được cơ hội làm lại cuộc đời từ những cú chạy lại, mà chỉ đất quê mới cho ta cơ hội ấy mà thôi.

Mà thương nhất là lúc đất quê chịu nứt nẻ mình ra để dung chứa cái xác không hồn, chịu dung chứa những thứ thối rửa từ thân xác mà dung hòa với lòng đất bao la và sinh ích cho thiên nhiên. Sinh ra tốt đẹp và vui cười cũng trên đất quê và vùi lấp cái thối tha cũng là đất quê.

Mà… hình như có cái Đất Quê nào đó đàng sau cái đất quê đời tạm này. Đời tạm đã nhớ như vậy thì Đất Quê vĩnh hằng ấy còn nhớ hơn nữa. Mong về quê đâu còn chỉ là mong nằm xuống lòng đất, nhưng chỉ mới ngơi nghỉ chút thôi, rồi lại tiếp hành trình về vùng Đất Quê thật.

Muốn về Quê thật phải tạm trú nhiều chặng đường, tôi chợt nhận ra đất quê chôn nhau cắt rốn mới là chỗ trú thôi. Nhưng dù chỉ tạm bợ mà Thượng Đế đã mặc cho những tình cảm đong đầy thế này thì vĩnh hằng còn như thế nào nhỉ! Bao dung, tha thứ, nồng hậu, nhớ nhung…

Chợt thấy hạnh phúc vì có Quê Hương! Quê tạm vẫn chờ ta và Quê thật cũng chờ ta dù ta có ra thế nào!
Về Quê thôi!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Hẹn hò trực tuyến – Thật nản lòng!

Ngày nay, các bạn nữ Công giáo độc thân chẳng dễ dàng gì để tìm …

Tolle Lege: Lời mời gọi đọc sách

Có lẽ nhiều người khó chịu với trào lưu khuyến khích văn hóa đọc. “Với …