“Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời”

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Sống trong đại dịch này, mọi người đều đụng tới phận người monh manh, mỏng dòn, dễ vỡ và rất nghèo nàn của mình, đến nỗi không ai có thể mạnh miệng nói tôi giàu có, tôi quyền lực, tôi mạnh mẽ và tôi rất đạo đức, đến nỗi chú virus nhỏ bé kia đừng hòng đụng đến tôi được.

 

Giữa lòng của đại dịch Coronavirus, tất cả chúng ta đều nghèo như nhau, tất cả chúng ta đều mang trên mình một thân xác, một phận người nghèo và bất cứ lúc nào cũng có thể bị đe doạ và bị lây nhiễm virus.

 

Càng ý thức về sự mỏng dòn này, càng ý thức về phận nghèo đích thực của mình tước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta lại càng được chúc phúc. Đó là nghịch lý của Thánh Kinh, của Đức Tin.

 

Vâng, kẻ bần cùng, người khiêm cung, những tấm lòng tan vỡ được Thánh Vịnh tuyên bố là những người hạnh phúc, trong khi kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ.

 

Hình ảnh người nghèo trong Thánh Kinh luôn được nhắc tới với tình thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho họ.

 

Chúa Giê-su nhắc đến mối Phúc cho kẻ nghèo vì Nước Trời là của họ.

Với tâm tình hướng về người nghèo, người bé mọn, Chúa Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21).

Hơn hết, Chúa Giê-su còn mặc lấy thân phận nghèo hèn của kiếp người. Từ biến cố Giáng Sinh của Chúa trong nghèo nàn, cho đến cái chết thê lương trên Thánh Giá dành cho các tội nhân.

Thánh Phao-lô còn diễn tả Chúa Giê-su mặc lấy thân nô lệ, một thân phận không ai trên trần gian muốn đón nhận.

Ngoài ra, thánh tông đồ dân ngoại còn cho chúng ta nhận ra một hành động tuyệt vời của Chúa Giê-su: Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).

 

Về lời của thánh Phao-lô, thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã suy tư như sau: “Ôi mầu nhiệm nào đối với tôi là mầu nhiệm của sự nghèo khó. Nhưng mầu nhiệm đó sẽ được sáng tỏ, khi tôi chiêm nghắm Chúa Giê-su, Đấng là Thiên Chúa và đã từ bỏ sự giàu sang để trở nên nghèo khó cho chúng ta và với chúng ta”.

 

Thánh Tông đồ viết cho các Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô để khuyến khích họ quảng đại giúp đỡ các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem đang túng thiếu. Những lời này của thánh Phao-lô có ý nghĩa gì?

Đại dịch chúng ta đang trải nghiệm, đi từ Mùa Chay đến mùa Phục Sinh. Thời gian này đánh dấu cuộc vượt qua của Chúa Giê-su, Ngài vượt qua thứ sáu tuần thánh để đến với Chúa Nhật Phục Sinh.

Vâng, dù vẫn còn sống trong bối cảnh của dịch bệnh, nhưng chúng ta vẫn thấy sự giàu có mà con người nhận được qua Chúa Giê-su được khám phá dưới ánh sáng của biến cố vượt qua. Biến cố này vừa tỏ lộ viễn tượng về cuộc đời Đức Giê-su, vừa là tiêu chuẩn đặc thù để hiểu sự khó nghèo của Ngài. Biến cố Phục Sinh đã hiển lộ sự thật về Chúa Giê-su Na-da-rét: Ngài không chỉ là ngôn sứ, mà còn là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa và là Chúa của mọi loài vì Chúa Cha đã trao cho Ngài mọi quyền năng trên trời dưới đất.

Thật vậy, Chúa Giê-su, vốn là Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho nhiều người trở nên giàu có. Khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như Chúa, mà như người tôi tớ, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc Thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy thân xác như thân xác của chúng ta (x.Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta.  

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về tâm tình này như sau: “Thiên Chúa không tỏ mình nơi quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng nơi sự yếu đuối và nghèo nàn: ‘Người vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em…’. Chúa Ki-tô, Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng quyền năng và vinh quang với Chúa Cha, đã chọn trở nên nghèo khó; Người đã đến giữa chúng ta và trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Người đã trút bỏ vinh quang và huỷ mình ra không, để trở nên giống chúng ta trong mọi sự (x.Pl 2,7; Dt 4,15). Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm thật cao cả! Và nguyên nhân của tất cả những điều ấy là tình yêu của Người, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự. Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách… Khi tự ý trở nên nghèo, Chúa Giê-su không tìm kiếm cái nghèo vì chính nó, nhưng như thánh Phao-lô đã nói: ‘để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Người’.

 

Đây không phải là một kiểu chơi chữ hay một khẩu hiệu! Nhưng là tóm tắt lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc của tình yêu, lô-gíc của Nhập thể và Thánh giá. Thiên Chúa không làm cho ơn cứu độ từ trời cao rơi xuống cho chúng ta, như ai đó làm phúc bố thí từ của dư thừa, chẳng có ý nghĩa vị tha và đạo đức. Tình yêu của Chúa Ki-tô thì khác! Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Giô-đan để cho Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, Người làm thế không phải vì cần thống hối hay hoán cải; Người làm điều ấy để ở giữa dân chúng là những người cần ơn tha thứ, ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Người đã chọn con đường ấy để an ủi chúng ta, cứu rỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ. Thật là ấn tượng khi Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Ki-tô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài.

 

Cái nghèo của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta nên giàu có là ở chỗ Người đã làm người, mang lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta.

 

Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho chúng ta được phép trở nên giống Chúa hơn và được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Đó cũng là nét giàu có, và cũng là một ân sủng lớn lao mà chúng ta nhận được.

 

Ngoài ra, thánh sử Gioan nói rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ý thức thân phận mình là những người nghèo thật sự, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không?

 

Làm sao Cha trên trời lại có thể ban cho chúng ta, những kẻ nghèo hèn, Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi tưởng tượng của con người.

Trong thân phận nghèo hèn, đầy giới hạn và thật hư vô của mình, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian.

 

Ôi, kẻ nghèo hèn luôn được Chúa đoái nhìn và trân trọng.

 

Cuối cùng chúng ta cùng cất cao lời Thánh Vịnh:

 

2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.

4 Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.

6 Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.

8 Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
9 Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!”

 

(Tv 33,2-9).

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Đức Thánh Cha chính thức công bố Sắc chỉ về Năm Thánh 2025

Năm Thánh 2025 của Giáo hội Công giáo đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chính …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *