Hãy nhớ rằng, có một cội nguồn, mà từ đó ơn phúc được trào ra, nhưng đó cũng là nơi mà sự nổi loạn nảy sinh. Cội nguồn đó là nỗi đau. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành nỗi đau, và chỉ có Ngài mới có thể ban tặng một quả tim mới. Chỉ có Ngài mới có thể chịu đựng đau khổ mà không cay đắng, và rồi Ngài tiêu trừ nguyên nhân gây ra nỗi đau ấy.
Đối với chúng ta, khi nỗi đau còn ẩn sâu trong tâm hồn, thì nó càng nguy hiểm hơn. Bởi vì nỗi đau ấy, như thường thấy, sẽ tìm thấy trăm ngàn lỗ hổng để thoát ra ngoài, và gây nên đủ loại nỗi đau khác, và đó là lý do gây ra bao nhiêu tội lỗi khác.
Khi nỗi đau quá lớn đến mức không thể chịu nổi, chúng ta có thể kêu cầu, kêu gào lên Chúa là Đấng có thể làm mọi sự, để mong Ngài chấm dứt nỗi đau và xin Ngài lấy lại công lý cho chúng ta, để đảo ngược con đường của kẻ ác. Thế nhưng, bạn thử nghĩ xem, nếu người gây cho bạn tổn thương nhiều nhất lại chính là người bạn yêu thương nhất; thử hỏi, khi đó bạn có còn chút sức lực nào để kêu lên với Chúa thực thi công lý hay không? Chẳng lẽ bạn sẽ không nhân danh tình yêu, mà xin dừng lại cánh tay nhân danh công lý sắp giáng xuống để trừng phạt?
Sự tha thứ có thể xoa dịu và thậm chí chữa lành nỗi đau, chữa lành vết thương. Thế nhưng, chỉ với ơn sủng thì sự tha thứ mới có thể có được, và chỉ với ơn sủng, thì sự chữa lành mới có thể diễn ra. Ơn chữa lành xảy ra khi nỗi đau được chấp nhận như một sự tham dự mật thiết vào nỗi đau của chính Thiên Chúa vì thụ tạo của Ngài. Khi đó, nỗi đau của thụ tạo, bất kể vì lý do gì, sẽ được tham dự vào mầu nhiệm đau khổ của chính Chúa Kitô.
Có một nghịch lý lớn lao ở đây: những gì đáng bị xa tránh theo bản năng, lại trở thành món quà đặc biệt; điều đã từng thúc đẩy cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa, giờ đây được khám phá như là ân sủng thuần khiết. Nghịch lý ấy chính là lẽ khôn ngoan của Thập Giá, là ân sủng tuyệt vời, là đặc quyền của những ai được tuyển chọn.
Quan trọng hơn là, đừng hình dung rằng, bạn có thể đảm bảo trái tim không bị tổn thương do những nỗi đau, bằng cách kìm nén chúng. Nghĩ như thế chỉ là ảo tưởng. Thực tế không phải vậy. Nỗi đau giống như con thú bị thương: nó trở nên hung dữ, ngay cả khi, bình thường nó là con thú hiền lành. Sẽ không thể giữ cho con thú bị thương nằm yên được. Điều chúng ta sẽ phải làm lúc ấy, là cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công mà con thú muốn. Ngay cả khi con thú nằm yên, trong lúc bị thương, thì sự nằm yên ấy chỉ là một sự tĩnh lặng không thật. Bởi lẽ, con thú bị thương sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, sẽ không thể được thuần hóa.
Điều thực sự chúng ta có thể làm là gì? Đó là học cách từ người chủ của con thú. Người chủ nhận ra con chó của anh có một chân bị thương. Anh thận trọng và can đảm tới gần con chó của mình, để chạm tới cái chân bị thương. Mặc cho con chó nhe răng gầm gừ, nhưng người chủ quan tâm, nhìn rõ cái gai cắm vào chân con chó, để lấy cái gai đi, chăm sóc vết thương. Sau khi hết đau và được lành, con chó trở lại rất hiền và ngoan ngoãn nghe theo chủ mình.
Cũng thế, nếu trong trái tim bạn còn những nỗi đau, những vết thương đang rỉ máu, thì việc kiềm chế những đam mê xấu sẽ rất khó khăn. Vì vậy, hãy cầu xin Chúa với sự tin tưởng và kiên nhẫn, để Ngài chữa lành những nỗi đau đang hành hạ bạn, để bạn được tự do.
Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết SJ
Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore,
Introduzione di Daniele Libanori, (San Paolo 2020).
Trong tuần tĩnh tâm mùa chay (từ chiều chúa nhật 21/2/2021 đến trưa thứ sáu 26/2/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo triều Roma và các tín hữu tìm về cùng Thiên Chúa, kín múc nghị lực để đương đầu với những thách đố mới. Vì đại dịch Covid, các vị không tĩnh tâm chung như mọi năm, nhưng mỗi vị tĩnh tâm riêng tại nơi thích hợp. Đức Thánh Cha gửi tặng mỗi vị cuốn sách thiêng liêng giúp suy niệm với tựa đề “Abbi a cuore il Signore” (Hãy có Chúa trong lòng). Sách dầy 320 trang gồm các thủ bản cũ do một đan sĩ thuộc Đan viện thánh Bartolo biên soạn hồi thế kỷ 17, trên từng tờ rời, dường như để hướng dẫn các môn đệ.
Cám ơn các bạn đã đọc và theo dõi 7 bài nối tiếp nhau. Xin được hệ thống lại nơi đây, để thuận tiện cho các bạn muốn đọc liên tục 7 bài cùng lúc. Thực tế, cuốn sách rất hay và dày 320 trang, người dịch chỉ chọn một số đoạn hữu ích cho mọi người trong đời sống thiêng liêng và đời sống thường ngày, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid hiện tại.
Mùa 1: “Hãy có Chúa ở trong lòng” – Yếu đuối, tật xấu, nỗi đau và cô đơn
2- Chúa đến gặp bạn ngay trong tâm hồn giữa những yếu đuối
3- Cuộc sống là người thầy đích thực của khôn ngoan
4- Cách chiến thắng đam mê tật xấu
5- Khi nỗi đau cần được chữa lành
6- Những nguy hiểm ta đối diện khi cô đơn
7- Nhận định là ơn cần xin và là khả năng cần tập luyện
Mùa 2: “Hãy có Chúa ở trong lòng” – Cuộc chiến đấu nội tâm
1- Đời sống thiêng liêng là gì đây?